Ở 2 bài viết trước, cô Huyên đã chia sẻ với các cha mẹ về những hậu quả con phải chịu khi sống trong môi trường cha mẹ mâu thuẫn, bất đồng. Và hôm nay cô Huyên sẽ tiếp tục chia sẻ với các cha mẹ về vấn đề mâu thuẫn giữa cha mẹ có thể khiến con học kém và khó thành công. 

Thực trạng

Một thực trạng đáng buồn là số lượng trẻ bị suy giảm chú ý, kém tập trung trong học tập ngày càng nhiều, động lực học tập bị giảm sút và gần như không có mục tiêu phát triển. Bên cạnh đó, giới trẻ lớn lên trong trạng thái thích sống một mình, nuôi thú cưng, sợ kết hôn. Khả năng vượt khó của thế hệ trẻ ngày nay cũng ít hơn. Con được hưởng cuộc sống đầy đủ, ấm no về kinh tế nhưng lớn lên thì chính con lại không có đủ khả năng để tự lập, để tìm kiếm được 1 công việc phát triển bản thân và lo được cho cuộc sống của gia đình. Đó thực sự là một vấn nạn của xã hội. 

Những gì cô Huyên chia sẻ dưới đây chính là cách mà chúng ta đang cùng nhau để thấu hiểu con, để phát triển bản thân. Và đó cũng là lúc mà chúng ta đang có trách nhiệm chung với xã hội, với thế giới, với hành tinh này.

Xu hướng phát triển của trẻ chứng kiến cha mẹ mâu thuẫn

Học kém

Một nghiên cứu về thành tích học tập của trẻ trong giai đoạn từ 7 – 16 tuổi cho thấy năng lực học tập của trẻ em ở Mỹ thấp hơn so với nhiều nước trong OECD. Đứng trước vấn đề này, Mỹ đã đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy, chất lượng chuyên môn của giáo viên. Nhưng sau 1 thời gian dài cũng không cải thiện được thành tích học tập của các em. Và tiếp tục nghiên cứu thì họ đưa ra 1 quan điểm rằng việc suy giảm thành tích học tập của học sinh ở Mỹ đi cùng với vấn nạn ly hôn ở Mỹ. Rằng sự hòa thuận hay mâu thuẫn của cha mẹ trong gia đình làm ảnh hưởng đến sự tập trung của con. 

Ở Việt Nam, những gia đình có cha mẹ mâu thuẫn, bất đồng nhiều. Họ tranh cãi, thậm chí đánh nhau và đi tới việc ly hôn. Những đứa con sống trong gia đình như vậy sẽ rất khó trở thành những người hạnh phúc được. Bởi vì bản chất đứa trẻ không biết làm cách nào để có thể hạnh phúc. Bởi vì trong gia đình của mình, trẻ không cảm nhận được sự an toàn và hạnh phúc nên con cũng rất khó để tạo lập được hạnh phúc cho riêng mình.

Lăng kính của cha mẹ

Chúng ta cũng từng làm con trước khi làm cha mẹ. Vậy chúng ta hãy ngẫm lại trong hành trình sống, có thời điểm nào đó mà bố mẹ chúng ta có những mâu thuẫn, bất đồng, tranh cãi thậm chí đánh nhau chẳng hạn. Lúc đó cảm xúc đầu tiên của chúng ta là buồn, tiếp theo là cảm thấy sợ. Chúng ta sợ cha mẹ có thể ly hôn, cha mẹ có thể không ở cùng mình nữa, sợ mái nhà của mình phải chia đôi và không biết ở với bố hay ở với mẹ. Cảm xúc thứ ba đó là tự ti. Chúng ta tự ti vì gia đình chúng ta không hạnh phúc, bạn bè có thể chê cười chúng ta không được yêu thương. 

Khi con đến trường, con bị stress và không còn hứng thú và tập trung cho học tập. Bên cạnh đó, khi con có cảm xúc tiêu cực thì IQ sẽ giảm xuống. Dần dần, con cảm thấy việc học trở nên khó khăn, trở thành 1 áp lực. Con mất động lực học tập, không muốn đến trường và thành tích học tập giảm sút. Chưa kể, con có thể sử dụng thời gian trống vào mạng xã hội, dùng các chất kích thích và vướng vào các tệ nạn xã hội.

Tương lai nghèo khó

Điều thứ 2 mà cô Huyên sẽ chia sẻ đó là nhóm trẻ lớn lên trong gia đình có những bất hòa, mâu thuẫn từ cha mẹ tương lai sẽ nghèo khó. 

Vì cha mẹ ly hôn nên trẻ thường cảm thấy lạc lõng, không biết đi về đâu nên trẻ thường sẽ quyết định nghỉ học. Hơn nữa, ở nhà có cha dượng, mẹ kế nên các em không muốn trở về nhà và chỉ muốn tụ tập với những người bạn cùng cảnh ngộ. Cuối cùng thì những đứa trẻ ấy sống cùng nhau nhưng vì không có nổi 1 công việc tử tế nên tất cả đều rơi xuống đáy xã hội. 

Và tỷ lệ trẻ sống nghèo khó sau khi cha mẹ ly hôn chiếm tới 20%. Như vậy, đây không phải trường hợp ngoại lệ mà nó đã trở thành 1 vấn đề của xã hội. Chính vì vậy, nếu chúng ta muốn con trở thành những đứa trẻ thành công, giàu có và có giá trị với xã hội thì chúng ta phải điều chỉnh và xây dựng lại môi trường sống – gia đình của con. 

Góc nhìn của người làm nghề

Khi cô Huyên làm việc với các bạn mất động cơ học tập, giảm chú ý, không tập trung, không có mơ ước, nghiện game, yêu sớm… thì có tới > 90% các bạn chia sẻ rằng gia đình con đều có những vấn đề cần chữa lành. Vậy thì có những lúc cô Huyên chỉ cần tập trung vào giải quyết những vấn đề giữa bố và mẹ thì đứa trẻ lại quay về trạng thái bình thường. Điều đó cho thấy ảnh hưởng của cha mẹ tới con cái là vô cùng lớn. 

Vì thế chúng ta sẽ phải tìm ra cách thức, phương pháp tạo dựng môi trường tốt nhất để hướng dẫn con. Khi chúng ta cho con được tắm mình trong môi trường tích cực thì sau này con sẽ viết cách vận hành cuộc đời mình thành công hơn, làm chủ cuộc đời mình 1 cách hạnh phúc hơn. 

Trẻ sợ kết hôn khi chứng kiến cha mẹ cãi nhau 

Điều số 3 đó là những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh cha mẹ bất đồng, ly tán thì sau này sẽ sợ kết hôn. 

Rất nhiều đất nước đang đối mặt với thách thức già hóa dân số. Không phải chúng ta sinh con ít mà bởi vì thế hệ thanh niên không muốn kết hôn. Con cảm thấy kết hôn không thoải mái để tận hưởng, con có thể nuôi thú cưng hoặc làm công việc thiện nguyện. Nhưng rất khó để có thể kết hôn với một ai đó và gắn bó cả đời. Đây cũng là 1 vấn đề của xã hội. 

Nghiên cứu cho thấy những người sợ kết hôn đó có những tổn thương trong mối quan hệ giữa mình với chính cha mẹ của mình hoặc lớn lên trong gia đình mà cha mẹ mâu thuẫn, bất đồng. 

Hành trình chung sống của các cặp vợ chồng

Một nghiên cứu theo dõi hành trình sống cùng nhau 20 năm của hơn 40.000 cặp vợ chồng trên thế giới cho thấy sự hạnh phúc và tình yêu hiện hữu nhiều nhất là lúc họ mới bắt đầu kết hôn và hạnh phúc đó sẽ duy trì đến thời điểm họ sinh đứa con đầu lòng. Sau khi sinh đứa con đầu lòng rồi thì tình yêu và hạnh phúc của gia đình sẽ tiếp tục giảm bởi vì các vấn đề xảy ra trong cuộc sống. 

Cho đến khi đứa con út của họ khoảng 20 tuổi thì tình yêu và chỉ số hạnh phúc giảm xuống mức thấp nhất. Nếu vượt qua được thì tình yêu và cảm xúc được gọi là tình thương. Nó sẽ được nuôi dạy và khơi gợi tăng mức độ cao hơn và được cải thiện dần. Khi đứa con út vào Đại học rồi, tất cả mọi thứ đã ổn hết rồi thì những cặp vợ chồng đó bắt đầu quan tâm đến nhau và yêu thương nhau, dành thời gian cho mình và cho người bên cạnh là vợ / chồng. 

Thế nhưng số lượng cặp vợ chồng trong hơn 40.000 cặp vợ chồng được nghiên cứu đó vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời là khi nuôi đứa con út chưa vào được Đại học đó rất ít. Họ rất khó để vượt qua được giai đoạn đó cùng nhau nên nhiều cặp vợ chồng đã ly hôn trước thời điểm có thể quay trở lại tái hạnh phúc được.

Dư chấn để lại cho thế hệ sau khi hôn nhân đổ vỡ 

Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình đó mặc định rằng cuộc sống hôn nhân rất khó chịu, mất tự do, hôn nhân gắn liền với bạo lực, tranh cãi, khổ đau. Trẻ sợ phải kết hôn, sợ phải tái hiện lại những gì mình đã chứng kiến từ cha mẹ. 

Trường hợp thứ 2 đó là trẻ nghĩ rằng ly hôn trước thời điểm đau khổ nhất là 1 giải pháp. Bởi vì trước khi những người cha, người mẹ đến giai đoạn phải ly hôn, phải đau khổ và làm cho nhau cảm thấy bị tổn thương thì họ dừng lại trước thời điểm đó. Họ chọn ly hôn trước thời điểm đứa con út 20 tuổi, vào đại học. Họ dừng lại để không đón nhận nỗi đau về sau. Nó dẫn đến 1 thực trạng là có rất nhiều người đến tuổi trưởng thành không dám kết hôn, chỉ dám yêu thôi. Họ sợ phải đến bước đường cùng – giai đoạn đau khổ nhất là làm cho nhau tổn thương hay thất bại trong hôn nhân. Họ lựa chọn sống thử, không sinh con, không cưới. 

Thậm chí có bạn sinh viên tốt nghiệp ra trường chia sẻ bản thân rất sợ việc kết hôn và chỉ yêu đơn phương 1 người để giữ cảm xúc tích cực, để có động lực làm việc và phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp. Thích thì mình đi cà phê, mình không tỏ tình, không thể hiện ra để giữ cảm xúc đẹp. Nhưng nếu lấy nhau rồi và lặp lại hành trình của cha mẹ thì em không chấp nhận được. 

Giải pháp cho cha mẹ

Như vậy, nếu chúng ta không thể ở với nhau, bắt buộc phải dừng lại trong cuộc hôn nhân thì hãy dừng lại theo 1 cách tôn trọng và văn minh nhất. Cha mẹ có trách nhiệm chung, tình yêu dành cho con. Hãy để con cảm nhận được là mình được tôn trọng trong gia đình của mình. Và hãy nhớ rằng tất cả mọi mâu thuẫn sinh ra trong cuộc đời, mọi vấn đề sinh ra trong cuộc đời đều là 1 điều giá trị. Đó là 1 tín hiệu lành cho cuộc sống. Nếu chúng ta biết cách giải quyết vấn đề đó thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. 

Còn nếu chúng ta mang suy nghĩ cá nhân của mình để yêu cầu đối phương thay đổi cho phù hợp với chúng ta thì mâu thuẫn sẽ trở nên to lớn hơn. Và như vậy người chịu hậu quả không chỉ đơn thuần là chúng ta và vợ / chồng mình mà nó còn kéo dài sang các thế hệ sau. Vì vậy, cô Huyên hy vọng các cha mẹ sẽ tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ giữa vợ và chồng để con được đón nhận những điều tích cực nhất. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *