Bài viết này sẽ chia sẻ với các cha mẹ tại sao chúng ta cần dạy cho trẻ biết lựa chọn và phương pháp dạy cho trẻ biết lựa chọn. 

Khó khăn của trẻ tự kỷ khi học cách lựa chọn

Những đứa trẻ phát triển bình thường không cần dạy cũng biết lựa chọn. Bởi vì trong cơ thể của con có những tế bào học tập tự động. Và trong quá trình sống, con trải nghiệm cuộc sống bằng tất cả những giác quan, con đã tăng nhận thức bằng cách hiểu được bản thân muốn gì, từ đó dễ dàng đưa ra được lựa chọn của mình. 

Tuy nhiên, những em bé bị rối loạn phát triển lại không như vậy. Bản chất là ở bên trong cơ thể của con, hệ cảm giác, hệ giác quan của con chưa phát triển ổn định, con khó cảm nhận được nhu cầu của bản thân và khó để gửi thông điệp tới những người xung quanh, khó khăn cả trong khả năng tập trung, chú ý. Chính vì tất cả những khó khăn đó, chúng ta cần phải dạy con nhiều hơn. 

Những kỹ thuật để dạy 1 em bé học cách lựa chọn

  1. Lấy 1 trong 2 đồ vật con nhìn thấy

Đầu tiên, trước khi dạy con lựa chọn thì chúng ta cần quan sát và thu thập thông tin về những nhóm đồ vật mà con thích và không thích cũng như mức độ thích/không thích của con. Mục đích ở đây là khi chúng ta sử dụng 2 nhóm đồ vật có tính tương phản về việc thích và ghét thì con sẽ dễ dàng đưa ra lựa chọn hơn. Và chúng ta sẽ đưa cái đồ vật con thích ở bước sau để con có khả năng giơ tay và lấy được 1 cách dễ nhất cũng như là con có thể dễ dàng lựa chọn được điều con muốn.

Ví dụ chúng ta cho con 1 hộp sữa chua. Con sẽ cần 1 cái thìa để ăn nó. Và ở bối cảnh rất tự nhiên là con đi học về, con đang rất đói, sữa chua lại là món mà con rất thích nên con đang có nhu cầu ăn thật sự vào thời điểm đó. 

Việc của chúng ta là chuẩn bị 2 vật tương phản. 1 là cái thìa hằng ngày con sử dụng nó để ăn sữa chua – thứ con thích và ở thời điểm này con đang muốn có nó. 2 là đồ vật hình tròn – thứ con chưa bao giờ chơi hoặc không muốn chơi, con không thích. 

Chúng ta sẽ đưa 2 đồ vật cho con lựa chọn và hỏi rằng: “Con thích cái này hay cái này?”. Lúc đó, con sẽ giơ tay để có thể lấy được đồ vật mà con muốn. Và trong trường hợp này, con có thể lựa chọn được cái thìa bởi vì con nhìn thấy cái thìa và nó phù hợp nhu cầu của con.

Ở giai đoạn giao tiếp tự phát, con chưa có chủ ý của việc giao tiếp cũng như chưa biết cách thể hiện nhu cầu của mình tới người khác bằng những hành vi phù hợp. Năng lực hiểu ngôn ngữ của con cũng chưa nhiều nên chúng ta không cần phải ôm đồm việc gọi tên đồ vật hay những mục tiêu khác. Chúng ta chỉ tập trung vào mục tiêu là dạy cho con học cách lựa chọn 1 trong 2 đồ vật con nhìn thấy, con nghe được người khác nói.

  1. Đặt câu hỏi

Bước thứ 2, khi trẻ đã bắt đầu hiểu được lựa chọn là lấy 1 trong 2 loại đồ vật hoặc lựa chọn 1 trong 1 nhóm đồ vật rồi thì chúng ta cần phải nâng cấp lên 1 chút để tạo sự thách thức.

Chúng ta sẽ phải nói cả câu và trong đó có tên của 2 đồ vật mà con sẽ lựa chọn. Lưu ý tên của đồ vật trẻ thích sẽ luôn đặt ở phía sau còn tên của đồ vật trẻ không thích đặt ở phía trước của câu nói. 

Ví dụ: Vẫn trong tình huống em bé đang thích ăn sữa chua và em bé đang cần 1 cái thìa. Chúng ta có thể đặt câu hỏi nâng cấp hơn khi con ở giai đoạn giao tiếp sớm. Ở giai đoạn đó con có thể bắt chước được âm thanh, gọi tên được các đồ vật đơn giản và nhu cầu của con. 

Chúng ta có thể đặt câu hỏi để lựa chọn: “Con muốn hình tròn hay cái thìa?”. Lúc đó con có thể dễ dàng vuốt đuôi theo câu hỏi của cha mẹ, gọi được tên của đồ vật con muốn và dễ dàng lấy được cái thìa. Vì đó chính là nhu cầu của con và thứ âm thanh mà con nghe được tên đồ vật mà con thích nằm ngay ở sau câu hỏi. Và khi được đáp ứng thì cảm xúc học tập của trẻ cũng sẽ tích cực hơn vậy. Như vậy, cơ hội con muốn tham gia học tập ở những bước tiếp theo sẽ nhiều hơn.

  1. Đặt câu hỏi nâng cao 

Khi con hoàn thành xong bước 2 rồi thì chúng ta cần phải tạo thách thức hơn 1 chút nữa. Đó là lúc chúng ta sẽ để cho con quan sát nhiều hơn, suy nghĩ lâu hơn và phải có sự phân tích để con đưa ra sự lựa chọn đúng nhất. Lúc này con đã bắt đầu có tư duy, có nhận thức cao hơn và năng lực của con cũng đã lên một level mới. 

Ví dụ: Cũng trong bối cảnh con vừa mới đi học về, đói. Con muốn ăn sữa chua, sữa chua ở đây rồi và con cần 1 cái thìa. Chú ý đặt tên đồ vật mà trẻ muốn là cái thìa ở phía đầu câu hỏi và đồ vật trẻ không thích ở cuối câu hỏi. Chúng ta sẽ hỏi để trẻ phải suy nghĩ và đưa ra được cái lựa chọn của mình phù hợp chứ không phải là chỉ vuốt đuôi theo câu hỏi để dễ dàng có được đồ vật mình muốn. “Con muốn cái thìa hay con muốn hình tròn?”. Lúc đó con sẽ phải suy nghĩ phải chậm lại, phải phân tích để đưa ra được câu trả lời đúng cho nhu cầu của mình. Bởi vì con đang có 1 hộp sữa chua và cần cái thìa. 

Giả định như ở bước này, con với tay lấy cái thìa nhưng miệng lại nói hình tròn thì chúng ta phải quay lại bước thứ 2. Hãy làm thật kỹ và chậm, yêu cầu con bình tĩnh để trả lời. Phải làm bước này thật nhuần nhuyễn để con thật sự hiểu và lựa chọn được đồ vật con muốn thì khi đó con mới có thể lên được 1 bước cao hơn. Hoặc là trong câu hỏi ở bước cao hơn, chúng ta sẽ lắc lắc đồ vật con muốn để gợi ý, định hướng để con có thể nhớ được tên của đồ vật và sau đó giảm dần sự hỗ trợ.

  1. Câu hỏi có/không và đồ vật không hiện hữu

Chúng ta sẽ lên 1 bước cao hơn nữa, thách thức hơn. Khi chúng ta dạy con lựa chọn có đồ vật là những thứ hiện hữu thì con có thể dễ dàng gọi tên đồ vật khi con nhìn thấy. Vậy bây giờ chúng ta không đưa đồ vật hiện hữu ra và chúng ta giúp con trả lời được 1 câu hỏi cao hơn, đòi hỏi sự tư duy hơn nhưng trong câu trả lời cũng có sự lựa chọn. Đó chính là câu hỏi lựa chọn có và không. 

Vẫn trong bối cảnh đó là đưa 1 hộp sữa chua, con đói mà không có thìa ở đây và tình huống để con loay hoay và không thể tìm ra được cách nào để ăn. Lúc này chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi: “Con có muốn sử dụng cái thìa không?”. Và con phải bắt đầu suy nghĩ để đưa ra câu trả lời có hoặc không. Nếu con nói có là vì con hiểu chính xác nhu cầu của con lúc này là cần thìa và con đã nghe được câu hỏi của cha mẹ, phân tích nó để đưa ra câu trả lời đúng.

Nhưng giả định con nói không mà thực tế con đang có nhu cầu thì chúng ta phải quay trở lại bước lựa chọn có đồ vật hiện hữu, làm thật rõ để con được thực hành nhiều lần, cho con làm quen dần với mẫu câu hỏi lựa chọn có và không giữa có hiện hữu và không hiện hữu. Đồ vật mình thích thì mình lấy và đồ vật mình không thích thì mình từ chối không lấy. 

Trên đây chính là những bước mà chúng ta phải xây dựng chiến lược đi lên từng bước 1 theo các bậc cầu thang. Như vậy thì chúng ta mới biết là con mắc ở bước nào, lỗi ở bước nào và khi con không vượt qua được bài của chúng ta thì chúng ta phải biết lùi xuống 1 bước. Và phải biết  bước lùi xuống là bước nào. 

Hy vọng những điều cô Huyên chia sẻ sẽ giúp cho cha mẹ áp dụng được những cách thức để dạy con lựa chọn. Hy vọng các thầy cô cũng có thể áp dụng được những kiến thức của cô Huyên trong hành trình dạy học sinh của mình. Và hãy nhớ rằng trong bất kỳ kỹ năng mới nào chúng ta dạy con thì cũng cần phải có rất nhiều sự cố gắng và nỗ lực kiên trì hỗ trợ của cha mẹ, đặc biệt là với những em bé bị rối loạn phát triển. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *