Nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ không hồi đáp khi được gọi tên
Khi trẻ tự kỷ được gọi tên mà không biết phản hồi, hồi đáp hay quay lại bởi vì hệ thống não bộ của các con, đặc biệt là vùng thính giác đang có những khó khăn. Khi cha mẹ đưa con tới bệnh viện để kiểm tra thính giác, thính lực thì phần lớn các bạn không bị điếc. Với nhóm trẻ rối loạn phổ tự kỷ, hầu như tai nghe của các con bình thường. Nhưng tại sao con không phản hồi khi được gọi?
Bởi vì mỗi vùng trong bộ não của con có các nhóm neuron thần kinh hoạt động và chịu trách nhiệm đón nhận thông tin rồi giải mã, xử lý và phản hồi các thông tin. Khi ai đó gọi tên chúng ta, thông tin qua thính giác đi vào não bộ, được xử lý và giải mã ở thùy thái dương rồi truyền tới các nhóm cơ vai, cơ đầu, cơ cổ để chúng ta có phản ứng quay về hướng phát âm thanh.
Nhưng với các em bé rối loạn phổ tự kỷ, vùng thính giác không hoạt động bình thường. Các nhóm neuron thần kinh hoạt động ở thùy thái dương cũng bị tổn thương, không thể truyền thông tin và kết nối kịp thời hoặc quá trình giải mã bị gián đoạn.
Vậy thì cha mẹ cần phải đọc sách, cần phải tham gia những khóa học chuyên sâu về vấn đề xử lý giác quan để hiểu sâu hơn về vấn đề rối loạn xử lý giác quan cũng như những bất thường trong não bộ của con. Khi chúng ta hiểu được vấn đề đến từ bản chất bên trong não bộ của con thì chúng ta sẽ hiểu rằng đó là nỗi đau của con, là sự thiệt thòi của con, là vấn đề khó khăn của con. Và khi thấu hiểu con rồi thì chúng ta sẽ bắt đầu tìm cách để đồng hành cùng con, tìm ra các giải pháp hỗ trợ con.
Phân tích các hành vi ở người bình thường khi được gọi tên
Âm thanh quen thuộc
Một người bình thường khi có ai đó gọi tên chúng ta sẽ quay trở lại bởi vì đó là âm thanh quen thuộc. Chúng ta phải hiểu được tên của chúng ta, cảm nhận âm thanh đó đầy cảm xúc an toàn, yêu thương thì chúng ta mới được kích thích để quay lại hướng về âm thanh đó.
Tâm lý của các con cũng vậy. Kể cả khi con chưa cảm nhận được những gì mà chúng ta gọi bằng 1 cách yêu thương đi nữa thì chúng ta cũng cần phải duy trì sự yêu thương, nhẹ nhàng. Và âm thanh quen thuộc từ chính những người cha mẹ sẽ rèn cho con khả năng lắng nghe và con sẽ được hỗ trợ để quay lại, hồi đáp lại khi có ai đó gọi tên mình.
Nhu cầu
Điều thứ 2 đó là theo tâm lý bình thường chúng ta sẽ quay trở lại khi ai đó những điều liên quan đến nhu cầu của chúng ta. Con của chúng ta cũng vậy. Khi chúng ta nói về những điều con đang có nhu cầu thì con dễ hồi đáp lại hơn.
Kèm theo hành động
Thứ 3 là khi có ai đó gọi từ xa và gọi dần dần đến gần thì có thể chúng ta sẽ không nghe được vì chúng ta đang mải tập trung vào 1 cái gì đó. Hoặc khi chúng ta đang nói chuyện với 1 ai đó thì chúng ta không nghe được âm thanh từ xa người khác gọi mình. Trong những trường hợp như vậy, nếu người gọi lại gần và kèm theo hành động vỗ vai kết hợp tên gọi thì chúng ta sẽ dễ dàng quay lại nhìn họ hơn.
Vị trí dễ nhìn
Trường hợp thứ 4 xảy ra đó là khi ai đó gọi tên mình hoặc đưa ra 1 yêu cầu nào đó mà họ đứng ở phía trước hoặc ở 2 bên nơi mà chúng ta có thể dễ đánh mắt nhìn sang thì chúng ta cũng rất dễ nhìn về phía người gọi hoặc nhìn về phía âm thanh để có phản ứng với lượt gọi của họ.
Giải pháp giúp trẻ tự kỷ hồi đáp khi được gọi tên
Tương tự như người lớn thì chúng ta cũng có 4 trường hợp để dạy con như vậy.
Tạo môi trường tự nhiên
Đầu tiên cha mẹ cần ở bên cạnh, tạo ra các hoạt động trong môi trường tự nhiên để chúng ta gọi tên con bằng âm thanh yêu thương của cha mẹ. Bởi vì chúng ta là những người gần gũi với con nhất. Ví dụ buổi sáng đi làm chúng ta gọi con để chào con, buổi trưa hoặc buổi chiều đi làm về chúng ta sẽ gọi con để báo hiệu cho con biết là chúng ta đã xuất hiện hoặc chúng ta chuẩn bị làm cái gì đó. Hoặc chúng ta sử dụng các âm thanh của chúng ta 1 cách rất nhẹ nhàng, yêu thương, an toàn để chúng ta gọi con.
Liên quan đến nhu cầu của con
Tình huống thứ 2 liên quan đến nhu cầu của con. Ví dụ chúng ta sẽ gọi: “Bông ơi ăn bánh này, Bông ơi mẹ cho bánh này” hoặc là “Bông ơi mẹ mở cho con nhá”, “Bông ơi mẹ bế con này”, “Bông ơi đi chơi với mẹ đi”. Tất cả những âm thanh yêu thương liên quan đến nhu cầu của con sẽ cho con học dần cách nghe và con sẽ hồi đáp lại bằng ánh mắt, bằng nụ cười hoặc bằng 1 hành động cơ thể để đáp ứng lại với lời nói của chúng ta. Con cũng dần nghe hiểu được tên của con là gì.
Vị trí dễ nhìn
Khi chúng ta gọi con mà chúng ta đứng ở phía trước hoặc 2 bên thì sẽ giúp con dễ nhìn về phía chúng ta hơn. Hay nếu chúng ta tạo được sự thu hút từ yêu cầu hoặc lời mời, âm thanh thì con cũng rất dễ hướng mắt tới. Đó là lúc mà chúng ta có thể giao tiếp, kết nối với con.
Kèm theo hành động
Nếu chúng ta đã ở vị trí dễ nhìn mà con vẫn chưa phản hồi lại thì có thể con chưa biết con là ai hoặc vùng thính giác của con xử lý thông tin chưa tốt hoặc con đang quá tập trung vào 1 cái gì đó mà con chưa quay trở lại. Vậy chúng ta hãy tiến gần ngang tầm mắt của con, vỗ vào vai con kèm theo lời gọi: “Bông ơi, bim bim” thì lúc đó đứa trẻ sẽ rất dễ nhìn vào bim bim.
Và chúng ta lại gọi: “Bông ơi, mẹ cho bim bim này”, đồng thời giơ bim bim ngang tầm mặt của mình và khi con với tay vào bim bim thì chúng ta sẽ nói là: “Mẹ cho Bông bim bim nhá” hoặc “Bông ăn bim bim nhá”. Đó là lúc mà ta nạp âm thanh là tên gọi của con cùng với hành động là nhu cầu của con, ngang tầm mắt là đối tượng đang gọi con và vỗ vào cơ thể của con khi gọi tên cũng giúp con hiểu được tên của con là Bông.
Nếu được tác động, được hỗ trợ và luyện tập dần như vậy thì con sẽ quay trở lại khi con hiểu được tên con là gì, âm thanh ở phía nào. Và khi có bất kỳ âm thanh nào gọi đến tên con và con cảm thấy ở đó có niềm vui, có phần thưởng, có trò chơi, có người mình yêu thích, có những lời yêu thương, sự an toàn thì nó sẽ kích hoạt con quay trở lại phản hồi rất nhanh với tên gọi của con.
Lưu ý cho cha mẹ
Không gọi con mà không có lý do
Cha mẹ hãy lưu ý không nên phạm sai lầm là khi con biết quay trở lại rồi thì chúng ta vui quá nên chúng ta gọi con liên tục, đôi khi chỉ để kiểm tra xem con có nghe thấy không, đôi khi ta gọi chỉ để nghe con dạ và không có 1 hoạt động nào tiếp sau đó. Khi đó con sẽ nghĩ rằng đây là sự trêu đùa.
Lâu dần con cảm thấy tên của mình không con hay, không còn ý nghĩa nữa, không có gì chờ đợi nữa nên con cũng không quay lại nữa. Và như vậy, chúng ta lại khiến cho đứa trẻ đang từ tiến bộ trở nên không tiến bộ hoặc thoái triển về phần hồi đáp. Vậy nên các cha mẹ hãy lưu ý không gọi con nhiều lần trong 1 ngày mà không có lý do.
Động cơ tích cực
Lưu ý thứ 2 là khi chúng ta dạy con hồi đáp thì chúng ta phải ưu tiên gọi con kèm theo 1 động cơ tích cực.
Nhiều phụ huynh sau khi con biết hồi đáp rồi và con phát triển đi lên thì chúng ta sẽ đòi hỏi con ở một mức độ cao hơn. Điều đó dẫn đến việc mỗi lần chúng ta gọi con thì chúng ta sẽ kèm theo những nhiệm vụ. Gọi tên con là để vứt rác, lấy nước, dọn đồ, mở cửa,… Và điều này sẽ khiến cho các em bé cảm thấy sợ khi có ai đó gọi tên mình. Vì thế càng lớn con càng làm ngơ đi với những người gọi tên con. Đó là 1 trong những sai lầm phổ biến của bố mẹ.
Vì vậy chúng ta gọi con có thể kèm theo nhiệm vụ nhưng nó phải đi liền với sự yêu thương, sự khen thưởng và ghi nhận. Đó mới chính là gia vị cuộc đời.
Hy vọng chia sẻ của cô Huyên sẽ giúp các cha mẹ tìm được giải pháp để hỗ trợ con biết hồi đáp khi được gọi tên. Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com