Nhiều cha mẹ băn khoăn chúng ta nên chơi gì với em bé bị rối loạn phát triển? Bởi vì nhu cầu chơi của các em rất ít, các em thường chơi theo 1 cách định hình dập khuôn cứng nhắc và hầu như các em chỉ tập trung vào đồ vật thôi nên rất khó để kết nối. Vậy ngày hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với cha mẹ 1 số kiến thức để giải đáp thắc mắc này.
Khó khăn của trẻ tự kỷ trong hoạt động chơi
Các em bé bị rối loạn phát triển sẽ có cách thức và mức độ chơi khác với em bé phát triển bình thường. Nó thể hiện ở việc các em chưa khám phá ra chức năng của đồ vật. Và với những trò chơi yêu cầu trí tưởng tượng hay các trò chơi có luật thì 1 em bé trong độ tuổi mầm non (từ 0 – 6 tuổi) cũng khó có thể hiểu và tham gia được. Vì thế nên cảm xúc tiêu cực rất dễ bùng phát trong hoạt động chơi, đặc biệt là khi chơi với cha mẹ.
Nếu như đến môi trường hòa nhập các em rất dễ có những hành vi như cấu bạn, cắn bạn, đánh bạn hoặc xô đẩy bạn khi các em không đạt được nhu cầu trong hoạt động chơi. Hoặc là về nhà các em rất dễ lấy lượt của cha mẹ hoặc các em không tham gia chơi cùng cha mẹ hoặc các em chỉ có thể chơi được một chút thôi và các em sẽ kiểm soát đồ chơi. Khi cha mẹ giành giật hoặc kiểm soát để các em chú ý tới mình thì sẽ dẫn tới việc các em sẽ ăn vạ. Và như thế, cuộc kết nối giữa cha mẹ và con cũng kết thúc. Vậy trước khi chơi cùng con, chúng ta phải quan sát xem con đang phát triển ở giai đoạn nào để tổ chức các hoạt động chơi phù hợp với nhu cầu của con.
Giai đoạn giao tiếp tự phát
Ví dụ như ở giai đoạn giao tiếp tự phát, các em sẽ thường không chú ý tới tất cả những người xung quanh mà chỉ chú ý tới những đồ vật thu hút các em. Các em sẽ hướng tới những hoạt động vận động thể chất nhiều. Bởi vì ở thời điểm này, các em đang khám phá và tìm cách để cảm nhận bản thân mình. Các em sờ, chạm vào tất cả mọi đồ vật để cảm nhận đồ vật đó bằng xúc giác chứ không chơi đúng chức năng của đồ chơi. Thậm chí các em chỉ gặm đồ chơi hoặc lắc đồ chơi và có thể ném đồ chơi nữa.
Vậy ở thời điểm đó cha mẹ nhảy vào để chơi cùng con thì chúng ta sẽ không thể dạy con chơi được gì và chúng ta cũng không thể hướng sự chú ý của con đến chúng ta được. Bởi trên thực tế lúc đó con chưa có nhu cầu sử dụng đồ vật để kết nối với người khác. Các em sẽ không nghe được, không hiểu được, không nhớ được cũng như là không bắt chước được. Vậy thì chúng ta hãy dùng các hoạt động chơi về thể chất và liên kết các yếu tố dân gian vào để chơi cùng con thì nó sẽ mang lại ý nghĩa tốt hơn.
Ví dụ một em bé chỉ có thể chạy nhảy quanh nhà và hầu như vật gì các em cũng cầm nhưng chỉ cầm lên hoặc lắc rồi hạ xuống. Vậy khi các em đi lại, chúng ta cũng đi lại cùng với em bé và sau đó chúng ta tạo ra tình huống như là giữ vai em bé lại và nói: “Dừng lại”. Ở thời điểm đó, em ấy sẽ phản ứng lại bằng cách đẩy người hoặc tìm cách để được đi tiếp và chúng ta sẽ nâng tay lên. Sau một khoảng thời gian chúng ta lại lặp lại. Cứ như thế liên tục trong 3 đến 4 lần để em bé hiểu rằng đang có 1 đối tượng tham gia vào hành trình đi cùng với em, đang bắt chước em và em đang được thực hiện hoạt động em thích. Nhưng khi xảy tình huống bị giữ lại thì các em bé không bị cướp trò chơi đó hay bị người khác yêu cầu phải làm gì đó mà đơn giản ở thời điểm này, các em sẽ khám phá ra 1 cách chơi mới. Và khi chơi đến lần thứ 3, thứ 4 rồi thì em bé đã quen dần đều với hoạt động đấy, em cảm thấy thoải mái với hoạt động giữ vai thì ở thời điểm đó, chúng ta sẽ giữ vai và ngồi ngang tầm mắt của các em. Chúng ta sẽ nhìn con và cười. Và chỉ cần 1 ánh mắt của con nhìn chúng ta thôi thì lúc đó chính xác chúng ta đang dạy cho con biết cách chú ý trong cách chơi.
Hãy kiên trì kiên trì làm như vậy và mỗi lúc chỉ cần tăng một chút sự thay đổi thôi chúng ta sẽ cảm nhận được qua phản ứng của con. Ví dụ như từ 1 em bé chẳng nhìn thấy ai cả cho đến khi bị giữ vai mà các em bé chấp nhận và không hét lên, cho đến khi các em hiểu được giữ vai rồi sẽ được đi tiếp, cho đến khi các em lại hiểu tiếp rằng bị giữ vai rồi nhìn vào ai đó đang giữ mình rồi lại đi tiếp hoặc là các em sẽ bắt đầu có những cái nụ cười xã giao đầu tiên với cha mẹ.
Đó chính là cách thức mà chúng ta cũng có thể áp dụng với các trò chơi thể chất tương tự như cùng chạy với con và khi chạy chúng ta ôm con lại, chúng ta nói dừng lại rồi chúng ta bỏ ra hoặc chúng ta sẽ đưa con lên trên rồi hạ con thấp xuống. Có rất nhiều em bé thích các hoạt động như vậy, các em bé sẽ cảm thấy mình như 1 chiếc máy bay và khi đó nhu cầu cơ thể của các em sẽ được đáp ứng. Hoặc các em sẽ bắt đầu quen dần với việc khi em được chơi những trò chơi em thích thì sẽ cần có cha mẹ ở bên cạnh. Và đôi khi cha mẹ sẽ thực sự bất ngờ vì có những em bé sẽ chạy tới chỗ cha mẹ, kéo tay cha mẹ đặt lên vai hoặc lên người để ra kí hiệu cho việc chơi 1 trò chơi quen thuộc với cha mẹ. Và như thế con đã bắt đầu phát triển từ giai đoạn giao tiếp tự phát đến giai đoạn giao tiếp có yêu cầu. Như vậy là chúng ta đang tương tác và chơi cùng con nhưng cũng giúp gia tăng khả năng giao tiếp của con.
Giai đoạn giao tiếp yêu cầu
Con sẽ có nhu cầu kết nối và chơi cùng cha mẹ. Ở thời điểm này thì chúng ta sẽ chơi cùng con và khéo léo theo sự dẫn dắt của con. Nhưng cha mẹ hãy nhớ rằng chúng ta không được phạm vào sai lầm là chúng ta cướp đồ chơi của con. Lý do cô Huyên đã giải thích bài viết trước, cha mẹ có thể tìm đọc để hiểu hơn. Trong giai đoạn này chúng ta hãy cố gắng sử dụng cùng 1 loại đồ chơi và nó là đồ chơi cần phải có sự tham gia của người lớn.
Ví dụ chúng ta cho con lắp ghép 1 cái gì đó mà con cảm thấy khó thì chúng ta sẽ tham gia cùng. Hoặc ở thời điểm chơi con cần có người khác giúp đỡ con giữ 1 cái gì đó để con có thể tạo được những hoạt động chơi hoàn thiện. Đó là lúc mà con cảm thấy con cần người chơi cùng. Hoặc 1 trò chơi luân phiên mà mọi người sẽ sử dụng chung 1 loại đồ vật thì khi tới lượt của con rồi chúng ta sẽ tạo ra 1 sự khó khăn cho hoạt động chơi. Thời điểm đó con sẽ bắt đầu học được cách yêu cầu cha mẹ mở tay ra, yêu cầu cha mẹ giúp đỡ.
Và cha mẹ hãy cố gắng gia tăng giao tiếp mắt trong quá trình chơi. Chúng ta hãy chơi với con trong phạm vi ngang tầm nhìn, có thể khi con ngồi thì cha mẹ nằm bởi vì ở thời điểm khi chúng ta nằm và chúng ta nhìn được con cúi người, con có sự kết nối về ánh mắt cũng như kết nối về cơ thể, con có thể cười xã giao và thể hiện cảm xúc cũng như quan sát được cảm xúc trên gương mặt cha mẹ. Nếu con đang ở giai đoạn giao tiếp yêu cầu thì chúng ta hãy cố gắng là sử dụng thêm các hoạt động chơi về đồ vật thì chúng ta sẽ nạp cho con kiến thức về cách thức sử dụng cũng như chức năng của một cái loại đồ chơi nào đó. Và hãy luôn nhớ trong khi chơi là chúng ta theo sự dẫn dắt của trẻ chứ không phải là chúng ta yêu cầu trẻ thực hiện các hoạt động chúng ta mong muốn.
Giai đoạn giao tiếp sớm
Thường là những em bé biết cách sử dụng các đồ chơi rồi, các em cũng đã quen thuộc và có thể hiểu được các luật chơi cơ bản, các trò chơi về người. Ở giai đoạn này thì chúng ta sẽ cố gắng kết nối làm sao để gia tăng được giao tiếp mắt, gia tăng kết nối cơ thể, gia tăng nụ cười và gia tăng được nhu cầu của đứa trẻ. Và chúng ta phải đưa ngôn ngữ vào để con có bối cảnh và tình huống để thể hiện nhu cầu của bản thân bằng phương tiện giao tiếp là lời nói, có thể bằng từ đơn, từ ghép hay bằng 1 cụm từ đơn giản.
Tuy nhiên ở giai đoạn này, chúng ta có thể bắt đầu sử dụng cách chơi giả vờ. Chúng ta có thể cho con 1 loại đồ chơi mà con đã biết cách sử dụng hay chức năng của nó như là cái thìa. Chúng ta chuẩn bị 1 cái bát và 1 cái hộp đậy nắp sẵn, bên trong bỏ bimbim. Lúc này chúng ta phải dạy cho con biết cách thể hiện nhu cầu bằng từ cụm từ hoặc từ đơn là: “Mở”. Khi con nói , con nhìn vào cha mẹ và đưa ký hiệu rồi thì chúng ta sẽ giúp con mở cái nắp đó ra và con sẽ dùng thìa để múc bim bim đổ ra bát và cầm bát lên để xúc bim bim vào miệng của em gấu hay em búp bê.
Đó là lúc mà chúng ta kết nối cả đồ vật thật và đồ chơi để con có thể hiểu được chức năng cũng như cách sử dụng các đồ vật. Chúng ta luân phiên ăn thật và với em búp bê và em gấu bông thì giả vờ cho em ấy ăn. Và khi chúng ta ăn hết rồi thì chúng ta cũng nói là: “No rồi”. Đôi khi các hành động giả vờ rất buồn cười. Ví dụ như chúng ta có thể giả vờ bị nấc thì chúng ta sẽ bảo là: “Oh no rồi” hoặc ví dụ như chúng ta bảo là: “Cay quá”. Khi đó con sẽ bắt đầu quan sát chú ý tới biểu hiện trên khuôn mặt của chúng ta, con sẽ bắt chước hành động cũng như con sẽ cảm thấy hoạt động này thật là thoải mái và sự kết nối với cha mẹ thật là vui.
Đó là cách chúng ta kết nối với 1 em bé vừa làm gia tăng nhu cầu chơi, vừa gia tăng kết nối về ngôn ngữ cơ thể, gia tăng sự bắt chước ngôn ngữ, gia tăng việc sử dụng chức năng của đồ vật trong hoạt động chơi. Và các hoạt động tạo ra sự bất ngờ hài hước cũng khiến cho các em bé hiểu được những cái điều mới lạ và những thông tin thông điệp mới được gửi vào trong hoạt động chơi.
Giai đoạn giao tiếp đối tác
Đây là giai đoạn mà các em bé đã đi học hòa nhập, tới các trường mầm non, khoảng 5 tuổi chẳng hạn hoặc là các em bé đã chuẩn bị lên tiểu học. Ở môi trường hòa nhập, thời gian các em có thể chơi cùng đồ chơi không nhiều. Bởi vì lúc này các em có rất nhiều những nhiệm vụ học tập cũng như các nội dung yêu cầu của trường lớp. Nên ở thời điểm này, các em có thể kết nối được các bạn ở môi trường hòa nhập thì chúng ta hãy dạy thêm cho các em chơi các trò chơi có luật.
Chúng ta sẽ cần phải có đội nhóm, chúng ta sẽ phân đội ra và đưa ra các yêu cầu của trò chơi về các bước đầu tiên, diễn biến tiếp theo và cuối cùng thì trò chơi sẽ kết thúc như thế nào. Và chúng ta cũng cần cho các em hiểu được là với 1 trò chơi ví dụ như trò chơi đuổi bắt thì ai là người đuổi và ai là người chạy, người đuổi sẽ có nhiệm vụ gì, người chạy sẽ chạy đi đâu, chạy trong phạm vi nào và khi nào thì trò chơi sẽ kết thúc. Chúng ta cần phải kết nối bố mẹ, những người anh người chị chơi trước và sau đó là những người bạn bên cạnh con, ở cùng khu của con để con hiểu được luật chơi, quy tắc chơi trước khi con đến lớp.
Và nhất định trong giai đoạn này, các con phải thật sự thuần thục trong việc chơi theo luật và quá trình lắng nghe, chờ đợi cũng như kiểm soát được hoạt động chơi. Có rất nhiều cha mẹ đang quá quan tâm vào kết quả, chưa quan tâm hành trình khiến cho con bị áp lực về việc phải có kết quả thì mới được gọi là trò chơi thành công. Nhiều trẻ ở độ tiểu học rất hiếu thắng và đó các con sẽ không chấp nhận được việc thua cuộc và các con sẽ bùng nổ cảm xúc tại môi trường hòa nhập.
Đó là điều thực sự là khó khăn của rất nhiều các em bé. Vậy nên đặt trong hành trình chúng ta dạy con chơi thì chúng ta hãy tập trung khen vào hành trình là quá trình con tham gia và sự hiểu của con để thực hiện để các hoạt động. Và khi hoạt động kết thúc thì chúng ta hãy cố gắng cùng với con học các bài học trong hoạt động chơi đó để con có cơ hội nói ra cảm xúc của mình khi tham gia trò chơi.
Hoặc với những trò chơi của em bé ở giai đoạn giao tiếp đối tác, em bé đi hòa nhập thì chúng ta hãy nên thực hiện hoạt động chơi nào đó mà con thật sự thành thục rồi thì hãy cho con có cơ hội được làm người quản trò. Bởi vì khi làm quản trò thì con sẽ học được cách sử dụng, sắp xếp ngôn ngữ để diễn đạt và con sẽ đưa ra các yêu cầu cũng như là nhắc lại quy tắc của trò chơi. Đó là 1 lần con thể hiện với những người bên cạnh chơi cùng cũng như là 1 lần con nhắc lại cho bản thân mình hiểu luật chơi để tuân thủ luật chơi tốt và giúp cho con có năng lực làm chủ cuộc chơi, giúp con tự tin thể hiện nhu cầu, mong muốn của mình, thể hiện cảm xúc của mình trước người khác.
Và hãy nhớ rằng dù chúng ta chơi cái gì đi nữa thì chúng ta cũng cần phải theo sự dẫn dắt của đứa trẻ, chúng ta phải tôn trọng nhu cầu của em bé và phải đặt ra tôn chỉ luôn là người lắng nghe, quan sát, chờ đợi. Bởi vì phải có cảm xúc tốt khi chơi, con phải thật sự cảm thấy mình được chơi thì con mới muốn chơi tiếp lần sau và chúng ta mới có thể tiếp tục nuôi dưỡng nhu cầu kết nối thông qua hoạt động chơi của con.
Những điều cô Huyên chia sẻ ở trên là đúc rút từ kinh nghiệm làm việc và hỗ trợ cho hàng nghìn học sinh trong suốt 14 năm qua và tất cả những bạn học sinh đều có những dấu hiệu tích cực sau quá trình trị liệu. Hy vọng với những kiến thức trên, các cha mẹ và các giáo viên đang làm công tác giáo dục đặc biệt sẽ gỡ được những thắc mắc của bản thân và hỗ trợ các con phát triển thông qua hoạt động chơi một cách hiệu quả nhất.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com