Những hoạt động sinh hoạt trong gia đình thường ngày là những bối cảnh rất tốt để chúng ta có thể dạy trẻ tự kỷ. Trong bài viết này, cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ cách dạy con thông qua hoạt động tắm.
Hướng dẫn dạy trẻ tự kỷ qua hoạt động tắm hàng ngày
Nhận thức
Với những em bé ở tuổi mẫu giáo thì chúng ta có thể hỗ trợ và hướng dẫn con cách tắm. Đó chính là thời gian mà chúng ta sẽ tham gia hoàn toàn với con trong hoạt động. Với những trẻ rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ hay giảm chú ý, các con có thể tiếp cận với cha mẹ trong hoạt động tắm và các con cũng hoàn toàn có thể được cha mẹ hướng dẫn và học tập được nhiều nội dung ở đó.
Ví dụ cha mẹ có thể hỗ trợ con nhận thức được những bộ phận cơ thể của con, nhận thức được hoạt động tắm và cách sử dụng các dụng cụ cho hoạt động tắm, nhận thức được cả quần áo sạch và bẩn, ướt và khô.
Ngôn ngữ
Điều thứ hai các ba mẹ có có thể dạy con được thông qua hoạt động tắm đó là ngôn ngữ. Chúng ta có thể nói với con, có thể hồi đáp cùng con, có thể dạy con học về giao tiếp mắt và chúng ta cũng có thể tạo sự bất ngờ để thu hút sự chú ý của con. Chúng ta cũng dùng được các từ đơn, từ đôi, những câu ngắn, câu dài, …
Tùy theo năng lực của con, cha mẹ hoàn toàn có thể sử dụng được ngôn ngữ để giúp con có khả năng lắng nghe, khả năng hiểu, từ đó con sẽ bắt chước cách sử dụng ngôn ngữ của cha mẹ và thậm chí kích hoạt cả khả năng tư duy của con thông qua việc sử dụng ngôn ngữ.
Khả năng vận động
Hoạt động tắm còn giúp con phát được được khả năng vận động tinh thông qua việc con có thể cởi được quần áo, mở được cúc áo, kéo được khóa áo hoặc con có thể sử dụng các đồ vật trong hoạt động tắm 1 cách khéo léo và linh hoạt bằng ngón tay của mình.
Hoặc các con cũng phát triển được vận động thô như đứng thăng bằng ở nơi có nước hoặc con có thể phối hợp được toàn thân từ phối hợp chéo, xoay bên trái rồi xoay bên phải, ngoái người về phía sau. Vùng lườn của con có thể hoạt động và di chuyển cúi xuống nhặt đồ. Từ đó, con có thể có những cử động thô linh hoạt và phối hợp toàn thân tốt hơn.
Kỹ năng chăm sóc bản thân
Con có thể phát triển được cả kỹ năng chăm sóc bản thân hoặc là học được các kỹ năng cá nhân 1 cách thành thục thông qua hoạt động tắm. Như vậy, thông qua hoạt động tắm, chúng ta có thể xây dựng được rất nhiều mục tiêu để dạy con.
Chờ đợi
Ở đây chúng ta có thể dạy con cả sự chờ đợi nữa. Hoặc là chúng ta còn có thể kích hoạt được khả năng tư duy của con thông qua hoạt động tắm.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Đôi khi có những tình huống trong phòng tắm chúng ta có thể tạo ra một cách bất ngờ để con tìm cách giải quyết. Ví dụ như chúng ta mở vòi nước ra và dùng vòi nước xả lên người con. Sau đó khi đang xả chúng ta bất ngờ đóng vòi nước lại, chúng ta thể hiện sự bất ngờ là “Ồ chuyện gì xảy ra đấy?” thì con sẽ nhìn vào vòi nước, nhìn vào cha mẹ.
Chúng ta sẽ giúp con giải quyết tình huống là tắt nước rồi mở nước ra thôi hoặc con sẽ đưa các yêu cầu là “Mẹ ơi con muốn thêm nước” hoặc con sẽ nói là”Mẹ ơi xả nước giúp con với”. Chúng ta hoàn toàn có thể hỗ trợ con tìm xem là “Vòi nước hỏng rồi à” “Thế để kiểm tra, để sửa xem nhá” “Vòi nước hỏng rồi thì chúng ta xả nước ra 1 cái chậu, 1 cái xô, dùng 1 cái cốc để múc nước và dội lên người con.
Đó là những cách chúng ta dạy con từ tư duy để giải quyết vấn đề và các kỹ năng thông qua hoạt động tắm.
Lưu ý cho cha mẹ khi dạy trẻ tự kỷ qua hoạt động tắm hàng ngày
Mỗi lần 1 mục tiêu
Điều quan trọng ở đây là những người làm cha mẹ chúng ta không giống những trị liệu viên hay giáo viên can thiệp hay những người làm lượng giá tư vấn như bác sĩ. Những người làm chuyên môn sẽ có cách nhìn đa chiều, họ sẽ nắm được các kỹ thuật cũng như chiến lược để họ thực hiện được các hoạt động phù hợp. Các cha mẹ chúng ta yêu con rất bản năng, chúng ta mong muốn giúp con phát triển tuy nhiên chúng ta không nắm được các kiến thức chuyên môn.
Thế nên để cho việc chúng ta dạy con thông qua hoạt động tắm không quá áp lực và có được cảm xúc tích cực khi tham gia cùng con thì cô Huyên khuyến nghị mỗi lần các cha mẹ dạy con trong hoạt động tắm chỉ cần đạt 1 mục tiêu là được rồi. Như vậy cha mẹ sẽ tập trung được vào mục tiêu của mình lực chọn, hướng con tới mục tiêu đó và dễ dàng đạt được mục tiêu hơn. Quá trình chúng ta dạy con có kết quả tốt thì chúng ta cũng có động lực để xây dựng mục tiêu mới tiếp theo.
Đúng, đủ , đều
Điều quan trọng nhất khi chúng ta tham gia, làm việc và dạy con đó là đúng phương pháp, đủ thời lượng và đều đặn hàng ngày. Phương pháp là kim chỉ nam dẫn đường cho cha mẹ.
Một yếu tố nữa cha mẹ cần chú ý đó là cảm xúc của bản thân khi tham gia dạy con. Chúng ta phải điều chỉnh cái cảm xúc của bản thân và phải tham gia 100% năng lượng. Vậy nên khi chúng ta tham gia tắm cho con, hãy để cho tâm trí của mình thật sự thoải mái, lúc đó thì con cũng sẽ đón nhận được cảm xúc tích cực từ cha mẹ. Kết hợp những điều trên có thể giúp cha mẹ đạt được kết quả tích cực khi chúng ta dạy con tắm.
Cha mẹ là người thầy quan trọng nhất của con vì thế chúng ta cần phải học tập để nâng cấp sự hiểu biết về các phương pháp giáo dục phù hợp và đúng đắn để chúng ta dẫn đường cho con. Nếu như một em bé bị rối loạn phát triển được can thiệp ở trường rất tốt và được can thiệp ở nhà tốt nữa thì em bé đó sẽ phát triển rất nhanh.
Chúng ta có khoa học dẫn đường, có người hướng dẫn chuyên môn, điều quan trọng là chúng ta cần chăm chỉ và kiên trì tới cùng để có thể hỗ trợ cho con. Cha mẹ có thể ghi chép 1 cách tỉ mỉ những hoạt động mình sẽ làm với con cũng như các kết quả con đạt được để khi nhìn lại hành trình đạt được thành công và sự phát triển của con chúng ta sẽ cảm thấy thực sự tuyệt vời.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com