Mỗi em bé có tính cách khác nhau, vậy nên xu hướng học tập của các em cũng sẽ khác nhau. Khi chúng ta nắm bắt được con mình thuộc nhóm nào thì chúng ta sẽ dễ dàng tiếp cận và có phương pháp giáo dục phù hợp với con. Từ đó hành trình dạy con sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều đó càng cần thiết hơn đối với những phụ huynh có con gặp khó khăn trong học tập hay những người cha mẹ con có bị rối loạn phát triển.
Cơ sở khoa học
Bên ngoài cơ thể chúng ta có 5 giác quan: xúc giác, thị giác, khứu giác, vị giác, thính giác. Bên trong cơ thể chúng ta còn có hệ giác quan tiền đình, giác quan nội cảm, giác quan bản thể. Các giác quan đó như những cánh cửa đón thông tin đi vào bộ não của chúng ta để phân tích, xử lý. Não bộ xử lý xong rồi chuyển về các vùng thùy phân tích giải quyết và trả lời kích thích.
Trong bộ não của chúng ta sẽ có các thùy chịu trách nhiệm để phân tích thông tin và trả lời các kích thích bên ngoài. Đó là thùy trán, thùy trước trán, thùy thái dương, thùy đỉnh, thùy chẩm. Mỗi thùy sẽ chịu trách nhiệm khác nhau. Và như vậy chúng ta sẽ có các xu hướng học tập khác nhau.
Ví dụ những người có neuron vùng thùy đỉnh hoạt động nhiều, mật độ nhiều, có độ kết nối, phản ứng nhanh thì họ sẽ có xu hướng vận động tốt. Bởi thùy đỉnh chịu trách nhiệm về phản hồi và phân tích cũng như là làm việc, chi phối các cử động và vận động của cơ thể. Phân tích bộ não vận động viên cho thấy mật độ neuron và hoạt động của vùng thùy đỉnh rất mạnh. Tương tự như thế, thùy thái dương sẽ phụ trách phần nghe. Thùy trán và thùy trước trán tiếp nhận thông tin, phân tích logic, lập luận các vấn đề. Hoặc thùy chẩm liên quan đến khả năng sáng tạo, nghệ thuật, cảm xúc.
Ví dụ có rất nhiều đứa trẻ phải thông qua vận động thì mới học được. Có thể do vùng thùy đỉnh của em bé hoạt động rất tốt nên em bé mong muốn học thông qua vận động và trải nghiệm. Nhưng cũng có thể đó là vấn đề giác quan của em bé bị rối loạn phát triển, tổng hòa các giác quan chưa đạt được trạng thái ổn định để tự điều chỉnh được.
Hai bàn tay của chúng ta cũng được phân chia thành não trái và não phải. Hệ thần kinh của con người hoạt động theo thể xoắn nên những hoạt động của tay trái sẽ chịu sự chi phối bởi não phải và hoạt động của tay phải chịu sự chi phối của não trái. Như vậy, chúng ta cũng có thể tham khảo 1 số nghiên cứu khoa học để biết được năng lực phát triển của con mình thuộc não trái hay não phải, cân bằng hay thiên về bên nào nhiều hơn. Hoặc chúng ta cũng có thể biết được con có thiên hướng hoạt động ưu việt về 1 cái gì đó hơn.
4 xu hướng học tập của con trẻ
Có rất nhiều cách để học tập nhưng tựu chung con trẻ có 4 xu hướng học tập chính liên quan đến hệ thống giác quan của con người.
Học tập bằng thị giác
Đầu tiên là nhóm những em bé có xu hướng học tập bằng thị giác. Các em học thông qua các hình ảnh nhanh hơn, tốt hơn là học qua việc nghe ai đó giải thích. Thường ở giai đoạn mầm non, các em sẽ học thông qua các hình ảnh bởi thời điểm đó hệ thị giác của các em phát triển rất mạnh. Lúc đó thì các em học và đón nhận thông tin thông qua hình ảnh rất nhanh. Và trẻ trong giai đoạn trước 3 tuổi sẽ học thông qua việc chụp hình nguyên bản, các bạn sẽ chụp y nguyên các hình ảnh đã được nhìn. Những hình ảnh đó sẽ giúp cho các em có khả năng đón nhận và học tập kiến thức rất nhanh, ghi nhớ nguyên hình ảnh được chụp vào não bộ thông qua thị giác của mình.
Vậy nên, nếu con thích hình ảnh, thích học tập qua các phần mềm, TV, các hình ảnh mô phỏng thì thiên hướng của con là học tập thông qua hình ảnh tốt. Vậy chúng ta sẽ bắt đầu tiếp cận các con bằng cách dạy về hình ảnh cho con hoặc cho con vẽ hoặc cũng có thể định hướng học tập tương lai của con. Chúng ta biết được điểm mạnh của con là hình ảnh thì để kéo những điểm yếu của các con về những phần khác như khả năng nhớ thông qua nghe không tốt chẳng hạn thì chúng ta cũng sẽ phải sử dụng hình ảnh để khơi gợi trí nhớ về kiến thức. Đó là cách chúng ta lấy ưu điểm để nâng nhược điểm của con mình lên thông qua xu hướng học tập.
Học tập thông qua thính giác
Xu hướng học tập thứ 2 đó là học tập thông qua thính giác. Có những em bé có khả năng nhớ rất tốt những thông tin nghe được. Và có rất nhiều người khi làm bài test xác định được loại hình học tập vượt trội là khả năng học tập thông qua kênh nghe rất tốt.
Ví dụ cô Huyên là người học qua nghe, cô Huyên có thể đọc sách và nhớ rất lâu nhưng nếu như cho cô Huyên đọc sách chỉ bằng mắt thôi, không lẩm nhẩm bằng miệng thì cô Huyên sẽ không học nhanh và nhớ được nhanh như là cô cầm cuốn sách, cô nhìn thấy chữ và cô đọc bằng câu từ của mình. Có thể là chỉ hơi nhẩm theo thôi nhưng cái lẩm nhẩm đó cũng khiến cho mình nghe được và nhớ được khi mình vừa đọc sách mình vừa nhẩm. Tuy nhiên nó mệt hơn và cũng chậm hơn so với người đọc sách bằng mắt. Nhưng đó chính là loại hình học tập của cô Huyên. Nên là chỉ cần nghe ai đó giảng hay trình bày cái gì đó trên Youtube, video thì cô sẽ nhớ rất nhanh. Nhưng nếu để cô nhìn 1 hình ảnh nào đó để nhớ được đường hoặc những chi tiết lặp lại hình ảnh thì đó là 1 sự khó khăn đối với cô Huyên.
Vậy thì con của chúng ta cũng thế. Những trẻ có xu hướng học qua kênh nghe sẽ rất kiên trì ngồi nghe cha mẹ phân tích, hướng dẫn. Hoặc trẻ cũng có xu hướng là muốn được hỏi hoặc học thông qua việc trao đổi thông tin, bình luận, thảo luận nhóm. Nên là có rất nhiều bạn học là nhớ luôn ngay khi người khác giảng cho mình hoặc ngay khi được trao đổi bài với bạn. Bởi vì khi bạn trao đổi, bạn nói sau đó bạn nghe thì bạn ấy sẽ nhớ nhanh hơn.
Như vậy, với những trẻ học qua nghe, chúng ta không thể bắt trẻ phải ngồi ghi chép hoặc vẽ hoặc làm cái gì đó mà không được ai hướng dẫn và dẫn dắt. Ngược lại, với những trẻ không học được qua nghe, khi chúng ta nói hoặc phân tích quá nhiều thì trẻ cũng không thể nhớ hết được. Nên là chúng ta sẽ dựa vào năng lực của con để lựa chọn cách dạy con cũng như cách kết nối với con thì nó sẽ đạt được hiệu quả tối ưu hơn.
Học tập thông qua hệ cảm xúc
Có nghĩa là cảm xúc của con người ảnh hướng rất nhiều tới yếu tố học tập. Khi cảm xúc tiêu cực đi lên thì chúng ta sẽ khó có thể ghi nhớ và đưa ra quyết định đúng đắn. Thế nên những người làm lãnh đạo họ phải luôn học cách cân bằng cảm xúc. Bởi vì họ chỉ có thể đưa ra được những chiến lược, những chính sách hoặc quyết định đúng đắn trong trạng thái cảm xúc tích cực hoặc cân bằng. Còn khi ở trạng thái cảm xúc tiêu cực hoặc hứng phấn quá, họ có thể đưa ra những quyết định không hợp lý. Đến khi câu chuyện qua đi, họ sẽ không hiểu vì sao thời điểm đó họ lại quyết định như vậy.
Nên là với những em bé học tập thông qua hệ cảm xúc, các em phải học ở nơi mà 1 là mang lại cảm giác an toàn cho hệ cảm xúc của các em, 2 là người ngồi bên cạnh cho em cảm giác của sự an toàn. Và cảm giác an toàn đó sẽ giúp em bé có trạng thái cảm xúc thoải mái hơn. Hoặc là các em bé sẽ mong muốn được ngồi ở 1 nơi mà khung cảnh xung quanh phải là màu tường con thích, căn phòng hoặc bàn học được trang trí theo cách của con. Hoặc cảm xúc đó là khi có mùi hương con thích ở trong phòng hoặc là trước khi học được mẹ động viên hoặc các em có động lực nào đó cho kết quả các em mong muốn đạt được. Và tất cả những cảm xúc của em bé đó được nương theo hướng em bé muốn thì các em sẽ học dễ hơn so với việc người khác chia sẻ, dẫn dắt.
Những người học qua cảm xúc rất dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố từ bên ngoài. Ví dụ có những em bé chỉ thích cô dạy thôi, gia sư đến nhà thì học ok vui vẻ nhưng khi mẹ dạy thì nước mắt giàn giụa, và khi đó thì các em có cảm xúc tiêu cực rồi, các em cũng không đón nhận được, không nhớ được, không học được.
Vậy nên là chúng ta sẽ phải quan sát xem em bé của chúng ta có phải là 1 em bé nhạy cảm về cảm xúc hay không. Trước khi chúng ta dạy con, chúng ta cũng cần phải set up 1 bối cảnh không gian phù hợp nhất với yếu tố của con. Hoặc ví dụ có những trẻ khi đói hoặc quá no thì con cũng không thể học được. Nên chúng ta phải quan sát con, căn chỉnh sao cho phù hợp nhất để lựa chọn cách thức dạy con thông qua xu hướng học tập của con để đạt được kết quả tốt nhất.
Học tập thông qua sơ đồ tư duy
Xu hướng thứ 4 đó là học tập thông qua sơ đồ tư duy (mindmap). Những người học tập thông qua sơ đồ là những người có khả năng phân tích lập luận rất rõ ràng. Và cái gì nó phải đúng với tư duy của người đó, cái gì kiến cho người đó phải tin mà tin thông qua những điều được dẫn chứng, đã nhìn thấy kết quả, được lập luận ra rồi viết ra bằng các gạch ý, các xương sống.
Vậy thì trẻ có thể không có khả năng ghi nhớ hết được nhưng trẻ sẽ học tập thông qua cách đọc, phân tích vấn đề, viết nó ra thành các ý rõ ràng, gọn ghẽ. Trẻ sẽ học theo cách lập luận phân tích logic và trẻ chỉ tin khi nhìn thấy kết quả từ người khác hoặc thấy lập luận có lý, có căn cơ khoa học hoặc đứa trẻ đã được dẫn dắt 1 cách thuyết phục. Hoặc trẻ sẽ học được thông qua việc phân tích, áp dụng vào mình từng bước để đạt được kết quả 1 cách rất rõ ràng, logic.
Lưu ý cho cha mẹ
Mỗi em bé hoặc mỗi con người chúng ta sẽ có thiên hướng là thế mạnh của mình học tập theo 1 xu hướng nào đó trong 4 xu hướng trên. Tuy nhiên, để thành công được thì chúng ta không phải chỉ phát triển mạnh xu hướng chúng ta có mà mà chúng ta phải dùng xu hướng đó để hỗ trợ nâng đỡ những kỹ năng học tập khác, xu hướng học tập khác và con người chúng ta ở trạng thái thăng bằng là trạng thái tích cực nhất.
Cuộc sống cũng vậy, cái gì cũng bình thường là tốt nhất. Nếu như thăng hóa quá cũng không tốt mà nếu như tiêu cực quá cũng không tốt. Hãy điều chỉnh về trạng thái bình thường nhất bởi vì trạng thái bình thường chính là trạng thái tỉnh thức. Trong hành trình chúng ta đưa ra các quyết định, chúng ta luôn tỉnh táo và chúng ta tách biệt ra giữa vấn đề và cảm xúc, đó là trạng thái bình thường nhất.
Nên trong hành trình chúng ta hỗ trợ và hướng dẫn con cũng vậy. Chúng ta biết rằng xu hướng của con là do con có các neuron thần kinh 1 cách tự nhiên, chỉ số cho thấy con hoạt động nổi trội về cái gì hơn. Nhưng chúng ta vẫn cần mang cái tốt của con để tạo bối cảnh nâng đỡ những điểm chưa tốt của con làm sao nó ở trạng thái cân bằng nhiều nhất có thể thì đó mới là trạng thái tốt. Về học tập cũng thế, không phải lúc nào chúng ta cũng tạo được một bối cảnh để chỉ học theo xu hướng của con mà chúng ta phải biết xu hướng để tạo mở giai đoạn đầu tiên bằng hành trình phù hợp xu hướng của con để tạo động lực là mong muốn được làm và dễ dàng đạt được kết quả. Và sau đó sau đó chúng ta lại cần cố gắng dùng xu hướng của con là thế mạnh để nâng đỡ những xu hướng là yếu hơn.
Ví dụ một bạn học qua hình ảnh tốt thì cần phải đưa cả hình ảnh và âm thanh vào để học cùng một lúc cũng rất là cách tích cực cho con. Chú ý các âm thanh đưa vào ít thôi bởi vì xu hướng của đứa trẻ này là học bằng hình ảnh, không cần phải nghe nhiều nhưng nghe cái gì nó phải có điểm nhấn hoặc phải là trọng tâm.
Hoặc là một đứa trẻ học qua cái cảm xúc, qua cảm nhận của cơ thể bên ngoài. Vậy thì khi trẻ học trong trạng thái cơ thể không đủ ấm, phòng không đủ mát chẳng hạn thì sẽ rất dễ cho đứa trẻ cảm xúc tiêu cực. Vậy thì hãy nâng đỡ bằng cách tạo ra bối cảnh không gian để cơ thể đó phải thoải mái về cảm xúc trước. Sau đó, khi thoải mái về cảm xúc rồi thì cần phải sử dụng các kỹ năng để nâng đỡ cả xu hướng học tập bằng thị giác, xu hướng học tập bằng tính giác hoặc giúp cho đứa trẻ tiếp cận dần với việc lắng nghe những ý chính để có thể đưa ra các bước cụ thể, viết các kế hoạch hàng ngày 1 cách logic,… thì lúc đó trẻ sẽ được phát triển nhiều xu hướng học tập tốt hơn.
Và càng cân bằng các xu hướng học tập thì chúng ta sẽ học được nhiều hơn bằng các cách khác nhau, trong những bối cảnh tình huống khác nhau. Hi vọng những chia sẻ của cô Huyên sẽ giúp cho cha mẹ có cách thức tiếp cận với con, hiểu con và lựa chọn xu hướng tích cực để giúp con có năng lực học tập, đón nhận thông tin dễ dàng nhất, tốt nhất, trở thành những em bé luôn có tinh thần tích cực trong hành trình học tập cùng cha mẹ.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com