Một em bé bị rối loạn phát triển (tự kỷ tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, …) mỗi ngày cần can thiệp trị liệu bao nhiêu là đủ. Đó là 1 câu hỏi rất phổ biến của các cha mẹ có con bị rối loạn phát triển. Bởi lẽ chúng ta có rất ít kiến thức chuyên môn về những vấn đề mà con gặp phải. Bên cạnh đó, chúng ta đang hoang mang về việc tìm 1 phương pháp dạy con tốt nhất. Vậy ngày hôm nay, cô Huyên sẽ chia sẻ tới các anh chị 1 vài gợi ý để chúng ta có thể tự tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của mình.
Khoa học về não bộ
Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần quay trở lại với vấn đề não bộ của con người. Đầu tiên, phần thân não – phần điều khiển các hoạt động đảm nhiệm sự sinh tồn của cơ thể ngay từ khi chúng ta còn trong bụng mẹ. Sau khi được sinh ra, các neuron sẽ tiếp tục phát triển để tạo ra các kết nối từ các synap và các ống thần kinh, giúp cho hành trình học tập của con tốt hơn. Và các sợi liên kết đó sẽ làm cho chúng ta hiểu biết và tham gia các hoạt động sinh sống để phát triển bộ não cũng như là hoàn thiện dần trong hành trình lớn lên.
Khoa học đã chứng minh 3 năm đầu đời là thời điểm bộ não của con người phát triển rất nhanh. Trẻ học tập kiến thức từ tất cả những điều hiện diện trong môi trường xung quanh. Và nếu như chúng ta không dạy thì con vẫn tìm mọi cách để con tham gia và học tập. Chính vì thế người ta gọi đó là giai đoạn vàng của quá trình phát triển con người.
Giai đoạn thứ 2 đó là giai đoạn từ 3 – 6 tuổi. Nếu như 0 – 3 tuổi là giai đoạn vàng thì 3 – 6 tuổi chính là giai đoạn bạc. Vì đó là giai đoạn thứ 2 của con người trong hành trình phát triển não bộ. Đó là giai đoạn mà bộ não của chúng ta vẫn tiếp tục học tập rất nhiều và học tập theo 1 cách chủ động. Nó có nghĩa là khi chúng ta không dạy thì con cũng học được thông qua những hoạt động, những trải nghiệm trong cuộc sống.
Vì vậy, nếu những em bé trong giai đoạn vàng, giai đoạn bạc mà được hỗ trợ và can thiệp trị liệu từ gia đình, từ nhà trường, môi trường xung quanh thuận lợi để các con học tập và hoàn thiện khả năng vận động, nhận thức thông qua hoạt động trải nghiệm, phát triển ngôn ngữ thông qua việc giao tiếp, kết nối hay kỹ năng giải quyết vấn đề khi con được tự mình tham gia trải nghiệm các hoạt động và quan sát bắt chước người lớn thì các con sẽ hoàn thiện dần.
Giai đoạn tốt nhất để can thiệp trị liệu
Từ những luận điểm ở trên, với 1 em bé bị rối loạn phát triển, giai đoạn từ 0 – 6 tuổi là giai đoạn cực kỳ quan trọng để can thiệp trị liệu.
Đặc biệt, giai đoạn từ 0 – 3 tuổi là giai đoạn vàng để trị liệu. Bởi vì 1 em bé bị rối loạn phát triển chẳng hạn như rối loạn phổ tự kỷ, trong giai đoạn này sẽ khởi phát cho chúng ta nhìn thấy những biểu hiện để chúng ta có thể hỗ trợ các con trị liệu. Trong giai đoạn bộ não đang phát triển tích cực này, con sẽ cải thiện và học tập được nhiều nhất.
Bởi vì từ 0 – 3 tuổi, não bộ của chúng ta có năng lực đàn hồi chức năng tế bào thần kinh. Nó có nghĩa là khả năng chữa lành những tổn thương trong tế bào thần kinh của não bộ. Và ở những giai đoạn khác thì không có ưu điểm này. Chính vì vậy, nếu chúng ta trị liệu và can thiệp cho con được trong giai đoạn từ 0 – 3 tuổi thì ngoài việc tận dụng được năng lực học tập của não bộ chúng ta còn tận dụng được năng lực phát triển do khả năng đàn hồi của các tế bào thần kinh.
Bên cạnh đó, không có giới hạn cho việc học tập, tức là trong giai đoạn này, chúng ta có thể can thiệp được càng nhiều càng tốt. Bởi lúc này não bộ không có sự lựa chọn có học hay không mà nó sẽ học và tiếp thu mọi điều đứa trẻ tham gia và trải nghiệm. Giai đoạn từ 3 – 6 tuổi cũng vậy. Ở thời điểm đó, con cũng thật sự thích được học và được tham gia các hoạt động cùng cha mẹ để có thêm kiến thức và trải nghiệm trong hành trình khám phá cuộc sống.
Can thiệp bao nhiêu là đủ?
Thời lượng can thiệp
Theo nghiên cứu về trị liệu cho trẻ rối loạn đặc biệt, trung bình 1 em bé cần được can thiệp tối thiểu 25 giờ/tuần. Như vậy, trung bình con cần được học tối thiểu từ 4 – 5 giờ/ngày.
Nhưng rất nhiều gia đình có thể chúng ta sẽ không đủ thời gian hoặc không đủ điều kiện tài chính để cho con tham gia trị liệu khoảng 2 – 3 giờ/ngày trong môi trường trị liệu với giáo viên đặc biệt. Vậy thì làm sao trẻ có thể học được khi không được can thiệp đủ thời lượng tối thiểu? Như vậy, cha mẹ sẽ phải là người tham gia vào hành trình trị liệu cùng với những người làm giáo dục đặc biệt. Đó chính là cách giúp con tận dụng được khả năng học tập của não bộ trong giai đoạn phát triển mạnh nhất của con người.
Cách thức can thiệp
Vậy cụ thể các cha mẹ cần làm gì để dạy con? Đầu tiên, chúng ta đừng quá áp lực để biến mình thành 1 giáo viên trị liệu cho con tại nhà. Mà chúng ta hãy tận hưởng việc dạy con thông qua những bối cảnh và môi trường trong gia đình, qua các hoạt động mà con trải nghiệm trong cuộc sống, từ những kỹ năng tự phục vụ bản thân như kỹ năng ăn uống, kỹ năng giao tiếp với người thân trong gia đình.
Ví dụ chúng ta sẽ tận dụng môi trường tắm để dạy con trong nhà tắm, môi trường nấu ăn để dạy con nhận biết dụng cụ bếp, các dụng cụ trên bàn ăn, các thao tác trong bữa ăn. Hay chúng ta có thể dạy con cách thay quần áo, cách đi thế nào cho đúng và dừng thế nào cho phù hợp. Chúng ta có thể dạy cho con những đồ dùng trong phòng ngủ. Hoặc chúng ta có thể dạy cho con cách kết nối và tương tác qua các hoạt động vui chơi gia đình, đọc sách, xem TV cùng con. Để tất cả nhưng thời gian đó cộng với thời gian của con cùng giáo viên đặc biệt đảm bảo đủ tối thiểu 25 giờ trị liệu trong 1 tuần.
Nhưng cha mẹ hãy nhớ rằng, việc học tập của 1 đứa trẻ không giống với người lớn, đặc biệt là những em bé bị rối loạn phát triển. Trẻ cần học tập theo 1 cách thức khác, 1 phương pháp khác phù hợp với con. Đó là con học tập thông qua trải nghiệm bằng đa giác quan chứ không chỉ dừng lại ở việc trả lời các câu hỏi chỉ liên quan đến vấn đề nhận thức.
Lưu ý cho cha mẹ
Quá trình phát triển của 1 em bé phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố
Ví dụ 1 em bé bị rối loạn phổ tự kỷ thì quá trình phát triển của các em sẽ phụ thuộc vào mức độ tự kỷ của các em. Thứ 2 đó là phụ thuộc vào mức độ phát triển chung của các em, từ mức độ nhận thức, sự phát triển về tư duy, về vận động của các em. Bên cạnh đó, sự sẵn sàng của dịch vụ trị liệu ở thời điểm con bị rối loạn phát triển cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình này, chẳng hạn phương pháp có phù hợp không.
Yếu tố thứ 4 đó là sự sẵn sàng hỗ trợ của cha mẹ trong quá trình con có những vấn đề khó khăn cần phải trị liệu đặc biệt. Yếu tố thứ 5 nữa là các rối loạn khác có thể đi kèm với hội chứng rối loạn trên. Tất cả những yếu tố trên đều ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển của con.
Vai trò của cha mẹ trong can thiệp trị liệu
Việc cha mẹ tham gia dạy con và hỗ trợ trị liệu cho con được đánh giá vô cùng cao. Hay nói cách khác, cha mẹ chính là tâm điểm của quá trình trị liệu đa ngành. Nếu các cha mẹ tham gia học tập, biết các chiến lược, các phương pháp sử dụng bối cảnh trong gia đình để dạy con thì cha mẹ cũng sẽ hiểu được lý do vì sao con đang tiến lên hay con đang chững lại. Để từ đó, chúng ta có những phương pháp, cách thức phù hợp nhất để hỗ trợ cho con.
Bí quyết để đạt được mục tiêu can thiệp
Một bí quyết để trong hành trình chúng ta dạy con, chúng ta luôn đạt được mục tiêu của mình. Sau khi chúng ta lượng giá và chúng ta đã có mục tiêu can thiệp rồi thì chúng ta phải đảm bảo được 3 yếu tố.
Thứ nhất đó là đúng. Đúng ở đây là đúng phương pháp, đúng điểm khiếm khuyết mà đứa trẻ đang cần, đúng nhu cầu, lý do, mục đích mà đứa trẻ đang cần trong độ tuổi và giai đoạn phát triển của con. Thứ 2 đó là đủ. Đủ ở đây là đủ về thời lượng trị liệu cho con. Thứ 3 đó là đều. Đều ở đây là nói đến sự đều đặn. Ngày nào chúng ta cũng cần phải trị liệu cho con, tương tác kết nối để dạy con.
Tất nhiên, hành trình làm cha mẹ không hề đơn giản. Nếu chúng ta làm cha mẹ của những đứa trẻ đặc biệt thì nó lại càng khó khăn gấp bội. Nhưng hành trình này chính là hành trình chúng ta cần phải đi để tận hưởng hạnh phúc bên con của mình. Bởi vì kết quả chỉ thay đổi khi chúng ta hành động. Và ngày mai sẽ luôn tốt hơn nếu chúng ta không dừng lại và nỗ lực không ngừng.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com