Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng họ không biết xác định mục tiêu dạy con. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ hướng dẫn cha mẹ cách xác định đúng mục tiêu dạy trẻ tự kỷ – tăng động tại nhà.
Cách cha mẹ xác định đúng mục tiêu dạy trẻ tự kỷ tăng động tại nhà
Mục tiêu dạy con phải bám vào những hành vi tiêu cực con có, từ đó đề ra mục tiêu dạy con hành vi tích cực. Mục tiêu can thiệp còn được xác định từ các kỹ năng hạn chế và hành vi có vấn đề. Ví dụ con có hành vi có vấn đề là tè dầm thì mục tiêu là dạy tè đúng cách. Hay vấn đề của con là chưa biết xúc ăn thì mục tiêu của mình sẽ là dạy con biết xúc ăn.
Phân loại mục tiêu dạy con theo khu vực
Ở đây, chúng ta sẽ phân định ra ở nhà, ở hàng xóm và ở nơi công cộng.
Mục tiêu tại nhà
Ví dụ ở nhà, con không buộc được dây giày thì đó là kỹ năng hạn chế. Vậy mục tiêu của chúng ta là dạy cho trẻ buộc dây giày. Hoặc hành vi có vấn đề là hét lên khi cần giúp đỡ thì cần dạy cho trẻ chỉ, kéo hoặc phát ra âm thanh hay sử dụng hệ thống tranh AAC để người khác hiểu mình đang cần giúp đỡ.
Mục tiêu trong phạm vi hàng xóm
Đối với phạm vi hàng xóm, giả dụ kỹ năng có vấn đề đó là con không thể tự sang nhà hàng xóm được, khi nào muốn qua nhà hàng xóm thì cúng phải kéo ông bà đi cùng. Vậy bây giờ mình sẽ dạy con là đi sang nhà hàng xóm có thể bấm chuông được. Trường hợp con bấm chuông liên tục để trêu hàng xóm thì mục tiêu của chúng ta là dạy con kỹ năng không làm phiền người khác.
Mục tiêu ở nơi công cộng
Đối với phạm vi công cộng, con không tự mua được bim bim thì đó là hành vi có vấn đề. Chúng ta sẽ dạy cho con các thao tác để có thẻ mua được bim bim. Vấn đề của con là chạy loanh quanh trung tâm thương mại không có điểm dừng thì mục tiêu của chúng ta là trong 10 ngày tiếp theo cho con đi trung tâm thương mại và dạy con biết dừng, chờ và kiểm soát được hành động.
Sắp xếp thứ tự mục tiêu
Vậy nhiều vấn đề như thế thì chúng ta sẽ dạy cái gì đầu tiên? Việc của cha mẹ là liệt kê các vấn đề của con. Sau đó chúng ta sẽ sắp xếp các mục tiêu theo thứ tự ưu tiên.
Ví dụ ở nhà, con rửa tay và đánh răng chưa đúng cách. Rửa tay thì vung vẩy, đánh răng thì chỉ chải được phía trong mà không chải được phía giữa, hoặc chỉ đánh được 1 bên. Thì mục tiêu đó là con có thể đánh răng đúng cách. Hoặc ví dụ hành vi có vấn đề như trèo lan can ban công ở cửa sổ. Vậy mục tiêu đưa tra là con chỉ leo trèo ở khu vận động.
Hay ví dụ như ở nơi công cộng con chưa biết xếp hàng, chỗ nào cũng chui rúc vào hoặc cấu xé ăn vạ người phía trước. Vậy mục tiêu ở đây là dạy cho con biết xếp hàng. Và muốn làm được ở nơi công cộng thì phải tập dượt ở nhà trước. Bố mẹ, ông bà cùng tập cho con xếp hàng. Lần lượt mỗi người sẽ lên lấy 1 đồ vật. Đó là 1 trò chơi ở nhà rất an toàn, thân thiện với môi trường. Luyện tập như vậy thì khi ra ngoài chỉ cần nhắc: “Con ơi xếp hàng” là con sẽ hiểu con cần đứng sau người khác và chờ.
Dịch chuyển mục tiêu can thiệp từ trường về nhà
Bây giờ chúng ta sẽ đến với dịch chuyển các mục tiêu can thiệp từ nhà trường về nhà.
Các bố mẹ cho con học ở An Phú sẽ thấy rằng bạn nào cũng có chương trình can thiệp sau 10 ngày đầu tiên. Đó là nội dung con sẽ làm tại trường và có những điều bố mẹ không thể dạy được bởi sự khuyết thiếu đồ dùng và kỹ thuật chuyên môn. Thay vào đó, giáo viên lại không thể dạy được cho trẻ ở nhà. Vậy việc của chúng ta là dạy con các kỹ năng ở nhà, đồng thời phải theo dõi các nội dung tại trường.
Ví dụ hoạt động ở trường của con là gọi tên các đồ vật và tăng vốn từ bằng danh từ và động từ. Vậy dịch chuyển về nhà có thể bằng hoạt động rủ con cùng chơi đá bóng. Dạy con động từ “đá”, “cất”, “nhặt”, … Hoặc ví dụ dạy con về danh từ. Cho con ngồi trên bàn ăn, chúng ta sẽ nói rằng hôm nay con ăn cá, ăn thịt, ăn trứng, … Đây là thìa, đây là ghế, … Hoặc khi mình đi phát đũa thì mình có thể bảo là đũa của bố đây, đũa của bà đây, …
Hoặc ví dụ hoạt động can thiệp ở lớp là phân loại nội dung. Thì mình phải hiểu phân loại là gì. Phân loại là đưa những thứ khác nhau vào 1 nhóm và tách những thứ khác ra ngoài. Như vậy dịch chuyển về nhà thì mẹ có thể dạy con nhặt rau, nhặt lá bỏ vào rổ đỏ, cuống bỏ vào rổ xanh. Thìa và đũa sau khi rửa bát xong thì bảo con cất thìa giúp mẹ ở khay này, cất đũa ở khay kia, … Đó là hoạt động phân loại hoàn toàn tự nhiên.
Hi vọng với những chia sẻ trên của cô Huyên thì các cha mẹ có thể xác định được mục tiêu dạy con phù hợp nhất.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com