Tầm quan trọng của EQ
Một điều mà cha mẹ sẽ phải thật sự chú ý tới trên hành trình nuôi dạy con đó là: Không phải IQ mà EQ mới quan trọng. EQ chính là sức mạnh của tinh thần. Nếu như IQ chỉ là thể hiện sức mạnh của bộ não thông qua trí nhớ, suy luận tính toán thì EQ sẽ được thể hiện thông qua sự đồng cảm, thấu hiểu, khả năng giao tiếp, thể hiện cảm xúc cũng như năng lực ứng phó trong các mối quan hệ.
Đó là khả năng nhận thức, thể hiện và điều chỉnh cảm xúc của bản thân cũng như khả năng nhận biết, đồng cảm với cảm xúc của người khác. Vậy nên EQ chính là chỉ số điều khiển trí tuệ của con người để người ta giao tiếp tốt và thành công.
Giai đoạn tuổi dậy thì
Giai đoạn tuổi dậy thì là thời kỳ quan trọng trong hành trình phát triển của trẻ, với sự phát triển của vùng hệ viền và vùng thùy trán trong não. Trong giai đoạn này, cha mẹ cần hiểu rõ để kết nối và hướng dẫn con một cách hiệu quả. Vùng hệ viền chi phối khả năng điều chỉnh cảm xúc, đòi hỏi sự hiểu biết và sẻ chia linh hoạt từ phía cha mẹ.
Nghiên cứu về khoa học thần kinh chỉ ra bộ não chúng ta chia làm 3 phần: vùng thân não, vùng hệ viền và vùng thùy trán (hay còn gọi là não bò sát, não thú và não người). 3 vùng đó sẽ có mức độ thời điểm để phát triển và hoàn thiện khác nhau. Là những người làm cha mẹ, chúng ta cần phải hiểu được quá trình phát triển của con để kết nối, đồng hành và hướng dẫn con tốt nhất.
Vùng thân não được hoàn thiện ngay khi ở trong bụng mẹ, nó phụ trách điều hòa nhịp tim, hơi thở, hô hấp và giúp điều hòa thân nhiệt,… Vùng hệ viền sẽ phát triển ở tuổi dậy thì, nó chi phối khả năng điều chỉnh cảm xúc của con người và làm cho con người ta có nhu cầu về ăn uống, tình dục,… Ở giai đoạn này, khả năng ổn định và cân bằng của con đang phát triển và chưa hoàn thiện. Vùng não này phản xạ rất nhanh nên giai đoạn này con cũng ứng biến rất linh hoạt.
Và sự kiềm chế, sự quản lý, cân bằng cảm xúc ở giai đoạn này chưa tốt nên đây là giai đoạn mà cha mẹ phải học để hiểu mình trước để rồi hiểu con. Khi mình hiểu mình rồi, hiểu con rồi thì cha mẹ phải đặt mình vào vị trí của con, phải hiểu bối cảnh của con, lắng nghe một cách thụ động trước rồi lắng nghe chủ động, sau đó cha mẹ sẽ học các chiến lược để khơi gợi con và con sẽ là người tự bóc tách các lớp vỏ hành ra và cuối cùng đứa trẻ sẽ tự nghiệm ra vấn đề và tự giải quyết. Đó mới là cách giúp con tháo gỡ các vấn đề ở giai đoạn tuổi dậy thì.
Vùng thùy trán là vùng được hoàn thiện cuối cùng, trung bình vào khoảng 27 tuổi, con gái là khoảng 24 tuổi và con trai là khoảng 30 tuổi. Thời điểm đó chúng ta mới bắt đầu có lập luận tư duy logic, biết suy nghĩ tổng quát các vấn đề, khái quát thông tin, biết chọn lựa những gì ưu tiên trước và biết điều chỉnh cảm xúc của mình cũng như là đưa ra các quyết định trong cuộc sống.
Vì vậy chúng ta có thể thấy, đến giai đoạn tuổi dậy thì, con chúng ta đã phát triển về cơ thể nhưng bộ não của con vẫn cần một khoảng thời gian nữa để phát triển và ổn định. Và chúng ta – những người đã vượt 30 tuổi đang đứng ở góc độ của một người ổn định về não bộ để nhắc một người phía dưới rằng hãy làm đi trong khi con đang không biết nên làm gì cho phù hợp.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng não bộ của các bạn trong tuổi dậy thì có các ống thần kinh phát triển rất mạnh, rất nhanh, sự tăng sinh chất xám gấp rất nhiều lần so với bình thường và con có rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Vậy cha mẹ cần phải hiểu để tạo bối cảnh cho con học hỏi, trải nghiệm. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ở trẻ dậy thì, serotonin giảm 4 lần so với trẻ em và người lớn. Đây là chất dẫn truyền thần kinh tham gia vào quá trình điều khiển cảm xúc của con người. Nó còn tham gia vào quá trình tạo ra melatonin là chất giúp con người ta ngủ tốt, ngủ sâu. Và điều này khiến cho con khó ổn định cảm xúc cũng như là đi vào giấc ngủ.
Vậy nên cha mẹ hãy bình tĩnh lại để xem con của chúng ta đang gặp khó khăn và cần giải quyết những vấn đề nào. Hãy bước vào thế giới của một đứa trẻ dậy thì để hiểu được con đang phải vật lộn với những khó khăn mà chính bản thân đứa trẻ cũng không kiểm soát và chủ động được.
Thấu hiểu và phát triển EQ: Chìa khóa của mối quan hệ lành mạnh
EQ mới là chỉ số thông minh quan trọng, nó điều khiển trí tuệ con người. Vậy nên nếu chúng ta đang đau đầu vì điểm số của con, vì kết quả của con không được tốt thì hãy bình tĩnh lại để thấy rằng ở thời điểm này điều gì mới thực sự quan trọng. Để bảo vệ con mình, cha mẹ phải thực sự nâng cấp con mình lên và nâng cấp chính mình trở thành người thông thái. Cha mẹ hãy nhớ rằng, quá trình quan trọng hơn kết quả, vậy nên chúng ta hãy tập trung vào hành trình con đi và hỗ trợ con rèn luyện kỹ năng thay vì thành tích của con.
Tiếp theo là cha mẹ nên dừng việc sử dụng các câu hỏi “Tại sao…?”. Bởi vì những câu hỏi này chỉ mang tính đổ lỗi. Chúng ta có thể thay bằng câu hỏi “Đã có chuyện gì xảy ra khiến cho con làm hành động đấy?”. Tiếp đó cha mẹ có thể sử dụng các câu hỏi: “Chuyện này đã xảy ra ở đâu?”, “Con nghĩ khi nào thì con sẽ bắt đầu làm lại?”. Khi đó con mới mở lòng mình ra để sẻ chia. Vậy cái quan trọng nhất chính là kỹ năng con học được từ những sự việc đó chứ không phải là kiến thức. Bởi lẽ khi nhìn được kỹ năng bị thiếu ở con và tạo ra được bối cảnh để trẻ tham gia vào học các kỹ năng thì kiến thức cũng tự khắc đi vào. Vậy cái quan trọng nhất nó chính là kỹ năng cần được phải học.
Khoa học thần kinh đã chỉ ra rằng trong não bộ con người có những tế bào học tự động. Khi con mới sinh ra, không ai dạy thì con đã biết nhìn từ cái này sang cái khác. Vậy nên chỉ cần con có một nền tảng được thiết lập ổn thì khi đặt con vào bối cảnh con sẽ tự biết nâng cấp để học kỹ năng và từ đó cũng nâng cấp được về kiến thức. Nên là chỉ số IQ mà tích cực (đi lên) là bởi vì chỉ số EQ đang rất là tích cực. Còn nếu như chỉ số IQ đi xuống, là bởi vì chỉ số EQ tiêu cực cũng đang bị đi lên.
Khi chúng ta tức giận thì ai đó nói gì chúng ta cũng sẽ quay trở lại phản ứng luôn. Khi chúng ta còn đổ lỗi cho một ai đó trong mối quan hệ và mâu thuẫn, là bởi vì bản thân chúng ta thực sự chưa hết mình để giúp con đâu. Khi chúng ta tức giận thì chúng ta đang sử dụng vùng não thú (vùng não hệ viền), cảm xúc chưa ổn định, chúng ta chưa có đủ thời gian để phân tích bằng vùng thùy trán. Và chúng ta chưa phân tích, chưa lập luận, chưa lựa chọn ưu tiên lắng nghe trước hay phản hồi trước. Việc phản xạ nhanh như vậy chỉ càng làm cảm xúc tiêu cực đi lên, chúng ta rơi vào cái bẫy của stress và không kiểm soát được lời nói của chính mình. Và sau đó chúng ta ân hận tại sao lúc đó mình lại nói như vậy, lại làm như vậy. Là bởi vì khi chỉ số cảm xúc tiêu cực đi lên thì chúng ta không còn đủ sự minh mẫn để đưa ra quyết định sáng suốt.
Vậy nên để có được mối quan hệ ôn hòa nhất và phát triển được cả 2 phía là cha mẹ và con cái thì làm ơn hãy xỏ chân vào đôi giày của con, hãy đứng vào góc của con đi. Góc nhìn của chúng ta và góc nhìn của con là hoàn toàn khác nhau. Nếu chúng ta có mâu thuẫn và tức giận đó là do chính chúng ta đang làm chúng ta bực tức. Ở vị trí của con sẽ nhìn vấn đề hoàn toàn khác.
Vậy thì từ giờ trở đi, khi cha mẹ có những điều bức xúc với con thì chúng ta phải lập tức ổn định cảm xúc của mình trước. Vậy thì hãy làm những thứ đơn giản nhất để giữ cho mình chỉ số EQ, trạng thái cảm xúc tốt để dạy con. Với những cha mẹ có con bị rối loạn phát triển thì chúng ta càng phải hiểu mình và hiểu con, hết sức ổn định cảm xúc của mình. Chúng ta cần phải có sự quan sát, chờ đợi, lắng nghe để thấu hiểu. Thấu hiểu rồi thì bắt đầu mới đồng hành và cuối cùng là mới bắt đầu dẫn dắt được.
Một tip nhỏ cho các cha mẹ là bất cứ khi nào các cha mẹ dạy con, hãy luôn luôn có một cốc nước bên cạnh. Nếu mà cảm thấy khó chịu quá thì uống, bởi vì cơ thể mình có tới 70% là nước, uống nước sẽ giúp mình cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Hít vào thở ra liên tục trong 3 đến 5 nhịp, có thể vẫn còn tức giận nhưng chắc chắn cha mẹ sẽ kiểm soát được hành động của mình hơn.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com