Nghiên cứu cho thấy cứ khoảng 20 người thì có 1 người bị rối loạn xử lý cảm giác. Và nó xảy ra không chỉ ở những người bị rối loạn phát triển mà ở cả những người phát triển bình thường. Bởi vì tất cả những thông tin chúng ta có được để học tập đều thông qua những giác quan. Đó là quá trình thu nhận thông tin từ các kích thích bên ngoài, qua các giác quan đi vào bộ não phân tích để từ đó cho ra những phản ứng khác nhau. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ về rối loạn xử lý cảm giác chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn về các “hành vi xấu” của con cũng như là tìm ra phương án hỗ trợ cho con phát triển một cách tích cực nhất.
Nguyên nhân của rối loạn xử lý cảm giác
Cơ thể của chúng ta có 8 loại giác quan, trong đó có 5 giác quan bên ngoài và 3 giác quan bên trong. 5 giác quan bên ngoài gồm: thị giác, khứu giác, tính giác, vị giác và xúc giác. 3 giác quan bên trong gồm có: giác quan nội cảm, giác quan tiền đình và giác quan bản thể. Các kích thích từ môi trường bên ngoài tác động lên các giác quan, các giác quan sẽ truyền trực tiếp thông tin nhận được vào não bộ. Não bộ sẽ nhận thông tin, phân tích và giải mã các thông tin này. Và khi giải mã xong thông tin này thì não bộ của chúng ta sẽ truyền thông tin về các nhóm cơ vận động và các nhóm cơ vận động sẽ truyền tin tới các cơ quan của chúng ta để chúng ta có những hành động hay những cái phản ứng với các kích thích từ bên ngoài.
Ví dụ như khi chúng ta sờ tay vào cốc nước nóng thì ngay lập tức chúng ta rụt lại. Bởi vì việc đầu tiên khi xúc giác của ta chạm vào vùng nóng, thông tin đầu vào là cảm giác nóng này sẽ đưa thẳng qua xúc giác vào trong não bộ của chúng ta. Não bộ sẽ giải mã thông tin trong tích tắc và truyền tới các nhóm cơ cánh tay, cơ khửu tay của chúng ta để ngay lập tức chúng ta có hành động là rụt tay lại. Đó chính là hành động để chúng ta phản ứng với kích thích bên ngoài, để bảo vệ cơ thể an toàn trước nguy hiểm.
Tuy nhiên, những người bị rối loạn xử lý cảm giác thì hệ giác quan của họ và phần giải mã thông tin cho bộ não con người khi xử lý các thông tin từ giác quan đi vào nó không theo cấu trúc thông thường. Điều đó dẫn đến việc nhận thông tin, truyền thông tin và xử lý thông tin gặp khó khăn trong việc cô đọng, chọn lọc các thông tin quan trọng. Và điều đó khiến cho họ có những hành vi chưa phù hợp, bất thường so với những người cùng tuổi hoặc trong cùng 1 môi trường sinh sống.
Sự cần thiết phải tìm hiểu về rối loạn xử lý cảm giác ở trẻ tự kỷ
Vậy nên chúng ta có thể thấy giác quan là vô cùng quan trọng và cần thiết để dạy cho 1 em bé bị rối loạn phát triển. Một ngôi nhà muốn vững chắc phải xây từ nền móng. Muốn con phát triển tốt chúng ta cần phải giúp con ổn định và phát triển hệ thần kinh của con mà gốc rễ chính là 8 giác quan này. Vì vậy nếu chúng ta có những em bé bị rối loạn xử lý giác quan thì nhất định chúng ta phải giúp các em bé ổn định giác quan trước khi lên các tầng cao hơn như là học tập.
Bên cạnh đó, mỗi giác quan đều có 1 ngưỡng khác nhau. Đó chính là khả năng mà con người phản ứng lại với các kích thích từ bên ngoài. Ví dụ có những người ăn rất cay và khi ăn rất cay thì họ mới xuýt xoa và dừng tăng lượng cay lại. Những cũng có những người chỉ chạm 1 chút cay thôi là họ đã dừng lại rồi.
Muốn biết 1 em bé có bị rối loạn giác quan hay không, cha mẹ cần phải tìm đến những chuyên gia, những nhà trị liệu giác quan, trị liệu hoạt động để quan sát, đánh giá, giúp chúng ta hiểu được hệ thống giác quan của con có bị rối loạn không, rối loạn ở đâu và ở mức độ nào để có liệu pháp phù hợp.
Rối loạn dưới ngưỡng
Dưới ngưỡng là khi hệ giác quan của con như 1 cái cốc rất lớn. Các thông tin từ môi trường bên ngoài truyền vào qua các giác quan chỉ đạt tới 1 nửa của cốc, nó chưa chạm ngưỡng để con có thể cảm nhận được và có những phản hồi với kích thích bên ngoài. Vậy nên con vẫn luôn khao khát và mong muốn tìm kiếm thêm kích thích để có phản ứng lại với các kích thích.
Như vậy 1 em bé dưới ngưỡng tiền đình sẽ có xu hướng chạy nhảy nhiều hơn, thậm chí là “trồng cây chuối”, lộn nhào, trèo leo, đu bám và liên tục tay chân. Chúng ta rất dễ cho rằng những em bé này bị tăng động. Vì vậy, muốn biết chính xác em bé có tăng động hay chỉ rối loạn xử lý giác quan thì chúng ta cần phải tìm đến những nhà chuyên môn để kiểm tra và có các hoạt động trị liệu phù hợp.
Trong trường hợp này, cần phải tạo ra các hoạt động trị liệu liên cung cấp các kích thích về tiền đình để con đến được ngưỡng và phản hồi được các kích thích từ bên ngoài. Lúc đó thì cơ thể của con mới ở trạng thái ổn định được. Tương tự với tiền đình thì các giác quan khác cũng vậy.
Rối loạn trên ngưỡng
Ngược lại, có những em bé rất nhạy cảm và dễ cảm thấy quá tải chẳng hạn như bịt tai hoặc nheo mắt mới có thể nhìn. Hoặc có những em bé rất kén đồ ăn, rất nhạy cảm ở vùng vị giác. Tất cả những hành vi khó thay đổi, khó thích nghi, sợ hãi với 1 cái gì đó, không dám thử, từ chối những thông tin, những kích thích ở bất kỳ 1 vùng giác quan nào được gọi là cái cốc bé. Bởi vì khi thông tin đi vào chỉ 1 chút thôi thì cái cốc đã hết sức chứa, nước tràn ra ngoài. Điều đó có nghĩa là ngưỡng mà các em bé phản ứng với kích thích đã đạt rồi và các em từ chối nhận thêm kích thích.
Chính vì thế lúc này các em bé sẽ ngừng lại, thu mình lại và không tham gia để tìm kiếm 1 cảm giác, 1 thông tin bên ngoài nào cho các giác quan của mình nữa. Đây chính là rối loạn trên ngưỡng về giác quan.
Lưu ý cho cha mẹ
Chẳng hạn có những em bé rất thích ôm, ghì vào người ai đó hoặc rất thích thơm ai đó hoặc ngửi mùi nào đó, hoặc rất thích cắn gặm các loại đồ chơi,… Tất cả những hành vi mà chúng ta cho là “xấu” đó đều bắt nguồn từ rối loạn xử lý cảm giác.
Khi cha mẹ không hiểu được căn cơ, chúng ta rất dễ kiểm soát hành vi của các con, ngăn cấm con. Ở thời điểm đó, hệ giác quan của con không đạt được ngưỡng để cảm nhận thì các con sẽ cảm thấy khó chịu. Và các em sẽ tìm kiếm các hành vi thay thế để ổn định hệ giác quan của mình.
Vậy nên chúng ta đừng vội dập tắt các hành vi của các con mà cần tìm hiểu, quan sát để hiểu được hành vi của con. Cha mẹ có thể tìm đến những nhà chuyên môn để kiểm tra và được hỗ trợ để hiểu hơn về hệ thống cảm giác của con. Để từ đó có liệu pháp phù hợp hoặc tìm ra các hoạt động tích cực hơn, không làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh mà vẫn cung cấp được thông tin đầu vào cho giác quan của con để con cảm thấy ổn định và thoải mái trước khi thực hiện các hoạt động tiếp theo.
Hy vọng những thông tin cô Huyên chia sẻ ở trên sẽ giúp cho các cha mẹ có sự hiểu biết cơ bản về rối loạn xử lý cảm giác ở các em bé bị rối loạn phát triển, để từ đó chúng ta hiểu con hơn và có biện pháp can thiệp tốt nhất cho con.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com