Trong bài viết này cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ về tăng động giảm chú ý, những biểu hiện của tăng động giảm chú ý và những ưu điểm của 1 em bé tăng động giảm chú ý dưới góc độ giáo dục hiện đại. Để từ đó cha mẹ hiểu con hơn và có những cách thức, phương pháp hỗ trợ con phù hợp.
Những biểu hiện của tăng động giảm chú ý
Đầu tiên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những biểu hiện nhìn thấy được ở một em bé tăng động giảm chú ý.
Tăng hoạt động
Biểu hiện đầu tiên là tăng hoạt động. Các em bé thường hoạt động liên tục, tay chân gần như không có điểm dừng. Bản chất là các em không kiểm soát được cảm giác bồn chồn từ bên trong. Nếu như chân phải để yên thì tay phải ngọ nguậy. Nếu như tay chân phải để yên thì đầu và cơ thể phải di chuyển liên tục. Các em có thể đi lại quanh nhà, chạy trong nhà, trèo lên bàn, lên ghế, lên giường, thậm chí trèo lên cửa sổ, nhảy lên nhảy xuống.
Không tập trung
Biểu hiện thứ 2 là các em sẽ không tập trung và không thể tập trung được trong bất kỳ 1 cuộc nói chuyện nào. Các em rất khó duy trì được cuộc hội thoại quá 1 – 2 phút. Khi chúng ta giao nhiệm vụ thì cứ nhắc đằng trước con quên đằng sau. Bởi vì ở thời điểm đó con không thể kéo dài được sự lắng nghe.
Và như vậy con sẽ không ghi nhớ được các thông tin. Thậm chí các bạn đi học rồi nhìn vào cuốn sách đó, mắt nhìn, miệng đọc nhưng không tập trung nên cũng không thể ghi nhớ được nội dung đã đọc. Và bởi vì không tập trung được vào hoạt động học nên con cũng rất dễ quên các kiến thức.
Tiếp theo là các bạn tăng động giảm chú ý rất khó giữ gìn và bảo quản được các đồ dùng cá nhân của mình. Con thường xuyên bị mất đồ cá nhân khi đi học, có bạn mỗi ngày mất 1 – 2 cái bút. Có thể con không nhớ được các dụng cụ cá nhân của mình như thế nào để mang về hoặc để bảo quản được nó.
Bốc đồng
Triệu chứng thứ 3 là con có tính bốc đồng. Đó là biểu hiện rõ ràng nhất của những bạn tăng động giảm chú ý. Con hầu như không chờ được. Khi người khác nói thì phải đến lượt mình nghe xong thì mình mới nói. Nhưng con nhảy luôn vào miệng người khác để nói, để phản hồi hoặc để đưa ra yêu cầu tiếp theo. Khoảng chờ ở đó rất ít hoặc gần như không có. Hoặc là con sẽ làm quá mọi việc lên.
Bản chất ở đó không phải do con cố ý mà do con khó kiểm soát được những rối loạn bên trong. Ngoài ra, con có thể rất dễ khóc, dễ cáu, dễ mất kiểm soát trong các hành động, trong ứng xử, trong giao tiếp kết nối. Việc chờ đợi, lắng nghe, điều chỉnh và giải quyết mọi thứ ôn hòa trở nên khó khăn với con.
Nếu như con đang có những triệu chứng như trên thì chúng ta có thể lên mạng search “DSM-5”. Đó là Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần. Chúng ta sẽ dựa trên những triệu chứng được ghi trong từng mục để chẩn đoán tình trạng của con. Nếu con có 6 triệu chứng trong mỗi mục đó và nó kéo dài liên tục trong 6 tháng thì chúng ta nhận ra được con đã nằm trong nhóm trẻ bị tăng động giảm chú ý.
Cha mẹ nhìn được các triệu chứng của con càng sớm càng tốt để chúng ta đưa con đi đánh giá, đi gặp những người làm chuyên môn để được tư vấn. Và từ đó chúng ta sẽ có cách sớm hơn để hỗ trợ đưa con ra khỏi vùng rối loạn của con.
Thực trạng và nguyên nhân trẻ bị tăng động giảm chú ý
Thực trạng trẻ tăng động giảm chú ý
Nhiều phụ huynh chia sẻ càng ngày càng nhiều trẻ bị tăng động giảm chú ý. Mỗi lớp học bình thường ở các trường Tiểu học và THCS sẽ có ít nhất 2 – 3 bạn rối loạn phát triển. Trong đó, tỷ lệ trẻ bị tăng động giảm chú ý và tự kỷ là nhiều nhất.
Theo thống kê của Hiệp hội Bác sĩ gia đình Hoa Kỳ (2021), có 2 – 16% trẻ em trong độ tuổi học sinh có những triệu chứng của tăng động giảm chú ý. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bệnh viện Trung ương (2023), có 3 – 8% trẻ trong độ tuổi đi học có những triệu chứng của tăng động giảm chú ý.
Nó còn phụ thuộc vào việc cha mẹ có phát hiện ra bất thường của đứa trẻ để đưa đi đánh giá ở bệnh viện hay không để họ thu thập được số lượng. Chính vì vậy nên đây không phải con số cố định và số lượng thực tế có thể còn nhiều hơn.
Vậy nguyên nhân tình trạng này là do đâu?
Nguyên tăng gây ra tăng động giảm chú ý
Có rất nhiều nghiên cứu khoa học về y khoa, về giáo dục, về phát triển con người đã nghiên cứu các nguyên nhân gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có 1 kết luận hay 1 khẳng định cụ thể rõ ràng nào về nguyên nhân dẫn đến rối loạn tăng động giảm chú ý. Và chúng ta cũng không cần tập trung quá nhiều vào nguyên nhân của vấn đề mà chúng ta sẽ tập trung tìm ra phương hướng để hỗ trợ các con.
Thường các cha mẹ sẽ phát hiện ra các triệu chứng, biểu hiện đặc biệt của tăng động giảm chú ý ở con trong giai đoạn từ 6 – 7 tuổi. Vậy nên con số thống kê được của Viện nhi Việt Nam trong độ tuổi đó là đa số.
Có nhiều người làm chuyên môn nhận định 1 em bé chỉ mới 2 tuổi và hoạt động nhiều là tăng động giảm chú ý. Điều này là không có cơ sở bởi vì chưa có 1 chương trình hay công cụ nào được xây dựng để đánh giá em bé dưới 3 tuổi là tăng động giảm chú ý.
Nhưng như sau 3 tuổi mà chúng ta thấy các biểu hiện và triệu chứng của con tăng lên về các tiêu chí để chẩn đoán so sánh trong DSM-5 hoặc ICD-10 thì chúng ta sẽ cần phải đưa con tới những nhà chuyên môn để hỗ trợ chẩn đoán và đánh giá con càng sớm càng tốt.
Góc nhìn mới về tăng động giảm chú ý
Cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ 1 góc nhìn mới về tăng động giảm chú ý để chúng ta có thêm những suy nghĩ tích cực và những năng lượng mới.
“Dạo gần đây người ta bắt đầu nhìn tăng động giảm chú ý dưới góc độ mới. Nếu như bây giờ Edison được sinh ra và lớn lên đi học ở đất nước hiện tại, trong thời điểm hiện tại các bạn đang sống thì có lẽ ông cũng được chẩn đoán là tăng động giảm chú ý. Những hành động hồi nhỏ của ông hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn để đánh giá tăng động giảm chú ý ngày nay.
Không chỉ riêng Thomas Edison, khi nhìn vào tiểu sử và tự truyện của những con người vĩ đại đã để lại cho lịch sự nhân loại hàng nghìn hàng loạt những thành tựu to lớn như Thomas Edison, Alexander Graham Bell, Benjamin Franklin, Mozart, Beethoven, Andersen, … ta có thể nhìn thấy những triệu chứng của tăng động giảm chú ý.
Khi họ còn rất nhỏ, ngay cả như Walt Disney, Magic Johnson, John F. Kennedy, Winston Churchill cũng vậy. Một trong số những nghệ sĩ nổi tiếng, các ca sĩ nổi tiếng ở các châu lục cũng đều có những đặc điểm về tăng động giảm chú ý.
Nói đến đây để cho tất cả mọi người đều công nhận với tôi 1 điều rằng mắc hội chứng tăng động giảm chú ý là thiếu sự tập trung hay có những hành động bốc đồng tăng động. Nhưng ở đó không phải là dấu chấm hết cho một sự phát triển. Đó chỉ là cách mở ra 1 con đường mới cho những người phát triển theo cách riêng của họ”.
Ưu điểm của trẻ tăng động giảm chú ý
Mặc dù chưa kết luận chính thức nhưng gần đây thay vì xem tăng động giảm chú ý là 1 vấn đề tiêu cực thì người ta tập trung nhiều hơn vào những điểm mạnh của người tăng động giảm chú ý. Dưới đây là 1 số ưu điểm tiêu biểu của tăng động giảm chú ý.
Nắm bắt cảm xúc
Thứ nhất là tất cả những trẻ bị tăng động giảm chú ý đều có khả năng nắm bắt được cảm xúc và suy nghĩ thật của con người. Những trẻ phát triển bình thường rất dễ bị đánh lừa bởi cảm xúc của người khác bằng các cử chỉ bên ngoài là ánh nhìn, cơ mặt hoặc nụ cười.
Nhưng với 1 trẻ bị tăng động giảm chú ý, các em rất nhạy cảm về việc đọc cảm xúc và suy nghĩ thực của người khác. Nên nếu 1 y tá tiêm cho 1 em bé bị tăng động giảm chú ý thì em bé sẵn sàng từ chối nếu như không cảm nhận được cảm xúc và nụ cười của cô y tá đó là cảm xúc thực của sự yêu thương.
Thích vận động
Ưu điểm thứ 2 đó là trẻ tăng động giảm chú ý luôn tràn đầy năng lượng nên các em rất thích các hoạt động như vận động thể thao hay dã ngoại ngoài trời. Điều này với những trẻ phát triển bình thường, đặc biệt là nhóm trẻ có tính cách nhạy cảm, hướng nội lại có phần lép vế.
Làm được nhiều việc cùng lúc
Thứ 3 là trẻ tăng động giảm chú ý có thể làm được nhiều việc cùng 1 lúc. Và đặc điểm này rất cần thiết cho những người leader, những người làm lãnh đạo, quản lý, đạo diễn. Một lúc họ sẽ phải có khả năng bao quát rất nhiều công việc. Ví dụ như 1 đạo diễn thì họ vừa phải quan sát diễn viên, vừa phải quan sát hậu trường, âm thanh, ánh sáng và phối cảnh,…
Khả năng sáng tạo
Tiếp theo là trẻ tăng động giảm chú ý có khả năng sáng tạo. Cùng 1 vấn đề, trẻ tăng động giảm chú ý có khả năng nhìn bằng nhiều cách và có thể giải quyết bằng nhiều cách khác nhau.
Yêu thiên nhiên
Ưu điểm thứ 5 đó là 1 em bé tăng động giảm chú ý có khả năng hòa hợp và yêu thiên nhiên đất trời. Vì vậy khi được đi dã ngoại và tham quan các hoạt động ngoài trời thì các em sẽ rất tập trung và có thể ghi nhớ được các đối tượng ngoài trời mà các em được tham gia trải nghiệm thực tế.
Tinh thần tự do
Cuối cùng là các em luôn có tinh thần tự do và không thể chịu được việc bị hạn chế hay cản trở. Mặc dù cách thể hiện của các em còn chưa phù hợp nhưng nếu như các em được hướng dẫn, được định hướng bằng cách đúng đắn từ người thân trong gia đình hoặc cách giáo dục đúng đắn thì các em vẫn phát triển 1 cách tối ưu.
Hi vọng qua chia sẻ của cô Huyên, cha mẹ sẽ biết được các biểu hiện, triệu chứng của 1 em bé bị tăng động giảm chú ý, góc nhìn hiện đại về tăng động giảm chú ý để nhìn con theo 1 cách tích cực nhất. Hiểu rõ những hạn chế và ưu điểm đó thì cha mẹ có thể tìm được phương pháp và giải pháp để hỗ trợ cho các bạn bị tăng động giảm chú ý trong 1 hành trình tiếp theo.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com