Nhiều phụ huynh chia sẻ họ đang mắc kẹt trong mối quan hệ với con. Điều đó có thể bắt nguồn từ việc những hành vi của con làm cha mẹ thất vọng. Một nguyên nhân nữa là do kỳ vọng của bố mẹ vượt xa hơn khả năng của con. Lúc đó, cha mẹ sẽ rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực và chúng ta dễ quy kết, phán xét, gán mác con.

Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ một số thông tin để chúng ta giải mã hành vi của con. 

Mối quan hệ giữa tư duy, cảm xúc và hành vi

Đầu tiên chúng ta phải hiểu được mối quan hệ giữa tư duy (suy nghĩ), cảm xúc và hành vi. Đó là 3 cạnh của hình tam giác, chúng luôn tác động qua lại lẫn nhau. 

Hoạt động của não bộ

Các quyết định của chúng ta đều là phản hồi trả lời kích thích của bộ não. Trong não người có 1 bộ phận gọi là hệ viền, nằm sâu trong khu vực não trung tâm. Nó còn được gọi là vùng não nóng hay vùng não cảm xúc. Đó là nơi sinh ra mọi phản xạ nhanh của con người, chịu trách nhiệm phản ứng với cảm xúc. Chính vì vậy đôi khi con rất khó kiểm soát được nhu cầu bản thân. 

Vậy nên con rất dễ thể hiện cho chúng ta biết rằng con khóc vì con đói hay bị ướt bỉm hay con muốn được bế ẵm, muốn đi ngủ, muốn được yêu thương. Bởi đó chính là những bản năng của con nên con rất dễ phản hồi ra cho chúng ta hiểu. 

Vùng não mát (vùng vỏ não trước trán) chịu trách nhiệm về suy nghĩ, tư duy logic, phân tích vấn đề và quyết định làm hay không làm. Ví dụ việc chúng ta có thể kiềm chế bản thân mình vì lợi ích trước mắt để đạt được lợi ích xa hơn.

Trên thực tế, ở trẻ em, vùng não nóng luôn hoạt động nhanh và mạnh nên phản ứng của con thiên nhiều về hướng cảm xúc. Và khi con người càng lớn lên thì chúng ta lại càng có khả năng kiểm soát tốt hơn vì vùng não mát đã hoàn chỉnh hơn. 

Các yếu tố tạo thành hành vi

Các thông tin đi qua đa giác quan của con người vào bộ não, bộ não phân tích, xử lý thông tin rất nhanh và phản hồi ra bên ngoài. Như vậy, hành vi của con người không phải bẩm sinh đã có, nó không phải bản chất con người. Mà từ tư duy – sự phản hồi của bộ não, kết hợp cùng yếu tố cảm xúc và yếu tố thể lý mới đưa ra được hành vi.

Một em bé không thể quét nhà sạch sẽ, không thể dọn giường của mình sạch không phải bản tính con người của con. Không phải con sinh ra đã được định sẵn là 1 đứa trẻ luộm thuộm, lười biếng. Nên việc chúng ta nhìn thấy hành vi của con và quy kết con thì đó là điều sai.

Chấp nhận con người để thay đổi hành vi

Nhiều cha mẹ cảm thấy khó chịu bởi những hành vi của con. Chúng ta nhìn thấy con chơi điện tử chẳng hạn, chúng ta rất bực tức và thu điện thoại, thu máy tính, kiểm soát bằng cách đánh mắng con. Nhưng hành vi đó vẫn xuất hiện, con và con sử dụng những hành động tiêu cực khác để chống đối lại sự áp đặt của cha mẹ. Mọi thứ rối bung lên theo chiều hướng tiêu cực hơn.

Chấp nhận con người 

Có 1 cách để chúng ta có thể thay đổi được hành vi đó là chấp nhận con người. Đó là 1 điều vô cùng quan trọng, là bí mật thành công của rất nhiều thiên tài giao tiếp. Họ xây dựng được các mối quan hệ giao tiếp tốt bởi họ không bắt ai phải thay đổi hành vi của mình cả. Bởi họ tin rằng hành vi của ai đó không phải bản chất con người của họ. Có thể do bối cảnh, do thể trạng cơ thể, do cảm xúc của họ ở thời điểm đó, cũng có thể do tư duy của họ ở thời điểm đó.

Họ hiểu điều đó và họ quyết định chấp nhận con người này, chấp nhận bối cảnh này, chấp nhận kết quả này, chấp nhận hành vi ở thời điểm này. Và họ tìm hiểu đã có chuyện gì xảy ra khiến cho con người này quyết định thực hiện hành vi này. Họ không tập trung vào kết quả nữa mà tập trung vào nguyên nhân tạo ra hành vi đó.

Như vậy, bất kỳ hành vi nào đều có nguyên nhân tiền đề của nó. Việc đón nhận hành vi, chấp nhận con người, tìm hiểu nguyên nhân sẽ giúp chúng ta tìm ra cách để thay đổi hành vi. Không phải chúng ta trực tiếp biến đổi hành vi mà chúng ta có thể tạo ra 1 môi trường mới, 1 cảm xúc mới, 1 trạng thái cơ thể mới. Để chính con người đó họ nhận ra những vấn đề còn thiếu và bồi đắp thêm các kỹ năng làm thay đổi hành vi theo chiều hướng tích cực hơn. 

Giải pháp cho cha mẹ 

Tìm hiểu nguyên nhân tiền đề

Khi con có hành vi tiêu cực thì chúng ta rất dễ có cảm xúc tiêu cực theo. Lúc đó, cha mẹ hãy nhớ rằng hành vi xảy ra sẽ chi phối bởi 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là có thể con bị thiếu về mặt kiến thức. Yếu tố là 2 là con có thể bị thiếu về phương tiện để thể hiện nhu cầu bền trong. Cách thức để thể hiện ra bị thiếu, bị yếu dẫn đến đứa trẻ dễ cục tính, dễ khó chịu. Điều đó khiến con có những hành vi ứng xử sai cách. Và đó sẽ là điều chúng ta cần phải lưu ý. 

Ví dụ khi con đang nói bậy thì chúng ta phải nhìn được yếu tố gì khiến con làm vậy. Có phải con bị thiếu kỹ năng giao tiếp, con không phân biệt được cái gì là tích cực và cái gì là tiêu cực để loại bỏ. Con cần có 1 tầm nhìn xa hơn, 1 hình tượng tương lai mà con muốn hướng tới. 

Tiếp theo chúng ta cần xem xét yếu tố phương tiện. Con đã có phương tiện cách thức để có thể truyền tải cảm xúc, suy nghĩ của con ở thời điểm đó hay chưa? Đã có đối tượng sẵn sàng lắng nghe con nói chưa? Hoặc lúc này, con đang có nỗi đau nào đó trong cảm xúc khiến con có hành vi như hiện tại không? 

Chúng ta bắt đầu đi tìm nguyên nhân tiền đề tạo ra hành vi. Để từ đó, chúng ta cài đặt lại tư duy cho con, hỗ trợ con giải tỏa cảm xúc hoặc thay đổi trạng thái thể lý. Thì lúc đó hành vi của con sẽ tự động thay đổi. 

Không ép buộc con

Chúng ta không thể ép con thay đổi hành vi. Bởi vì khi chúng ta càng ép thì cha mẹ và con càng mâu thuẫn. Như vậy chúng ta và con sẽ không thể đồng hành cùng nhau được. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ rạn nứt, đứt gãy. 

Hi vọng qua chia sẻ của cô Huyên, các cha mẹ sẽ có đủ sự tự tin và tỉnh thức để dẫn dắt cho con trong hành trình phát triển tiếp theo. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *