Muốn giao tiếp tốt, trẻ tự kỷ cần được dạy kỹ năng bắt chước

Tầm quan trọng của bắt chước

Với tất cả các em bé, bắt chước chính là kỹ năng đầu tiên mà em bé có. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ sau 48 phút đầu tiên kể từ khi được sinh ra thì các em bé có khả năng sao chép lại các hành động trên khuôn mặt của bố mẹ, đặc biệt là người chăm sóc. Các em có thể nhìn được khuôn mặt và nếu như chúng ta lè lưỡi thì các em bé cũng đẩy lưỡi ra, chúng ta há miệng thì các em bé cũng há miệng hay chúng ta chu môi thì các em bé cũng chu môi.  

Vậy khả năng bắt chước vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp cho em bé có thể học ngay được 1 kiến thức nào đó, lặp lại ngay được 1 hành động nào đó. Và khi các em bé bắt chước thì khả năng nhận thức và khả năng tương tác của các em cũng tăng lên. Các em bé có thể bắt chước các hành động để có thể chơi với những người xung quanh và thực hiện được các thao tác trên đồ vật. 

Không chỉ vậy, bắt chước còn tốt cho việc phát triển ngôn ngữ, phát triển tư duy, phát triển khả năng giải quyết vấn đề và rất nhiều các cái kỹ năng về tiền đọc viết hoặc các kỹ năng sinh tồn. Vì vậy bắt chước là 1 kỹ năng vô cùng quan trọng để dạy các em bé. Và cha mẹ càng dành thời gian để hướng dẫn các con và giúp cho con có thể bắt chước được các thao tác, các hành vi mẫu của chúng ta thì con càng phát triển tốt hơn, nhanh hơn và hoàn thiện hơn.

Sự cần thiết phải dạy cho trẻ tự kỷ kỹ năng bắt chước

Các em bé phát triển bình thường trong các em đã có những tế bào học tập tự động, chúng ta không dạy thì các em bé cũng chước được, tự học, tự khám phá, tò mò và tự tìm kiếm 1 cách chủ động các thông tin, kiến thức. Tuy nhiên, với những em bé bị tự kỷ, các em có những rối loạn về chức năng hoạt động não bộ, về hệ thần kinh nên sẽ khó khăn hơn trong việc hình thành các kỹ năng nền tảng, trong đó có kỹ năng bắt chước. Vậy nên chúng ta để dạy các em bắt chước sẽ cần nhiều thời gian và công sức hơn. 

Bắt chước chính là cách thức đầu tiên giúp cho các em có thể chú ý tới 1 cái đồ vật nào đó, 1 ai đó, 1 hành động nào đó để các em sao chép lại. Đó chính là khả năng chú ý chung – kỹ năng tiền đề để phát triển giao tiếp. Bởi vì giao tiếp là quá trình từ 2 đối tượng trở lên, họ cùng tương tác, trao đổi các thông tin với nhau, luân phiên chú ý, luân phiên lắng nghe, luân phiên phản hồi và họ có thể sao chép cả những hành động trên cơ thể, trên gương mặt của người đối diện. 

Ở đó sẽ đòi hỏi rất nhiều khả năng tập trung, khả năng quan sát và cả kỹ năng bắt chước để có thể tăng chất lượng của cuộc giao tiếp lên. Vì vậy chúng ta cần phải dạy cho con bắt chước. Khi con có khả năng bắt chước thì con mới bắt đầu học được cách chơi và khi con có thể học được cách chơi thông qua khả năng bắt chước thì cái khả năng chú ý chung của con sẽ bắt đầu phát triển thông qua quá trình chơi và con kết nối với những người xung quanh.

Phương pháp dạy trẻ tự kỷ bắt chước

Vậy làm thế nào để có thể dạy được 1 em bé rối loạn phổ tự kỷ biết bắt chước? Việc dạy cho các em bé tự kỷ bắt chước là 1 điều cực kỳ khó. Mà nếu dạy sai nữa thì sau đó chúng ta sửa sai còn khó hơn. Như vậy, nếu chúng ta dạy trẻ tự kỷ bắt chước không đúng cách thì nó sẽ để lại rất nhiều hệ lụy cho đứa trẻ.

Bắt chước không phải là chúng ta yêu cầu con làm theo hành động của chúng ta, copy lại hành động của mình. Ví dụ khi mình giơ tay lên, mình con con giơ tay lên và đứa trẻ làm đúng như vậy thì ta nghĩ đó là bắt chước. Điều đó hoàn toàn không đúng. Bởi vì nếu như chúng ta không yêu cầu thì đứa trẻ không làm, đó không phải là bắt chước. Trẻ con bình thường bắt chước là sự chủ động, tự động học tập và mong muốn bắt chước. 

  1. Quan sát để hiểu con

Vậy để dạy cho trẻ khả năng bắt chước thì việc đầu tiên quan trọng nhất chính là cha mẹ cần phải quan sát hành động của đứa trẻ. Khi chúng ta quan sát được hành động của con thì chúng ta mới hiểu rằng con đang được thu hút bởi đồ vật nào, đồ chơi nào, hành động nào. Và khi chúng ta đã biết được cái đồ vật, cái đích tới mà con đang chú ý thì việc của chúng ta đó là bắt chước hành động của con trước. Cha mẹ hãy nhớ điều đầu tiên là hãy quan sát lắng nghe bằng cảm nhận đa giác quan khi chúng ta quan sát đứa trẻ. 

  1. Bắt chước con

Tiếp theo, khi chúng ta đã hiểu con rồi thì chúng ta sẽ bắt đầu bắt chước hành động của con, sao chép lại hành động của con trên đồ vật con đang chơi hoặc đồ vật tương tự. Lưu ý rằng chúng ta nên bắt chước 1 cách tôn trọng chứ không xâm lấn, không ăn trộm đồ chơi của con. Và việc bắt con phải làm điều chúng ta yêu cầu thì đó không phải là bắt chước. Hãy để cho trẻ có cảm giác an toàn của sự vui chơi, trẻ được chơi thứ mình thích. 

Việc của chúng ta là chuẩn bị 1 bộ đồ chơi tương tự hoặc 1 bộ đồ chơi giống như con chúng ta chơi ngay bên cạnh con. Sau đó chúng ta sẽ bắt chước thao tác chơi với đồ chơi của con. Trước đó, chúng ta hãy làm cho cuộc chơi trở nên vui nhộn hơn bằng những âm thanh, hành động có sự thu hút, có điểm nhấn ở trước tầm nhìn của đứa trẻ. Ở thời điểm đó, khi đứa trẻ nhìn thấy đồ vật liên quan tới thứ mình thích hay hành động của bố mẹ đang chơi theo đúng cách của đứa trẻ đang chơi thì lúc đó con sẽ bị chúng ta thu hút. 

  1. Thêm vào 1 hành động mới

Khi chúng ta đã thu hút được con rồi thì chúng ta sẽ thực hiện bước thứ 3. Đó là chúng ta hãy thêm vào 1 hành động mới. Hành động mới đó phải thật sự vui và thật sự gắn kết với hành động và đồ vật mà trẻ đang thích hoặc là hành động đó khiến cho trẻ cảm thấy thoải mái. Sau đó, chúng ta có thể cung cấp thêm 1 vài chi tiết để con có thể dễ dàng bắt chước hành động mới mà chúng ta đang đưa vào trong cái đồ vật cũ này. Khi con nhìn, con chú ý, con thích rồi thì con rất dễ bắt chước theo hành động của bố mẹ. 

Tình huống cụ thể

Ví dụ các bé trai rất thích các trò chơi liên quan đến ô tô. Và chơi ô tô thì có những trẻ đặt bánh xe lên ghế, lên bàn, di di bánh xe nhưng cũng có trẻ chỉ cần cầm xe xoay xoay lắc lắc thôi. Như vậy cũng rất khó để kết nối được với trẻ. Việc của chúng ta là hãy quan sát và ghi chép lại tất cả những hành động của đứa trẻ trong quá trình chơi. Quan sát không chỉ đơn thuần là nhìn mà chúng ta phải cảm nhận được, phải có sự thấu hiểu và phân tích ở đó. 

Sau khi mà chúng ta có sự thấu hiểu rồi chúng ta cũng sẽ chuẩn bị 1 cái ô tô giống như con, có thể lúc đầu tiên cũng chơi giống con luôn. Nhưng đồ chơi của chúng ta sẽ phải có sức hút lớn hơn 1 chút, ví dụ như chúng ta sẽ tạo ra các âm thanh. Hoặc khi con xoay nhẹ thì chúng ta xoay mạnh hơn 1 chút, chúng ta nói “xoay” và cho con nhìn thấy bánh xe mình đang xoay. Sau đó chúng ta nói 1 2 3 xoay, lại tiếp tục cho con nhìn. 

Việc chúng ta cứ luân phiên lặp lại như vậy thì đứa trẻ cảm thấy việc có chúng ta ở bên cạnh cũng dễ chịu, đứa trẻ hoàn toàn cảm thấy an tâm là không bị lấy mất đồ chơi, không bị yêu cầu dừng lại và lúc đó là lúc mà con bắt đầu nhìn vào bánh xe của mình. Chúng ta sẽ điều chỉnh cho mặt của mình ngang tầm bánh xe. Và lúc con nhìn rồi thì chúng ta giữ bánh xe lại thì đó cũng là 1 sự bất ngờ. Khi đứa trẻ chuyển sự chú ý từ bánh xe sang những đồ vật khác và di chuyển ánh mắt nhìn theo sự hoạt động của đồ vật hoặc các hành động tiếp theo của cha mẹ thì đó chính là thành công bước đầu để chúng ta có thể dạy con bắt chước.

Cứ tiếp tục cứ chơi như vậy thì đứa trẻ sẽ cảm thấy sự có mặt của cha mẹ thật thú vị, thích hơn là việc chỉ nhìn cái bánh xe. Vì trẻ được nghe, được quan sát, trẻ nhìn được cái mới. Sau đó chúng ta sẽ đặt bánh xe đang xoay ấn vào tay của đứa trẻ. Con được cầm, thả xuống và di chuyển. Những lần đầu tiên cha mẹ có thể hỗ trợ trực tiếp trẻ cầm xe rồi xoay bánh xe, ngửa xe lên và úp bánh xe cho xe chạy tiếp lần thứ hai. 

Tiếp theo cha mẹ có thể đặt đồ chơi vào tay trẻ rồi đặt cuốn sách hoặc 1 bìa cứng trước mặt con và chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra. Con có 1 cái ô tô, mẹ có 1 cái ô tô. Khi chúng ta di chuyển ô tô từ dưới sàn hoặc từ dưới bàn lên bìa hoặc cuốn sách và píp píp píp píp, thả ô tô, ô tô lăn rôi, rơi rồi. Việc ô tô rơi đó lại khiến cho đứa trẻ cảm thấy rất thích thú dẫn đến hành động chơi 1 cách rất tự nhiên là đứa trẻ có thể cũng bắt chước cha mẹ cầm cái ô tô đặt lên cuốn sách, bắt đầu đẩy ô tô rơi xuống. Vậy là chúng ta đã thành công trong việc dạy con bắt chước. 

Để được hướng dẫn chi tiết hơn về phương pháp dạy trẻ tự kỷ bắt chước, mời các cha mẹ đọc bài viết sau đây: link

Nhắn nhủ dành cho cha mẹ

Nếu chúng ta chỉ dạy cho con biết thực hiện lại hành động và sao chép hành động thì không khó khăn nhưng nếu như chúng ta dạy con làm sao để con chủ động mong muốn bắt chước và sao chép hành động 1 cách chủ động thì đó là điều vô cùng khó khăn. Nên ở đó sẽ cần có những kỹ năng đặc biệt và ở đó sẽ cần có những người cha mẹ có khả năng quan sát thấu hiểu con trước khi chúng ta nhảy vào để chúng ta chơi cùng con. Và đó được gọi là trọn gói kỹ năng chúng ta sẽ dạy cho 1 em bé có khả năng bắt chước. Đó chính là chìa khóa đầu tiên để thành công trong việc dạy trẻ giao tiếp và phát triển ngôn ngữ.

Vậy thì đừng chần chừ mà hãy bắt đầu áp dụng những chia sẻ trên vào để dạy con trong những ngày mà chúng ta có thời gian chơi với con vào cuối tuần hoặc những ngày lễ chẳng hạn. Như thế thì con sẽ học được nhiều kỹ năng tiền đề đầu tiên để xây dựng con người, phát triển về giao tiếp, kết nối và nhận thức cũng sẽ đi lên, sự hiểu tăng dần. Và khi chúng ta kết nối, chúng ta cung cấp thông tin và đồng hành cùng con trong hành trình chơi thì đó chính là chìa khóa để kết nối với con.

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *