Khiếm khuyết cốt lõi của trẻ tự kỷ là suy giảm chức năng giao tiếp và khó khăn về sự linh hoạt trong hành động. Các em thường bị định hình dập khuôn và bó buộc trong hành động. Vì vậy khi chúng ta chơi cùng với các em bé thì chúng ta thường có xu hướng hòa mình vào cuộc chơi, kết nối và giao tiếp với em bé để giúp các em có thể gia tăng được năng lực kết nối và giao tiếp đối với những người xung quanh. Tuy nhiên trong hành trình kết nối cùng các em bé rối loạn phổ tự kỷ thù chúng ta thường gặp phải 4 sai lầm sau đây khiến quá trình vui chơi cùng các em chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. 

  1. Nhảy bổ vào mặt con

Tất cả mọi người đều cần có một thế giới, một không gian riêng. Và khi họ cảm thấy bản thân mình an toàn, thoải mái thì họ sẽ dần nhìn ra bên ngoài và bắt đầu quan sát thế giới xung quanh. Họ bắt đầu nhìn, bắt đầu cảm nhận, bắt đầu thử tham gia, bắt đầu làm quen dần rồi lúc đó họ mới bắt đầu mở cánh cửa của mình ra để những người bên ngoài có thể đi vào thế giới của họ. Và lúc đó thì có thể qua ánh mắt, hành động, cử chỉ hay âm thanh, lời nói, chúng ta có thể nhìn thấy được tín hiệu họ mở cửa và họ muốn chia sẻ. 

Các em bé bị rối loạn phổ tự kỷ cũng vậy, các em cũng cần có một không gian riêng. Khi các em cảm thấy được tôn trọng và thoải mái, các em cảm nhận được sự an toàn thì các em mới có thể sẵn sàng kết nối và vui chơi với những người xung quanh. Việc chúng ta nhảy bổ vào hoạt động chơi của con, chúng ta không quan sát xem đứa trẻ đó đã thật sự cảm thấy an toàn với món đồ chơi đó chưa, thật sự có nhu cầu để kết nối với người khác chưa hay thật sự là đã có bối cảnh hoàn hảo để em bé có nhu cầu và thể hiện nhu cầu chưa. Em bé đã có nhu cầu tìm đến một đối tượng nào đó để nhờ giúp đỡ, để cùng kết nối hay chỉ là để khoe, để mách một điều gì đó? Chúng ta đã bắt đầu cho con mình một khoảng không gian trước khi chúng ta nhảy bổ vào hoạt động chơi của con chưa? 

Nếu như chúng ta chưa làm được đầy đủ tất cả những sắp đặt, những bố trí môi trường cũng như là sự tôn trọng về một không gian riêng của con thì chúng ta cần phải làm lại. Bởi vì nếu chúng ta cứ cố gắng nhảy vào cuộc chơi của con mà không quan tâm tới cảm nhận của đứa trẻ thì kết quả nhận lại là chúng ta vẫn là không thể kết nối được với thế giới nội tâm của con.

  1. Nhìn chằm chằm vào con 

Chúng ta đang bị nhầm lẫn giữa quan sát và nhìn chằm chằm vào con. Quan sát là dùng đa giác quan để cảm nhận từ hành động cơ thể, từ hơi thở, từ thao tác thực hiện hoạt động chơi, từ việc di chuyển đi lại, từ âm thanh phát ra hay tất cả mọi điều mà con thể hiện qua một hoạt động tương tác. Chúng ta quan sát, lắng nghe và chờ đợi giây phút con mở cửa để chúng ta bước vào thế giới của con. Chứ không phải chúng ta nhìn chằm chằm vào con, cố gắng bắt chước hành động của con để thu hút sự chú ý của con. Điều đó vô tình tạo ra áp lực, thể hiện rõ mục tiêu chúng ta nhắm tới. Nhưng trẻ con cực kỳ nhạy cảm, con sẽ nhận ra sự giả vờ tròng hành động của chúng ta. 

Vì vậy, hãy chơi chân thành chơi thoải mái bằng chiến lược quan sát đa giác quan thì đứa trẻ sẽ bắt đầu cảm nhận được sự chân thành của chúng ta và bắt đầu mở lòng ra để thể hiện các nhu cầu. Thậm chí chỉ là bắt chước hát 1 bài hát, nhún nhảy vài động tác hoặc nhìn chúng ta 1 lần thôi thì đó cũng là tín hiệu cho thấy đứa trẻ cảm thấy thoải mái rồi và bắt đầu muốn kết nối với chúng ta. 

Nên nếu như muốn giúp cho các em bé gia tăng hoạt động giao tiếp kết nối qua chơi thì chúng ta hãy nhớ rằng đừng nhìn chăm chăm vào con mà hãy dùng kỹ năng quan sát của mình để thể hiện sự chân thành, để hiểu đứa trẻ trước khi chúng ta bắt đầu tham gia vào cuộc chơi của con. Và chúng ta được phép tham gia vào cuộc chơi của con hay không là do con quyết định, không phải do chúng ta quyết định. Chúng ta chỉ là người sắp đặt môi trường để môi trường đó hoàn hảo nhất, thuận lợi nhất để các nhu cầu của con ngày càng phát triển. Và khi nhu cầu tăng lên thì con sẽ bắt đầu tìm tới chúng ta là những người xung quanh để kết nối và để chơi.

  1. Giành đồ chơi của đứa trẻ 

Chúng ta cũng đã từng là trẻ con trước khi là người lớn. Là những người làm cha mẹ, là những người làm giáo viên, chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của con trẻ. Khi còn nhỏ, nếu như bị ai đó giành giật đồ chơi của mình thì cảm xúc đầu tiên của chúng ta đó là tức giận, khó chịu.  Và chúng ta sẽ tự nhiên có suy nghĩ né tránh những người thường xuyên ăn trộm đồ, thường xuyên kiểm soát và không cho mình được tiếp cận đồ mình muốn. 

Các cha mẹ khi bước vào cuộc chơi luôn mong muốn con thể hiện nhu cầu nhiều nhất để kết nối với cha mẹ. Vì vậy nên chúng ta có những hành động lấy đồ chơi, đồ ăn của con rồi yêu cầu con xin đi rồi mẹ cho. Mỗi lần như thế chúng ta nghĩ rằng con sẽ có cơ hội để thể hiện nhu cầu nhưng trên thực tế nó phụ thuộc vào cảm xúc đặt vào trong bối cảnh đó. Nếu như đứa trẻ đó được học  trong không gian  cảm xúc tích cực và thoải mái thì sự ghi nhận thông tin từ bên ngoài vào sẽ lâu hơn và sẽ tích cực hơn. Đứa trẻ đó sẽ linh hoạt sử dụng thông tin từ bên ngoài đó vào trong cơ thể của mình linh hoạt hơn trong những bối cảnh tiếp theo. Còn nếu như chúng ta lấy đồ chơi, đồ ăn của đứa trẻ và chúng ta yêu cầu đứa trẻ phải xin thì lúc này đứa trẻ chỉ xin để có được thứ mình muốn chứ không phải xin để mong muốn kết nối. Mà kết nối chính là nền móng của quá trình giao tiếp.  

Vậy nên chúng ta hãy cố gắng không thực hiện sai lầm này bởi nó sẽ là vô tình tạo ra sự nhận thức sai lầm trong thao tác và hành động của con trong quá trình kết nối và giao tiếp ở những nơi công cộng và với những người xung quanh. Khi con thích trêu một ai đó hoặc khi con muốn một cái gì đó thì con sẽ sẵn sàng lấy đồ của người khác mà không biết rằng là đồ của bạn thì mình không được lấy khi chưa ai cho phép. 

  1. Cố gắng thay đổi hành vi của con

Chúng ta đang cố gắng thay đổi 1 hành vi nào đó của đứa trẻ và đó là điều không hiệu quả trong trị liệu. Bởi vì chúng ta không thể thay đổi được ai khác, điều duy nhất chúng ta có thể thay đổi được là chính mình. Nên khi chúng ta đến với con và yêu cầu con thay đổi hành vi thì nó cũng không chạm tới được khả năng kết nối và tương tác với đứa trẻ. Chúng ta cần có 1 khoảng thời gian để quan sát tần suất các hành vi mà chúng ta muốn thay đổi, hiểu được các lý do tạo ra hành vi và thời gian diễn ra các hành vi đó thì chúng ta mới bắt đầu tìm được cách giải quyết phù hợp. Và việc chúng ta yêu cầu con trong thời khắc mà con chưa thật sự sẵn sàng thì đó không phải là yêu cầu phù hợp và đó cũng không phải là cách mà chúng ta thay đổi được gốc rễ của hành vi tiêu cực ở con, những hành vi mà chúng ta cho là không còn phù hợp với con ở thời điểm hiện tại. 

Vậy nên hãy cứ để cho con thật sự được trải nghiệm, được sống là chính mình, được thể hiện tất cả những điều con muốn, được làm những điều con thích. Và điều quan trọng là chúng ta cần phải quan sát, tìm lý do và định hướng hành vi phù hợp với nhu cầu của đứa trẻ. Giả định một em bé có rất nhiều nhu cầu về giác quan, chúng ta không thể yêu cầu em bé ngồi lên bàn để nghe mẹ dạy, không thể yêu cầu em bé cầm bút để viết được 1 trang sách mặc dù em bé đã 7 tuổi. Chúng ta cũng không thể bắt 1 em bé có rất nhiều vấn đề rối loạn giác quan phải ngồi im 1 chỗ để thực hiện hoạt động xâu xỏ 1 cái gì đó hay làm những công việc cần sự tỉ mỉ của đôi bàn tay hay của sự chú ý của mắt. Chúng ta càng không thể ép 1 em bé thích chạy, thích vui chơi phải nằm im và không được cựa quậy. Đó là điều không thể. Chính vì không thể thay đổi được nên chúng ta có ép đứa trẻ thì càng tạo ra cảm xúc tiêu cực và các hành vi bùng nổ cảm xúc lại bắt đầu xuất hiện. Và điều đó lại đang đi ngược với mong muốn thực hiện những điều tốt đẹp nhất để kết nối cùng với con của cha mẹ và của giáo viên. 

Chính vì vậy chúng ta cần phải xem xét 1 em bé đang bị rối loạn giác quan thì hãy cho giác quan ăn và quan trọng là chúng ta phải thực hiện các bữa ăn giác quan đó một cách có ý nghĩa. Hãy tạo cho con thời điểm thực hiện những việc mà con thích nhưng cũng hãy thay thế dần bằng các hoạt động vừa cung cấp được nhu cầu cảm nhận của giác quan vừa giúp cho con có thể học được 1 kỹ năng nào đó hoặc là cảm nhận được sự thay đổi nào đó thì nó sẽ tốt hơn cho vấn đề ổn định cảm giác về giác quan của con. 

Trên thực tế, những điều mà các cha mẹ nghĩ rằng tốt cho con lại chưa hẳn là điều con đang cần. Vì vậy khi chúng ta vui chơi với 1 em bé bị rối loạn phổ tự kỷ, cần rất nhiều các chiến lược quan sát, cần rất nhiều sự cảm nhận, chờ đợi và lắng nghe từ cha mẹ. Thay vì nhanh lên thì chúng ta hãy chậm lại 1 chút, thay vì làm tất cả mọi thứ thì chúng ta hãy làm gì đó có trọng tâm hơn. Thay vì làm rất nhiều thì chúng ta làm ít thôi và thay vì chỉ nói và nhìn thì chúng ta hãy tham gia vào thực hiện với 100% năng lượng của mình. Hãy làm như những gì mà con mình dẫn dắt thì lúc đó những em bé mới bắt đầu cho chúng ta những tín hiệu đầu tiên để bước vào cuộc chơi. Đó là một hành trình dài, khó khăn nhưng nó thật sự xứng đáng để chúng ta chờ đợi. Bởi vì khi mở được cánh cửa của con và con cho phép chúng ta bước chân vào thì 1 thế giới bên trong thật sự kỳ diệu khi chúng ta cùng con vui chơi. Và sự kết nối đó mới chính là nền tảng để phát triển giao tiếp. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *