Với 1 em bé bị tự kỷ, quá trình trị liệu sẽ kéo dài trong bao lâu? Và khi nào thì 1 em bé bị rối loạn phổ tự kỷ có thể dừng quá trình trị liệu 1:1? Đây là trăn trở của rất nhiều phụ huynh có con bị rối loạn phổ tự kỷ. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với cha mẹ 1 số kiến thức để cha mẹ có thể tự đưa ra câu trả lời phù hợp với con của mình.
Ý nghĩa của trị liệu 1:1
Trước khi đi vào trả lời câu hỏi bao giờ thì dừng việc can thiệp 1:1, chúng ta phải nói tới ý nghĩa của nó.
Với những em bé phát triển bình thường hay kể cả những em bé phát triển đặc biệt, việc được ai đó dành khoảng thời gian riêng để làm việc 1:1 với em bé đó chính là khoảng thời gian giúp em bé học được rất nhiều, cảm nhận được rất nhiều và nuôi dưỡng được cảm xúc sâu lắng cũng như là kết nối sâu sắc hơn. Chính vì thế nó không dành riêng cho trẻ đặc biệt.
Với các trẻ bình thường, việc cha mẹ tìm gia sư về nhà dạy cho con môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh là quá trình học tập 1:1. Nó chỉ khác về tên gọi. Khi chúng ta thuê gia sư về để dạy con thì gọi là con đang học cùng gia sư. Còn khi chúng ta thuê giáo viên đặc biệt về dạy con mình dựa trên những khiếm khuyết con đang mang và nó mang tính y học thì chúng ta gọi là trị liệu hoặc can thiệp vào quá trình phát triển của của con.
Chính vì sự khác nhau ở tên gọi đó dẫn đến sự khác nhau cả trong tư duy, suy nghĩ và dán nhãn trong tiềm thức của một số người rằng mô hình trị liệu 1:1 là dành riêng cho người đặc biệt.
Ngay cả người lớn, nếu như chúng ta có những câu chuyện đặc biệt trong cuộc sống mà chúng ta cần có 1 ai để chia sẻ và nếu chúng ta được nói chuyện, được ngồi giãi bày với ai đó thôi thì chúng ta cũng cảm thấy vơi đi nỗi lòng, chúng ta cảm thấy được an ủi, cảm thấy nhẹ nhàng và tìm được hướng giải quyết mới.
Như vậy việc trị liệu 1:1 vô cùng có ý nghĩa với tất cả mọi người. Vậy nên cha mẹ đừng cảm thấy quá trình can thiệp 1:1 hoặc trị liệu 1:1 với con mình là điều gì đó bất thường.
Tại sao cần áp dụng mô hình can thiệp 1:1 với trẻ tự kỷ?
Những em bé bị rối loạn phổ tự kỷ đã được chẩn đoán, lượng giá được khuyến khích can thiệp với mô hình 1:1. Bên cạnh đó là cha mẹ dành thời gian dạy con tại nhà, chơi với con và tối thiểu trong 1 ngày cần dành 3 tiếng cho con. Đó chính là trị liệu 1:1.
Với những em bé đang phát triển và từ bé đến lớn nếu như được quan tâm, được hướng dẫn và được hỗ trợ 1:1 cùng với 1 ai đó đã là tốt rồi.
Với những em bé rối loạn phổ tự kỷ, bên trong các em có rất nhiều những khó khăn so với trẻ bình thường. Một số khiếm khuyết cốt cõi là suy giảm chức năng giao tiếp, khó khăn về khả năng chú ý chung, khó bắt chước, khó khăn về phát âm, khó khăn về ổn định cơ thể hoặc khó khăn về việc linh hoạt các vấn đề trong cuộc sống.
Do vậy các em lại càng cần nhiều hơn nữa sự quan tâm từ cha mẹ, từ những người xung quanh. Và con cần có các giờ được học tập 1:1 cùng với những người làm chuyên môn có kỹ thuật đặc biệt để có thể hỗ trợ con.
Khi nào dừng can thiệp 1:1 với trẻ tự kỷ?
Không có quy chuẩn nhất định
Nhiều phụ huynh có con bị rối loạn phổ tự kỷ được khuyến nghị can thiệp 1:1 và có điều kiện, chúng ta đầu tư cho con. Đến 1 thời điểm họ không biết dừng cái nào là phù hợp bởi vì đã quá quen thuộc với việc con được hỗ trợ trị liệu 1:1 và con đang tiến lên. Chính vì thế dừng mô hình nào thì cha mẹ cũng thấy tiếc, thấy lo lắng nhỡ may con không thể tiến bộ như hiện tại được.
Mặt khác, khi con phát triển lên, con sẽ cần những mô hình trị liệu khác nữa và cha mẹ lại không thể định hướng rõ được. Điều đó sẽ làm mất nhiều thời gian hơn để con cài đặt và học lại, học tiếp những kỹ năng bị thiếu sót. Như vậy cũng không tốt với con.
Trên thực tế, không có bất kỳ 1 thang quy chuẩn nào về thời gian trị liệu 1:1 cho các em bé bị rối loạn phổ tự kỷ. Mà thời lượng trị liệu, thời gian cha mẹ dành cho con, thời gian con được hỗ trợ và tư vấn 1:1 luôn được khuyến nghị là càng nhiều càng tốt.
Hạn chế của can thiệp 1:1
Nhưng không có nghĩa rằng can thiệp 1:1 là con không cần phải học nhóm, học đôi và học cả lớp. Bởi vì 1 đứa trẻ phát triển được sẽ cần có rất nhiều kỹ năng, yếu tố.
Có thể trong môi trường can thiệp 1:1 con sẽ được hỗ trợ phát triển về mặt nhận thức, về kỹ năng cá nhân, về vận động tinh, vận động thô, về ngôn ngữ hiểu, ngôn ngữ nói. Tuy nhiên cha mẹ hãy nhớ rằng khiếm khuyết cốt lõi của trẻ tự kỷ là suy giảm chức năng giao tiếp và tương tác kết nối. Vậy nếu như chúng ta duy trì quá lâu can thiệp 1:1 thì điều đó cũng chưa hoàn toàn tốt với năng lực của con.
Bên cạnh đó, can thiệp 1:1 hay trị liệu 1:1 hướng đứa trẻ đến làm việc trực tiếp với nhiều người lớn, với các mệnh lệnh, hoặc làm việc trực tiếp nhiều với sự gợi ý hỗ trợ. Và thói quen đó của con lâu dần sẽ được thiết lập và trở thành 1 điều cố hữu trong suy nghĩ của con là luôn chỉ tìm tới người lớn để kết nối và giao tiếp.
Chính vì thế khi con đến lớp, con có xu hướng tìm tới các thầy cô hoặc các anh chị ở lớp lớn để con kết nối và chơi. Nhưng với các bạn ngang tuổi và những em bé nhỏ hơn thì sự kết nối của con không tốt như khi con kết nối với người lớn mặc dù con đã được hỗ trợ trị liệu can thiệp 1:1 rất lâu và có hiệu quả.
Nhận thức vấn đề
Từ đó chúng ta có thể hiểu rằng không phải cứ duy trì và kéo dài mãi quá trình trị liệu 1:1 là tốt. Hoặc nếu như chỉ can thiệp 1:1 mà không có môi trường được can thiệp là hỗ trợ chơi hoặc kết nối với bạn bè hoặc các hoạt động nhóm để con có thể tham gia học các kỹ năng kết nối, kỹ năng bắt chước, kỹ năng quan sát và kỹ năng giải quyết vấn đề với các bạn cùng nhóm tuổi thì đó cũng là sự thiệt thòi với các con.
Đó sẽ là khiếm khuyết rất lớn với những em bé là khi đi học con không thể kết nối được với bạn và con không biết cách giải quyết các vấn đề xảy ra với những người xung quanh mà không phải người lớn.
Điểm khó ở đây là chúng ta đang thiếu các giờ trị liệu can thiệp 2 tức là 1 mình cô giáo hỗ trợ con cùng với 1 bạn khác chơi hoặc trị liệu 3 là trị liệu nhóm mà ở đó 1 cô trị liệu cho 1 nhóm để các con được tổ chức hoạt động chơi. Con cũng cần thêm hoạt động trị liệu đưa con vào 1 nhóm lớn hơn nữa, khoảng 6 – 7 bạn và thậm chí là 1 nhóm to để con có thể quan sát, chú ý và tìm cách kết nối cũng như là giải quyết các vấn đề khi chơi cùng bạn.
Giải pháp cho cha mẹ
Để con có thể đi học hòa nhập thì con cần phải được xây dựng các kỹ năng tiền đề. Ở đó cần phải có kỹ năng bắt chước, kỹ năng quan sát, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng chú ý, kỹ năng chú ý chung, kỹ năng chia sẻ luận phiên, sự hiểu và khả năng nói, kỹ năng chơi tương tác qua lại. Vậy ngoài trị liệu 1:1 chúng ta sẽ cần cả những giờ trị liệu nhóm.
Bởi vì nếu duy trì trị liệu 1:1 quá lâu thì trẻ sẽ trở nên lệ thuộc và đứa trẻ sẽ gặp khó khăn trong quá trình kết nối do khiếm khuyết cốt lõi của con là suy giảm chức năng giao tiếp và tương tác.
Nhưng nếu như chúng ta chỉ tập trung để con đi hòa nhập ở mầm non để tương tác với bạn bè, kể cả những trẻ phát triển bình thường mà thiếu hoàn toàn các kỹ năng phía trên thì đứa trẻ đó cũng chỉ đang tồn tại trong môi trường kết nối, nó không đủ cho việc phát triển kỹ năng cá nhân cần có cho hành trình phát triển của con.
Vì vậy chúng ta cần phải cân bằng, cần có sự giúp đỡ từ những người làm chuyên môn để được tư vấn về việc bao giờ con có thể giảm dần các giờ trị liệu 1:1 để chuyển sang trị liệu 1:2, trị liệu nhóm hay môi trường hòa nhập. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải kết nối với những người giáo viên dạy con để đưa ra được câu trả lời cho riêng mình.
Và với trẻ rối loạn phổ tự kỷ, những khó khăn, khiếm khuyết cốt lõi của con sẽ gắn liền với con cả đời. Chính vì thế hành trình cả cuộc đời chúng ra vẫn phải hỗ trợ và dẫn dắt con 1:1. Nhưng người có thể theo con lâu dài nhất chính là cha mẹ. Cha mẹ là người đồng hành và hiểu con nhất, cha mẹ là người nhìn được hành trình con đi. Và chính cha mẹ phải là người trả lời được câu hỏi bao lâu thì dừng lại quá trình trị liệu 1:1.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com