Chúng ta có những hoạt động sinh hoạt hàng ngày cùng con trong gia đình của mình. Tuy nhiên, không nhiều phụ huynh tận dụng được cơ hội hướng dẫn con và dạy con trong những hoạt động đó. Vậy hôm nay, cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ về những nội dung mà chúng ta có thể dạy cho con của mình trong bữa ăn hàng ngày.
Tại sao chúng ta nên dạy con trong bữa ăn ?
Khi con đến trường, con được học rất nhiều kiến thức từ các thầy cô. Nhưng ở đó thiếu bối cảnh để dạy cho con những kỹ năng liên quan tới hoạt động sinh hoạt trong gia đình và đó là lý do tại sao các ba mẹ cần phải đi học chuyên môn. Nó cung cấp những phương pháp, chiến lược phù hợp để chúng ta có thể sử dụng được tất cả các hoạt động trong sinh hoạt thường ngày với con và chúng ta dạy con các kỹ năng mới tại các hoạt động đó.
Một ngày chúng ta có tới 2 bữa có thể ăn được cùng với con: bữa sáng và bữa tối. Với những trẻ trong giai đoạn từ 2 – 3 tuổi thì chúng ta đã có thể hỗ trợ con và hướng dẫn con trong giờ ăn được rồi. Khi con lên tiểu học chúng ta hoàn toàn có thể hỗ trợ và hướng dẫn con nhiều kỹ năng trong bữa ăn của gia đình.
7 mục tiêu cha mẹ nên dạy trẻ trong bữa ăn hàng ngày
Dạy con nhận biết
Điều đầu tiên, trong bữa ăn chúng ta có thể hoàn toàn dạy con học nhận biết.
Với những em bé trong giai đoạn từ 3 – 6 tuổi, chúng ta có thể dạy con nhận biết và gọi tên các đồ vật trong gia đình liên quan đến bàn ăn như: bát, đũa, thìa, đĩa, muỗng múc canh…; thức ăn trong đĩa như: thịt, cá, trứng, cơm, canh, … Hoặc chúng ta có thể hướng dẫn con để con lấy được các đồ vật mà chúng ta gọi tên. Ngoài ra, chúng ta có thể dạy con nhận biết được các đồ vật xung quanh của bối cảnh như: bàn, ghế, khăn lau bàn, giấy lau, cốc, tăm … những đồ vật đặt trên bàn liên quan tới hoạt động ăn.
Bước 1 chúng ta sẽ dạy con nhìn vào đồ vật mà ta đang chỉ, nâng lên, đang nói đến và hướng về phía con để con nhìn, con quan sát đồ vật đang được ba mẹ gọi tên. Bước 2, chúng ta sẽ yêu cầu con đi lấy đồ vật đó và chỉ cho con nơi đặt đồ vật mà chúng ta đang hướng dẫn con đê con nhận biết. Bước 3, chúng ta sẽ cùng con tạo ra các bối cảnh đó để con hiểu được, nhận thức được các chức năng của đồ vật đó.
Ví dụ chúng ta ta dạy con gọi tên đồ vật là cái thìa. Sau đó, chúng ta có thể dạy con nhận biết chức năng của thìa bằng cách yêu cầu con lấy thìa để xúc cơm. Hoặc chúng ta cầm giơ cốc về phía con và nói là cốc thì đó là chúng ta đang dạy con nhận biết tên đồ vật. Sau đó, chúng ta yêu cầu con lấy cốc giúp mẹ để uống nước thì con sẽ hiểu được “dùng để uống nước” chính là chức năng của cái cốc.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể dạy cho con nhận thức và chú ý tới mỗi người trên bàn ăn. Ví dụ như trên bàn ăn của con có ông bà, bố mẹ, anh chị, … Chúng ta có thể hỏi đó là ai và con hoàn toàn có thể nhận diện được là ông, là bà, là bố, là mẹ, là anh, là chị, … Khi con nghe được tên gọi đó, con cũng có thể nhận biết được danh xưng của con người đó. Và con chú ý quan sát từng lượt một khi mẹ chỉ vào từng người. Đó là cách mà con có thể nhận biết được những người thân trong gia đình.
Dạy con về ngôn ngữ
Ngoài ra, chúng ta có thể dạy con về ngôn ngữ trên bàn ăn. Nhận biết là cái cần thiết đầu tiên để con người ta có sự hiểu. Và khi đó kết hợp cùng bối cảnh xung quanh thì ngôn ngữ diễn đạt sẽ là thứ mà con rất dễ thể hiện ra bên ngoài.
Ví dụ con có thể gọi tên từng người trong gia đình khi con đã nhận biết được rồi hoặc con bắt chước gọi tên từng người một khi con đưa đồ cho một ai đó. Ví dụ mẹ sẽ nói rằng là con đưa thìa cho bố thì lúc đó con sẽ cầm thìa vì con đã nhận biết được đồ vật này, đưa cho bố khi con đã biết bố là ai và khi con đưa cho bố thì con có thể bắt chước để gọi bố.
Hoặc chúng ta có thể nói là thìa, đũa, … bất kỳ 1 từ đơn nào đó để con có thể bắt chước âm thanh hoặc các từ đơn gần giống để con dần dần có thể nói được các từ đơn, các từ đôi và các câu đơn, câu ghép. Đó chính là ngôn ngữ diễn đạt sẽ hình thành trong quá trình mà con nhận thức, con có sự hiểu và con có bối cảnh xung quanh để con có thể bắt chước được ngôn ngữ và học cách để nói.
Dạy con về toán
Trên bàn ăn, chúng ta hoàn toàn có thể dạy con được về toán. Toán ở dây không chỉ đề cập đến các phép tính mà nó bao gồm cả màu sắc, hình khối, xếp tương ứng, định hướng không gian, so sánh nhiều ít, to nhỏ, lấy đồ vật theo số lượng tương ứng, … Đó là nền tảng đầu tiên con cần phải học trước khi con lên tiểu học và học về các phép tính. Ví dụ khi con chia bát thì mỗi bát sẽ có 1 cái thìa đi kèm, mỗi ghế có 1 bộ bát đũa và 1 cốc nước đi kèm, … Vậy đó chúng là lúc chúng ta dạy con về toán học. Mỗi cái này tương ứng với 1 cái kia.
Bên cạnh đó, khi sắp xếp bát đũa, thìa, ghế thì con cần phải đếm số người trong gia đình. Có 5 người ăn thì chúng ta sẽ cần 5 cái ghế để con có thể lấy lần lượt và xếp vào vị trí tương ứng. Tiếp theo chúng ta có thể dạy con chia thức ăn. Ví dụ chúng ta sẽ nhờ con cầm trên tay 1 cái bát, trong bát có những quả trứng cút hoặc những đồ vật có thể chia được. Sau đó, chúng ta yêu cầu con hãy chia cho mỗi người 1 quả trứng; tùy theo năng lực hiểu của con để chúng ta lựa chọn ngôn ngữ cho phù hợp.
Hoặc chúng ta có thể dạy con hãy đặt cốc ở trên bàn, đặt hộp giấy ở dưới ghế hoặc đặt cái bát ở trong cái đĩa, đặt cái thìa lên trên cái đĩa,… Tất cả những giới từ chỉ không gian thì chúng ta đều có thể sử dụng để chúng ta dạy con trên bàn ăn. Và chúng ta cũng có thể dạy con các đồ vật liên quan đến màu sắc ví dụ như nhờ con đưa cho mẹ cái thìa màu xanh, cái cốc màu đỏ, … Hoặc chúng ta nói với con là hãy đưa cho mẹ 2 chiếc đũa. Vậy ở đây con sẽ hiểu đũa là gì và sẽ đếm đúng để đưa cho mẹ.
Dạy con các kỹ năng sinh hoạt cá nhân
Chúng ta có thể dạy con ngồi ăn như thế nào cho đúng cách (ngồi thẳng lưng để ăn, 1 tay giữ bát, 1 tay cầm thìa); cầm đũa, cầm thìa bằng tay trái hay bằng tay phải, cầm các ngón tay hay cả bàn tay, cầm theo chiều xuôi hay cầm theo chiều ngược,… Khi ăn xong, chúng ta có thể dạy con nhặt những hạt cơm rơi bỏ vào thùng rác hoặc lấy giấy để lau miệng.
Dạy con giao tiếp
Khi con muốn ăn canh thì con sẽ cần muỗng để múc hoặc là khi con muốn thêm đồ ăn, những món ở xa con thì con có thể dùng phương tiện là ngôn ngữ hoặc cử chỉ, hành động để thể hiện nhu cầu và nhờ bố mẹ giúp đỡ. Đó là cách chúng ta tạo ra bối cảnh để con khó khăn 1 chút, thiếu 1 chút. Như vậy thì khi con có nhu cầu, con sẽ có lý do để giao tiếp và chúng ta sẽ dạy được con giao tiếp cũng như các hành vi giao tiếp.
Dạy con xử lý tình huống
Một nội dung nữa mà cha mẹ có thể dạy con trên bàn ăn đó là xử lý các tình huống liên quan đến tư duy. Kể từ khi con 3 tuổi và càng phát triển lên cao thì năng lực tập trung, suy nghĩ sâu để tìm cách giải quyết vấn đề là điều vô cùng cần thiết. Chính vì vậy chúng ta sẽ tạo ra các bối cảnh trên bàn ăn để con trau dồi thêm năng lực tự giải quyết các vấn đề. Ví dụ chúng ta sẽ tạo ra tình huống thiếu đi 1 cái gì đó, con cần phải phát hiện ra và tìm cách để xử lý.
Chẳng hạn như là hôm nay mẹ lấy bát và yêu cầu con chia bát, nhà có 4 người, có 4 cái ghế; mỗi ghế sẽ cần có 1 cái bát nhưng bị thiếu đi 1 cái bát. Lúc này con cần phải giải quyết tình huống bằng cách con sẽ đi vào bếp, tìm trong tủ bát, lấy thêm 1 cái nữa để đặt vào tương ứng với ghế. Đó là cách con biết xử lý tình huống. Hoặc con sẽ bảo là mẹ ơi thiếu 1 bát rồi ạ. Đó cũng là cách để con kêu gọi ai đó chú ý đến thông điệp mà con muốn nói hoặc con dùng ngôn ngữ diễn đạt để thể hiện điều mà con phát hiện ra cái khác hoặc cái sai, cái thiếu. Thì đó cũng là 1 cách để con lựa chọn giải quyết vấn đề.
Hoặc có những đứa trẻ chia xong 3 cái ghế còn thiếu 1 cái ghế không có bát thì con cũng để nguyên đấy, cũng chẳng chia nữa, con cũng không phát hiện ra và con cũng không chia sẻ với ai điều đó, cũng không giải quyết một cách trực tiếp. Thì ở đó chúng ta cũng thấy rằng con đang bị thiếu 1 kỹ năng để từ đó chúng ta có thể dạy thêm cho con. Và tất cả những bối cảnh mà chúng ta tạo được ở trên bàn ăn đó là điều mà chúng ta giúp con kích hoạt khả năng suy nghĩ, tư duy sâu hơn để giải quyết các tình huống.
Hoặc là tất cả mọi người trên bàn ăn đều đã có thìa để ăn nhưng khi con ngồi vào ghế của mình thì bát của con có cơm, có thức ăn nhưng lại không có thìa cũng chẳng có đũa bên cạnh và mọi người thì đã ăn cơm rồi nhưng con chẳng có gì cả. Lúc đó tình huống xảy ra 1 cách rất tự nhiên mà con cần phải tìm cách để giải quyết. Có những đứa trẻ sẽ tự chạy vào bếp để tìm thìa, có những đứa trẻ sẽ bốc để ăn luôn hoặc có những đứa trẻ sẽ gọi bố mẹ để xin bố mẹ 1 cái thìa hoặc 1 đôi đũa và có những đứa trẻ thì khóc và hét lên ăn vạ để gửi thông điệp tới cho chúng ta về những vấn đề của con.
Nhưng bằng cách chúng ta quan sát những thông điệp của con đó thì chúng ta cũng phát hiện ra rằng con của chúng ta có cách để giải quyết vấn đề hay chưa. Và nếu chưa có cách để giải quyết vấn đề thì đó là việc của bố mẹ, chúng ta cần phải dạy con những kỹ năng để giải quyết được vấn đề trong cuộc sống.
Dạy con kỹ năng xã hội
Yếu tố thứ 7 chúng ta có thể dạy con về kỹ năng xã hội là kỹ năng tạo mối quan hệ.
Chúng ta có thể dạy con tham gia vào các hoạt động chuẩn bị bữa ăn cùng bố mẹ. Trước khi bắt đầu ăn, cha mẹ có thể dạy con nhìn và mời mọi người ăn cơm. Với những bạn có ngôn ngữ tốt rồi hoặc những bạn học cấp 1, cấp 2, chúng ta có thể dạy con về việc trên bàn ăn con nên mời những người lớn tuổi trước.
Hoặc với các bạn từ tiểu học/5 tuổi trở lên thì chúng ta có thể dạy con chia thức ăn cho ông bà trước, tiếp theo là bố mẹ rồi mới đến lượt mình. Đây chính là kỹ năng xã hội về đạo đức, về thái độ sống của 1 đứa trẻ từ gốc rễ để con hiểu rằng với bố mẹ, với ông bà thì con cần phải luôn thể hiện sự kính trọng và hiếu thảo. Sau bữa ăn, cha mẹ có thể dạy con lấy tăm để mời ông bà, bố mẹ hoặc mang nước, hoa quả ra để mời mọi người. Như thế thì con đang vận hành quá trình xây dựng mối quan hệ của con với những người thân trong gia đình.
Cha mẹ cũng có thể dạy con giúp ba mẹ dọn đồ ăn, dọn bát bẩn, đũa thìa hoặc cất nồi cơm điện hoặc dọn ghế, lau bàn và vứt rác,… Đó là những hoạt động mà ta có thể dạy con được để con tham gia vào các công việc trong gia đình. Khi làm cùng với bố mẹ hoặc hỗ trợ anh chị dọn sau bữa ăn hoặc chuẩn bị trước bữa ăn thì con cũng sẽ học được về việc mỗi người 1 nhiệm vụ. Điều đó sẽ cần rất nhiều sự nỗ lực cố gắng của các ba mẹ. Nhưng nếu làm được như vậy thì con sẽ trân quý gia đình hơn, con học được phong cách sống đẹp cũng như là văn hóa giao tiếp trong gia đình.
Cô Huyên mong rằng tất cả những cái gợi ý của cô hôm nay sẽ giúp cho ba mẹ có những ý tưởng tốt hơn, đa dạng hơn cho nội dung mà chúng ta có thể dạy con trên bàn ăn hoặc chuẩn bị đến giờ ăn hoặc là kết thúc giờ ăn của gia đình mình. Hy vọng các cha mẹ sẽ tận dụng được tất cả những bối cảnh xung quanh gia đình để chúng ta có thể trở thành những huấn luyện viên giỏi nhất của con, là những người dẫn đường con tuyệt vời nhất.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com