Nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi tại sao 1 em bé bị rối loạn phổ tự kỷ thì chạy nhảy liên tục mà không cảm thấy mệt? Vì vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ những kiến thức để giải đáp thắc mắc này cũng như cách ứng phó để chúng ta biến những hoạt động của các em trở thành 1 hoạt động có ý nghĩa cho việc tương tác và khả năng học tập được nâng cao.
Việc chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên nhân, về hướng giải quyết sẽ giúp chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn cho hành trình dài hạn chúng ta đồng hành cùng con. Nó sẽ giúp chuyển biến những hành vi tiêu cực của con đang khiến chúng ta bức xúc trở thành sự thấu hiểu và chúng ta sẽ tận hưởng hành trình cùng con hơn là bắt con phải phát triển theo cách mà xã hội hoặc cha mẹ đang cần ở con.
Rối loạn giác quan
Rối loạn phổ tự kỷ đó là suy giảm chức năng giao tiếp và tương tác xã hội. Một em bé tự kỷ bị bó hẹp, dập khuôn và định hình các hành vi. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy có tới > 90% các em bé bị rối loạn phổ tự kỷ sẽ có những rối loạn giác quan đi kèm. Mà tất cả mọi thông tin đi vào bộ não đều thông qua các giác quan. Sau đó, bộ não sẽ đón nhận, tổng hợp các thông tin để có những câu trả lời được biểu lộ qua cách chúng ta phản ứng với sự kiện đó hay chính là hành động của chúng ta.
Ở trẻ tự kỷ, những rối loạn về xử lý giác quan dẫn đến bộ não của các em chưa thể xử lý và phân tích thông tin cũng như là phản hồi một cách bình thường được. Các giác quan của trẻ chưa ổn định và chưa cảm nhận tốt nên các em cần phải tìm kiếm thông tin và cảm nhận cơ thể của mình rõ ràng hơn trước khi các em có thể an tâm thoải mái để quan tâm tới đồ chơi hay những người xung quanh cũng như là điều chỉnh được trạng thái ổn định trong cơ thể.
Các cha mẹ cần có sự nghiên cứu sâu hơn bằng cách tham gia các khóa học về rối loạn xử lý giác quan để hiểu hơn về vấn đề vận động và giác quan của con. Đối với những gia đình có em bé bị rối loạn phổ tự kỷ, đó thực sự là một hành trình rất dài và các cha mẹ cần tham gia học từ những người có chuyên môn, những người đã chia sẻ và hướng dẫn cho các thế hệ cha mẹ ở Việt Nam thời điểm hiện tại về rối loạn vận động giác quan.
Trong cơ thể của chúng ta có giác quan về tiền đình hỗ trợ về vận động thăng bằng của con người, giác quan bản thể giúp chúng ta cảm nhận về cơ thể của mình. Chúng ta sẽ cảm nhận được trọng lực của cơ thể, các hoạt động về cơ, về khớp cũng như khi chúng ta vận động. Một giác quan nữa đó là giác quan nội tạng. Nó là giác quan hành xử. Đơn giản như chúng ta bị say xe là do chúng ta bị rối loạn xử lý giác quan tiền đình. Vậy nên rối loạn xử lý giác quan xảy ra ở cả những người bình thường lẫn các em bé bị rối loạn phổ tự kỷ. Và chúng ta sẽ cần được theo dõi, quan sát rất nhiều ở những thời điểm khác nhau trong ngày để có thể đưa ra được lộ trình ổn định hoạt động các giác quan.
Những em bé bị rối loạn phổ tự kỷ chạy nhảy liên tục là bởi các em đang tìm kiếm cảm giác về hoạt động và vận động của cơ thể. Đó có thể là cảm giác về hoạt động thăng bằng tiền đình hay là hoạt động vận động, cảm nhận trọng lực hoặc vận động cơ thể của các em. Khi cơ thể của các em chưa có cảm nhận rõ ràng về bản thân mình thì các em cũng không có khả năng tập trung chú ý và quan sát cũng như chơi, học tập một điều gì đó hay là lắng nghe một ai đó nói. Bởi vì chính trong cơ thể của các em đã không có một cảm nhận an toàn về cơ thể của mình, đó là cảm giác rất chơi vơi.
Và với chúng ta, với những người làm cha mẹ, nếu chúng ta rơi vào trạng thái chúng ta không biết chúng ta là ai, chúng ta ở đâu và chúng ta đang như thế nào thì chúng ta cũng lo lắng, chúng ta cũng không thể tập trung vào để thực hiện 1 hoạt động hoặc 1 nhiệm vụ nào đó. Chính vì thế đối với những em bé bị rối loạn phổ tự kỷ, đang gặp khó khăn về cả hệ thống giao tiếp, về việc thể hiện cảm xúc, về việc chia sẻ bằng ngôn ngữ diễn đạt, khó khăn về việc dùng lời nói để diễn tả được vấn đề mà các em đang gặp khó khăn lại càng khiến cho các em không biết cách giải quyết vấn đề của mình.
Hành động vận động chạy nhảy là cách giúp cho em bé có thể tự mình tìm kiếm được cảm giác an toàn của cơ thể, cảm nhận được cơ thể của mình rõ ràng hơn. Chúng ta không thể yêu cầu em bé ngồi lại và không được chạy nữa. Thậm chí ở thời điểm đó nếu chúng ta có dùng dây buộc các em bé lại thì em bé vẫn vận động bằng nhiều cách như rung lắc, lắc đầu, liếc mắt,… Tất cả những hoạt động đó giúp các em cảm nhận về vận động từng bộ phận của cơ thể. Khi chúng ta yêu cầu những người bị rối loạn xử lý giác quan mà họ đang tìm kiếm cái cảm giác để cảm nhận cơ thể đó phải dừng lại thì họ sẽ cảm thấy rất khó chịu, bứt rứt và chắc chắn những hành vi tiêu cực sẽ xảy ra.
Giải pháp cho cha mẹ
Điều tốt nhất chúng ta có thể làm ở thời điểm này đó là chúng ta cần phải bắt tay vào học tập để có thêm kiến thức. Và lúc đó chúng ta sẽ thực hiện các bài tập vận động để ổn định và điều hòa giác quan cho con để con có cảm nhận về cơ thể tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải hỗ trợ con khi con đang rơi vào trạng thái chạy nhảy liên tục như thế. Chúng ta cũng cần phải tổ chức các hoạt động chơi có ý nghĩa nhưng lại cung cấp được nhu cầu giác quan cho con. Đó có thể là các hoạt động vận động, chạy nhảy, đuổi bắt… Đó là 1 cách để chúng ta có thể cung cấp thức ăn cho giác quan của con để con có cảm giác được vận động thoải mái. Các em có thể nghe, nhìn, quan sát và được hỗ trợ để bắt chước các hoạt động thì đó sẽ là những hoạt động rất ý nghĩa để hỗ trợ cho các em phát triển ngày một tốt hơn. Và khi chúng ta cung cấp được bữa ăn giác quan thì những hành vi thừa, những hành vi xấu sẽ không được bộc lộ ra.
Còn nếu chúng ta càng ép, càng bó buộc nó lại thì trong nó vẫn âm ỉ một hòn than. Nó sẽ ngấm dần theo ngày tháng và làm cháy bùng lớp vỏ ngoài cùng những thứ xung quanh. Bởi vì ở bên trong nó vẫn khao khát và cần tìm kiếm cảm nhận cơ thể một cách ổn định. Chính vì thế với giáo dục đặc biệt, nếu như chúng ta đang sử dụng cách thức yêu cầu đứa trẻ phải dừng lại những hành vi mà chúng ta coi là không phù hợp với giao tiếp và với hòa nhập ở bên ngoài thì đó là bởi vì chúng ta đang áp đặt và chưa đặt mình vào vị trí của em bé để hiểu.
Cha mẹ hãy nhớ rằng trẻ con sẽ thật sự phát triển và hoàn thiện bản thân qua vận động, qua việc vui chơi chứ không phải việc ngồi để học một loại chữ nào đó loại màu nào đó hay là ngậm ngùi nhìn vào ai đó để được nghe cái gì đó và học nói. Hãy học nói qua chơi, qua vận động và qua công việc tự phục vụ bản thân cũng như là các hoạt động làm việc nhà, … Điều đó sẽ giúp phát triển cả vận động ổn định giác quan, giúp gia tăng nhận thức và bắt chước được vốn từ cũng như gia tăng sự kết nối và học cách giải quyết các vấn đề 1 cách tốt hơn.
Chúng ta sẽ phải duy trì 1 hành trình tập luyện để ổn định cơ thể lâu dài. Vì vậy các cha mẹ hãy thật sự nghiêm túc để học tập kiến thức về việc giúp con học nói, giúp con phát triển vốn, từ giao tiếp cũng như là hỗ trợ về hành vi của con. Nhưng chắc chắn có 1 vấn đề không được phép bỏ qua đó là với những em bé bị rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ cần phải hiểu về rối loạn giác quan và xử lý nó như thế nào thông qua các bài tập điều hòa và ổn định giác quan.
Bên cạnh đó, vận động sẽ giúp cho giác quan ngày càng phát triển và ổn định hơn. Vì vậy hãy cho con có nhiều cơ hội hơn để thực hiện các công việc tự phục vụ bản thân cũng như hỗ trợ cha mẹ thực hiện các công việc trong nhà. Điều đó sẽ giúp hoàn thiện hơn hành trình phát triển về nhận thức, về giao tiếp, ngôn ngữ, về kỹ năng cũng như là ổn định hệ thống giác quan có thể vận hành tốt và phát triển toàn diện cho con.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com