Cha ông ta có câu: “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Khi con kết nối, giao tiếp với bạn bè thì con sẽ học hỏi được ở các bạn rất nhiều điều. Từ đó, con có thể tìm thấy những cơ hội về công việc, phát triển mối quan hệ hoặc cơ hội để kinh doanh, làm ăn, để kiếm tiền và để thành công. Chính vì lẽ ấy mà nhiều phụ huynh lo ngại khi mối quan hệ của con với bạn bè không tốt. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ bí quyết giúp cha mẹ kết nối với bạn bè.
Nhu cầu kết nối
Người hướng ngoại luôn muốn đi ra ngoài để kết nối. Ngược lại, người hướng nội muốn ở nhà nhiều hơn, họ muốn hoạt động theo độc lập cá nhân nhiều hơn. Nhưng không có nghĩa là họ không muốn kết nối. Mà họ muốn kết nối với nhóm người có cùng tính cách để cảm thấy thoải mái trong hành trình đó. Họ không thể chơi ở 1 nhóm to và không muốn trở thành tâm điểm chú ý. Nhưng họ vẫn muốn chơi với 1 nhóm bạn nào đó, thuộc về 1 nơi nào đó phù hợp. Người hướng nội rất trầm tĩnh, chắc chắn, họ nghiên cứu rất kỹ trước khi nói điều gì đó. Như vậy, có thể thấy dù là người hướng nội hay hướng ngoại thì cũng đều có nhu cầu kết nối.
Nếu con của chúng ta hướng ngoại nhưng vẫn không kết nối được với người khác hoặc con hướng nội và không muốn chơi với ai thì rất dễ dẫn đến rối loạn về tâm lý. Nặng hơn có thể dẫn tới trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Nó làm suy giảm năng lượng và do đó, con không thể tập trung hoàn thành được những nhiệm vụ, những mục tiêu đã đề ra. Và khi thất bại thì những người khó đón nhận người khác trong các mối quan hệ, khó xây dựng các mối quan hệ xã hội thì họ cũng khó vượt qua được thất bại đó.
Vậy làm thế nào để hỗ trợ con?
Bí quyết cha mẹ giúp con kết nối với bạn bè
Xây dựng mô thức hành vi mẫu tích cực
Đầu tiên, chúng ta phải trở thành những người cha mẹ có hành vi mẫu tích cực trong vấn đề kết nối mối quan hệ xã hội. Bởi vì hành vi của con ảnh hưởng từ cha mẹ rất nhiều.
Ví dụ như trong bữa cơm, đôi khi chúng ta nói chuyện với nhau hoặc chúng ta nói chuyện với những người bạn trong 1 buổi cafe nào đó chẳng hạn, chúng ta nói về người thứ 3 với những điều không tích cực. Giả dụ chúng ta nói rằng: “Ui, cô này tệ lắm, cô này gian lắm”, “Trời ơi nó nói dối đấy không chơi được với nó đâu”, “Bên ngoài nó như thế thôi nhưng mà bên trong…”
Trong trường hợp con chúng ta ngồi bên cạnh và nghe được những lời đó, con chú ý và đón nhận bởi vì trẻ con rất tò mò. Khi con chú ý, con sẽ hiểu được rằng nếu như ai đó có những điều không tốt như mẹ mình vừa nói thì đó là những người xấu. Và khi con gặp bối cảnh con nhận diện được những điều như con nghe thấy cha mẹ nói đó thì lập tức con sẽ tìm 1 ai đó để kể, để đổ lỗi, phàn nàn, nói xấu.
Sau này con cũng sẽ bê nguyên mô thức đó để cư xử với bạn của mình. Và như vậy con sẽ rất khó để tạo dựng mối quan hệ với người khác.
Xây dựng niềm tin trong con
Thứ 2 đó là nếu con đang có những biểu hiện như phàn nàn, nói xấu người khác thì chúng ta phải quay lại giải quyết nỗi sợ và xây dựng niềm tin trong con.
Trên thực tế, những người thường xuyên phàn nàn, chê bai, đổ lỗi là bởi vì ở trong họ đã có sẵn nỗi sợ. Nỗi sợ thứ nhất là sợ không được yêu thương. Nỗi sợ thứ 2 là sợ không đủ năng lực, tiền bạc, kinh nghiệm, sức khỏe.
Họ không có niềm tin vào bản thân rằng họ sẽ làm được, họ sẽ được yêu thương. Nó dẫn đến việc khi có người làm tốt hơn họ thì ngay lập tức họ cảm thấy khó chịu, thua kém. Bởi vì khi đó niềm tin trong họ bị lung lay. Và để bảo vệ bản thân an toàn thì họ đành phải đổ lỗi, phải tìm điểm yếu của người kia.
Phần lớn những đứa trẻ này lớn lên trong môi trường nuôi dưỡng quá nghiêm khắc, chịu áp đặt từ cha mẹ. Và chỉ khi con đạt được kết quả tốt nhất thì cha mẹ mới ghi nhận, nếu không thì con sẽ bị trách phạt. Điều đó làm cho con cảm thấy lo sợ, cảm thấy mình chưa đủ xuất sắc và không tin vào bản thân mình. Con có xu hướng đổ lỗi cho người khác để tránh thiệt hại về mình.
Dạy con các kỹ năng kết nối
Điều thứ 3 đó là chúng ta cân phải dạy cho con những kỹ năng cần thiết để trong mối quan hệ.
Những đứa trẻ lớn lên trong bối cảnh được nuông chiều (thường là con một) sẽ tạo nên cá tính rất mạnh mẽ. Bởi vì con không phải chia sẻ điều gì, không phải chịu thiệt mà được cung cấp điều kiện sống tốt nhất. Điều đó đã trở thành hiển nhiên trong cuộc sống của con.
Khi lớn lên, con đến môi trường khác và kết nối với bạn bè thì bạn bè không có trách nhiệm phải nhường nhịn trẻ. Vậy nên khi sống chung với ai đó hay làm việc đội nhóm thì trẻ sẽ rất khó xây dựng được mối quan hệ.
Bởi vì trong mối quan hệ, những kỹ năng đầu tiên luôn cần đó là kỹ năng lắng nghe, tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ. Và quan trọng nhất ở đây chính là yếu tố chịu trách nhiệm. Đó là khi ta nhận ra rằng mọi vấn đề xuất phát từ chính bản thân mình. Vậy nên chúng ta có thể thấy những đứa trẻ khó khăn trong làm việc đội nhóm, hay phàn nàn, hay nói xấu thì đó là do bản chất bên trong đứa trẻ có vấn đề.
Hi vọng qua chia sẻ của cô Huyên, các cha mẹ có thể tìm ra giải pháp giúp con cải thiện kết nối bạn bè cũng như các mối quan hệ xã hội.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com