Hầu hết các mâu thuẫn đều bắt nguồn từ sự xung đột nhu cầu và giá trị sống. Mỗi người có những nhu cầu khác nhau thì họ sẽ vận hành cuộc sống theo cách khác nhau để hướng tới điều mà họ mong muốn. Nhưng tựu chung, con người chúng ta có 9 nhu cầu. Cha mẹ cần phải biết 9 nhu cầu này để hiểu được con mình, hiểu được người khác và hiểu được cả chính bản thân mình luôn. Từ đó, chúng ta có thể đàm phán, thương thuyết tốt và đạt được kết quả tích cực trong các mối quan hệ của mình.
Nhu cầu được sống
Nhu cầu đầu tiên của con người là nhu cầu được sống. Đó là nhu cầu được ăn, uống, ngủ, … tất cả những thứ phục vụ cho sinh tồn. Ví dụ trẻ có thể ăn nhiều, ăn ít, ăn chọn lựa, … Cha mẹ nên cẩn thận với những từ ngữ nhận định về con vì nó sẽ đi sâu vào tiềm thức và ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ. Vậy nên nếu cha mẹ cảm thấy không phù hợp thì có thể là không phù hợp với văn hóa của chúng ta. Nếu cha mẹ muốn điều chỉnh thì phải dành thời gian để quan sát con xem lý do vì sao con ăn như thế.
Nhu cầu an toàn
Nhu cầu số 2 của con người là nhu cầu an toàn. Không phải chỉ là an toàn về tính mạng mà còn là an toàn về tâm trí. Thuốc thang, dinh dưỡng,… tất cả hiểm họa có thể tác động đến thể chất thì cha mẹ đã cố gắng đảm bảo cho con rồi. Bây giờ chúng ta sẽ bàn về nhu cầu an toàn về tâm trí.
Ví dụ khi cha mẹ nghiêm khắc hoặc kiểm soát con quá mức thì tự khắc đứa trẻ sẽ có hành vi nói dối, viện lý do để không phải chịu trách nhiệm. Hành vi của con người do bối cảnh tạo ra chứ không phải bẩm sinh đã có.
Nhu cầu về tiền bạc
Chúng ta đang sống và làm việc từng ngày để kiếm tiền. Bởi vì tiền là công cụ, cầu nối giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc sống. Có tiền chúng ta sẽ có mối quan hệ tốt, sức khỏe tốt, có cơ hội chăm sóc gia đình, giải quyết các vấn đề công việc. Thế nên từ bé trẻ đã có hành vi kiểm soát đồ của mình, …
Có những đứa trẻ có nhu cầu về vật chất sớm thì cha mẹ cần phải tôn trọng, lắng nghe xem nhu cầu tiền bạc của con xuất phát từ đâu. Giả dụ hành vi ăn trộm tiền thì đầu tiên trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền. Thứ 2 là do bối cảnh môi trường cho đứa trẻ nhìn thấy rằng cơ hội được sử dụng tiền của người khác dễ dàng quá. Thì cha mẹ cần sống chậm lại để hiểu con cần tiền để làm gì, chúng ta có thể đáp ứng điều đó bằng cách nào để chúng ta định hướng cho con.
Nhu cầu danh vọng
Là việc chúng ta muốn thể hiện mình là người có kinh nghiệm, có vị trí, có giá trị. Con người ta đều hướng tới sự phát triển đi lên. Từ một người đi làm thuê ai cũng muốn mình trở thành người làm chủ.
Đơn giản nó sẽ được thể hiện qua mong muốn của trẻ rằng lớn lên con sẽ làm gì. Ví dụ như trẻ thích nhảy múa và nói rằng lớn lên con sẽ làm vũ công hay những bé trai thích chơi bắn súng nói rằng lớn lên con sẽ làm cảnh sát. Cha mẹ cần tôn trọng và sử dụng ngôn từ thích hợp để xây dựng niềm tin trong con.
Nhu cầu được yêu thương
Ai cũng có nhu cầu được yêu. Nhưng nhu cầu và cách thể hiện của mỗi người là khác nhau. Ví dụ những người hướng ngoại sẽ thể hiện yêu thương ra bên ngoài, nói bằng lời, ôm ấp, tặng quà rất thoải mái. Còn những người hướng nội thì không thể hiện như vậy. Và nhu cầu được yêu thương của trẻ không theo quy chuẩn của cha mẹ. Vậy nên cha mẹ cần phải tôn trọng và tìm hiểu xem con muốn được yêu thương kiểu nào để đáp ứng.
Nhu cầu thẩm mỹ
Thẩm mỹ của mỗi người là khác nhau. Như ngày xưa răng đen mới đẹp nhưng bây giờ là răng trắng. Hãy để con tự lựa chọn trang phục con mặc và tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Và đôi khi sự rối loạn cũng thể hiện khả năng sáng tạo.
Và cha mẹ hãy nhớ rằng chúng ta cần yêu mình trước, nên là chúng ta sẽ làm gì để đảm bảo tính thẩm mỹ cho chúng ta trước rồi mình mới làm mẫu cho con.
Nhu cầu giao lưu và kết nối
Bên trong chúng ta có nhu cầu giao lưu, kết nối để tái tạo năng lượng. Điều đó thể hiện rõ ràng ở những đứa trẻ độ tuổi trung học: con muốn đi chơi, giao lưu, kết bạn … Chẳng hạn con muốn mua xe điện để được đi học với bạn bè. Cha mẹ thường lo lắng về sự an toàn của con nhưng trẻ chưa hiểu được điều đó dẫn đến việc con không hài lòng với cách ứng xử của cha mẹ. Đó cũng là lý do tại sao có những trẻ lên cấp 3, lên đại học thay đổi 180 độ. Bởi hành trình sống sẽ phải bù đắp hết những nhu cầu không được đáp ứng.
Vậy trong trường hợp này cha mẹ có thể tìm hiểu nhu cầu của con mong muốn như thế nào và hướng dẫn cho con làm sao để đảm bảo an toàn tốt nhất. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể nói rõ nhu cầu của mình rằng mẹ muốn con phải an toàn, điều đầu tiên con báo hiếu cha mẹ chính là giữ gìn an toàn cho cơ thể. Thì sẽ kích hoạt động cơ tự bảo vệ mình của đứa trẻ, trẻ sẽ tự chủ động bảo vệ bản thân.
Nhu cầu phát triển bản thân
Ai cũng có nhu cầu phát triển bản thân. Điều đó thể hiện rất rõ qua việc đứa trẻ muốn kết nối với người có những thứ mà đứa trẻ không có. Trên thực tế đó là nhu cầu được học những cái mới của con chúng ta. Hay việc con đứng trước gương, con làm theo một model nào đó cũng thể hiện mong muốn phát triển của bản thân con.
Việc của chúng ta là hỗ trợ và tôn trọng cũng như mang lại giá trị tích cực cho con. Chúng ta phải đánh thức nhu cầu phát triển bản thân trong con và cả mình nữa. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tạo nên văn hóa gia đình để con có môi trường phát triển tốt nhất. Ví dụ như cha mẹ thích đọc sách thì con cũng sẽ tạo lập được thói quen đọc sách.
Nhu cầu cống hiến
Có những người lớn tuổi nhưng họ vẫn không ngừng làm việc. Không phải vì họ không đủ tiền mà bởi họ có mong muốn được cống hiến. Tương tự, nhu cầu cống hiến thể hiện ở trẻ qua việc trẻ biết một kỹ năng nào đó và con muốn dạy lại cho người khác. Điều đó thực sự tuyệt vời. Vậy cha mẹ cần lưu tâm để kích hoạt mong muốn cống hiến của con. Cứ cho đi trước rồi sẽ nhận lại những điều tương xứng.
Cha mẹ cũng nên khích lệ con hãy cống hiến những giá trị của mình và tức khắc giá trị đó sẽ đâm chồi nảy lộc. Chúng ta hãy cho con cơ hội được cống hiến và động viên con rằng con có thể làm được, kể cả sai cũng không sao, chúng ta có thể làm lại. Điều đó sẽ xây cho con niềm tin vào bản thân và con sẽ biết nắm bắt cơ hội khi nó đến. Đó là tiền đề cho sự thành công và hạnh phúc trong tương lai của con.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com