Làm thế nào khi con ăn vạ? Đó là trăn trở của rất nhiều phụ huynh. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ lý do tại sao con ăn vạ và trong trường hợp đó chúng ta sẽ làm gì. 

Giải mã tiếng khóc khi con ăn vạ

Đối với trẻ phát triển bình thường

Đối với các em bé, đặc biệt là những em bé chưa có ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ chưa đủ nhiều thì tiếng khóc là một trong những phương tiện mà em bé sử dụng để gửi gắm thông điệp của mình. 

Ví dụ khi con muốn lấy 1 đồ vật nhưng đồ vật đó quá cao so với con. Lúc đó, nếu con nhìn thấy người thân xung quanh có thể con sẽ khóc lên. Như vậy ông bà bố mẹ sẽ đến và đoán ý, sau đó lấy xuống cho con. Sau khi con lấy được đồ vật con muốn thì tiếng khóc sẽ mất luôn. Hoặc con có thể khóc để mách hoặc kêu gọi ai đó giúp khi tranh giành mà cảm thấy mình đuối thế. Khi đó con có thể hét lên. Và tiếng hét này lớn hơn tiếng khóc ê a khi con cần lấy đồ trên cao. Bởi lúc này là bối cảnh cấp thiết và con cần có sự giúp đỡ ngay. 

Và cứ lớn lên với những trải nghiệm như vậy thì em bé nhận ra rằng tiếng khóc có ý nghĩa rất lớn. Con bắt đầu học được cách sử dụng tiếng khóc như một công cụ để gửi thông điệp tới người khác. 

Đối với trẻ rối loạn phát triển

Đối với 1 em bé bị rối loạn phát triển, con gặp khó khăn về ngôn ngữ và không thể nói hết ra được những nhu cầu của bản thân. Khi đó con lại càng phải hét mạnh hơn, càng phải khóc. Và khi khóc không được thì con phải nằm lăn xuống sàn để ăn vạ. Khi đó mà vẫn không có người giúp đỡ thì con phải giãy đành đạch. Có những em bé mất kiểm soát còn chạy đâm vào các đồ vật, ném đồ. Tất cả những hành động đó kèm với tiếng khóc sẽ ngày càng gia tăng khi cha mẹ tiếp tục trở thành người đoán ý thông qua tiếng khóc. Và đến bao giờ chúng ta đáp ứng được nhu cầu của con thông qua tiếng khóc thì nó mới dừng lại. 

Giải pháp cho cha mẹ khi con ăn vạ

Điều đầu tiên cha mẹ cần làm khi con ăn vạ là hãy dừng đáp ứng nhu cầu của con thông qua việc phiên dịch hoặc dự đoán tiếng khóc của con. Thay vào đó, chúng ta hãy dạy con hành vi phù hợp để thể hiện nhu cầu hoặc cùng con học 1 kỹ năng mới. Chúng ta phải quan sát, dự đoán thông điệp từ con và dạy con 1 hành vi, 1 kỹ năng mới để con có cách thức giao tiếp phù hợp hơn. 

Trong trường hợp chúng ta đã sai và con đã trở thành 1 đứa trẻ ăn vạ kinh khủng rồi thì bây giờ chúng ta phải chịu trách nhiệm cho cái sai đó. Chúng ta phải bước qua được vùng ranh giới giữa các hành vi cũ và chuyển sang hành vi phù hợp. Chúng ta phải chấp nhận hành vi hiện có, phải hiểu được con và đọc vị được cảm xúc cũng như mong muốn của con. Ngoài ra, chúng ta cũng cần để con hiểu rằng giá trị tiếng khóc không đáp ứng được tất cả những điều con muốn. 

  1. Dừng đáp ứng nhu cầu của con khi con ăn vạ

Điều này đòi hỏi sự dũng cảm của cha mẹ. Bởi vì bao lâu nay chúng ta dùng 1 đồ vật để hối lộ cho tiếng khóc nhưng bây giờ phải chứng kiến cảnh con vật lộn như vậy thì hẳn là cha mẹ sẽ rất đau lòng và sốt ruột. Nhưng chúng ta cần đón nhận tiếng khóc của con với 1 tâm thế bình tĩnh để con tiến lên vùng có hành vi mới, học được 1 kỹ năng mới để giao tiếp phù hợp hơn. 

Chúng ta phải cho con một không gian đủ an toàn để khi con có cảm xúc xấu thì con được lăn lộn, được khóc. Chúng ta sẽ ở bên con, đảm bảo con đủ an toàn và vẫn làm công việc của mình một cách bình thường. Cha mẹ hãy nhớ rằng ở thời điểm đó nếu chúng ta có chú ý tới con thì phải chú ý một cách bí mật, đừng để con nhìn thấy chúng ta đang nhìn con. 

  1. Dự đoán điều con muốn là gì 

Điều thứ 2 sau khi sắp đặt được môi trường đó là chúng ta cần phải dự đoán được điều con muốn đó là gì. Từ đó, chúng ta sẽ chuẩn bị 1 bối cảnh tiếp theo sẵn sàng để dạy con 1 kỹ năng. 

  1. Dạy con kỹ năng mới

Điều thứ 3 đó là chúng ta sẽ dạy con kỹ năng mới. Chúng ta sẽ cần ở bên cạnh để sẵn sàng chờ đợi khoảnh khắc tiếng khóc nhỏ dần. Thời điểm con đứng lên chạy về phía cha mẹ là lúc mà con bình tĩnh, tiếng khóc giảm dần thì chúng ta có thể gợi mở bằng các câu hỏi. 

Ví dụ như “Mẹ giúp gì được cho con?”. Con muốn quả táo. Chúng ta có thể nói với con: “Đi vào đây chỉ vào quả táo, mẹ sẽ giúp”. Lúc đó, kể cả con không chỉ được thì chúng ta có thể giơ ngón trỏ của con ra và đặt vào quả táo. Chúng ta gợi mở hoặc làm mẫu, hướng dẫn con. Như vậy, chúng ta đang bắt đầu gợi cho con cách thức đó là nhìn vào táo, chỉ vào táo, kéo tay mẹ đến quả táo là con đang thể hiện hành vi giúp đỡ. Hoặc con chỉ cần nói với mẹ những từ như “ăn táo” hoặc “mẹ giúp”, “xin mẹ táo” trong phạm vi năng lực của con thì hành vi ăn vạ cũng sẽ giảm dần.

Tiểu kết

Nếu chúng ta đủ bình an để tạo được bối cảnh môi trường an toàn cho con và sẵn sàng dạy con một kỹ năng mới thì con sẽ dần hiểu được tiếng khóc không phải là cách để gửi thông điệp hiệu quả nữa. Mà con cần phải được thể hiện cảm xúc khó chịu sau đó bình tĩnh lại, đến gặp bố mẹ để học được 1 kỹ năng hoặc thể hiện hành vi phù hợp để cha mẹ đáp ứng được nhu cầu của mình. Hoặc con có thể bắt chước 1 âm thanh nào đó để học cách nói ra nhu cầu thông qua ngôn ngữ thì điều đó càng tốt hơn. 

Đối với trẻ rối loạn phát triển

Một trường hợp ngoại lệ đó là con không có nhu cầu nhưng con tự lăn ra nhà và khóc. Vậy thì con có thể là những em bé bị rối loạn phát triển. Trong trường hợp này, cha mẹ phải đi tới chỗ con và nhìn xem con đang có vấn đề gì. Có thể tiếng khóc đó thể hiện sức khỏe của con, con đang khó chịu trong người. Hoặc đây là lúc con xử lý thông tin chậm, từ 1 bối cảnh khác, bây giờ con mới xử lý thông tin xong. 

Lúc này con cần được tôn trọng cảm xúc, cần người lớn ở bên cạnh. Chúng ta có thể hỏi con muốn gì. Có thể con sẽ kéo chúng ta đến 1 đồ vật nào đó mà ngày hôm qua chưa làm được để nhờ bố mẹ giúp. Câu hỏi “Con muốn gì” cũng thể hiện cha mẹ thật sự mong muốn lắng nghe con. 

Một trường hợp nữa là con gặp khó khăn trong rối loạn xử lý cảm giác. Ở thời điểm đó, con cảm thấy thiếu an toàn, con cần 1 người ở cạnh, cần được yêu thương. 

Với những trẻ khó khăn về phát triển đòi hỏi cha mẹ cần tinh tế hơn, chúng ta phải yêu thương bằng cảm xúc thật sự kiên trì. Và đây là lúc chúng ta cần phải bảo vệ con trước, cần phải cho con cảm giác an toàn trước khi dạy con 1 kỹ năng nào đó. Như vậy thì con mới cảm nhận được sự yêu thương, cảm thấy thoải mái, con mới có trạng thái cảm xúc tốt nhất để học kỹ năng mới. 

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *