Hành trình đặc biệt cùng em bé bị rối loạn phổ tự kỷ
Rối loạn phổ tự kỷ có thể chữa khỏi hoàn toàn được không? Đó là câu hỏi lớn và là trăn trở chính đáng của những người làm cha mẹ. Đó chính là nỗi đau, là sự tổn thương và đi kèm với nó là sự kỳ vọng của cha mẹ về con cái. Đó cũng là động lực thúc đẩy cha mẹ tìm ra phương pháp để hỗ trợ cho con. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cha mẹ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý và rất khó để điều chỉnh được các hành vi cảm xúc của mình trong cuộc sống khi chúng ta có 1 em bé bị rối loạn phổ tự kỷ trong nhà.
Những người làm cha mẹ chúng ta phải thực sự là người làm chủ cảm xúc của mình, sau đó chúng ta cân bằng lại cuộc sống, định hình tâm thức của mình để chấp nhận những điều đang đến với con và chúng ta đón nhận con của mình với 1 tình yêu vô điều kiện. Và chúng ta sẽ yêu con theo 1 cách khác, đón nhận theo 1 cách khác với những bà mẹ ông bố ngoài kia nuôi 1 đứa con bình thường. Bởi cơ hội thành công của chúng ta sẽ khó hơn so với những người khác trong hành trình nuôi con nhưng chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận và cảm nhận được niềm hạnh phúc khi mà chúng ta nuôi con hơn. Bởi vì chỉ cần một chút sự tiến lên của con thôi đã là một sự hạnh phúc của cha mẹ rồi.
Với những người cha mẹ có những em bé bị rối loạn phổ tự kỷ, đôi khi chỉ là 1 ánh nhìn, 1 nụ cười của con và đôi khi chỉ là những tiếng gọi: “Bố ơi”, “Mẹ ơi”… rất đơn giản cũng khiến chúng ta cảm thấy đong đầy hạnh phúc rồi. Vậy nên là hãy tận hưởng hành trình nuôi con và chấp nhận những gì con đang có. Hãy yêu con như con vốn là.
Rối loạn phổ tự kỷ có chữa khỏi hoàn toàn được không?
Những người làm cha mẹ chúng ta phải thực sự học tập để thấu hiểu con, hiểu những khó khăn của con, từ đó chúng ta mới có thể tỉnh thức để tìm ra phương pháp và lối đi phù hợp.
Điều đầu tiên chúng ta cần làm khi có 1 em bé bị rối loạn phổ tự kỷ đó là tìm hiểu các thông tin về rối loạn phổ tự kỷ để hiểu được con mình. Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ là hội chứng mà thời điểm này khoa học và tổ chức y tế vẫn chưa đưa ra được 1 phương thuốc nào để chữa và cũng chưa đưa ra được 1 nguyên nhân duy nhất nào gây ra hội chứng này. Chính vì thế người ta gọi là rối loạn phổ mà không xem đây là 1 căn bệnh. Và đây chính là hội chứng rối loạn chức năng tế bào. Các tế bào thần kinh ở não bộ của những người bị tự kỷ sẽ hoạt động bất thường làm cho họ có cách nhìn, suy nghĩ, hành động khác với người bình thường.
Chính vì thế nó tạo ra khiếm khuyết cốt lõi chung của các em bé bị rối loạn phổ tự kỷ đó là suy giảm chức năng giao tiếp, suy giảm khả năng tương tác, kết nối xã hội và khó khăn trong việc đọc cảm xúc, suy đoán tâm tâm trí người khác cũng như là thể hiện cảm xúc của mình đúng ngữ cảnh. Và họ cũng có những hành vi bất thường, định hình dập khuôn và cứng nhắc, khó linh hoạt trong cuộc sống. Tuy nhiên mức độ mà các em bé mắc phải là không giống nhau.
Và khi chúng ta hiểu được điều đó thì chúng ta mới thấu hiểu được con và dần chấp nhận con. Sự chấp nhận đó sẽ giúp chúng ta cảm thấy hành trình nuôi con dễ dàng hơn, những kỳ vọng của chúng ta trên con hợp lý hơn, phù hợp với con mình hơn.
Khi nào con sẽ khỏi hoàn toàn?
Bởi vì hội chứng rối loạn phổ tự kỷ là rối loạn về chức năng hoạt động của não bộ nên nó sẽ không thể hoàn toàn khỏi hết được. Các khiếm khuyết cốt lõi đó là chức năng hoạt động của hệ thần kinh. Nó sẽ có sự chuyển biến thay đổi 1 cách tích cực và rõ rệt khi chúng ta hỗ trợ và trị liệu cho con đúng phương pháp, đầy đủ thời gian và đòi hỏi cả sự kiên trì của cha mẹ.
Chúng ta luôn luôn phải tìm phương pháp phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của con. Thứ 2 là chúng ta cần phải can thiệp đầy đủ thời lượng. Để hỗ trợ cho một em bé bị rối loạn phổ tự kỷ, trung bình cần tối thiểu khoảng 25 giờ/tuần. Và nhiều hơn nữa thì càng tốt. Tiếp theo, chúng ta cần phải rèn luyện cho mình sự kiên trì. Có nghĩa là chúng ta phải nỗ lực từng ngày, ôn luyện từng chút một. Dần dần các con sẽ có sự chuyển dịch tích cực theo chiều hướng phát triển.
Tuy nhiên sự phát triển này không giống với những đứa trẻ bình thường. Bởi vì các con có 1 hành trình phát triển đặc biệt, nó là 1 con đường riêng. Và chỉ cần con tiến lên từng chút một các kỹ năng: quan sát, lắng nghe, phản hồi, giao tiếp mắt, khả năng bắt chước, sự ổn định các giác quan bên trong cơ thể, kỹ năng chia sẻ luân phiên, khoe, mách, sự hiểu, trí nhớ, sự tập trung, ngôn ngữ, nhận thức,… cũng đã là một sự thành công rồi. Nó sẽ tăng dần lên, từ khi con chưa biết nói đến khi con biết nói, từ khi các kỹ năng chưa có đến khi các kỹ năng được xây dựng và hình thành. Chúng ta hãy xây dựng từ nền móng đi lên.
Có rất nhiều em bé bị rối loạn phổ tự kỷ có chỉ số IQ cao. Đó là những em bé có khả năng phát triển thông minh về nhận thức, các em hoàn toàn có thể học tập và đạt được những thành tích còn cao hơn cả những em bé phát triển bình thường. Tuy nhiên, trong con có những rối loạn, khiếm khuyết cốt lõi nên dù con có phát triển đến mức độ tốt nhất và hòa nhập được tại môi trường xã hội hoặc kể cả là tìm được 1 công việc nào đó thì con vẫn sẽ gặp những khó khăn về giao tiếp, về sự linh hoạt, về việc đọc hoặc suy đoán tâm trí của người khác cũng như là điều chỉnh, ổn định cảm xúc hay hành vi của bản thân.
Như vậy, các con vẫn phát triển theo cách thức riêng của các con nhưng để hoàn toàn hết được những khiếm khuyết cốt lõi ở bên trong các con thì đó sẽ là một điều rất khó. Chúng ta phải đón nhận rằng con phát triển nhưng vẫn còn những khiếm khuyết cốt lõi là khó khăn về giao tiếp, khó khăn về suy đoán tâm trí, khó khăn về cách thức tương tác kết nối hay sự linh hoạt trong cuộc sống. Đó là nét riêng của con, là những điều tạo nên con người con.
Vậy nên đừng hỏi rằng bao giờ con sẽ khỏi mà chúng ta hãy đón nhận đứa con này. Và chỉ khi chúng ta thấu hiểu đứa con này bằng chất liệu riêng của con, năng lực riêng của con, khó khăn riêng của con và tìm 1 con đường đi riêng cùng con thì chắc chắn đứa trẻ này sẽ phát triển hơn, sẽ cải thiện được nhiều kỹ năng. Con vẫn có thể học tập được, tìm kiếm được 1 công việc để có thể sinh tồn.
Và hành trình đó, chúng ta phải chấp nhận, phải chuẩn bị cho mình 1 tư tưởng, 1 tư duy, 1 tâm thế đón nhận mọi điều 1 cách hoan hỉ. Chúng ta sẽ xây từ nền móng xây lên, tìm hiểu con đang thiếu kỹ năng nào để bù vào, con đã có những kỹ năng nào để phát triển. Chỉ cần ngày hôm nay không ngừng hành động thì đó chính là cơ hội để chúng ta vận hành cuộc sống cho 1 ngày tiếp theo có những kết quả tốt đẹp hơn.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com