Bài viết này cung cấp thông tin về 4 yếu tố giúp 1 em bé bị rối loạn phổ tự kỷ phát triển khả năng giao tiếp, kết nối và tương tác xã hội. 

4 yếu tố cha mẹ cần chú ý khi dạy trẻ tự kỷ giao tiếp tương tác xã hội

Hai khiếm khuyết cốt lõi của trẻ tự kỷ là suy giảm chức năng giao tiếp kết nối, tương tác xã hội và có hành vi định hình dập khuôn, cứng nhắc. Bên cạnh đó, có hơn 90% trẻ tự kỷ có các rối loạn giác quan đi kèm. Tuy nhiên, một trong những điều vô cùng quan trọng trong hành trình sống của con người lại chính là tương tác kết nối, giao tiếp xã hội. Đó là khác biệt giữa con người và động vật. Vậy để cải thiện khả năng giao tiếp, tương tác xã hội của các con thì chúng ta hãy lưu ý tới 4 yếu tố sau: 

  1. Tăng lý do giao tiếp và động cơ giao tiếp 

Yếu tố đầu tiên đó chính là làm gì để tăng được lý do giao tiếp và động cơ giao tiếp. Bởi vì chỉ khi con người có nhu cầu thì mới thúc đẩy hành vi để vận hành cuộc sống. Nếu như chúng ta tự đáp ứng được nhu cầu đó thì sẽ không nảy sinh quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin qua lại, sự tương tác từ 2 đến nhiều đối tượng trở lên. Nhưng nếu chúng ta không thể tự đáp ứng được nhu cầu thì đó chính là lý do để kết nối, tương tác và giao tiếp. 

Vậy trong cuộc sống, trong hành trình sống với con, chúng ta hãy thử ngẫm lại xem 1 ngày con của chúng ta có bao nhiêu lý do giao tiếp, bao nhiêu động cơ để tìm tới 1 ai đó để kết nối và tương tác cùng họ. Để có thể giao tiếp tốt thì bắt đầu phải có mong muốn để giao tiếp trước đã. Lý do và động cơ giao tiếp vô cùng quan trọng. Vậy nó sinh ra từ đâu và làm thế nào để chúng ta có thể kích hoạt được lý do giao tiếp của con mình?

Đầu tiên để tăng lý do giao tiếp, chúng ta cần cho con đói đi một chút, khát đi 1 chút, khó khăn 1 chút, thiếu đi 1 chút. Đó đều là lý do để con có thể tìm tới ông bà, bố mẹ, anh chị hoặc bất kỳ ai có thể nhờ giúp đỡ. Hoặc là khi con có 1 cái gì đó mới và chúng ta sẻ chia cùng con quen rồi, chúng ta dạy cho con cách sẻ chia là dùng ngón tay để chỉ mọi thứ hoặc giơ nó lên trước mặt ai đó, lắc lắc để ra dấu rằng tôi có cái này, cái kia. 

Vậy lý do giao tiếp ở đây có thể đến từ bên ngoài, từ tác động của sự thiếu và nhu cầu bên trong hoặc sự khó khăn cần được giúp đỡ hoặc mong muốn được sẻ chia. Và đó cũng là cách mà cha mẹ có thể làm gia tăng lý do giao tiếp của con. 

  1. Đối tượng giao tiếp 

Yếu tố thứ 2 làm tăng khả năng giao tiếp của con là đối tượng giao tiếp. Hay nói cách khác là hãy gia tăng nhiều người giao tiếp với con. Đầu tiên để con có thể giao tiếp được với nhiều người thì con phải học được kỹ năng giao tiếp tốt với một người trước đã. Và khi giao tiếp với 1 người tốt rồi thì con đang học được các hành vi giao tiếp, ở đó con hiểu ngôn ngữ hoặc hiểu nhiều vấn đề cần phải nhận thức hơn. Từ đó thì việc mở rộng vòng giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau sẽ dễ hơn. 

Và người đầu tiên để con giao tiếp dễ nhất chính là bố mẹ. Nên chúng ta phải luôn trong trạng thái sẵn sàng để đón nhận cuộc giao tiếp với con. Khi chúng ta đã xây dựng được tình huống giao tiếp với rất nhiều lý do giao tiếp của con thì chúng ta cũng phải đong đo được thời điểm nào con cần có 1 người ở bên cạnh, con gửi tín hiệu mong muốn tương tác hoặc mong muốn giao tiếp. 

Và lúc đó đối tượng giao tiếp đã sẵn sàng rồi, chúng ta ngồi ngang tầm mắt của trẻ, mở rộng mong muốn để con biết rằng cha mẹ đang ở đây và đang sẵn sàng để giao tiếp cùng con. Vậy nên đối tượng giao tiếp luôn giúp con thành thạo hơn trong việc sử dụng các hành vi kết nối và tương tác. 

  1. Phương tiện giao tiếp

Yếu tố thứ 3 giúp cho cuộc giao tiếp của con tốt hơn đó là phương tiện giao tiếp. Phương tiện giao tiếp có thể là ngôn ngữ, lời nói, … hoặc có thể là các ngôn ngữ không lời như nét mặt, ánh mắt, nụ cười, cử chỉ, gật đầu, lắc đầu, cơ thể. Hoặc đối với các em bé bị rối loạn phát triển, các em bé khiếm khuyết về phần nghe, phần nói, khó khăn về ngôn ngữ, diễn đạt thì hình ảnh, công cụ AAC cũng được coi là 1 phương tiện giao tiếp. Hay những ký hiệu, bảng biểu, … cũng được xem là phương tiện giao tiếp. 

Vậy nên với 1 em bé bị rối loạn phổ tự kỷ và gặp khó khăn trong phát âm và phần nói thì cha mẹ đừng chỉ tập cho con biết nói mà hãy dùng cả những phương tiện khác để hỗ trợ. 

  1. Sự hiểu

Yếu tố thứ 4 trong hành trình dạy con giao tiếp chúng ta cần phải lưu ý tới đó chính là sự hiểu. Sự hiểu giúp quá trình giao tiếp trở nên thành công hơn. Bởi vì nếu con có lý do, có động cơ, có đối tượng giao tiếp, có phương tiện giao tiếp nhưng con không hiểu cần phải nói như thế nào, con cũng không hiểu những điều đang xảy ra xung quanh, không hiểu những điều người khác nói hoặc những yêu cầu, cử chỉ thì con cũng khó có thể thực hiện được 1 cuộc giao tiếp thành công. 

Chính vì vậy chúng ta cần phải gia tăng sự hiểu của con thông qua các hoạt động sinh hoạt, các bối cảnh trong cuộc sống. Và hãy nhớ 1 đứa trẻ sinh ra sẽ có rất nhiều nội dung cần phải học nhưng hãy ưu tiên dạy con những điều cần hiểu liên quan đến cuộc sống thường ngày của con. Đầu tiên con cần phải hiểu lý do, nhu cầu của con trước. Tiếp theo, con cần phải hiểu được tất cả các động từ, danh từ, tính từ có liên quan gần nhất đến cuộc sống của con. 

Con chưa cần phải biết đến số và chữ cái, chưa cần phải biết đến quá nhiều loại động, thực vật và nghề nghiệp khi con trong giai đoạn từ 1 – 3 tuổi. Bởi vì trong giai đoạn đó nếu chúng ta chỉ tập trung dạy kiến thức thì con lại càng khó để hiểu được về nhu cầu bên trong con, về sinh hoạt trong cuộc sống, về các kỹ năng cần phải hỗ trợ, về an toàn, nguy hiểm, về những điều cần phải giải quyết cũng như các vấn đề xảy ra trong cuộc sống. 

Vậy nên hãy ưu tiên dạy cho nhóm trẻ từ 0 – 3 tuổi đang trong giai đoạn học nói những điều cần phải hiểu liên quan đến cuộc sống hàng ngày, đến gia đình, những người thân xung quanh, đến việc ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân, việc đi đứng và cất dọn đồ hoặc thực hiện các hành động liên quan đến đồ vật trong gia đình. Con cần học cách giải quyết các vấn đề liên quan đến chính bản thân mình trước, sau đó là các vấn đề liên quan đến đồ vật trong nhà, liên quan đến đồ vật cá nhân và liên quan đến các thành viên trong gia đình. 

Tiếp theo chúng ta có thể dạy con các kiến thức, nhận thức về học thuật. Bởi theo mô hình cây đời thì hệ thần kinh là hệ đầu tiên phát triển, sau đó đến hệ thống giác quan, sau đó mới đến khả năng hiểu, khả năng tập trung, trí nhớ, giao tiếp, khả năng chơi, tương tác rồi lên trên cùng mới chính là kỹ năng đọc – viết và học thuật. 

Trên đây là 4 yếu tố giúp cho con tăng khả năng giao tiếp cũng như là cơ sở để cha mẹ học cách dạy con phát triển khả năng tương tác. Tất cả những giáo viên nếu muốn dạy cho 1 em bé bị rối loạn phổ tự kỷ giao tiếp tốt thì cũng cần dựa vào 4 yếu tố trên. Nếu cha mẹ dạy con dựa vào 4 yếu tố này trong các bối cảnh tự nhiên nhất thì khả năng tương tác, giao tiếp của con cũng tăng lên. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *