Ở bài viết trước cô Huyên đã chia sẻ với các cha mẹ nguyên nhân tại sao các em bé phát triển bình thường lại thích nói và hát một mình. Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng tiếp tục tìm hiểu thực trạng này ở những em bé đặc biệt cha mẹ nhé.

Tại sao trẻ thích nói và hát 1 mình (tiếp)

  1. Nhu cầu giao tiếp

Rất nhiều em bé khi mới bắt đầu học nói đã gặp phải những khó khăn nhưng khi nó được rồi thì các em hát liên tục cả ngày. Thậm chí em bé hát cả khi ăn, khi tắm, lúc ngồi chơi, hát tự do trong lớp, … Nhưng khi đến môi trường hòa nhập thì các thầy cô sẽ kiểm soát điều đó bằng các quy tắc của lớp học. 

Chúng ta phải hiểu rằng lúc này con đang có mong muốn được giao tiếp, được thể hiện nhu cầu, thể hiện bản thân. Khi các em bé phát hiện ra 1 hoạt động nào đó trong cuộc sống là điểm mạnh của mình và được cha mẹ, thầy cô khen thì các em rất muốn thể hiện nó ra để được người khác chú ý, quan tâm, khen ngợi, ghi nhận. Đó chính là mong muốn được giao tiếp và được kết nối ở các em. Và ở thời điểm đó, khả năng học tập về phát triển giao tiếp của các em đang luôn luôn mở. Chúng ta có thể dạy và hướng dẫn các em học cách giao tiếp tốt. 

Hoặc là nhiều trẻ cứ nói, thậm chí không biết mình nói cái gì. Một là nếu đó là mong muốn giao tiếp thì có thể các em đã gửi thông điệp để ai đó đến bên cạnh và chơi với các em. Nó có thể là ánh mắt mà các em gửi tới đối tượng nào đó khi các em nói và các em chơi. Hoặc kể cả không chủ động gửi đến 1 ai đó nhưng người ta thấy em nói và người ta chạy lại chơi cùng em thì em sẵn sàng dừng cái việc nói đó để kết nối với người khác. Đó được gọi là nhu cầu giao tiếp khi các em muốn thể hiện là tôi đang muốn chơi và tôi muốn kết nối. 

  1. Trấn an bản thân

Trường hợp con hát không phải bởi vì con muốn được giao tiếp, kết nối mà do môi trường xung quanh khiến con bị xao nhãng hoặc các con cảm thấy không an toàn hoặc ở môi trường xung quanh có âm thanh nào đó khiến cho con có cảm giác lo lắng, lo sợ thì con sẽ tự hát lặp đi lặp lại 1 bài hát hoặc 1 đoạn điệp khúc nào đó. 

Nó có thể là bài hát đã được hát ở nhà cùng bố mẹ rất nhiều lần và là bài hát mà các em luôn cảm thấy thoải mái khi hát. Lúc đó các em đang cố gắng sử dụng bài hát đó để lọc dần các âm thanh gây nhiễu, âm thanh khiến các em cảm thấy không an toàn. Điều này giúp con có thể dễ dàng điều chỉnh được hoạt động của não bộ và thời điểm đó thì con sẽ quay trở về vùng an toàn của mình.

Trong trường hợp các em cảm thấy lo lắng hoặc bối rối thì các em sử dụng kỹ thuật đó để trấn an bản thân, để cảm nhận cơ thể rõ hơn và lọc bớt những điều khiến các em không muốn nghe đó. Hoặc là khi các em tập trung vào những điều bản thân nói và tay hoạt động thì cũng giúp cho em có cảm giác là mình được an toàn. Vậy trường hợp này chúng ta cần phải để ý tới góc độ về rối loạn cảm giác về giác quan của con. 

Giải pháp cho cha mẹ

Sau đây là một vài gợi ý mà cha mẹ có thể sử dụng để hỗ trợ điều hòa giác quan đối với nhưng em bé nói/ hát nhiều/ hát lặp đi lặp lại trong trường hợp các em bé lo lắng hoặc giác quan chưa ổn định. 

  1. Tôn trọng con

Chúng ta không được phép cấm các em bé hát hay yêu cầu em bé dừng lại. Chúng ta phải tôn trọng con, tôn trọng tiếng hát/lời nói đó. Đơn giản bởi vì giác quan của con đang cần. Nếu chúng ta áp đặt con phải dừng lại ở thời điểm mà con đang có nhu cầu giác quan thì con rất dễ có những hành vi tiêu cực như là chiến lại hoặc biến luôn. Có nghĩa là con sử dụng não dưới để giải quyết vấn đề, từ chối tham gia 1 cái gì đó, quay ra 1 hoạt động khác hoặc con sẽ cáu và dễ cảm thấy bị xung đột với yêu cầu của cha mẹ. 

  1. Tìm hiểu nguyên nhân

Sau khi đã thực hiện được bước 1 thì chúng ta cũng cần phải tìm hiểu các thông tin là loại âm thanh nào hay những bối cảnh môi trường nào khiến các em có sự lo lắng. Từ đó chúng ta có thể chuẩn bị cho các em các dụng cụ để sử dụng tại môi trường hòa nhập. Đến đoạn giác quan quá giới hạn chấp nhận thì các em sẽ phải tự tìm 1 hoạt động khác mà các em cảm thấy an tâm và thoải mái. Ví dụ chúng ta có thể chuẩn bị tai nghe cho các em đến lớp.

Nếu như không gian quá yên tĩnh, một số em cũng cảm thấy sợ. Khi các em lo lắng thì hãy để các em đeo tai nghe và dạy cho các em cách sử dụng, dạy cho các em biết cách nghe là gì và hát theo âm nhạc là gì. Hai cái khái niệm đó hoàn toàn khác nhau và chúng ta phải tập ở nhà để em biết rằng là đến lớp thì chúng ta phải im lặng nhưng chúng ta được phép nghe và khi nghe đó thì chúng ta chỉ nghe thôi mà không phát ra âm thanh làm ảnh hưởng người khác. 

Bởi lúc đó môi trường âm nhạc đã giúp cho con an toàn rồi. Con cũng cần phải hiểu quy tắc của lớp học. Và cái hành trình mà chúng ta dạy để con có thể thực hiện được công việc trên thì chúng ta cần phải có quá trình luyện tập ở nhà cũng như là từng bước một xây dựng chương trình trị liệu cho con. Hoặc chúng ta có thể dạy con sử dụng tranh giao tiếp để thể hiện cho người đối diện biết là tôi không chịu được nữa, tôi muốn dừng lại. 

  1. Phối hợp vận động

Một gợi ý cho cha mẹ khi ở nhà mà con hát/nói lặp lại và chơi 1 mình thì chúng ta hãy khuyến khích con di chuyển để con thích nghi và làm quen dần với cảm nhận âm thanh. Và như vậy con cũng sẽ có 1 cảm giác an toàn cho cơ thể, con cũng sẽ thoải mái thích nghi và đón nhận dần hoạt động xung quanh. Thay vào đó thì chúng ta mở nhạc ra và cho con di chuyển theo âm thanh. Việc phối hợp vận động và âm nhạc cũng tốt hơn là con chỉ ngồi 1 chỗ và hát lặp đi lặp lại 1 ca khúc nào đó. 

Không chỉ vậy, khi có người đồng hành bên cạnh, con sẽ cảm nhận được sự an toàn và cùng họ thực hiện các hoạt động 1 cách thoải mái vui vẻ. Chúng ta cần cố gắng lên kế hoạch để giao tiếp, kết nối được với con bằng các kỹ năng nền tảng cũng như là cung cấp đầu vào giác quan cho con. Cha mẹ cũng cần tôn trọng trẻ ở thời điểm con đang thực sự cần thức ăn giác quan, thời điểm con đang gặp rối loạn cơ thể. Như vậy sẽ giúp con cảm thấy an toàn và cảm nhận bản thân mình tốt hơn. 

  1. Quan sát, lắng nghe

Trường hợp tiếp theo là trẻ đang có xu hướng nói chuyện 1 mình mà quên cả sự tiếp cận của những người xung quanh. Con cứ nói luyên thuyên những thứ mà mình không hiểu, lặp đi lặp lại một ấn tượng nào đó. Ví dụ con đi sở thú cùng cha mẹ và thời điểm ngồi chơi hoặc học bài hoặc ăn cơm con cũng nói về chủ đề đó. Ví dụ như con cá sấu ở trong bể. Và cứ lặp đi lặp lại câu nói đó trong những hoạt động sinh hoạt cùng mọi người. 

Chúng ta phải hiểu rằng ở thời điểm đó con đang mong muốn được nói về chủ đề con ấn tượng hoặc con thích. Vậy những người làm cha mẹ hay những người làm giáo viên, khi chúng ta nghe được những điều con nói thì chúng ta không được phớt lờ trẻ. Việc của chúng ta là lắng nghe xem cách con nói theo xu hướng con thích hay con đang muốn thể hiện hay theo xu hướng đề cập đến những thứ trẻ sợ và trẻ muốn dùng lời nói đó để dọa 1 ai đó hay phản ứng lại hoạt động nào đó. 

Ví dụ 1 học sinh quá ngưỡng của việc học viết. Bạn ấy nói rằng “cá sấu”, “bác sĩ, “phù thủy”,… gọi 1 loạt tên của các nhân vật mà bạn ấy cảm thấy sợ. Thì vào thời điểm mà con hết ngưỡng chịu đựng rồi thì con có thể sử dụng các âm thanh, từ ngữ lặp lại rất nhiều lần để gửi thông điệp rằng tôi muốn dừng lại. Nhưng bạn nhỏ này chưa biết nói những câu như “Mẹ ơi con muốn dừng lại”… Trường hợp này đòi hỏi cha mẹ phải có kỹ năng nghe, kỹ năng quan sát để có thể hiểu con mình. 

  1. Chuẩn bị cho môi trường hòa nhập

Chúng ta cần quan sát suốt hành trình con ăn, chơi, ngủ, nghỉ, sinh hoạt để hiểu con và chúng ta cũng cần phải cung cấp 1 mẫu câu phù hợp nhất để dạy con giao tiếp với những người ở môi trường hòa nhập. Bởi vì có thể ở môi trường gia đình, khi con nói “cá sấu cắn” thì chúng ta hiểu là con đang muốn dừng lại. Nhưng ở môi trường hòa nhập trong bối cảnh đang ngồi viết bài thì các cô cũng không thể hiểu được con đang muốn truyền tải thông điệp gì. Vậy thì vô tình những tác động bên ngoài đang ngược với nhu cầu của con thì con sẽ có những hành vi tiêu cực như tự cắn vào tay, tự đánh vào đầu hoặc hét toáng lên giữa lớp. 

Trường hợp chúng ta đã xác định được là không phải con sợ mà con đang nói về điều con ấn tượng, con thích thì chúng ta hãy dành thời gian để nói về những chủ đề đó theo quy định là lúc nào chúng ta được phép nói và ở thời điểm nào thì ta không nói. Ví dụ trong bữa cơm chúng ta sẽ không nói về chuyện con sư tử mà chỉ tập trung ăn cơm và nói về cảm nhận bữa cơm chẳng hạn. Còn vấn đề về sư tử thì chúng ta sẽ nói với con vào lúc bữa ăn đã kết thúc chẳng hạn. 

Khi đó, đứa trẻ có cơ hội được cha mẹ nạp thêm vốn từ, nạp thêm kiến thức về sư tử. Chúng ta cũng có thể sử dụng mind map (sơ đồ tư duy) để nói thêm về những nội dung liên quan đồng thời bổ sung cho con ngôn ngữ diễn đạt, khả năng nhận thức cũng như là thỏa mãn những điều con thích. Vậy thì kết nối giữa cha mẹ và con cũng tốt hơn. 

Hy vọng rằng những chia sẻ của cô Huyên có thể giúp cha mẹ hiểu con mình hơn cũng như là tìm ra được giải pháp cho vấn đề này để hỗ trợ trị liệu và đồng hành cùng con. Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *