Nhiều phụ huynh tâm sự với cô Huyên rằng con thụ động quá, nhắc mới làm, không có động cơ để học và làm việc. Khi liên tục nhắc nhở và kiểm tra thì con cũng không có trạng thái tích cực và bố mẹ cũng rất dễ rơi vào trạng thái dễ bùng nổ, khó kiểm soát cảm xúc của mình, và điều đó gây ảnh hưởng không tích cực đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Vậy bí quyết nào cho cha mẹ để giúp con sống có mục tiêu hơn? 

Nguyên nhân khiến con không có mục tiêu

  1. Được nuôi dưỡng trong môi trường quá đủ đầy

Các cha mẹ hãy nhớ về thời điểm chúng ta chưa trưởng thành. Chúng ta là những em bé sinh ra từ các vùng miền khác nhau, có mức độ phát triển khác nhau, hoàn cảnh, điều kiện khác nhau khiến cho chúng ta cũng có những mục tiêu khác nhau. Ví dụ những người sinh ra trong gia đình nghèo khó thì mục tiêu đặt ra là sau này sẽ kiếm được thật nhiều tiền để có 1 cuộc sống khá giả hơn. Và hành trình chúng ta sống là hành trình chúng ta nỗ lực và chủ động làm việc thông qua mục tiêu sống của mình. Khi chúng ta có mục tiêu sống thì chúng ta mới có thể vận hành cuộc sống 1 cách chủ động được. 

Ngược lại, con chúng ta ở thời điểm hiện tại dư thừa đồ ăn, không phải lo lắng về trang phục, sách vở, cuộc sống vật chất đủ đầy nên con cảm thấy rằng để có được những thứ phục vụ cho cuộc sống hàng ngày rất dễ dàng. Điều lo nhất của các con có lẽ chỉ có bài vở, vấn đề học tập hay nhu cầu về đồ chơi, đi chơi. Con không có tầm nhìn xa trông rộng về 1 bối cảnh xa hơn để có những ước mơ. 

Vậy khi con không chủ động trong các công việc, luôn để người khác nhắc nhở, thúc giục thì chúng ta phải xem xét lại bối cảnh chúng ta nuôi con trong gia đình. Chúng ta đã cho con cảm giác thiếu 1 cái gì đó để con cảm thấy cần phải có mục tiêu và viết rõ ràng mục tiêu đó ra để đạt được mong muốn của mình hay chưa. Và sâu xa hơn nữa, chúng ta cần phải biết rằng con của chúng ta đã có 1 tầm nhìn lớn hay chưa. Đó là tầm nhìn về 1 tương lai để đạt được mơ ước của con. 

  1. Niềm tin giới hạn

Rất nhiều bạn học sinh trung học khi được hỏi về ước mơ của mình đã trả lời rằng con cũng chưa biết lớn lên con sẽ làm gì. Đó là một sự thiệt thòi bởi thực tế, người nghèo nhất hành tinh không phải những người vô gia cư mà là những đứa trẻ không có ước mơ và tầm nhìn bị hạn chế bởi những niềm tin giới hạn. Có thể do chính các con gặp những khó khăn và không vượt qua được hoặc con nghe những người xung quanh nói về những điểm hạn chế của mình thì lập tức con tin rằng mình không đủ năng lực để thực hiện công việc đó. Chính vì thế chúng ta hãy đừng trở thành những người cha mẹ thiếu tỉnh thức mà phán xét hay gán mác cho con của mình. 

Cha mẹ hãy nhớ rằng hành vi chỉ là hành vi, không phải là con người của con. Tất cả mọi hành vi dựa vào bối cảnh, tư duy tại thời điểm con đang sống. Chính vì thế các cha mẹ hãy đừng vội quy kết những hành vi đó thành con người của con. Bởi con sẽ tin mọi điều những người xung quanh nói, dù là tiêu cực. Nó sẽ trở thành những niềm tin giới hạn trong con và tầm nhìn của con về 1 tương lai, 1 ước mơ, 1 hành trình sống của con, 1 đỉnh núi mà con cần phải chinh phục sẽ có thêm 1 rào cản và con khó có thể đi đến đích được. Thay vào đó, hãy cho con tin vào những điều tích cực rằng con sẽ làm được, con có năng lực và nỗ lực để thực hiện được.

Cách giúp con sống có mục tiêu hơn

  1. Tạo cho con 1 chút khó khăn

Để con chủ động trong mọi việc thì phải xây dựng được mục tiêu cho con. Và để xây dựng được mục tiêu thì đầu tiên chúng ta cần phải xây dựng cho con 1 tầm nhìn. Tiếp theo, chúng ta cần phải tạo ra 1 bối cảnh sinh hoạt trong gia đình để con có cơ hội được trải nghiệm tất cả mọi nhiệm vụ, mọi công việc và trong cuộc sống. Hãy để con thiếu đi 1 chút, để con cảm nhận sự khó khăn và để khi có được 1 thứ gì đó thì con sẽ trân trọng những giây phút mà con được đón nhận những điều mà con đang nhận được. Có thể là 1 đồ vật mới, có thể là 1 cảm xúc mới hay bất kỳ 1 cái điều gì khó khăn để con biết trân quý những thứ hiện tại con đang có.  

  1. Cho con trải nghiệm

Hãy nhớ rằng trong hành trình sống, tất cả mọi kinh nghiệm sống đều thông qua các trải nghiệm trong cuộc sống. Hãy cho con mình có cơ hội được phát huy tất cả năng lực của bản thân qua việc trải nghiệm các hoạt động thực tế. Từ việc nhà, gặp gỡ những người thành công là bạn của cha mẹ, cùng cha mẹ thực hiện 1 dự án, 1 công việc,… Dù thành công hay thất bại thì đó cũng là trải nghiệm thực tế của con. Từ đó con sẽ vận hành tư duy, sẽ tưởng tượng được, sẽ sáng tạo được và tìm cách để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của mình. 

  1. Cho con trở thành người dẫn dắt

Ngoài việc trải nghiệm thì cha mẹ hãy cho con trở thành người dẫn dắt. Cha mẹ đừng luôn trở thành người dẫn dắt con bởi khi con bị dẫn dắt quá lâu thì con cũng sẽ quen dần với việc bị cha mẹ thúc giục. Ngược lại, chúng ta hãy giả vờ ngây ngô đi 1 chút, yếu ớt đi 1 chút, con sẽ trở thành những cô bé, cậu bé thông minh, dũng cảm và mạnh mẽ để hỗ trợ, dẫn đường cho cha mẹ đi. Hãy cho con bối cảnh để con trở thành một leader. Hãy trao quyền cho con để con có tư duy, có khả năng sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Ví dụ chúng ta có thể để con trở thành người dẫn dắt gia đình trong những chuyến du lịch hoặc trong một bữa tiệc nào đó. Để con xây dựng mục tiêu lịch trình cho 1 buổi party hay lịch trình du lịch cho gia đình. 

Xây dựng các kế hoạch trong gia đình sẽ luôn rất cần những đứa trẻ tham gia bởi vì con trẻ ở thời đại công nghệ số, có những tư duy rất sáng tạo. Đó cũng là cách chúng ta tạo cho con cơ hội để được trải nghiệm và được quan tâm đến những người xung quanh cũng như là thể hiện năng lực lãnh đạo và năng lực sắp xếp của mình. Vậy là chỉ cần cha mẹ giả vờ yếu ớt đi 1 chút, giả vờ ngây ngô đi 1 chút, chúng ta cho con thiếu thốn đi 1 chút thì tự khắc trong con sẽ cảm nhận được những trải nghiệm trong cuộc sống thực tế. Đó là vốn sống, là kinh nghiệm, là trí tuệ, là kiến thức của con và tất cả mọi hành trang trải nghiệm đó sẽ giúp con có mục tiêu để sống. 

Xem xét ở 1 khía cạnh khác, khi con setup 1 bữa tiệc sinh nhật rất tuyệt vời khiến mọi người xung quanh khen thưởng và ca ngợi con. Điều đó sẽ là động lực để con sẽ có thể mơ ước trong tương lai trở thành quản lý 1 chuỗi nhà hàng, khách sạn hoặc là 1 người chuyên tổ chức sự kiện. Hoặc khi chúng ta cho con sắp xếp hoặc tìm 1 địa điểm cho kỳ nghỉ của gia đình thì ngay lập tức con cũng sẽ lên mạng tìm kiếm, hỏi nhiều người để biết được nơi cần đến, điểm cần đi và lên lịch trình sắp xếp tất cả mọi thứ như thế nào. Trải nghiệm này có thể link tới 1 ước mơ là trong tương lai con sẽ trở thành hướng dẫn viên du lịch. 

Lưu ý cho cha mẹ 

Từ những công việc trong hành trình con trải nghiệm, con có thể tìm kiếm và khám phá ra được các thông tin mới. Cha mẹ có thể lựa chọn ra được những kỹ năng con nên học, những mơ ước phù hợp với con và khơi gợi cho con những mơ ước đó để con sống có mục tiêu hơn. Chúng ta hãy hướng dẫn con viết những mục tiêu, những mơ ước của con 1 cách rõ ràng ra, chắc chắn con sẽ trở thành những đứa trẻ có mục tiêu, chủ động thực hiện các nhiệm vụ để đạt được mơ ước của bản thân. Nhớ rằng hãy trao quyền cho con và luôn nói những lời tích cực, đưa ra những sự khơi gợi tích cực cho con và cho con niềm tin tích cực đầy nội lực mạnh mẽ thì con sẽ thật sự có khả năng phát triển trong tương lai. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *