Giải pháp khi con có mâu thuẫn hoặc đánh nhau với bạn bè

  1. Lắng nghe 

Lắng nghe con một cách thấu hiểu nhất, đồng cảm nhất. Nhưng nhất quyết chúng ta không trở thành anh hùng giải cứu con hay giải quyết vấn đề thay con. Bởi nếu chúng ta giải cứu con thì con sẽ không học được cách giải quyết vấn đề bằng cách là tự bản thân mình phải thương thuyết, đàm phán và giải quyết các mâu thuẫn.

  1. Đặt niềm tin vào con tuyệt đối

Chúng ta phải đặt hoàn toàn niềm tin vào con. Và chúng ta chỉ cần nói với con khi con đang có nỗi đau, vết đau đó rằng: “Con yêu, mẹ biết rằng hiện tại con đang rất đau và mẹ tin là điều mà con đang cảm nhận, nó là sự thật”. Hãy nói với con để con cảm thấy mình được tin tưởng.

Nếu chúng ta nghi ngờ, quy kết con thì con sẽ mất niềm tin vào chúng ta. Con sẽ cảm thấy cô đơn vì không được bảo vệ, không được thấu hiểu, và lần sau con sẽ không muốn kể chuyện đó với cha mẹ. Con sẽ lâm vào khó khăn là đã thiếu kỹ năng mà không được dạy thì lại càng thiếu kỹ năng hơn. Và khi đó thì cách duy nhất con có thể sử dụng chính là cách con đang làm, đó là đánh nhau với bạn.

  1. Cho con sự hỗ trợ và giải pháp

Chúng ta hãy hỏi con rằng con có muốn nhận lời khuyên vào lúc này hay không. Hỏi con về điều con muốn thực hiện hay điều mà con cần trợ giúp. Nếu như con không muốn, thì chúng ta tôn trọng con, chúng ta không nói nữa. Nếu như con muốn, chúng ta có thể đưa ra một số phương án hỗ trợ con. 

Chúng ta cũng nên dựng lại bối cảnh mà con vừa có mâu thuẫn để khơi gợi con tìm ra những giải pháp mới. Và cuối cùng con sẽ phải là người quyết định lần sau thì con sẽ làm gì. Bởi nếu chúng ta lựa chọn thay con thì con sẽ hình thành thói quen phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Nên khi không có cha mẹ ở cạnh, con vẫn tiếp tục sử dụng sử dụng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn của mình.

  1. Đừng coi con là nạn nhân

Khi có ai đó làm tổn thương con mình, nhiều cha mẹ vì thương con nên chúng ta nhảy vào bảo vệ con luôn. Cách chúng ta coi con là nạn nhân đó cũng khiến cho con nghĩ rằng con là một nạn nhân thực sự. Và như thế, khi có bất kỳ mâu thuẫn nào xảy ra, con sẽ đều cho là bởi vì người khác chứ không phải vì mình, mình là người bị hại. Và khi lớn lên, con sẽ không bao giờ biết chịu trách nhiệm hay học được cách tìm ra giải pháp. Điều đó cũng khiến cho con chúng ta không có năng lực tự lập và nó sẽ không tốt cho hành trình của con sau này.

  1. Tôn trọng con

Chúng ta hãy tôn trọng suy nghĩ, quyết định của con. Ví dụ khi con quyết định nghỉ chơi với một bản nào đó, việc của chúng ta là: “Bố đồng ý, mẹ đồng ý với con, chắc chắn là phải có lý do nào đó khiến con quyết định ngừng chơi với bạn”. 

Đồng thời, chúng ta hãy cho con nhìn thấy bức tranh tương lai của sự lựa chọn đó. Rằng con phải chịu trách nhiệm là con tự cắt mối quan hệ này thì khi con muốn quay trở lại, con cũng phải là người tự kết nối lại, cha mẹ không có trách nhiệm giúp con làm việc đó. Và con cũng sẽ cảm nhận được là cha mẹ tin tưởng con hoàn toàn và không bắt con mình phải chơi với một ai đó.

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái trên hành trình dạy con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *