Nhiều phụ huynh bối rối khi con bước vào tuổi dậy thì và con thay đổi rất nhiều so với trước đó. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ những khó khăn của con trong giai đoạn tuổi dậy thì mà con đang phải đối diện để cha mẹ hiểu con hơn cũng như là có 1 hành trình đồng hành tuyệt vời nhất cùng con. 

3 khó khăn của trẻ ở tuổi dậy thì

Ở tuổi dậy thì, bộ não của trẻ đang trong quá trình tái cấu trúc với quy mô rất rộng lớn. Vùng não cảm xúc của con người là hệ viền. Vùng thùy trán của con chưa đi vào ổn định. Vì vậy, trong giai đoạn này, con sẽ phải đối diện với 3 khó khăn dưới đây.

  1. Mỗi thời điểm chỉ suy nghĩ được 1 vấn đề

Khó khăn thứ nhất là trong giai đoạn tuổi dậy thì, ở mỗi thời điểm thì trẻ chỉ có thể suy nghĩ về 1 vấn đề. Lúc này, các xinap và các ống dây thần kinh phát triển rất nhanh và chất xám sẽ tăng lên gấp 2 lần so với trẻ em và người bình thường. Như vậy có nghĩa là sự phát triển trong bộ não, việc dung nạp các thông tin và học tập của các con rất nhanh. Chính vì vậy con có rất nhiều những rối ren và bộn bề trong bộ não. 

Con sẽ khó khăn trong việc sắp xếp, lập trình được các suy nghĩ 1 cách gọn gàng như người lớn. Con cũng rất khó để phân chia công việc 1 cách hợp lý. Do vậy, con sẽ cần có 1 khoảng thời gian để thích nghi dần. Và nếu như chúng ta không hiểu được đứa trẻ ở giai đoạn đó thì chúng ta rất dễ trách mắng con.

Ví dụ 1 bà mẹ quyết định cho con mình đi du học ở nước ngoài. Và để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo thì bà đã quyết định dạy con làm việc nhà. Bà dạy con cách bỏ quần áo vào trong máy giặt và bấm các nút giặt, sau đó thì phơi quần áo. Một hôm bà đi làm về, đi chợ về đã thấy con gái mình khoe rằng mẹ về nhanh mẹ sẽ nhìn thấy con vừa mới giặt xong 1 mẹ quần áo đấy. Và bây giờ con đang giặt mẻ thứ 2. 

Người mẹ muốn nổi điên lên khi nhìn thấy trong máy giặt chỉ có 2 chiếc dây giày. Bởi vì dây giày bẩn thì con bé cũng bỏ vào máy giặt và bấm 1 quy trình giặt như 1 mẻ quần áo bình thường. Người mẹ không hiểu vì sao 1 cô bé đã 14 tuổi lại có thể làm ra những việc mà đáng ra 1 bạn 8 tuổi cũng nghĩ được rằng giặt như vậy sẽ rất lãng phí điện, nước, xà phòng. 

Nhưng với bộ não của trẻ ở tuổi dậy thì thì các bạn chỉ nghĩ được 1 lúc 1 việc thôi. Đó là được mẹ dạy đồ bẩn thì đem giặt thì các bạn ấy sẽ giặt. Bạn ấy không nghĩ được nhiều chuyện như mẹ nghĩ là tốn điện, tốn nước, tốn xà phòng,… Vậy nên, chúng ta phải thông cảm cho giai đoạn phát triển của con mình.

Như vậy, ở giai đoạn này, tốt nhất là chúng ta nên dạy, chỉ bảo và hướng dẫn con 1 cách rõ ràng là con sẽ bỏ quần áo vào máy giặt, khoảng bao nhiêu chiếc thì vừa 1 cối máy để giặt 1 lượt. Và nếu như nhiều quá thì sẽ phải tích dồn như thế nào để giặt 1 mẻ tiếp theo. Như thế thì con sẽ có 1 con đường đi, con được lập trình nhận thức, tư duy rõ ràng để thực hiện.

  1. Mất ngủ và cảm xúc thất thường

Tiếp theo, trẻ ở tuổi dậy thì sẽ có thể rất thất thường về mặt cảm xúc. Nghiên cứu của những nhà khoa học thần kinh cho thấy ở giai đoạn tuổi dậy thì, hệ viền sẽ chịu trách nhiệm về cảm xúc, về trí nhớ, về nhu cầu và đặc biệt trở nên nhạy cảm hơn. Nhu cầu ăn uống và nhu cầu tình dục của con trong giai đoạn này đặc biệt cao.

Ngoài ra, chất dẫn truyền thần kinh (serotonin) giảm đi tới 40% so với trẻ em và người lớn. Serotonin là thành tố hình thành melatonin – chất giúp con người ngủ ngon. Như vậy, giấc ngủ của con sẽ không đảm bảo. Con sẽ đi vào giấc ngủ rất muộn và cũng rất khó thức dậy vào sáng mai.

Một nghiên cứu về độ tuổi dậy thì đã được tiến hành. Ở đó, họ đưa 1 nhóm trẻ vị thành niên vào 1 căn phòng trong khoảng 2 – 3 ngày. Phòng đó được che ánh sáng, không biết ngày hay đêm. Họ nhìn thấy tất cả những đứa trẻ đều đi ngủ vào lúc 1 – 2 giờ sáng và thức dậy vào khoảng 11 – 12 giờ trưa ngày hôm sau. Đó là hoạt động chung nhất của những đứa trẻ trong độ tuổi dậy thì. 

Serotonin cũng giữ vai trò điều hòa cảm xúc. Vì vậy, trong giai đoạn này, con sẽ có những thay đổi cảm xúc 1 cách thất thường.

Đó là lý do mà chúng ta sẽ thấy có những cậu bé có thể vừa mới tỏ tình được bạn gái hoặc bạn gái mới nói lời yêu thương là đã lâng lâng như trên mây. Nhưng khi về nhà bị cha mẹ mắng mỏ thì cậu bé đó sẵn sàng nhảy lầu tự tử luôn. Cảm giác giữa thăng hoa và đau khổ thay đổi rất nhanh và con khó có thể kiểm soát được cảm xúc của chính mình.

  1. Bốc đồng và không có khả năng kiềm chế

Khó khăn thứ 3 của con trong độ tuổi dậy thì là tính bốc đồng và không có khả năng kiềm chế. Khoa học thần kinh đã cho thấy rằng trong bộ não của con người, vùng thùy trán sẽ phát triển sau cùng. Và nó bắt đầu đi vào trạng thái phát triển ổn định vào 24 tuổi đối với  nữ giới và vào khoảng 30 tuổi đối với nam giới. 

Con có biểu hiện khó kiểm soát cảm xúc như các hành vi chống đối, cáu giận và dễ đưa ra những quyết định sai lầm.

Tuy nhiên, điều này là hết sức bình thường. Và trải qua giai đoạn này thì con sẽ đến được giai đoạn bộ não đã được sắp xếp 1 cách trật tự. Còn việc phát triển theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào bối cảnh gia đình và cách cha mẹ định hướng cho con. 

Giải pháp cho cha mẹ

  1. Thấu hiểu 

Như vậy, cha mẹ cần hiểu rằng những thay đổi bên trong cơ thể con là thứ mà chính con cũng không kiểm soát được. Con cần phải có khoảng thời gian để ổn định, phát triển hệ viền và vùng thùy trán, thùy thái dương. Và ở thời gian đó, con vô cùng cần cha mẹ bên cạnh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thấu hiểu những khó khăn mà con gặp phải để có thể đồng hành cùng con tốt nhất. 

  1. Đồng hành

Giai đoạn này, những người làm cha mẹ cần thực sự tỉnh thức, nhẫn nại để đồng hành cùng con. Các con cần có người bên cạnh, thấu hiểu và dẫn dắt con hướng đến những điều tích cực. Từ đó, con có thể sắp xếp, giải quyết những vấn đề của mình cũng như điều chỉnh các hoạt động của mình một cách tốt hơn. 

Hi vọng qua những chia sẻ của cô Huyên, cha mẹ sẽ hiểu con mình hơn. Từ đó chúng ta sẽ xây dựng môi trường gia đình cũng như là đồng hành, hướng dẫn khơi gợi con đến với những điều tích cực hơn. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *