Nhiều phụ huynh có con bị rối loạn phát triển chia sẻ rằng con không nghe lời hoặc con không hợp tác. Bên cạnh đó, có rất nhiều những rào cản, khó khăn trong hành trình kết nối giữa cha mẹ và con. Điều đó khiến cho việc cha mẹ dành thời gian dạy con không đạt hiệu quả. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ 3 lý do khiến con không nghe lời cha mẹ, đặc biệt là với những phụ huynh có con bị rối loạn phổ tự kỷ.
Không nhất quán trong hành vi và lời nói
Lý do đầu tiên đó là cha mẹ không nhất quán trong hành vi và lời nói. Điều đó khiến con nhận được tín hiệu rằng những điều cha mẹ nói không thật sự quan trọng. Nó dẫn đến việc con sẽ mạnh dạn bước qua những ranh giới. Con sẽ hình thành suy nghĩ rằng bỏ qua những lời cha mẹ yêu cầu cũng không sao hết và cuối cùng thì cha mẹ sẽ hoàn thành yêu cầu của cha mẹ thôi.
Mẹ chẳng mắng, chẳng phạt, chẳng đánh, mẹ cũng chẳng yêu cầu lại, mẹ dễ dàng bỏ qua để yêu cầu chúng ta làm việc khác và chúng ta sẽ được đáp ứng điều mình muốn. Đó chính là sự không nhất quán trong quy tắc của cha mẹ trong lúc làm việc với con của mình.
Ví dụ khi chúng ta chơi cùng con, có 2 trường phái hướng dẫn các cha mẹ cách để dạy con.
Trường phái hỗ trợ về can thiệp hành vi
Trường phái hỗ trợ về can thiệp hành vi hướng dẫn cha mẹ theo cách lập bản năng nghe lời cho con. Cha mẹ yêu cầu con đứng lại thì con không được phép chạy, cha mẹ yêu cầu con nhặt đồ chơi mà con không nhặt thì thậm chí còn phải cùm tay đứa trẻ xuống để phải nhặt bằng được. Để cho con hiểu rằng lệnh đưa ra thì phải làm. Đó là cách lập bản năng nghe lời từ đầu cho con.
Kỹ thuật của việc ép con tuân thủ theo bản năng nghe lời sẽ mang lại những hiệu quả nhất định vì đứa trẻ cảm thấy sợ nên phải học. Vì vậy nó mang lại hiệu quả để lần sau đứa trẻ cảm thấy nếu không làm theo yêu cầu của cha mẹ hoặc làm không tốt thì sẽ bị mắng, bị phạt. Và đứa trẻ sợ nên nghe thấy hiệu lệnh là đứa trẻ sẽ làm.
Tuy nhiên, cô Huyên không khuyến khích các cha mẹ ứng dụng 1 cách cứng nhắc phương pháp này trong giáo dục. Bởi những hành vi ép buộc sẽ làm con có cảm xúc tiêu cực. Với những đứa trẻ lần đầu được học tập với cha mẹ hoặc thầy cô ứng dụng phương pháp này thì trẻ sẽ rất dễ có ấn tượng tiêu cực với con người này.
Trường phái phát triển giáo dục
Trường phái thứ 2 là trường phái phát triển giáo dục nghĩa là thông qua sự phát triển linh hoạt của con người. Ở đây, cha mẹ nương theo những sở thích của đứa trẻ, cha mẹ cũng phải đưa ra các quy tắc rõ ràng ngay từ đầu. Có nghĩa là các cha mẹ phải sử dụng các hình ảnh hoặc các công cụ ký hiệu hoặc bằng cách nào đó để chúng ta cho con biết được ngay từ thời điểm đầu tiên, các giới hạn nào là được phép và không được phép.
Ví dụ cha mẹ đặt ra quy tắc là khi chơi xong phải cất đồ chơi. Chẳng hạn chơi xong phải cất quả bóng đi thì mới được lấy con mèo xuống. Để đứa trẻ hiểu rằng khi chơi xong phải cất cái này rồi mới được lấy cái kia. Đó là các quy trình trước tiên và sau đó để trẻ nhìn thấy được rằng phải thực hiện yêu cầu hiện tại để được thực hiện hoạt động tiếp theo mà trẻ muốn.
Hoặc ở đó người ta sẽ sử dụng các kỹ thuật về hỗ trợ và giảm hỗ trợ bằng cách tạo ra sự tự nhiên nhất làm mẫu cho đứa trẻ nhìn thấy hoặc thông qua các bài hát để đứa trẻ được nghe và được nhìn thấy. Chẳng hạn như là: “Bạn ơi hết giờ rồi, nhanh tay cất đồ chơi…”. Tất cả những giai điệu bài hát, hành động của người làm mẫu sẽ làm cho đứa trẻ cảm thấy thích hoặc cảm thấy hứng khởi và đứa trẻ sẽ tham gia vào.
Trường phái phát triển sẽ cho trẻ cảm thấy thoải mái cho việc cất đồ chơi đó là quy định con phải làm xong thì mới được làm cái khác và nó cũng không quá là tiêu cực.
Linh hoạt kết hợp 2 trường phái
Trong quá trình dạy con, chúng ta không lựa chọn cố định 1 trường phái nào đó mà sẽ phải tùy thuộc vào tình huống để lựa chọn phương pháp phù hợp để lập bản năng nghe lời cho con.
Ví dụ như khi đứa trẻ đang nghịch ổ điện hoặc nghịch dao sắc nhọn và chúng ta yêu cầu phải dừng lại nhanh vì nếu không nhanh thì nó sẽ nguy hiểm đến tính mạng của con. Chúng ta cần phải sử dụng những lời nói, hành động, âm thanh, quy tắc rõ ràng, ngắn gọn để yêu cầu trẻ dừng. Đó là giới hạn của việc đứa trẻ phải thực hiện.
Nếu như trẻ cứ la hét, khóc lóc và lao vào chỗ đó thì chúng ta phải kéo con ra và tiếp tục sử dụng sự nhất quán là “Không” và “Dừng lại” để con phải được an toàn và con hiểu đó là điểm dừng của đèn đỏ.
Còn với trường hợp chúng ta dạy con các kỹ năng trong gia đình như thay quần áo xong thì phải cất vào trong cái sọt để quần áo bẩn hay là uống sữa xong thì phải đi vứt rác hay là chơi xong thì phải cất đồ chơi. Tất cả công việc cha mẹ dạy con kỹ năng trong sinh hoạt hàng ngày thì chúng ta nên dành thời gian để tìm cách thức và hoàn cảnh đúng thời điểm để chúng ta đưa ra các quy tắc cho con.
Và trong hành trình này, cha mẹ nên sử dụng các hình ảnh mô phỏng như tranh vẽ, hình chụp,… để dạy con quy tắc giới hạn giữa điều không được làm và điều được phép làm. Với những điều được phép làm, chúng ta có thể sử dụng hình ảnh các dấu đỏ chéo để con biết đây là việc không được làm. Khi con chuẩn bị bước vào cuộc chơi là lúc chúng ta sử dụng các quy tắc. Và một khi quy tắc đã đưa ra thì phải nhất quán thực hiện.
Tác hại của việc không nhất quán
Rất nhiều những cha mẹ chúng ta dạy con không nghe lời bởi vì hành trình chúng ta dạy con, đã có 1 lúc nào đó chúng ta để con vượt qua các giới hạn, các quy định của chúng ta. Hoặc là chúng ta không có quy định rõ ràng cho các hoạt động khi con tham gia vào. Ngay cả khi chúng ta đưa ra các yêu cầu mà con không làm thì chúng ta dễ dàng bỏ qua và làm hộ con. Và chúng ta cũng không có nhất quán trong các quy định.
Chẳng hạn khi cha mẹ nói rằng con cất đồ chơi đi nhưng con không cất, con đi ra chỗ khác thì chúng ta ngoan ngoãn cất đồ chơi hộ con. Như vậy con sẽ thấy rằng có sao đâu, mình chẳng cất thì bố mẹ cũng cất mà. Hoặc là bố mẹ nói rằng con xúc ăn đi nhưng con không xúc và chúng ta lại sợ con đói, chúng ta xúc cho con ăn và con hiểu rằng có sao đâu, mình không xúc thì bố mẹ cũng xúc mà.
Chính vì vậy, bản năng nghe lời sẽ không được thiết lập, các kỷ luật ở đây không hiệu quả. Khi chúng ta dạy con những điều khó hơn thì con thấy khó, con tự bỏ cuộc. Đó là điều đầu tiên khiến các cha mẹ rất dễ rơi vào trạng thái mình nói mà con không nghe lời là không nhất quán giữa lời nói và hành động.
Không sử dụng tối ưu kỹ thuật khen
Điều thứ 2 đó là cha mẹ không tối ưu được kỹ thuật khen. Nhiều cha mẹ khen không kịp thời hoặc chủ quan không khen vào những việc mà chúng ta nghĩ rằng nó quá dễ, hoặc chúng ta cảm thấy việc khen thưởng nhiều quá sẽ làm con hiếu thắng. Đó là chúng ta đang dùng suy nghĩ, cảm nhận cá nhân của mình để ứng dụng lên con. Nhưng điều đó không hiệu quả.
Trên thực tế, ai cũng thích được khen. Con của chúng ta cũng vậy. Vì vậy muốn con có bản năng nghe lời tốt, chúng ta phải sử dụng tối ưu kỹ thuật khen. Nếu trong hành trình sống cùng con, chúng ta hướng dẫn con và chúng ta thấy những biểu hiện hành vi tích cực của con thì chúng ta phải bắt trọn và khen kịp thời hành vi đó của con. Lưu ý cha mẹ cần phải khen kịp thời và cụ thể, chi tiết.
Ví dụ cha mẹ có thể khen: “Wow con xúc ăn rất giỏi, con xúc ăn rất gọn gàng và mẹ rất vui, mẹ cảm ơn con” hoặc “Mẹ rất yêu con vì con đã xúc ăn gọn gàng”. Hoặc cha mẹ có thể khen: “Ôi con thật tuyệt vời vì con đã vứt rác đúng chỗ”
Khi chúng ta khen không rõ ràng, con sẽ không thích và con cũng không biết lần sau sẽ phải tiếp tục làm gì để được khen nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi dồn nhiều quá mới được khen thì trẻ sẽ dễ bỏ cuộc.
Vì vậy cha mẹ nên thường xuyên khen con, khen từng chút một và cộng dồn lại để khi con làm được 1 điều gì đó lớn hơn thì chúng ta sẽ quy đổi khen thành thưởng. Và chúng ta cần thường xuyên khen con. Như vậy thì con sẽ có động lực và con sẽ cảm thấy thích hơn trong làm việc cùng với cha mẹ.
Thời lượng dạy con không đều
Lý do thứ 3 khiến con không nghe lời cha mẹ là bởi vì thời lượng chúng ta dạy con không đều. Cha mẹ không có thời gian biểu để làm việc với con để con có thói quen được tiếp cận và được làm việc với cha mẹ hàng ngày 1 cách đều đặn. Bên cạnh đó, cha mẹ chưa phải mô thức hành vi mẫu tích cực và hiệu quả để con học tập.
Trên thực tế, có nhiều cha mẹ đặt ra những nhiệm vụ trong cuộc sống nhưng lại không thực hiện được những nhiệm vụ đó 1 cách đều đặn hàng ngày. Như vậy chúng ta sẽ không tạo ra được thói quen cũng như là cái uy khi chúng ta nói với con. Nó không phải mô thức hành vi mẫu để con tin tưởng và bắt chước theo để tạo ra thói quen tích cực cho con.
Ví dụ khi con đi học về, chúng ta yêu cầu con phải chào bố mẹ, anh chị, ông bà hằng ngày. Nhưng chúng ta đi làm về, có hôm chúng ta bận và quên không chào con. Như vậy cha mẹ chưa phải mô thức hành vi mẫu tích cực để dạy con. Điều đó sẽ khiến con cảm thấy bố mẹ chưa phải người nói được làm được.
Ví dụ như 1 em bé rối loạn phát triển và được trị liệu rất thành công. Khi con vào lớp 1, con có nhiều bài tập để làm. Và cha mẹ đặt ra quy định là bài của con thì con sẽ tự hoàn thành và những bài khó thì mẹ sẽ hướng dẫn. Và con cần hoàn thành trong khoảng thời gian quy định là từ 7h30 đến 8h30 tối chẳng hạn. Nhưng khi con chưa hoàn thành bài vào lúc 8h30 thì chúng ta vẫn có thể kéo dài thời gian và đôi lúc chúng ta viết hộ con hoặc ngồi bên cạnh để thúc con.
Điều đó thể hiện sự không nhất quán và con sẽ cảm thấy quy định mẹ đưa ra không có nhiều điều khó khăn, con không viết thì mẹ sẽ ở bên cạnh nhắc nhở. Con cũng cảm thấy không cần phải tuân thủ, không cần phải chịu trách nhiệm gì cả. Như vậy trong tương lai chúng ta sẽ rất khó dẫn dắt và hướng dẫn con.
Hi vọng qua những chia sẻ của cô Huyên, cha mẹ có thể tự giải quyết được các vấn đề của mình trong hành trình dạy con.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com