Sử dụng sách cho trẻ như thế nào?

Sau khi đã lựa chọn được sách phù hợp rồi thì chúng ta sẽ sử dụng như thế nào? Tùy theo từng độ tuổi mà chúng ta có cách thức sử dụng sách khác nhau để con mở rộng vốn từ cũng như là phát triển khả năng giao tiếp tốt nhất. 

Giai đoạn từ 0 – 6 tuổi được chia làm 4 giai đoạn phát triển giao tiếp.

  1. Giao tiếp tự phát 

Giao tiếp tự phát là khi trẻ chưa có nhu cầu kết nối, giao tiếp. Đây là giai đoạn dễ phát hiện trẻ bị rối loạn phát triển bởi vì thời điểm đó con không có 1 đích tới cụ thể mà tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống đều chỉ giải quyết nhu cầu bản thể của con. Thích ăn, thích ngủ, thích chơi, thích chạy, thích nhảy,… 

Tất cả những điều trẻ thể hiện đều không quan tâm đến mọi người và thế giới xung quanh. Đó cũng là lúc mà chúng ta cần đưa con đi đánh giá để biết được sự phát triển bất thường của con. Và giai đoạn này đối với trẻ bình thường chúng ta sẽ không nhìn thấy. 

  1. Giao tiếp yêu cầu

Giao tiếp yêu cầu diễn ra ở cả trẻ bình thường và trẻ bị rối loạn phát triển. Trong giai đoạn này trẻ sẽ bắt đầu học cách yêu cầu. Và khi trẻ đã yêu cầu 1 cách thành thục thì chúng ta sẽ sử dụng các loại sách, truyện mang tính khám phá. Ví dụ như những cuốn truyện, sách có hình ảnh dễ nhận biết, phổ thông, gần với thực tế để trẻ dễ linh hoạt từ hình ảnh trong tranh đến đồ vật bên ngoài. 

Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn mà trẻ cần được nạp vốn từ. Bởi có vốn từ thì trẻ mới đưa ra được các yêu cầu của bản thân, diễn đạt được nhu cầu của bản thân cho người khác hiểu. Ví dụ chúng ta có thể sử dụng sách để trẻ bắt chước được các âm thanh và ngôn ngữ. Hoặc các em bé trong giai đoạn từ 9 – 14 tháng tuổi phát triển bình thường sẽ rất dễ bắt chước và bập bẹ các âm thanh, đặc biệt là các âm thanh dưới dạng từ láy. 

Ví dụ cuốn sách “Tiếng gì thế nhỉ?”. Con sẽ được mở sách ra và chúng ta sẽ nói với con “Tiếng gì đây nhỉ? Mở nhá, mở nhá”. Có những em bé bắt chước cha mẹ nói “Mở, mở”. Ví dụ chúng ta sẽ nói “Wow, đùng đoàng” và cho con biết đó là âm thanh của sấm sét. Những trang sách nào dễ hoặc con thích thì chúng ta sẽ dừng lại lâu hơn, nói nhiều hơn 1 chút, lặp đi lặp lại từ đó. Còn những trang sách chúng ta cảm thấy vượt quá năng lực của con hoặc con không thích hoặc chúng ta khó diễn đạt bức tranh sang 1 điều thú vị và ngộ nghĩnh thì chúng ta có thể rời nhanh sang 1 trang khác. 

Những lần đầu tiên chúng ta có thể lặp lại câu “Tiếng gì đây nhỉ? Mở nhá, mở nhá” và mở thật nhanh. Còn những lần sau, khi con đã bắt đầu quen với việc tất cả các bức tranh đều phải có chữ “mở” thì chúng ta sẽ để cho con có cơ hội khi chúng ta nói “mở” con sẽ tự động mở bức tranh này ra. Và khi con thao tác thì chúng ta cũng nói “mở ra”. Vậy lúc này chúng ta đang tạo cơ hội cho con được chạm tay vào cuốn sách và được tham gia cùng với người kể. Đó là lúc cha mẹ cùng con kể chuyện và nghe chuyện chứ không phải sự chủ động 1 phía. 

Ví dụ 1 bức tranh về mưa, chúng ta sẽ nói mưa lộp độp, tí tách. Và dùng chữ nào là do khu vực địa phương đó, chúng ta chọn 1 cách thôi. Bởi lúc này con bắt đầu học ngôn ngữ thì hãy chỉ tập trung vào 1 yếu tố để con có thể dễ dàng bắt chước nhất. Đó là ví dụ cho cuốn sách không có cấu trúc, cũng không có nhiều từ và chủ yếu là bằng hình ảnh. Chúng ta sẽ không đọc từ, không quá tập trung cuốn sách viết gì mà khi mua về chúng ta sẽ sử dụng 1 cách linh hoạt phù hợp với nhu cầu và khả năng của đứa trẻ. 

Vậy thì chiến lược sử dụng sách cho các em bé trong giai đoạn phát triển vốn từ và nạp vốn từ là chúng ta sẽ lựa chọn những cuốn sách ít chữ, không bị phụ thuộc quá nhiều vào câu chữ. Đồng thời, hãy tập trung vào những cuốn sách, những hình ảnh mà con thích và sử dụng các từ láy cũng như là lặp đi lặp lại các từ cốt lõi mà chúng ta muốn dạy con. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tạo cơ hội cho con được chạm vào cuốn sách, cho con khoảng chờ để con nhìn và bắt chước, luyện nói. 

Và con chỉ cần phát âm gần giống người kể là đã thành công rồi. Hãy khen khi con bắt đầu có tín hiệu của việc sờ chạm, nhìn, mong muốn luân phiên, sự dịch chuyển ánh mắt từ truyện sang người kể và chờ đợi hoặc bắt chước 1 âm thanh nào đó. Chúng ta hãy khen vào những việc con làm để tạo cảm xúc tích cực cho buổi đọc truyện. Như vậy con sẽ thích thú hơn với việc đọc sách, đọc truyện. 

Vậy thì đó là cách chúng ta sử dụng cho các em bé trong giai đoạn nạp vốn từ. Chúng ta sẽ giúp con học cách bắt chước phát âm và cũng là lúc nạp cho con thông tin tích cực về các kiến thức con cần biết. Đây là cách thức dành cho em bé từ 1 – 2 tuổi. 

  1. Giao tiếp sớm

Giai đoạn 2 – 3 tuổi là giai đoạn giao tiếp sớm. Đây là giai đoạn mà trẻ bắt đầu có ngôn ngữ, bắt đầu hiểu vốn từ mà người lớn nói trong cuộc sống hàng ngày. Và đứa trẻ đã sử dụng các ngôn ngữ để thể hiện các nhu cầu của mình và ở thời điểm đó là lúc mà trẻ bắt đầu cần phải có sự tưởng tượng học tập thêm các vốn từ cũng như là sử dụng các từ có được để gắn kết thành câu ngắn gọn, dễ hiểu hoặc chỉ là các từ ghép để thể hiện nhu cầu của mình.

Với những em bé từ 2 – 3 tuổi, chúng ta có thể sử dụng các câu chuyện không có bố cục. Tuy nhiên, nó cần đảm bảo mang lại cho con khả năng tư duy. Con có thể tưởng tượng được hình ảnh hoặc những điều sẽ xảy ra từ câu chuyện đó. Hoặc nó sẽ mang lại sự tò mò khám phá cho con. Và để nạp vốn từ thì chúng ta vẫn tuân theo chiến lược lặp đi lặp lại từ cốt lõi, cho con cơ hội được sờ chạm vào cuốn sách.

Một trong những lưu ý quan trọng khi chúng ta sử dụng sách cho con là hãy luôn cố gắng đưa sách về phía con. Việc của chúng ta là nhìn qua 1 lượt, biến hình ảnh đó thành nội dung dạy con và chúng ta sẽ nói theo cách con thích. Trong suốt quá trình, cần nhìn vào trẻ để biết rằng con đang thích hay bắt đầu không thích nữa để chuyển sang trang khác hoặc cuốn sách khác. 

Và ở giai đoạn này cũng là lúc con đã học cách nói các cụm từ. Thì chúng ta sẽ sử dụng tập trung nhiều vào cụm từ đơn giản hay các câu đơn ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu để trẻ có thể bắt chước được. Hoặc chúng ta có thể sử dụng những cuốn sách đồi hỏi con phải có khả năng suy nghĩ hơn 1 chút. Ví dụ như cuốn sách “Vì sao tớ yêu bố?”. Cuốn sách này có thể dùng được cho cả giai đoạn 1 – 2 tuổi. 

Trong cuốn sách này, tác giả không sử dụng nhiều câu từ mà chủ yếu là hình ảnh về các con vật. Khi chúng ta mở hình ảnh của con vật ra, với các em bé từ 0 – 2 tuổi, các em sẽ bắt đầu chú ý các hình ảnh và học được kiến thức cũng như nạp được vốn từ là danh từ, cụ thể là tên gọi của các con vật. 

Với những em bé từ 2 – 3 tuổi, ở giai đoạn này các con đã có khả năng tưởng tượng. Ví dụ trong câu chuyện này có khỉ mẹ, khỉ bố và khỉ con. Khi khỉ con nói tớ yêu bố bởi vì bố đưa tớ đi chơi khắp nơi. Chúng ta có thể diễn đạt lại với con là khỉ con yêu khỉ bố bởi vì khỉ bố đưa con đi chơi khắp nơi. Lúc đó trẻ sẽ bắt đầu tưởng tượng ra những hình ảnh và liên kết rằng bố cũng đưa mình đi chơi khắp nơi. 

Hoặc đến câu chuyện thứ 2 là cá con yêu cá bố bởi vì cá bố rất đẹp trai. Lúc này con nghe được câu chuyện, con nhìn thấy hình ảnh cá nhưng chơi link được từ “đẹp trai”. Thì những kiến thức được đưa vào từ khuôn mặt, khuôn miệng, hình dáng của bố hay tất cả những điều con nhìn về bố ở thời điểm đó có thể đã liên kết được với hình ảnh con đang được nhìn trong cuốn truyện. Và nó kích hoạt khả năng tưởng tượng trong con.

Như vậy trong giai đoạn từ 2 – 3 tuổi thì ngôn ngữ phát triển rất mạnh và sau 3 tuổi thì con sẽ sử dụng đến vốn từ của mình để diễn đạt những điều trong cuộc sống. Vậy nên chúng ta hãy cố gắng sử dụng những cuốn truyện như thế này để làm cho con giàu vốn từ hơn và có khả năng tưởng tượng ngôn ngữ tốt hơn. 

  1. Giao tiếp đối tác

Giai đoạn cuối cùng là giao tiếp đối tác. Ở thời điểm này thường là cuối mầm non hoặc con chuẩn bị vào lớp 1 hoặc với các em bé phát triển đặc biệt thì lúc này các em đã có vốn từ và ngôn ngữ khá nhiều. Trẻ sử dụng các câu đơn thậm chí là câu ghép để thể hiện nhu cầu của bản thân. 

Chúng ta có thể sử dụng những cuốn sách ít ngôn từ nhưng có rất nhiều ý nghĩa để sử dụng, trẻ sẽ phải tưởng tượng, phải đặt mình vào vị trí của một ai đó để suy nghĩ. Ví dụ trong bức tranh về vườn thú, ở đó có rất nhiều con thú và có 1 người bảo vệ. Bác đã để thùng chìa khóa ở sau lưng khi đi kiểm tra sở thú. Bác đã bị 1 con khỉ đột ăn trộm mất chùm chìa khóa nhưng bác chẳng hề biết chuyện đó. Vậy thì đặt ra 1 giả định, trong trường hợp này thì con sẽ làm gì? 

Có em bé nói rằng con sẽ bảo bác bảo vệ quay lại nhìn xem, khỉ đột đã ăn trộm của bác kìa. Đó là ngôn ngữ mắt của các con. Ví dụ khi con đi ngoài đường, nhìn thấy bà lão đánh rơi đồ và bà không biết điều đó thì con có thể nói với bà. Và có những thứ sau này chúng ta phải hỗ trợ điều chỉnh con rằng thời điểm nào nên nói và thời điểm nào không nên nói. Đó cũng là cách mà chúng ta định hướng dần cho con. 

Có những em bé nói rằng con sẽ im lặng không nói gì. Bởi vì như vậy thì khỉ đột mới được về rừng. Đó cũng là cách mà chúng ta đón nhận cảm xúc của 1 em bé, sự hiểu của 1 em bé. Trong hành trình lớn lên và sinh sống, mỗi em bé sẽ có cảm nhận và nét tính cách bẩm sinh khác nhau. Từ đó dẫn đến những phản ứng ngôn ngữ, sự tưởng tượng và các cách thức giải quyết vấn đề khác nhau. 

Vậy thông qua 1 bức tranh, tư duy, sự tưởng tượng và cách kể chuyện 1 cách chủ động của các em cũng đã tốt hơn. Các em phát triển được vốn từ, ngôn ngữ, khả năng diễn đạt, khả năng dự đoán, phát triển cả việc đọc cảm xúc cũng như là suy nghĩ giải quyết vấn đề của mình. Đây là câu chuyện ở giai đoạn chúng ta phải dạy cho các em bé diễn đạt ngôn ngữ, nghe sách ở mức độ cao rồi. 

Vậy thì có những câu chuyện ở mức độ thấp hơn 1 chút, những câu chuyện có cấu trúc có thể sử dụng trong giai đoạn giao tiếp đối tác như là: “Vịt con xấu xí”, “Cô bé quàng khăn đỏ”, “Nàng Bạch Tuyết”, … Ví dụ như “Tích Chu” là câu chuyện có bố cục sinh ra ở đâu, đã có chuyện gì xảy ra, kết quả như thế nào. Tất cả mọi thứ sẽ đi theo 1 hệ quả từ nguyên nhân này có kết quả kia và đưa ra 1 bài học cho em bé. 

Tích Chu ở với bà vì ba mẹ mất sớm. Bà làm việc vất vả để nuôi Tích Chu nhưng Tích Chu thì ham chơi. Đến khi bà ốm, Tích Chu đi chơi và không hay biết gì cả, cũng không thể lấy nước cho bà nên bà đã biến thành con chim rồi bay đi và không còn ở với Tích Chu nữa. Khi quay trở về, Tích Chu rất buồn. Cậu được 1 bà tiên dẫn lên giếng tiên để lấy nước về cho con chim uống thì bà Tích Chu đã trở lại thành người. Từ đó Tích Chu đã cố gắng và hứa với bà rằng sẽ yêu thương và giúp đỡ bà để bà ở với con lâu hơn. 

Sau câu chuyện đó trẻ được nhìn tranh, được nghe đọc, được học cách sắp xếp bố cục và diễn đạt cũng như là rút ra được bài học. Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý rằng mỗi câu chuyện chúng ta cần lựa chọn hình ảnh cho phù hợp. Bởi vì có những em bé chỉ thích nhìn tranh chứ không thích nhìn chữ, có những em bé thích nhìn đồ vật giống thực tế,… Và hãy luôn ghi nhớ chiến lược để có thể sử dụng được truyện có hiệu quả nhất đối với 1 em bé. 

Chiến lược sử dụng truyện hiệu quả nhất đối với trẻ

Tất cả những chiến lược dưới đây được thực hiện sau khi chúng ta đã lựa chọn được sách đúng với sở thích của con. 

  1. Lặp lại những nội dung cốt lõi trong cuốn truyện hoặc trong tờ tranh mà chúng ta đang hướng tới dạy cho trẻ. 

  2. Gợi mở để con tham gia vào cuộc kể chuyện 1 cách thật sự chủ động và thích thú. Tạo cơ hội cho con thực hiện việc kể chuyện cùng người lớn.

  3. Hướng dẫn và hỗ trợ con bằng các câu hỏi gợi mở. Đón nhận câu trả lời của con 1 cách tôn trọng nhất. Khơi gợi khi con bí từ.

  4. Tạo bối cảnh vui vẻ nhất để tận hưởng câu chuyện. Bởi học bất kỳ điều gì trong cuộc sống đều đều yếu tố cảm xúc tích cực. Khi có cảm xúc tích cực với sách thì con mới bắt đầu hình thành thói quen đọc sách. Và như vậy trong tương lai con mới dễ dàng có được kiến thức để thành công.

Trên đây là 4 chiến lược sử dụng sách hiệu quả và có giá trị với con. Hãy cho con được tận hưởng, được cảm nhận, được tham gia 100% hoạt động đọc sách cùng cha mẹ. Khi chúng ta cầm 1 cuốn sách, đọc sách cho con thì hãy chắc chắn rằng chúng ta đã làm chủ nội dung cuốn sách và khi chúng ta nói gì với con là lúc mà chúng ta cần phải quan sát con để khéo léo đi theo sự dẫn dắt của con. 

Hi vọng qua những chia sẻ của cô Huyên, cha mẹ có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa của sách, biết cách lựa chọn sách phù hợp và sử dụng các kỹ thuật để giúp con học tập được nhiều nhất qua sách và phát triển được ngôn ngữ, tư duy sáng tạo cũng như là khả năng giao tiếp cho con.

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *