Thời gian gần đây, số trẻ tự kỷ có xu hướng tăng lên. Điều này khiến cho cuộc sống nhiều gia đình bị đảo lộn. Có rất nhiều phụ huynh dám đón nhận, đối diện với sự rối loạn của con họ và đồng hành cùng em bé. Tuy nhiên, vẫn còn vô vàn những em bé chưa nhận được sự quan tâm thật sự đúng và đủ từ những người phụ huynh. Và đó thật sự là một nỗi đau khi làm nghề. Vì vậy hôm nay, cô Huyên muốn chia sẻ với các cha, mẹ về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ để thấu hiểu và đồng hành cùng con một cách đúng đắn nhất.

Sơ lược lịch sử của rối loạn tự kỷ

Năm 1908, trong y văn thời điểm đó đã thể hiện ca tự kỷ đầu tiên. Các nghiên cứu sau đó cũng ghi nhận nhóm trẻ có chỉ số IQ cao nhưng không thích giao tiếp với người khác hay hành vi thể hiện sự thích thú một thứ gì đó một cách rất bất thường. Các bác sĩ tâm thần thời bấy giờ quy tự kỷ giống như nhóm người bị tâm thần phân liệt. Và họ cũng sử dụng những cách thức để điều trị giống như một bệnh nhân bị tâm thần phân liệt. 

Năm 1977, nghiên cứu trên 2 trẻ sinh đôi và bị tự kỷ đã chứng minh rằng bộ gen và các yếu tố về gen ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ trẻ tự kỷ. 

Năm 1980, DSM – hướng dẫn chẩn đoán bệnh tâm thần Hoa Kỳ đã tách biệt tự kỷ trẻ em và tâm thần phân liệt là hai nhóm rối loạn khác nhau.

Năm 1987, DSM đã thay đổi tên gọi “tự kỷ trẻ em” thành “hội chứng tự kỷ”

Năm 2013, DSM đã đưa ra 2 đặc điểm chính mà nhóm trẻ rối loạn tự kỷ thường mắc phải:

  • Suy giảm chức năng giao tiếp

  • Có hành vi bó hẹp, định hình và rập khuôn

Từ những năm 2000, các cuộc nghiên cứu, tranh luận đã thống nhất loại bỏ nguyên nhân gây ra tự kỷ từ vaccine sởi rubella hay là quai bị. Và vì thế, đến thời điểm này chúng ta gọi là “hội chứng phổ tự kỷ” chứ không gọi là “căn bệnh tự kỷ”.

Vậy rối loạn phổ tự kỷ là gì? 

Đó là chứng rối loạn phát triển lan tỏa ở trẻ em, một dạng khuyết tật bẩm sinh về thần kinh và tâm lý. Gọi là “phổ” vì nó rất đa dạng về triệu chứng rối loạn, ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhóm trẻ rối loạn phổ tự kỷ khó khăn tập trung vào 2 điểm: suy giảm chức năng giao tiếp, tương tác xã hội và có những định hình, bó hẹp, rập khuôn về hành vi. Nghiên cứu cho thấy hơn 90% trẻ rối loạn phổ tự kỷ có kèm theo những rối loạn giác quan đi kèm. 

Khó khăn nổi trội của trẻ tự kỷ

Nghiên cứu chỉ ra rằng: bộ não của trẻ tự kỷ có những khác biệt với bộ não của trẻ bình thường. Cụ thể là 2 hạch hạnh nhân (vùng điều chỉnh cảm xúc của con người) ở trẻ tự kỷ thường to hơn. Điều đó khiến cho trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc cũng như cảm nhận cảm xúc của người khác. Thứ hai, tiểu não của trẻ tự kỷ nhỏ hơn so với bình thường. Điều này gây khó khăn trong quá trình phát triển bởi tiểu não là khu vực điều hành vận động cũng như khả năng thăng bằng và khả năng chú ý, tập trung của con người. Chưa hết, vùng thân não của trẻ tự kỷ có xu hướng nhỏ hơn trẻ bình thường. Vì cấu tạo khác biệt đó nên dù được can thiệp rất tốt với phương pháp thích hợp thì lớn lên, em bé đó cũng thể hiện những điểm dù nhẹ thôi nhưng chúng ta vẫn thấy được những khó khăn chính nổi trội. 

  1. Khó khăn trong ghi nhận cảm xúc

Khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc của bản thân cũng như ghi nhận cảm xúc của người khác. Bởi vì các em bé gặp khó khăn trong khả năng chú ý chung. Chính vì thế nhiều trẻ tự kỷ thể hiện cảm xúc đôi khi hơi thái quá hoặc không phù hợp với hoàn cảnh. Ví dụ các em có thể cười nhạt nhẽo ở một bối cảnh không thật sự có gì khiến cho em ấy cười…

  1. Động cơ giao tiếp xã hội sẽ bị giảm xuống

Động cơ là thứ thôi thúc ta hành động. Vậy nên, khi chúng ta dạy trẻ tự kỷ, nếu chúng ta chỉ áp đặt để đứa trẻ thực hiện theo những việc ta yêu cầu thì đó sẽ là một khó khăn đối với con. Bởi điều đó sẽ làm cho cảm xúc của trẻ bị ức chế và hormone hạnh phúc (dopamine) sẽ không được tiết ra. Khi đó đứa trẻ sẽ không có cảm giác tận hưởng trong hoạt động đang làm. Chính vì thế, vui chơi và trị liệu trong chơi là trị liệu thật sự tuyệt vời dành cho trẻ tự kỷ để giúp các con có thể thích nghi với các liệu pháp trị liệu tốt hơn.

  1. Khó khăn trong chú ý chung 

Chú ý chung là chú ý vào đối tượng giao tiếp để đồng thời điều chỉnh lời nói, hành động hay một cái gì đó cùng với những người đang giao tiếp với mình. Điều đó rất khó đối với trẻ tự kỷ. Chính vì thế, trẻ sẽ thường tập trung vào những hoạt động mà trẻ thích như đồ chơi, đồ vật, tivi, điện thoại,… Đó là nhu cầu của bản thân trẻ. Từ đó làm cho vấn đề giao tiếp và xã hội sẽ suy giảm. Bởi chú ý chung là cốt lõi, là nền tảng đầu tiên để cuộc giao tiếp trở nên có ý nghĩa, có ích hơn.

  1. Khó khăn về ngôn ngữ 

Sự vận hành kết nối giữa chất xám và chất trắng trong não trẻ tự kỷ có những bất thường, đặc biệt là vùng chịu trách nhiệm về ngôn ngữ. Chính vì thế mà ngôn ngữ – phương thức giao tiếp của trẻ cũng sẽ gặp khó khăn.  Nhiều người nhầm tưởng trẻ tự kỷ không biết nói. Trên thực tế có những trẻ tự kỷ nói rất nhiều, thậm chí nói được 3, 4 ngôn ngữ. Chỉ là trong giao tiếp trẻ không biết linh hoạt, không biết đặt mình vào vị trí người khác hay thay đổi từ ngữ cho phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng. 

  1. Khó khăn về nhận thức

Nhiều người nhầm tưởng rằng trẻ tự kỷ học không tốt. Trên thực tế, rất nhiều em bé tự kỷ có chỉ số IQ cao. Khó khăn về nhận thức chúng ta nói đến ở đây là khi dạy trẻ tự kỷ, chúng ta chia thành nhiều bước và yêu cầu các em thực hiện, xâu chuỗi các bước để hoàn thành một hành động thì đó là việc rất khó với trẻ tự kỷ. Bởi khả năng duy trì sự tập trung của các em không cao dẫn đến việc các em không biết sắp xếp bước nào trước bước nào sau, gây khó khăn về nhận thức. 

Để hiểu rõ hơn về rối loạn phổ tự kỷ, các cha mẹ hãy theo dõi video sau: link

Chính vì thế, chúng ta cần phải hỗ trợ các em bé từ lúc nhỏ đến khi lớn lên thì các con sẽ có được hành trình nền móng, có thể tìm được công việc phù hợp với bản thân mình. Bởi vì các con tự kỷ không có nghĩa đó là dấu chấm hết mà đó là thế giới của các con, thế giới của những người tự kỷ. Họ có cách nghĩ riêng, cách nhìn riêng và họ là những con người tuyệt vời. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *