Bài viết cung cấp kiến thức về cách thức chúng ta có thể mở rộng được vốn từ cho con. Nội dung này có thể áp dụng cho cả trẻ bình thường và trẻ đặc biệt.
Sự cần thiết mở rộng vốn từ, phát triển ngôn ngữ tư duy cho con
Với những trẻ phát triển bình thường, từ 12 tháng trở đi trẻ bắt đầu nói được các từ đơn và vốn từ đơn của các con trong giai đoạn từ 1 đến 2 tuổi có thể đạt khoảng 150 – 200 từ, đến 2 – 3 tuổi thì vốn từ có thể lên tới 200 – 400 từ vựng tùy thuộc năng lực học ngôn ngữ của con. Đến khoảng ngoài 2 tuổi con sẽ nói các từ ghép, 3 tuổi con sẽ bắt đầu nói các câu đơn và thể hiện nhu cầu của bản thân.
Có những trẻ nhanh nhẹn còn bắt đầu đặt ra các câu hỏi cho người lớn để tìm kiếm thông tin hoặc khởi xướng cuộc giao tiếp với những người xung quanh. Và nếu như được cha mẹ hỗ trợ mở rộng vốn từ bằng cách giao tiếp với con nhiều hơn hoặc sử dụng các câu hỏi khơi gợi thì con có thể sẽ phát triển hơn nữa.
Với trẻ đặc biệt, trẻ rối loạn phổ tự kỷ, trẻ chậm nói, … thì các con có thể sẽ mất 3 năm đầu đời để học nói và đó là giai đoạn can thiệp sớm. Con rất khó khăn để có thể nói được hoặc khi con nói rồi thì con mắc kẹt ở những từ thông dụng, đơn giản. Cách dùng ngôn ngữ của con còn đơn điệu và chưa có sự sáng tạo, giao tiếp theo khuôn khổ.
Vậy muốn phát triển khả năng giao tiếp của con, giúp con linh hoạt hơn trong kết nối và sử dụng ngôn ngữ hoặc để con biết đặt câu hỏi thì chúng ta phải tìm đến những người làm chuyên môn để nhờ họ hỗ trợ con hoặc để học phương pháp dạy con.
Dưới đây là những cách thức hỗ trợ khi chúng ta giao tiếp kết nối với những em bé đã biết nói, tức là những em bé đã đi qua giai đoạn can thiệp sớm. Bởi vì đó chính là khúc tắc nghẽn nhiều nhất, là thời điểm cha mẹ dễ chủ quan nhất vì nghĩ rằng con biết nói rồi. Chúng ta cảm thấy yên tâm và bỏ qua mất giai đoạn vàng để hỗ trợ con phát triển ngôn ngữ và giao tiếp.
5 cách giúp trẻ mở rộng vốn từ, phát triển ngôn ngữ tư duy
Học qua nghe và giải thích
Điều đầu tiên để mở rộng được vốn từ của con là chúng ta cần phải cho con học qua nghe và việc giải thích. Chúng ta sẽ tạo ra 1 bối cảnh tự nhiên, 1 hoạt động như đọc sách hoặc làm việc nhà cùng con. Ở đó chúng ta sẽ nghe con nói, học cách luân phiên trong tương tác giữa người nghe và người phản hồi. Người nghe sẽ đón nhận các thông tin còn người nói sẽ giải thích hoặc đưa ra ý kiến, quan điểm của mình.
Thông qua quá trình trao đổi, tương tác, thì con sẽ hiểu hoặc học được những từ vựng mới cũng như là học được cách sử dụng từ vựng mình đã có trong 1 cấu trúc câu để giải thích, chia sẻ. Hoặc con cũng học được cách nối câu ngắn thành câu dài, từ đoạn hội thoại ngắn đến hội thoại dài. Vậy cha mẹ cần có những chiến lược thu hút con chú ý tới ngôn ngữ mà chúng ta nói hay những từ vựng mới mà chúng ta muốn dạy con.
Ví dụ chúng ta muốn dạy con tính từ mới là “bao la”. “Bao la” ở đây thể hiện sự rộng hơn những gì mà con đang nhìn thấy. Vậy cha mẹ có thể sử dụng chiến lược như là nhấn mạnh vào từ mới đó, dừng lại 1 chút hoặc kết hợp hành động tạo sự thu hút để con chú ý vào từ vựng đó. Đối với những từ con đã có, để ứng dụng vào cuộc sống thì chúng ta cần sử dụng các câu hỏi khơi gợi để con giải thích.
Ví dụ chúng ta đang cùng con chơi 1 trò chơi đó là cùng viết với nhau trên 1 tấm bảng. Khi viết xong rồi thì chúng ta nói rằng bây giờ mình sẽ xóa bảng đi để viết cái mới lên. Nếu như không có gì để xóa thì chúng ta có thể giả định hay là mình sẽ lấy áo của con để lau bảng. Thì đứa trẻ sẽ từ chối là không được.
Lúc đó chúng ta sẽ khơi gợi bằng các câu hỏi để con giải thích cho chúng ta hiểu được rằng con không thích lấy áo lau bảng vì áo sẽ bị bẩn, con không thích áo bẩn. Tất cả những điều con chia sẻ là cách con giải thích cho sự từ chối của mình. Như vậy, trong bối cảnh tự nhiên, chúng ta đã nghe được cách con sử dụng vốn từ để ghép vào cấu trúc câu, đánh giá được cách sử dụng ngôn ngữ của con, từ đó hỗ trợ con hoàn thiện hơn.
Thảo luận về 1 đồ vật không hiện diện
Điều thứ 2 để mở rộng vốn từ của con là tạo bối cảnh để thảo luận về 1 đồ vật không hiện diện trước mặt con. Đến giai đoạn này, có thể chúng ta phải dạy con khả năng nhớ lại. Tức là con sẽ ghi nhớ 1 đồ vật, thông tin, kiến thức nào đó hoặc tưởng tượng ra hình ảnh của 1 đồ vật để có thể sử dụng ngôn ngữ và nói ra.
Ví dụ chúng ta sẽ bảo là đây là 1 cái ghế, cô và con sẽ cùng ngồi cạnh cái ghế này. Bây giờ con sẽ lấy cái đĩa hay đặt thức ăn ở nhà và đặt lên cái ghế này. Chúng ta sẽ gợi lại để con sẽ là người nói ra. Ví dụ ở nhà con có những loại đĩa nào, đĩa to hay đĩa bé. Có những màu nào, đĩa màu trắng, màu xanh,… Và con định đặt cái đĩa nào lên đây, nó là đĩa to hãy đĩa bé, hình vuông hay hình tròn hay hình chữ nhật, hình con cá, …
Con sẽ phải nhớ lại những thông tin, những kiến thức, những đồ vật mà không hiện diện trước mặt. Và khi con nhớ lại điều đó thì vốn từ của con đang được kích hoạt để sử dụng. Ví dụ con có thể nói là con sẽ đặt lên ghế 1 cái đĩa to màu trắng, hình vuông. Vậy chúng ta có thể nói tiếp là OK vậy con đã đặt lên ghé rồi, bây giờ cô muốn con và cô sẽ cùng nhau tưởng tượng hoặc nghĩ tới 1 loại quả mà mình thích nhất và chúng ta hãy giả vờ đặt quả đó lên cái đĩa này. Cô sẽ đạt 1 quả và con sẽ đặt 1 quả.
Trong trường hợp vốn từ của trẻ không nhiều thì chúng ta có thể làm mẫu bằng cách nói rằng cô sẽ đặt chùm nho cô hay ăn ở nhà lên chiếc đĩa này, chùm nho có màu tím, có rất nhiều quả, có quả to, quả nhỏ. Mỗi quả nho thì có cuống nho. Và nói đến đâu thì mình sẽ cho con tưởng tượng đến đó, con có thể nhắm mắt hoặc có thể nhìn cô để lắng nghe. Lúc này chúng ta hãy cho con nghe những từ mới, chúng ta nói chậm lại và nhấn nhá, có thể kèm các hành động để thu hút con nhớ lại hoặc lặp lại từ vựng mà chúng ta đang nói.
Đến lượt của con con sẽ nói là Bi sẽ đặt quả chuối lên cái đĩa này, quả chuối có màu vàng, có mùi thơm. Như vậy, việc tưởng tượng và nói ra sẽ giúp trẻ có khả năng suy nghĩ về đồ vật 1 cách phong phú, không giới hạn, rèn luyện trí nhớ cũng như là khả năng diễn đạt của mình.
Nói về 1 điều trong quá khứ / tương lai
Cách thứ 3 đó là chúng ta sẽ nói với con về 1 điều gì đó trong quá khứ hoặc ở tương lai. Ví dụ chúng ta sẽ nói với con rằng con hãy nhớ lại xem trưa hôm nay con đã ăn món gì. Thế thì khi con nhớ lại có nghĩa là con phải xác định được khung thời gian đó là những gì đã trải qua được gọi là quá khứ, những gì chưa tới được gọi là tương lai.
Chẳng hạn chúng ta sẽ lấy ngày hôm nay là hiện tại, ngày hôm qua là quá khứ, ngày mai là tương lai để con có thể nhận ra được những gì cần phải nói. Hôm nay là thứ 2, hôm qua là chủ nhật, ngày mai là thứ 3. Ngày mai con sẽ đến trường, ngày hôm qua con ở nhà vì con được nghỉ.
Chúng ta sẽ nói về ngày chủ nhật của con. Con đã đi chơi ở đâu, con đã ăn món gì, con có nhớ tối hôm qua khi tắm xong con đã mặc cái áo màu gì không? Lúc đó con sẽ nhớ lại và con sử dụng vốn từ để thực hành việc kể, mở rộng những thông tin mà có thể trong cuộc sống hàng ngày con nhìn thấy, nghe thấy nhưng không nói ra.
Hoặc chúng ta sẽ nói về tương lai. Ngày mai là thứ 3, con sẽ làm gì vào ngày mai? Con sẽ đi học và đến trường thì con sẽ làm gì? Con có mong muốn gì vào ngày mai không? Con sẽ học được cả cách sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt sao cho dễ hiểu. Và khi chúng ta mở rộng dần các chủ đề nói với con thì con cũng sẽ trau dồi được thêm vốn từ.
Khuyến khích con giả vờ
Điều số 4 đó là chúng ta sẽ cố gắng khuyến khích con giả vờ. Ví dụ chúng ta chơi đóng vai. Hãy giả vờ như con là 1 bác thợ điện, nhà mẹ đang bị mất điện. Bây giờ mẹ sẽ cầm điện thoại gọi cho bác thợ điện nhé. Lúc đó chúng ta sẽ hướng dẫn con bác thợ điện sẽ nói qua điện thoại như thế nào.
Ví dụ khi mẹ nói “Alo, chào bác thợ điện”, bác thợ điện sẽ chào lại là “Chào cô” hoặc “Chào chị”. Sau đó mẹ sẽ nói là “Bác ơi nhà cháu bị mất điện rồi, bác đến giúp cháu với”. Thì con sẽ bảo là “Ừ, nhà cháu mất điện lâu chưa?”. Đó là cách mà chúng ta dạy cho con mình sử dụng ngôn ngữ để đặt câu hỏi.
Mẹ sẽ nói tiếp “Nhà cháu mất điện sáng nay” chẳng hạn. Thì con sẽ nhận diện được về thời gian trong 1 ngày. Con hỏi “Nhà cháy ở đâu”, đó là câu hỏi giúp con lấy được thông tin từ người khác. Mẹ trả lời “Nhà cháu ở địa chỉ…” thì đó cũng là 1 lần đưa thông tin về địa chỉ nhà mình để con nghe và nhớ được.
Tương tự, chúng ta có thể đóng vai 1 bệnh nhân, con là bác sĩ thì con cũng sẽ mở rộng được chủ đề cũng như là cách thức học tập ngôn ngữ của mình.
Đặt câu hỏi và suy đoán
Cách thứ 5 đó là chúng ta phải hướng dẫn con có khả năng suy đoán và kỹ năng đặt câu hỏi. Khi con thắc mắc hoặc không hiểu điều gì, con có thể đặt câu hỏi cho người khác để làm sáng tỏ hoặc con có thể suy đoán.
Ví dụ mình sẽ hướng dẫn cho con là con nhìn này, đây là 1 bức tranh, có 1 cậu bé đang ngồi trên ghế đá trong công viên, cậu chỉ có 1 mình và khuôn mặt của cậu rất buồn. Mình sẽ nói chậm lại để con nghe hoặc mình vẫn nói bình thường nhưng nhấn mạnh các từ vựng mới và có thể kết hợp các hành động để thu hút sự chú ý của con. Sau đó, mình sẽ hỏi con rằng con hãy đoán xem đã có chuyện gì xảy ra với bạn này. Và lúc đó con sẽ bảo là bạn bị lạc bố mẹ rồi nên khuôn mặt buồn lắm.
Những điều con chia sẻ sẽ giúp chúng ta hiểu con hơn, bởi những suy đoán đó có thể chính là trải nghiệm của con hoặc những điều con được dạy. Con cũng sẽ phát triển được vốn từ cũng như khả năng tưởng tượng của mình qua việc suy đoán.
Trên đây là 5 cách thức, 5 hoạt động cha mẹ có thể sử dụng trong quá trình dạy con giúp con mở rộng được vốn từ của mình. Hi vọng các cha mẹ có thể vận dụng thành công để cuộc giao tiếp của cha mẹ và con cái trở nên hiệu quả, ý nghĩa, giá trị hơn. Qua đó, cha mẹ cũng sẽ hiểu và gắn kết với con mình hơn.
Hãy nhớ rằng giai đoạn nói để học của con sẽ đòi hỏi cha mẹ cần có thời gian cho con nhiều hơn, toàn tâm toàn lực hơn trong các cuộc trò chuyện với con. Đặc biệt, cha mẹ cũng cần có khả năng tư duy linh hoạt trong cách sử dụng từ và xây dựng các bối cảnh dạy con. Muốn dạy con khả năng tưởng tượng thì chúng ta cũng phải có khả năng tưởng tượng tốt.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com