Nhiều phụ huynh và những người làm chuyên môn về giáo dục trẻ em đang nhầm lẫn giữa em bé bị chậm nói đơn thuần với em bé bị rối loạn phổ tự kỷ. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ cung cấp thông tin giúp nhận diện một em bé chậm nói đơn thuần để chúng ta những sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời và tận dụng giai đoạn phát triển vàng của não bộ.
Nhận diện em bé phát triển ngôn ngữ bình thường
Khi sinh ra một em bé phát triển bình thường đều phát ra những âm thanh ọ ọe và những âm thanh đó không kèm theo bất kỳ một thông điệp giao tiếp nào nên chưa được gọi là ngôn ngữ giao tiếp. Sau đó lớn lên trong quá trình sinh sống cùng với gia đình, các em bé bắt đầu nhận ra âm thanh có thể thể hiện được những mong muốn của mình. Đến 9 tháng tuổi thì những tiếng bập bẹ của các em đã đi kèm với những cử chỉ điệu bộ của cơ thể để gửi thông điệp giao tiếp đến người đối diện. Và ở thời điểm này, bé đã bắt đầu có phản ứng với những tiếng động lớn hoặc những điều bất ngờ xảy ra. Bé cũng hiểu được các yêu cầu đơn giản của những người xung quanh như là “Nắm tay đi” hoặc là “Bye bye”.
Trong giai đoạn từ 1 – 3 tuổi thì các em bé phát triển ngôn ngữ rất nhanh bởi não bộ trẻ em ở thời điểm này mở hoàn toàn. Môi trường xung quanh luôn thu hút các em quan tâm và tò mò khám phá. Chính vì thế việc quan sát lắng nghe người lớn nói và âm thanh của cuộc sống đã khiến vốn từ của các em phát triển rất nhanh. Đến khoảng 3 tuổi thì một em bé phát triển bình thường có thể có vốn từ từ 200 – 400 từ tùy thuộc vào năng lực phát triển ngôn ngữ của bé. Và cũng tùy thuộc vào giới tính để có những vốn từ cụ thể khác nhau. Trong giai đoạn này, các em bé đã hoàn toàn sử dụng được ngôn ngữ là lời nói để thể hiện nhu cầu của bản thân. Ở thời điểm này, bé có thể đáp ứng được các yêu cầu phức tạp hơn của người lớn như là những yêu cầu nhiều mệnh lệnh.
Nhận diện em bé chậm nói đơn thuần
Chúng ta có thể thấy sự phát triển của một em bé bình thường trong giai đoạn từ 0 – 3 tuổi là rất tốt. Vậy một em bé chậm nói sẽ có những khác biệt như thế nào với một em bé phát triển bình thường? Cha mẹ cần phải chú ý tới một số dấu hiệu sau:
Ngôn ngữ cơ thể
Trong giai đoạn 12 tháng, con hầu như không sử dụng các cử chỉ điệu bộ cơ thể để thể hiện những điều bé muốn chia sẻ hoặc nhu cầu của em bé. Cho đến 18 tháng tuổi, các cử chỉ và điệu bộ cơ thể lại được em bé sử dụng rất nhiều như một cách thức chủ yếu để thể hiện nhu cầu của bản thân. Bé rất ít khi sử dụng vốn từ để diễn đạt những điều mình mong muốn. Và ở trong giai đoạn này, các em bé cũng bắt đầu hiểu được những yêu cầu của người lớn nhưng số lượng từ mà em bé hiểu được còn hạn chế. Chính vì thế việc đáp ứng những yêu cầu đang còn gặp những khó khăn và chưa thể thực hiện được một cách thành thục và trơn tru như một em bé phát triển bình thường.
Khó khăn trong việc bắt chước ngôn ngữ
Một em bé trong giai đoạn từ 1 – 3 tuổi phát triển ngôn ngữ chậm thì bé sẽ thể hiện sự khó khăn trong việc bắt chước ngôn ngữ và âm thanh. Số lượng từ em bé bắt chước được khá là ít, bé thường lặp đi lặp lại những cụm từ và từ đơn quen thuộc. Bé rất ít khi tự nghĩ ra được những từ để thể hiện nhu cầu của bản thân hoặc biểu đạt những điều muốn chia sẻ hay nói chuyện với những người xung quanh. Trong giai đoạn này, vốn từ của bé cũng chưa nhiều, thường sẽ chỉ dưới 100 từ. Điều đó dẫn đến việc bé đáp ứng các yêu cầu của người lớn còn hạn chế, bé hầu như chỉ hiểu được các cách yêu cầu một mệnh lệnh hoặc cần phải có sự chỉ dẫn nhiều hơn đối với một em bé phát triển bình thường.
Phát âm khác thường
Một em bé bị chậm nói đơn thuần thường có cách phát âm rất khác thường so với một em bé phát triển bình thường. Bé thường có những âm thanh the thé hoặc giọng mũi, giống như một nhân vật hoạt hình hoặc là tiếng của một con vật. Đôi khi chúng ta không nghe được em bé đang nói gì. Bên cạnh đó, cách diễn đạt từ ngữ của em bé cũng khá khó hiểu. Theo mức độ phát triển bình thường thì chúng ta sẽ hiểu được khoảng 1/2 số từ mà em bé 2 tuổi nói, 2/3 số từ khi bé 3 tuổi và chúng ta có hiểu được hoàn toàn những gì em bé 4 tuổi diễn đạt. Nhưng với một em bé chậm nói đơn thuần thì cấu trúc từ trong câu khá lộn xộn hoặc phát âm bị ngọng khiến chúng ta khó có thể hiểu được thông điệp của bé.
Sự khác biệt của một em bé chậm nói đơn thuần với một em bé rối loạn phổ tự kỷ
Những em bé bị chậm nói đơn thuần thì phần vận động của các em vẫn phát triển bình thường. Các em vẫn có sự chú ý và có nhu cầu giao tiếp kết nối mọi người. Các em cũng có thể giao tiếp mắt, có khả năng đọc cảm xúc của người khác, khả năng bắt chước và thể hiện những cảm xúc trên khuôn mặt của mình. Và đặc biệt các em bé bị chậm nói đơn thuần cũng có khả năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp.
Những lưu ý cho cha mẹ
Sự ảnh hưởng từ môi trường, từ khí hậu có thể gây ra những rối loạn nhất định cho sự phát triển não bộ của trẻ em và nó cũng khiến cho em bé bị chậm nói. Bên cạnh đó, hiện nay, khoa công nghệ phát triển, nhà nào cũng có TV và điện thoại, có thể có cả điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính. Cơ hội được tương tác và sử dụng những thiết bị công nghệ từ sớm khiến cho các em bé có cái nguy cơ bị chậm nói nhiều hơn. Bởi lẽ những thiết bị trên đều là những công cụ giao tiếp một chiều. Nó không xấu, không sai nhưng nếu các em bé sử dụng quá nhiều và sử dụng một mình thì điều đó sẽ là những khó khăn cho sự phát triển ngôn ngữ của các em.
Chính vì thế các cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân tạo ra sự chậm nói của con mình và chúng ta sẽ cùng với gia đình, giáo viên sắp xếp lại môi trường, thay đổi cách giao tiếp với con, dành nhiều thời gian hơn để chơi và nói chuyện với con. Điều đó sẽ giúp cung cấp vốn từ cũng như gia tăng khả năng diễn đạt của con, để con có thể phát triển ngôn ngữ kịp với độ tuổi của mình.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com