Trong bài viết này, cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ về sự khác biệt giữa việc dạy 1 em bé học nói và dạy 1 em bé học giao tiếp cũng như là thời điểm thích hợp để thực hiện từng hoạt động trên.
Xác định tình trạng của con
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói. Có bạn chậm nói đơn thuần, có bạn chậm nói do chậm phát triển trí tuệ, có bạn chậm nói do bị down, có bạn chậm nói do tự kỷ và có bạn chậm bị khó khăn về phát âm.
Ví dụ như 1 em bé phát triển bình thường thì 9 tháng tuổi em bé đã bắt đầu hiểu các tín hiệu trong giao tiếp, bắt đầu nghe những âm thanh trong giao tiếp của người khác và có thể bắt chước cũng như là có thể phản hồi lại rồi. Trẻ có thể phản hồi bằng ánh mắt, bằng âm thanh, bằng cử chỉ cơ thể, bằng cử động khuôn mặt để có thể gửi tín hiệu tới cho người khác. Và đó được gọi là tín hiệu đầu tiên của giao tiếp đối với các em. Tuy nhiên, các em bé 9 tháng tuổi mà chưa có điều này thì cha mẹ cần phải tìm hiểu để có thể phát hiện các rối loạn sớm của các con để can thiệp sớm.
Theo sự phát triển đó thì đến khoảng 9 – 12 tháng các em bé sẽ bắt đầu bắt chước việc phát ra âm thanh hoặc bắt chước những âm thanh “baba”, “mama”… Hoặc là rất nhiều em bé có thể nhanh chóng bắt chước hoặc nói theo được những âm như “bà”, “gà”, … hoặc là các em có thể bật ra 1 số tiếng động và âm thanh của ô tô, tiếng chó sủa… Đó chính là sự phát triển ngôn ngữ bình thường của 1 em bé. Vậy nếu con của chúng ta trong giai đoạn từ 9 – 12 tháng mà chưa có tín hiệu của giao tiếp thì cha mẹ sẽ nhanh chóng đưa con tới những nhà chuyên môn hoặc những bác sĩ để đánh giá, chẩn đoán để có giải pháp hỗ trợ con phù hợp.
Thời điểm thích hợp để dạy con học nói/giao tiếp
Vậy ở thời điểm nào chúng ta nên dạy cho 1 em bé biết nói và ở thời điểm nào chúng ta nên dạy cho 1 em bé biết giao tiếp? Chúng ta phải dựa trên những chẩn đoán và những rối loạn của các em bé sau khi sử dụng các bài test sàng lọc đánh giá. Các em bé bị chậm nói do nhiều mức độ rối loạn khác nhau và nhiều kiểu rối loạn khác nhau.
Đối với trẻ chậm nói đơn thuần/ chậm phát triển trí tuệ/ down
Đối với những em bé chậm nói đơn thuần, những em bé bị down, những em bé chậm phát triển trí tuệ thì chúng ta sử dụng phương pháp dạy cho trẻ học nói sẽ có hiệu quả.
Cha mẹ có thể sử dụng các phương pháp về can thiệp ứng dụng hành vi như tranh ABA hoặc là hình ảnh để dạy các con sử dụng đồ vật thật, từ đó con sẽ bắt chước và các con học nói. Như vậy, con sẽ đi từ việc hiểu những đồ vật/ bức tranh mà các con đang nhìn, chỉ, sờ, chạm… qua các mệnh lệnh mà người lớn đưa ra thì con sẽ hiểu được ngôn ngữ các con đang nghe. Sau khi hiểu được ngôn ngữ, các con sẽ bắt đầu bắt chước phát âm những gì các con đã nghe thấy hoặc các cô hỗ trợ/ gợi ý. Sự phát triển của bộ phận phát âm của các con ổn định hơn nữa thì các con cũng sẽ bắt chước được và nói theo được các ngôn ngữ mà các con hiểu đó.
Vì dù chậm thì các con vẫn hiểu được từng chút một ngôn ngữ và các con vẫn nói theo được. Thêm vào đó, bản chất bên trong của các em bé đó là có khả năng chú ý chung, có khả năng bắt chước tốt, có khả năng chia sẻ luân phiên và các kỹ năng tiền đề trong giao tiếp. Vậy nên khi giáo viên dạy cho con ngôn ngữ, phát âm cùng với hiểu ngôn ngữ và bên trong các con đã có khả năng giao tiếp tiền đề rồi thì các con sẽ đi lên và phát triển tốt dù đi chậm so với độ tuổi thực.
Vậy phương pháp mà chúng ta sử dụng ở đây là kiên trì dạy con hiểu từng từ đơn một, hiểu hình ảnh, hiểu đồ vật hoặc sử dụng phương pháp ABA. Dần dần con sẽ nói được. Cứ nỗ lực và kiên trì tăng giờ can thiệp hoặc cha mẹ hỗ trợ con ở nhà tăng thời gian để con giao tiếp và sinh hoạt với những người xung quanh thì con sẽ phát triển.
Đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ nếu chúng ta áp dụng phương pháp trên thì sẽ không đạt được hiệu quả. Có những bạn có thể chỉ số IQ của các con tốt, mức độ rối loạn phổ tự kỷ nhẹ thì có thể sau khi được những nhà chuyên môn dạy nói bằng phương pháp kích hoạt ngôn ngữ để các con hiểu từ đơn rồi hiểu mệnh lệnh, hiểu hình ảnh, hiểu đồ vật xung quanh và bắt chước âm thanh, bắt chước ngôn ngữ để nói được từ từ đơn đến từ đôi đến câu đơn, câu ghép thì các con có thể dần đi lên được. Bởi vì chỉ số IQ – năng lực phát triển trí tuệ của các con ở mức 85 trở lên, con vẫn tiếp nhận kiến thức tốt hoặc các con ở mức độ rối loạn phổ tự kỷ nhẹ thì các kỹ năng giao tiếp tiền đề các con đã có chỉ là nó yếu hơn trẻ bình thường. Trong quá trình được tương tác, được dạy, được kết nối nhiều hơn, cha mẹ quan tâm con hơn thì các con sẽ tiến bộ và các con sẽ đi lên.
Tuy nhiên, nhóm trẻ rối loạn phổ tự kỷ mà được học ngôn ngữ giống như các bạn chậm nói, chậm phát triển trí tuệ, down chỉ chiếm ⅓ số trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Bởi vì có tới ⅔ trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ được đánh giá có chỉ số IQ ở vùng ranh giới hoặc rơi vào nhóm chậm phát triển trí tuệ. Vậy nhóm trẻ có chỉ số IQ thấp cộng với mức độ chẩn đoán về rối loạn phổ tự kỷ của con từ trung bình nặng cho đến nặng thì chúng ta sẽ không đạt được hiệu quả khi sử dụng phương pháp trên.
Lúc đó nhiều cha mẹ đặt ra câu hỏi tại sao bạn này tiến bộ như vậy nhưng con mình mãi chưa thấy tiến bộ. Và chúng ta bắt đầu nghi ngờ những người làm chuyên môn rằng cô này dạy tốt hơn nên em bé đó tiến bộ nhanh còn cô đang dạy con mình có thể chưa tốt về chuyên môn nên con học mãi cũng chưa thể thay đổi được và chúng ta tiếp tục thay đổi giáo viên, thay đổi môi trường học. Và lúc đó con lại bắt đầu lại 1 hành trình trị liệu và cứ kết thúc hành trình này sang hành trình khác.
Như vậy, cha mẹ cần hiểu rằng với những trẻ IQ thấp kèm theo rối loạn phổ tự kỷ ở mức độ trung bình nặng trở lên thì khiếm khuyết cốt lõi của con là rối loạn phát triển thần kinh. Các con có những suy giảm chức năng giao tiếp kết nối xã hội, có những hành vi định hình rập khuôn. Và có tới > 90% thậm chí 100% trẻ phổ tự kỷ có rối loạn giác quan đi kèm, nó làm cho trẻ bị khó khăn trong học nói. Ngay cả trong trường hợp con có khả năng phát triển lời nói vì bộ phận phát âm của con hoàn thiện và các con có thể nói theo thì con vẫn khó để hòa nhập được với môi trường ở trường, ở gia đình và xã hội. Bởi vì kể cả con có ngôn ngữ thì chức năng giao tiếp của các con vẫn gặp khó khăn và như vậy con khó để kết nối với người khác. Đó là khiếm khuyết cốt lõi của trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Vậy trong trường hợp này thì chúng ta ưu tiên dạy trẻ về giao tiếp trước chứ không phải dạy trẻ về ngôn ngữ. Chúng ta ưu tiên dạy con các kỹ năng tiền đề đầu tiên để phát triển kỹ năng giao tiếp bởi vì ngay cả khi con không có khả năng nói hoặc mất khả năng điều chỉnh lời nói hoặc ngôn ngữ nói gặp khó khăn thì em bé đó vẫn có thể giao tiếp được nếu chúng ta dạy con kỹ năng giao tiếp. Chỉ khi có kỹ năng giao tiếp thì con mới có thể hòa nhập với xã hội.
Giao tiếp vô cùng quan trọng với cuộc sống. Khi con có lời nói nhưng không có phương thức để kết nối với những người xung quanh để thể hiện nhu cầu của mình cho người khác hiểu được hoặc là để nhờ ai đó giúp đỡ thì hành vi tiêu cực của con sẽ gia tăng. Ví dụ như con sẽ khóc, ăn vạ, đánh người khác thậm chí tự làm đau bản thân mình. Tất cả những hành vi xấu đó sẽ bắt đầu bùng phát hoặc khởi phát khi con không biết cách sử dụng ngôn ngữ. Vậy con cần phải xây dựng được cách thức để thể hiện cho người khác hiểu nhu cầu của mình.
Để làm được điều đó, chúng ta cần phải dạy con biết chính xác nhu cầu của mình. Tiếp theo, chúng ta cần phải dạy con các kỹ năng tiền đề như: chỉ tay, chỉ ngón trỏ, nhìn người khác, kéo ai đó đến để chỉ cho họ biết thứ mình muốn hoặc những hành động ra dấu như: cầm 1 đồ vật đặt vào tay của ai đó, nhìn vào đồ vật rồi nhìn vào người đó. Hoặc với những bạn lớn rồi thì có thể hành động bằng ký hiệu, chữ viết, hình ảnh,… Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần dạy cho trẻ xác định được các đối tượng trong giao tiếp. Để làm được điều đó thì cha mẹ cần dạy con kỹ năng nền móng là chuyển quan tâm từ đồ vật sang quan tâm tới con người, hiểu được con người có tác động đến nhu cầu của mình để mình được đáp ứng.
Hãy ưu tiên dạy con các kỹ năng tiền đề, các kỹ năng tiền đề cho giao tiếp. Từ các kỹ năng đó, chúng ta cần giúp con thật sự hiểu được nhu cầu của bản thân, xác định được đối tượng cụ thể, hiểu được cách thức để thu hút người khác hỗ trợ bản thân mình và đáp ứng được nhu cầu của mình. Cùng với sự hiểu của con tăng lên thì lúc đó ngôn ngữ mà con nói ra mới thật sử có ý nghĩa để sử dụng trong hành trình con sống, con kết nối và hòa nhập. Và như thế, các hành vi tiêu cực của con sẽ giảm xuống.
Lưu ý cho cha mẹ
Cha mẹ hãy nhớ rằng ngôn ngữ chỉ là 1 phương tiện để giao tiếp. Chính vì vậy dù là 1 em bé bị chậm nói, chậm phát triển, bị down thì chúng ta hãy chú ý rằng ngôn ngữ mình dạy cho con phải là ngôn ngữ sử dụng được trong môi trường giao tiếp. Cách thức hiệu quả nhất để giúp con hòa nhập với xã hội đó là xây dựng các tình huống tự nhiên. Đặc biệt, để dạy trẻ tự kỷ giao tiếp sẽ khó hơn nhiều so với trẻ chậm nói đơn thuần. Điều đó đòi hỏi cha mẹ phải kiên trì và bền bỉ hơn. Hy vọng những chia sẻ của cô Huyên sẽ giúp cha mẹ hiểu được khi nào nên dạy trẻ nói và khi nào nên dạy trẻ giao tiếp.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com