Ý nghĩa của sách 

Tổng quan

Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Nó là kết tinh của kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm cả đời của tác giả. Vậy nên nếu chúng ta muốn con mình thành công thì hãy rèn luyện cho con thói quen đọc sách. Khi đó con sẽ có thêm 1 kỹ năng để tìm kiếm kiến thức, để phát triển và dễ dàng đi tới thành công hơn.

Ý nghĩa của sách đối với sự phát triển của trẻ

Trong giai đoạn từ 0 – 6 tuổi, bộ não của trẻ em mở hoàn toàn để đón nhận kiến thức ngoài cuộc sống. Các con dành trọn tất cả giác quan của mình để học tập. Và đọc sách mang lại kiến thức qua các kênh học giác quan của các con. Ví dụ như con sử dụng mắt để nhìn những hình ảnh trong sách, sử dụng tai để nghe ai đó đọc sách cho mình, sử dụng tay để sờ, chạm, thậm chí bỏ sách vào miệng để cắn, dùng mũi để ngửi. Tất cả những hành động đó đều làm gia tăng khả năng phát triển ổn định giác quan của con. 

Một lợi ích rõ rệt khác đó là sách giúp các em bé gia tăng vốn từ và như thế, khả năng giao tiếp của con cũng sẽ tốt hơn. Không chỉ vậy, sách còn làm gia tăng sự chú ý, tập trung của con thông qua hoạt động nghe sách, nhìn sách, qua cảm nhận sờ, chạm. 

Mặt khác, sách mang lại giá trị vô cùng to lớn. Khi con sử dụng sách, nghe sách thì con có thể bắt chước cách diễn đạt ngôn ngữ 1 cách thoát ý hơn, đa dạng hóa cách sử dụng ngôn ngữ của mình. Và đó là tiền đề vô cùng quan trọng để giúp 1 em bé sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, giao tiếp và kết nối tốt hơn. 

Hơn thế nữa, sách làm gia tăng khả năng sáng tạo cũng như nâng cao năng lực tưởng tượng cho các em bé. Khi con tưởng tượng nội dung cuốn sách qua lời kể, con tưởng tượng các vấn đề sẽ xảy ra thì nó không chỉ giúp con phát triển ngôn ngữ mà con rèn luyện khả năng giải quyết tình huống trong tương lai tốt hơn.

Từ những luận điểm trên, chúng ta có thể thấy rõ ý nghĩa của việc sử dụng sách đối với sự phát triển ngôn ngữ, giao tiếp cũng như là sự phát triển toàn diện của 1 em bé nói riêng và nhân loại nói chung.

Lựa chọn sách như thế nào?

Vậy chúng ta sẽ lựa chọn sách như thế nào khi mà thị trường có quá nhiều loại sách? Có nhiều phụ huynh mua sách về nhưng lại không biết sử dụng như thế nào cho hiệu quả hoặc con không thích những cuốn sách mà cha mẹ mua. Vậy chúng ta cần chú ý 1 số vấn đề sau đây để lụa được những cuốn sách phù hợp nhất và có giá trị với con mình. 

  1. Thể loại sách

Có rất nhiều loại sách được sản xuất ra thị trường. Có thể là thơ, truyện, trong truyện thì có truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích, truyện về danh nhân, truyện tranh, … Vậy cha mẹ cần phải hiểu con thích thể loại nào, từ đó chúng ta mới bắt đầu tìm và mua theo sở thích của con. Chỉ có như vậy mới thu hút được sự chú ý của con. 

Ngoài những cuốn sách được thiết kế sẵn thì còn có những cuốn sách do chính những ông bố bà mẹ tuyệt vời tạo ra để dạy con của mình. Ví dụ với những em bé phát triển bình thường, cha mẹ sẽ tạo ra những cuốn sách về những câu chuyện xã hội để giúp các em bé vượt qua những khó khăn về kỹ năng sống. Ví dụ như việc gặp 1 bác sĩ thì thế nào, ra đường thì phải làm sao để an toàn. 

Cũng có những ông bố bà mẹ cực kỳ tuyệt vời khi tạo ra những câu chuyện của chính con mình để giúp con ứng phó được với các vấn đề có thể xảy ra trong cuộc sống. Những câu chuyện có ý nghĩa với cả những em bé phát triển đặc biệt và có những rối loạn giác quan. Ví dụ như 1 em bé bị rối loạn phổ tự kỷ có các rối loạn giác quan đi kèm, em bé nhận thấy có những điều mình không thể thực hiện được giống như các bạn cùng tuổi phát triển bình thường, mình có những khác biệt. 

Những câu chuyện về bản thân em bé đó được cha mẹ thiết kế riêng, viết tên tuổi, sở thích của con mình thành 1 cuốn sách viết về chính đứa trẻ bị rối loạn. Chẳng hạn khi có những âm thanh mà con cảm thấy quá tải về mức nghe, điều gì xảy ra quá tải về mức nhìn, mức chấp nhận và chịu đựng của cơ thể, điều gì khiến con cảm thấy bối rối và mỗi khi như vậy con sẽ thường làm gì để ổn hơn. 

Khi tham gia môi trường hòa nhập thì những vấn đề của con sẽ khó để diễn đạt ngay tức khắc vì vốn từ hạn chế. Nhưng nếu có cuốn sách đó thì con chỉ cần đưa cho người đối diện. Họ mở cuốn sách ra và đọc được thông tin về con thì họ sẽ điều chỉnh môi trường, không gian để con cảm thấy thoải mái hơn hay họ có thể giúp con thực hiện điều gì đó để con thoát khỏi trạng thái quá tải về giác quan. Và như vậy, con sẽ tìm được cảm giác an toàn và thoải mái hơn. 

  1. Chất liệu sách

Trang sách có thể mỏng, có thể dày, có thể làm bằng vải, bằng giấy, … Tùy theo độ tuổi của con mà chúng ta có thể lựa chọn chất liệu sách cho phù hợp. 

Ví dụ đối với các em bé từ 0 – 1 tuổi, con sẽ khám phá, sờ chạm, thậm chí đưa sách vào miệng cắn nữa. Vậy thì để cuốn sách không bị hỏng cũng như là đảm bảo các em bé không ăn giấy, an toàn cho sức khỏe của con thì chúng ta có thể lựa chọn những cuốn sách bằng vải. 

Với những em bé từ 0 – 2 tuổi, các em gặp khó khăn trong việc sử dụng các ngón tay để mở các trang sách thì chúng ta sẽ lựa chọn những cuốn sách có độ dày và độ cứng. Như vậy thì con sẽ dễ dàng lật được trang sách hơn. Và càng lớn dần thì chúng ta sẽ lựa chọn những cuốn sách có độ dày cũng như độ cứng trang sách giảm dần.

Khi các em bé lớn lên từ 3 – 5 tuổi thì chúng ta sẽ lựa chọn cuốn sách có trang sách mỏng hơn một chút để việc lật từng trang sách được rèn luyện thành kỹ năng, giúp các em bé hoàn thiện kỹ năng vận động của bàn tay. 

  1. Cấu trúc của sách

Trong thị trường bây giờ có rất nhiều loại sách. Có những cuốn sách có cấu trúc, có những cuốn sách thì không mà chỉ có hình ảnh. 

Sách không có cấu trúc

Ví dụ 1 cuốn sách không có cấu trúc, nó đơn giản là các hình ảnh để các em bé có thể nghe và bắt chước được âm thanh của con vật, đồ vật, hiện tượng nào đó. Nó không đi theo cấu trúc đầu tiên là gì, sau đó là gì và kết thúc là gì. 

Ví dụ trang sách là hình ảnh 1 cái cây, 1 con chim gõ kiến và từ “cốc cốc”. Lúc này chúng ta sẽ kích thích sự chú ý của con bằng cách nói “Nghe xem nghe xem, tiếng gì đây nhỉ?”, “À, đây là tiếng của 1 con chim gõ kiến”, “Cốc cốc, cốc cốc, cốc cốc”, “Chim gõ kiến gõ vào thân cây tạo ra âm thanh cốc cốc”. Lúc đó em bé sẽ bị thu hút bởi âm thanh đó chứ không phải vì cuốn sách vì nó không có 1 cấu trúc, 1 bố cục câu chuyện nào cả. Nó phù hợp cho các em bé trong giai đoạn từ 0 – 2 tuổi. 

Sách có cấu trúc

Với một em bé từ 4 – 5 tuổi thì chúng ta sẽ sử dụng những cuốn sách dày hơn 1 chút. Những cuốn sách này có những hình ảnh mà các con có thể di chuyển được. 

Ví dụ khi chúng ta kéo lên thì là hình của 1 con thú, khi kéo xuống thì con thú biến mất. Và lúc đó con sẽ dự đoán là ai đây, ai đây nhỉ? Mẹ kéo lên và trong tranh hiện ra 1 con rái cá. “Bây giờ chúng ta sẽ cho rái cá đi ngủ”. Cha mẹ có thể vừa nói vừa kéo tranh xuống. “Bây giờ con hãy nhìn nha, đây là 1 con bò”. Và bò đói bụng quá, bây giờ phải làm gì nhỉ? Thì con sẽ đoán là bò cần ăn. Và con sẽ sử dụng tay để cho bò ăn cỏ. 

Vậy thì sử dụng cuốn sách này sẽ giúp con làm quen dần với những hoạt động nguyên nhân – hệ quả của cuộc sống, kích thích sự khám phá và tò mò của con về sách. Con cũng sẽ chú ý nhiều hơn đến chức năng của đồ vật, chức năng của các bộ phận cơ thể. Đó là 1 cách để tích lũy vốn kiến thức cho các con. Và khi con mở cuốn sách ra thì con cũng bắt đầu có sự dự đoán. 

Ví dụ như kéo 1 bức tranh xuống thì hiện ra 1 cây thông. Và trên cây có các lỗ này, hãy đoán xe, đây là gì. Con có thể đoán là hoa, là quả,… Nhưng dù đoán là gì thì cũng đều nâng cao khả năng dự đoán của con. Bây giờ chúng ta sẽ mở ra. Wow, đây là hoa, đây là cây thông và đây là hoa thông. Vậy bây giờ hãy đếm xem cây thông này có bao nhiêu hoa nào. Thì con cũng sẽ học được cả cách đếm. Đó chính là cách chúng ta có thể giúp con tăng khả năng khám phá, sự tò mò. 

Sách thơ, ca dao

Trẻ rất muốn thể hiện nên khi chúng ta cho con xem những cuốn sách là thơ hoặc ca dao, đồng dao thì con có thể thuộc được và thể hiện cho bố mẹ nghe. Đó là điều con rất thích. Và khi mở ra thì con sẽ được người khác đọc cho từng câu từng chữ một. Có rất nhiều em bé phát triển thị giác, có năng lực về chụp hình thì các em có thể chụp được hình luôn những câu chữ ở trong cuốn sách này bởi vì những bài thơ, ca dao của trẻ em rất dễ thuộc. 

Hy vọng qua những chia sẻ của cô Huyên, cha mẹ có thể lựa chọn được những cuốn sách phù hợp cho con. Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *