Nhiều phụ huynh chia sẻ họ thực sự bối rối khi con khóc và ăn vạ. Họ đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau nhưng không hiệu quả. 

Vậy hôm nay cô Huyên sẽ dùng kiến thức được tích lũy qua 14 năm kinh nghiệm của mình để hướng dẫn cha mẹ những việc cần làm khi một em bé khóc.

Quan điểm sai lầm 

Nói đến ăn vạ là chúng ta nói đến sự mất tập trung, những hành vi tiêu cực của trẻ. Bởi vì ở đó chúng ta có những quan điểm cá nhân, có sự kỳ vọng. Khi kỳ vọng không đạt được thì chúng ta dễ có suy nghĩ tiêu cực và phán xét con. 

Ví dụ một em bé hàng xóm khóc thì chúng ta cảm thấy bình thường. Nhưng khi con của chúng ta khóc thì chúng ta lập tức nghĩ rằng con không nghe lời, con cố ý làm sai hoặc con đang ăn vạ. 

Chính từ suy nghĩ, quan điểm, cảm xúc chủ quan đó khiến chúng ta khó lấy lại trạng thái thăng bằng khi con khóc. Điều đó khiến chúng ta chúng ta dễ tức giận, nóng tính. 

Giải pháp cho cha mẹ khi con khóc, ăn vạ

Hiểu đúng về hành vi khóc của trẻ

Khi chúng ta thấy em bé khóc thì chúng ta cần hiểu rằng mọi hành vi đều có chức năng. Cha mẹ phải hết sức khách quan để đọc được động cơ ẩn sau tiếng khóc đó. 

Ví dụ một em bé 1 – 2 tháng tuổi khóc thì có thể do em bé bị ướt bỉm, đói bụng hay nóng bức. Tiếng khóc đó gửi đến thông điệp tôi đang đói rồi thì cho uống sữa, tôi đang ướt bỉm thì thay bỉm, tôi đang mỏi lưng thì cần phải bế.

Với những em bé lớn hơn, có thể em bé khóc vì không lấy được thứ đồ mình thích, không thể làm được gì, không có kỹ năng nhờ người khác giúp đỡ và cũng không giải quyết được vấn đề của mình. Có em bé khóc vì đau, vì không có ai chơi.

Như vậy, cha mẹ cần hiểu rằng việc một em bé khóc, thể hiện cảm xúc, mất tập trung là chuyện bình thường. Và đôi khi khóc cũng tốt cho hệ hô hấp của con. 

Phân loại hành vi khóc của con

Tiếp theo, cha mẹ hãy nhớ rằng mọi hành vi của trẻ cần được sắp xếp, phân loại. Có nhóm hành vi chúng ta cần phải hỗ trợ, có nhóm hành vi chúng ta không cần hỗ trợ. 

Nếu con khóc vì thiếu kỹ năng thì chúng ta cần phải dạy con ngay. Nhưng nếu tiếng khóc đó để bắt buộc cha mẹ thực hiện điều gì đó giúp mình thì chúng ta hãy để con có thời gian xả cảm xúc tiêu cực và thực hiện hành vi giao tiếp không đúng. 

Sau đó, khi con không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ chú ý nào thì con sẽ bình tĩnh trở lại. Lúc này cha mẹ mới tới cạnh con và mang đồ vật con cần tới hoặc dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề là tìm ai đó và nhờ họ giúp đỡ, chỉ cho họ biết điều con muốn. Con sẽ bắt đầu ghi nhận và học tập. 

Như vậy, cha mẹ hãy lưu tâm và viết những kỹ năng con bị thiếu ra, dành thời gian dạy con những kỹ năng mới để thay thế cho hành vi cũ. Con sẽ hiểu được rằng thay vì khóc, con có thể dễ dàng thực hiện được điều mình muốn thông qua các kỹ năng được bố mẹ dạy.

Phòng còn hơn chống

Điều tiếp theo là để quản lý được các hành vi của con, đặc biệt khi con khóc thì chúng ta hãy nhớ rằng phòng còn hơn chống. Cha mẹ hãy nhớ đừng để đến lúc hành vi bùng nổ rồi thì chúng ta mới đi giải quyết hậu quả mà hãy tìm cách khắc phục từ thời điểm bắt đầu có tín hiệu của sự tiêu cực. 

Ví dụ như trước khi con khóc, con sẽ có những hành động như dậm chân, xua tay, khó chịu, hậm hực. Tất cả những hành động đó là tín hiệu đèn vàng để chúng ta hiểu rằng sắp đến thời điểm đèn đỏ là lúc con khóc và ăn vạ. 

Vậy cha mẹ hãy cố gắng đọc được tín hiệu của hành vi tiêu cực trước thời điểm nó bùng nổ. Hãy nhớ rằng trước khi chúng ta dạy con, việc quản lý được hành vi tiêu cực của con là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta cần phải hướng dẫn con các kỹ năng để giảm thiểu sự bùng nổ cảm xúc tiêu cực. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *