Ở bài viết trước, cô Huyên đã chia sẻ với các cha mẹ những điều cần biết khi con bị tăng động giảm chú ý. Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các giải pháp điều trị cho trẻ tăng động giảm chú ý để cha mẹ có thể hỗ trợ con tại nhà, giúp con phát triển tích cực mà không cần dùng đến thuốc cũng như có một hành trình đồng hành cùng con tuyệt vời nhất. 

Hiểu đúng về trẻ tăng động giảm chú ý

Với trẻ tăng động giảm chú ý, khi ở nhà hay ở trường các em thường bị xếp vào nhóm trẻ cá biệt. Bởi vì các em có những khó khăn như tăng động, chạy nhảy liên tục, giảm chú ý trong học tập và không nhớ được mọi nhiệm vụ của bản thân. Các em bị bốc đồng về cảm xúc, rất dễ khóc lóc, làm quá mọi chuyện lên và làm phiền những người xung quanh. Hoặc các em có những hành vi rối loạn, có những sự lo lắng. Đó sẽ là cản trở của các em trong môi trường học tập hòa nhập cũng như sinh sống tại gia đình. 

Nhiều cha mẹ cảm thấy tội lỗi, dằn vặt và hơn cả là rất thương con. Những người thầy cô ở trường nếu như có học sinh tăng động giảm chú ý thì đó thực sự là thách thức đối với các thầy cô. Bởi như vậy các thầy cô sẽ rất khó để vận hành lớp học 1 cách có quy tắc và nề nếp. Lúc đó các thầy cô chỉ mong các em có thể chuyển lớp hoặc chuyển trường bởi vì chính thầy cô cũng bế tắc trong hành trình hỗ trợ các con. 

Như vậy, cha mẹ cần phải hiểu đúng về vấn đề khó khăn của con, về mức độ rối loạn của con để tham gia hỗ trợ con trong hành trình trị liệu. Cha mẹ chính là tâm của vòng tròn trị liệu đa ngành và là người hỗ trợ con nhiều nhất, lâu dài nhất, bền bỉ nhất với đầy tình yêu thương và trách nhiệm. 

Giải pháp trị liệu cho trẻ tăng động giảm chú ý tại nhà

  1. Tăng hoạt động

Giải pháp đầu tiên đó là cha mẹ hãy cố gắng tạo thật nhiều cơ hội và tăng các hoạt động để giúp con có thể trải nghiệm bằng toàn bộ cơ thể của mình. Trẻ tăng động giảm chú ý có nguồn năng lượng bên trong rất nhiều. Các con luôn sẵn sàng tham gia vào mọi hoạt động và ở đó các con thích được trải nghiệm bằng toàn bộ giác quan của mình.

Chính vì thế khi cha mẹ cho con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại ở ngoài trời như vẽ tranh, chơi đất nặn hoặc cho con chơi 1 số loại nhạc cụ, tham gia các lớp nhảy, các lớp nấu ăn hoặc đưa con đi du lịch ở ngoại ô, nông thôn vào những ngày cuối tuần nhiều, con được trải nghiệm nhiều thì con sẽ có cảm xúc tích cực. Con sẽ học tập thông qua các trải nghiệm thực tế đó và ổn định dần năng lực chú ý của mình. 

Bởi vì khi con tham gia những hoạt động trải nghiệm thì con được khám phá môi trường, tất cả các giác quan trong cơ thể của con đều được cung cấp nguồn thông tin đầu vào để con có sự tập trung. Việc các con được thể hiện và thực hiện các hoạt động cũng là lúc con sử dụng năng lượng của mình để thực hiện các hoạt động có ý nghĩa. 

Chính vì vậy cha mẹ hãy dành ngày cuối tuần để đưa con đi ra ngoài chơi, đi ra ngoại ô và thậm chí là đến công viên để nhặt lá, nhặt đá, đi chân trần, bơi lỗi, … Tất cả những hoạt động đó đều giúp con phát triển tốt hơn. 

  1. Cho con cảm nhận trạng thái dòng chảy

Giải pháp thứ 2 áp dụng cho trẻ tăng động giảm chú ý đó là cha mẹ hãy cố gắng để con cảm nhận được trạng thái dòng chảy nhiều nhất. Đó là lúc mà con sẽ tham gia các hoạt động một cách say sưa, đam mê, hứng thú. Vậy khái niệm trạng thái dòng chảy được định nghĩa là trạng thái mà ở đó con người say sưa, đam mê, hứng thú, thích làm một việc gì đó mà không cần có ngoại động lực thúc đẩy từ bên ngoài. 

Có 3 yếu tố tạo nên trạng thái dòng chảy. 

Mục tiêu rõ ràng

Yếu tố thứ nhất đó là mục tiêu cần phải rõ ràng. Khi chúng ta giao nhiệm vụ cho con, ví dụ thay bằng việc chúng ta nói rằng con ăn đi thì chúng ta sẽ nói với con là con ăn trứng đi nhé. Bởi vì khi chúng ta nói rõ ra thì đứa trẻ sẽ biết cụ thể bây giờ đứa trẻ sẽ ăn gì. 

Hoặc ví dụ thay vì chúng ta nói với con là hôm nay chúng ta sẽ học bài thì chúng ta sẽ nói là hôm nay chúng ta học Tiếng Anh nhá, hôm nay chúng ta học Toán nhá. Nói như vậy thì con sẽ biết hôm nay con học gì, con hiểu rõ và sẵn sàng cho công việc chuẩn bị làm. Vậy sự cụ thể và rõ ràng chính là yếu tố đầu tiên tạo ra dòng chảy. 

Sự phản ứng tức thì

Yếu tố thứ 2 tạo ra dòng chảy đó là sự phản ứng tức thì. Chúng ta thường để đứa trẻ làm xong rồi kiểm nghiệm lại hoạt động bằng kết quả và phản ứng lại. Nhưng trong trạng thái dòng chảy đòi hỏi ngay khi đứa trẻ đang thực hiện hoạt động cũng cần có phản ứng của người bên cạnh để đứa trẻ hiểu rằng con đang thực hiện đúng hay sai. 

Ở đây nhà tâm lý học Mihaly đưa ra mô hình phản ứng tức thì. Nó như là hình ảnh của 1 người đánh tennis. Có nghĩa là khi chúng ta đánh đập vào 1 bức tường thì nó sẽ lập tức phản hồi lại ngay để chúng ta đánh tiếp. Và đánh qua đánh lại thì quả bóng luôn trên sân. Ví dụ khi con cầm thìa thì chúng ta bảo con đang cầm thìa đúng cách rồi đó. Hoặc khi con đang học tiếng Anh thì chúng ta sẽ bảo con đang đọc bảng chữ cái tiếng Anh rất rõ.

Thách thức phù hợp với năng lực

Yếu tố thứ 3 tạo nên trạng thái dòng chảy đó là khi trẻ thực hiện được công việc ở trạng thái đam mê là lúc thách thức phải thực sự phù hợp với năng lực. 

Nếu năng lực của con thấp thì thách thức của con cũng phải nhỏ. Bởi vì nếu thách thức cao khi năng lực thấp thì nó sẽ lệch khỏi trạng thái dòng chảy. Đứa trẻ sẽ cảm thấy quá tải. Còn nếu trong trường hợp năng lực của con cao rồi những thách thức lại thấp thì con sẽ có trạng thái chủ quan.

Vậy để tạo ra được trạng thái dòng chảy thì cần phải hội tụ đủ 3 yếu tố: mục tiêu cụ thể, phản hồi tức thì và sự phù hợp giữa năng lực và thách thức của từng nhiệm vụ đưa ra. 

  1. Giúp con cảm thấy mình có giá trị

Giải pháp thứ 3 để trị liệu cho trẻ tăng động giảm chú ý đó là chúng ta sẽ giúp con luôn cảm thấy mình là người có giá trị. Để làm được điều đó thì cha mẹ phải tạo điều kiện để con tham gia vào thực hiện nhiều hoạt động cùng cha mẹ. Ví dụ như chúng ta sẽ cùng con làm 1 số công việc nhà tùy thuộc vào năng lực của con như gấp chăn, xếp gối, xếp tủ dép. Nếu con đã 3 tuổi rồi thì chúng ta có thể cùng con đi vứt rác. 

Hoặc chúng ta sẽ giao 1 số nhiệm vụ cho con như nhặt rau khi con 4 tuổi hoặc cùng con rửa bát khi con 6 tuổi. Hoặc chúng ta có thể hướng dẫn và hỗ trợ con thực hiện các công việc như dọn cơm, dọn giường ngủ, quét nhà, lau nhà, … tùy theo độ tuổi của con. Chúng ta có thể cùng con gấp quần áo, giặt quần áo, đi siêu thị,… Khi con tham gia vào các hoạt động cùng cha mẹ thì con sẽ được khen, được phản hồi và con sẽ cảm thấy mình có giá trị trong gia đình của mình. 

Một cách nữa để con cảm nhận mình có giá trị là cha mẹ có thể cùng con thực hiện các hoạt động từ thiện. Ví dụ như cùng con nấu ăn để mang tới bệnh viện tặng cho những người bệnh. Hoặc là tặng cho những người khó khăn ở ngoài đường 1 chút tiền, 1 bộ quần áo còn sử dụng được nhưng con mặc chật rồi. Hoặc chúng ta sẽ giúp đỡ 1 ai đó đi qua đường, giúp mẹ trông em bé hoặc giúp ông bà đi chợ. 

  1. Tìm cho con 1 cố vấn

Muốn con vượt qua được tăng động giảm chú ý và bốc đồng trong cảm xúc thì con luôn cần 1 vị cố vấn, 1 mentor. 

Vai trò của cố vấn

Nếu ở nhà cha mẹ là cố vấn của con thì ở trường thầy cô là cố vấn của con. Đó là người sẽ luôn đồng hành cùng con, quan sát những khó khăn của con, những điểm mạnh của con, sẽ lắng nghe những thông điệp của con và thấu hiểu con. Từ đó, họ sẽ đưa ra những dẫn dắt, quy trình hướng dẫn con. Từ các quy trình là bảng biểu đến quy trình hình ảnh đén quy trình hướng dẫn lời nói, chữ viết,… Như vậy con có cách để thực hiện được các công việc. 

Cố vấn cũng sẽ là người luôn phản hồi nhanh để con biết con đang làm đúng hay chưa đúng để duy trì hoặc điều chỉnh. Và người cố vấn cũng là người cho con những lời khen, những động lực tích cực để con bước qua sự thất bại của mình 1 cách tích cực, neo giữ lại được cảm xúc tích cực khi con làm tốt được 1 việc gì đó. Đó chính là giá trị của người cố vấn. 

Giải quyết ký ức tiêu cực của con

Rất nhiều các bạn tăng động giảm chú ý bốc đồng về cảm xúc, khó chịu, gây rối những người xung quanh, cố tình chống đối và làm ngược các yêu cầu của người lớn. Nhưng một trường hợp có thể xảy ra đó là khi những em bé được xếp vào nhóm cá biệt, thường bị mắng, thường bị trách phạt thì các em sẽ có cảm xúc tiêu cực, ký ức tiêu cực. 

Hành trình lớn lên của các em sẽ có trạng thái ký ức không tốt đẹp về việc bị xa lánh, bị cô lập. Các em có rất nhiều những tổn thương. Và lúc đó thì các em sẽ mang suy nghĩ là ghét người lớn và chống đối người lớn. Điều các em khao khát ở đây là sự quan tâm. Vì vậy vai trò của 1 người cố vấn, 1 mentor luôn cần thiết với các con.

Trẻ tăng động giảm chú ý rất cần những thầy cô ở lớp, ở trường thấu hiểu con để có thể đồng hành và hướng dẫn con. Còn về nhà thì con sẽ cần những người cha mẹ đồng hành và hướng dẫn để con quen dần với nếp học tập hoặc hoạt động theo 1 lịch trình. Ở đó con sẽ cảm thấy mọi thứ trở nên rõ ràng và dễ đi hơn. 

  1. Giúp con vận động nhiều hơn

Ngay cả với người lớn, tập thể dục là 1 việc vô cùng ý nghĩa. Với trẻ tăng động giảm chú ý, tập thể dục không chỉ có ý nghĩa mà nó là hoạt động không thể thiếu với các con. Năng lượng dư thừa trong con không phải do con muốn mà do những rối loạn trong cơ thể. Năng lượng trong con luôn đầy ắp và con muốn được hoạt động, muốn xả nó ra để cảm thấy thoải mái. 

Chính vì vậy việc chúng ta cho con tập thể dục là công việc bắt buộc. Cha mẹ cần lên kế hoạch hàng tuần, đều đặn hàng ngày là cách tốt nhất để giúp con cần bằng năng lượng trong cơ thể. Như vậy con sẽ có thể giải quyết công việc của mình theo 1 cách tập trung và bình tĩnh hơn. Tập thể dục cũng giúp con tăng việc hít thở lên. 

Khi con tập thể dục nhiều và hít thở tốt thì cũng làm giảm lượng axit trong cơ thể và tăng hệ miễn dịch của con lên. Chúng ta có thể cho con đá bóng, chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội,… Hoặc cha mẹ có thể đăng ký các khóa học ngoại khóa hoặc chúng ta sẽ là người trực tiếp thực hiện bài tập cùng với con mình. 

Khi tham gia các hoạt động ngoài trời thì con cũng được hưởng ánh nắng tự nhiên, hấp thụ vitamin D3. Và như vậy việc chuyển hóa hormone serotonin để tạo ra melatonin sẽ giúp giấc ngủ của con tốt hơn Khi đó, có thể con cũng sẽ khỏe mạnh hơn, con sẽ ổn định và điều hòa được trạng thái cảm xúc cũng như các hoạt động trong cuộc sống.

  1. Đặt quy định rõ ràng

Giải pháp thứ 6 đối với trẻ tăng động giảm chú ý đó là chúng ta cần phải đặt ra các quy định 1 cách rõ ràng. Đó là các quy tắc sinh hoạt trong gia đình, quy tắc khi ở lớp, quy tắc khi ra đường, quy tắc khi khách đến nhà, quy tắc trong bữa ăn, … 

Và chính cha mẹ sẽ là người đầu tiên cài đặt cho con hiểu được những quy tắc đó cần phải làm những gì. Khi hiểu rồi thì con cần ghi nhớ các quy tắc. Nếu không nhớ được thì chúng ta cần tạo ra các hệ thống hình ảnh hoặc quy trình đặt ở những nơi con dễ nhìn thấy trong sinh hoạt hàng ngày. 

Ví dụ như quy tắc mở của tủ lạnh thì phải đóng cửa tủ lạnh. Hoặc quy tắc đi học về thì phải cất giày ở đúng tủ. Hoặc phải tập trung làm xong thì mới được đi ra ngoài trong vòng bao nhiêu phút, mới được đi uống nước. 

Một lưu ý nữa là khi cha mẹ đã xây dựng được bộ quy tắc cho con rồi thì chúng ta cần thống nhất các thành viên trong gia đình. Như vậy để con biết tôn trọng quy tắc, để con biết quy tắc là thứ sinh ra thì phải thực hiện được. Và khi con thực hiện được thì con sẽ có quyền lợi nào đó. Còn khi con không thực hiện được thì con sẽ phải chịu trách nhiệm với toàn bộ hậu quả của hành động con gây ra. 

Ví dụ như ăn cơm muộn vì không làm bài đúng giờ hay thức dậy vào lúc 10 giờ tối để cất đồ chơi vì không cất đồ chơi trước khi đi ngủ. 

  1. Huấn luyện cảm xúc

Giải pháp thứ 7 cô Huyên muốn chia sẻ với các cha mẹ đó là huấn luyện cảm xúc. Huấn luyện cảm xúc là 1 liệu pháp không chỉ áp dụng đối với trẻ tăng động giảm chú ý mà đối với trẻ tự kỷ, rối loạn tâm lý hoặc trẻ chậm phát triển trí tuệ và cả trẻ phát triển bình thường đều sử dụng được. 

Nó được gọi là liệu pháp bởi vì trong huấn luyện cảm xúc có 5 bước: 

  • Nhận ra cảm xúc của đứa trẻ

  • Đọc được cảm xúc của đứa trẻ

  • Đón nhận cảm xúc của đứa trẻ như 1 cơ hội để tìm tới 1 giải pháp để phát triển

  • Gọi tên cảm xúc của đứa trẻ

  • Hướng dẫn trẻ tìm ra giải pháp để vượt qua được vấn đề của mình

Hy vọng các cha mẹ sẽ kiên trì, nỗ lực áp dụng những giải pháp mà cô Huyên đã chia sẻ vào hành trình hỗ trợ con tại nhà để thu được những kết quả tốt trong hành trình phát triển của con. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *