Nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi: “Khi nào thì con biết nói?” hoặc là “Can thiệp thì lộ trình khoảng bao lâu cháu sẽ biết nói?” khi chúng ta thấy con mình có những dấu hiệu của việc chậm nói hoặc khó khăn trong ngôn ngữ. Đó là những lo lắng hoàn toàn chính đáng của những người làm cha mẹ. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ 1 số thông tin để trả lời cho câu hỏi này. 

Khi nào trẻ tự kỷ biết nói?

Khi chúng ta có những câu hỏi, trăn trở như vậy thì nó cũng kéo theo kỳ vọng bên trong chúng ta. Khi chúng ta tìm tới các nhà chuyên môn thì chúng ta thật sự hy vọng con sẽ nói được. 

Một khuyến nghị cho tất cả những người làm cha mẹ đó là nếu như chúng ta có kỳ vọng như vậy thì rất có thể sẽ khiến cho chúng ta lựa chọn sai phương pháp. Hoặc là phương pháp trị liệu ở thời điểm can thiệp sớm chưa phù hợp với những khiếm khuyết cốt lõi của con cho dạng rối loạn mà con mắc phải. 

Ở Việt Nam thời điểm này có rất nhiều phương pháp trị liệu dành cho các trẻ bị rối loạn phát triển, đặc biệt là trẻ bị rối loạn tự kỷ. Mỗi phương pháp đều có những giá trị khác nhau và nó sẽ phù hợp ở từng thời điểm phát triển của mỗi người tự kỷ. 

Và chỉ những người làm chuyên môn khi mà họ nắm vững được các phương pháp cũng như làm việc thật sự có căn cơ khoa học và có lâm sàng thực chiến, họ mới đong đo lượng giá được năng lực của em bé. cộng với rất nhiều yếu tố để lựa chọn, kết hợp giữa các phương pháp như là ở thời điểm nào thì dùng bao nhiêu phương pháp này, bao nhiêu phương pháp kia và lúc nào thì giảm cái này, tăng cái kia. Đó là công việc mà những người làm chuyên môn sẽ phải sử dụng năng lực chuyên môn cũng như sự nhạy bén về lâm sàng để tư vấn, dẫn dắt và lựa chọn hướng dẫn 1 em bé.

Nhưng với những người làm cha mẹ, khi chúng ta chưa thật sự hiểu về căn cơ khoa học cũng như các phương pháp dạy con thì chúng ta sẽ thường bị cuốn theo 1 phương pháp nào đó hoặc 1 nơi nào đó để gửi gắm kỳ vọng. Có nghĩa là chúng ta tìm 1 cơ sở trị liệu, sau đó chúng ta sẽ đề cập nguyện vọng và mong muốn của chúng ta. Phương pháp đó chưa hẳn đã phù hợp với khiếm khuyết cốt lõi của 1 em bé. 

Cha mẹ cần hiểu 1 điều rằng, theo căn cơ khoa học, không thể xác định được chính xác thời điểm con biết nói. Bởi vì với 1 trẻ bị rối loạn tự kỷ, khiếm khuyết cốt lõi của trẻ là rối loạn chức năng hoạt động não bộ. Điều đó làm ảnh hưởng tới chức năng giao tiếp kết nối xã hội, khó khăn về thể hiện cảm xúc, đọc cảm xúc của người khác cũng như là điều chỉnh hành động phù hợp với bối cảnh đó. Họ cứng nhắc, dập khuôn trong các hành động. 

Và hành trình làm việc sẽ phải dựa trên rất nhiều yếu tố để 1 em bé có thể nói được, cần có các yếu tố tiền đề phía trước cộng với đánh giá, lượng giá về những khiếm khuyết cốt lõi của trẻ thì người trị liệu mới biết phải lựa chọn cái gì là nền tảng cần phải làm trước. Chính vì vậy, không thể trả lời là bao lâu thì trẻ sẽ biết nói.

Khả năng nói của trẻ tự kỷ

Tất cả trẻ tự kỷ đều có khả năng sử dụng ngôn ngữ. Một số trẻ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh âm lời nói nhưng vấn đề đó sẽ cần được lượng giá 1 cách thật sự cẩn thận. Và không chỉ có khả năng nói mà nhiều trẻ nói rất rõ ràng rành mạch và không chỉ nói được 1 ngôn ngữ mà các em có thể nói được nhiều ngôn ngữ. 

Khiếm khuyết cốt lõi ở đây là các em khó khăn trong vấn đề kết nối và giao tiếp. Nếu như chúng ta chỉ tập trung dạy con biết nói thì chúng ta chưa tìm được giải pháp phù hợp và đó được gọi là đầu tư có lỗ cho tương lai. Bởi vì chúng ta đang sử dụng giai đoạn hỗ trợ can thiệp vàng chỉ để tập trung vào lời nói – vỏ bọc của tư duy.

Dạy trẻ giao tiếp quan trọng hơn dạy trẻ nói

Nói thể hiện những gì em bé nhận thức được nhưng không giải quyết được khiếm khuyết cốt lõi là khó khăn trong chức năng giao tiếp xã hội. Bởi vì để giao tiếp xã hội được cần rất nhiều các yếu tố như lý do giao tiếp sẽ là động cơ thúc đẩy em bé tìm tới 1 đối tượng giao tiếp để thể hiện mong muốn, nhu cầu của bản thân. Thứ 3 là các em bé sẽ sử dụng 1 phương tiện giao tiếp để có thể truyền đạt thông điệp của mình tới người đối diện. Và yếu tố thứ 4 đó là sự hiểu. 

Vậy nhưng chúng ta chỉ tập trung vào ngôn ngữ – 1 trong những phương tiện giao tiếp thì điều đó là chưa đủ. Và ngoài ngôn ngữ, chúng ta có thể sử dụng các ký hiệu bằng số, bằng chữ, hành động cơ thể; các cử chỉ, điệu bộ; các công cụ hỗ trợ giao tiếp như ngôn ngữ bằng AAC để giúp con người ta thể hiện được nhu cầu và mong muốn của bản thân. Vậy nên chúng ta cần dạy con giao tiếp. 

Những yếu tố cần để trẻ có thể nói được

Để 1 đứa trẻ có thể nói được thì cần sự cộng hưởng của 4 hệ: Hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tạo âm và hệ thần kinh cảm ứng. Khi trẻ có khả năng bắt chước âm thanh là lúc chúng ta cần phải tập trung dạy con các kỹ năng tiền đề của giao tiếp như: kỹ năng bắt chước kỹ năng chia sẻ, kỹ năng luân phiên, kỹ năng chú ý chung, kỹ năng giao tiếp mắt, kỹ năng hồi đáp và khả năng chơi tương tác qua lại. 

Và ở thời điểm đó là lúc con bắt đầu có lý do để tìm tới 1 đối tượng nào đó để hiện nhu cầu của bản thân. Khi đối tác giao tiếp đến và tương tác với con cũng là lúc họ sẽ giúp con bắt chước phát âm. Và cuối cùng, quá trình bật âm sẽ xảy ra khi con có đầy đủ các kỹ năng tiền đề. 

Có thể các kiến thức trên sẽ khá khó hiểu với các cha mẹ nhưng chúng ta hãy bình tĩnh để tìm ra giải pháp. Hãy tìm tới những khóa học uy tín để được hướng dẫn, hỗ trợ đồng hành với con 1 cách hiệu quả nhất. 

Lưu ý cho cha mẹ

Điều quan trọng nhất của 1 con người khi sống là chúng ta phải được sẻ chia, được giao tiếp, được thể hiện những suy nghĩ và mong muốn của bản thân. Nếu như điều đó không được đáp ứng thì thật khó đón nhận đối với 1 con người. 

Vì vậy, những em bé khó khăn trong giao tiếp càng lớn lên, kể cả vốn từ có tăng, có thể nói được nhiều thứ tiếng và có thể hát líu lo suốt ngày, soi gương để nói 1 mình nhưng không thể giao tiếp được thì vẫn làm cho các em gia tăng cảm xúc tiêu cực khi không thể hiện được nhu cầu của bản thân. Người đối diện không hiểu được tín hiệu của họ đưa ra dẫn đến việc họ không được đáp ứng nhu cầu. Và như vậy, hành vi tiêu cực như: ăn vạ, đập phá, cáu, khóc, … cũng theo đó gia tăng.

Còn với những người kể cả vốn từ và ngôn ngữ còn đang ít nhưng họ có thể biết được, hiểu được chính xác điều mình muốn và hiểu được cách thức để gửi thông điệp tới người khác, tìm được đúng đối tượng giao tiếp để thể hiện nhu cầu thì họ vẫn có thể tìm được các phương tiện khác ngoài ngôn ngữ để học sinh tồn và sống trong cảm xúc tích cực. Và như thế, sự điều chỉnh hành vi của họ cũng tốt hơn. 

Vậy nên, muốn đi chặng đường dài với các con bị rối loạn phổ tự kỷ, chúng ta cần phải chuẩn bị cho mình những hành trang kiến thức. Và những hành trang đó các cha mẹ cần được học từ những chương trình uy tín, cầm tay chỉ việc cho các cha mẹ để chúng ta bắt đầu từ con số 0 cho đến khi chúng ta trở thành những người cha mẹ tỉnh thức. 

Hãy nhớ rằng cần phải hiểu con trước khi chúng ta đồng hành cùng con. Và để hành trình đó thật sự hiệu quả thì chúng ta cần phải học các chiến lược, phương pháp dạy con đúng đắn. Đừng vội lo lắng khi con chưa thể nói mà hãy kiên trì lượng giá để hiểu con, nắm bắt những khó khăn cốt lõi của con. Chỉ như vậy chúng ta mới có liệu pháp trị liệu cho con tốt nhất. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *