Cha mẹ nào cũng mong muốn cho con những điều tốt nhất, vì vậy chúng ta thường hỗ trợ con trong hành trình sống. Tuy nhiên, vô tình điều đó lại làm mất cơ hội phát triển chỉ số AQ (chỉ số vượt khó) của con. Nó thể hiện thái độ sống và là điều kiện cần để con đạt được mục tiêu của mình và đi tới thành công. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ 8 điều chúng ta không nên làm hộ con để con giỏi giao tiếp. 

  1. Không đoán ý hộ con

Có rất nhiều trẻ từ 2 – 6 tuổi phát triển bình thường về ngôn ngữ nhưng rất kiệm lời, chủ yếu là sử dụng hành động ra dấu để thể hiện nhu cầu. Và cũng có những trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ, cha mẹ cũng cần phải đoán ý. Nhưng dù có khó khăn về ngôn ngữ thì vẫn cần phải sử dụng tốt kỹ thuật giảm hỗ trợ để đứa trẻ có thể tự mình thực hiện được nhiều nhất các công việc mà bản thân mình tham gia vào tương tác xã hội hay tự giải quyết các vấn đề cá nhân. Với trẻ bình thường cũng tương tự, chúng ta cần cho con thời gian suy nghĩ, chờ đợi, phân tích và tự quyết định cũng như tìm ra cách thức phù hợp để thể hiện nhu cầu của bản thân. 

Đó chính là điều đầu tiên giúp cho con cảm nhận thấy tự mình có thể đạt được một điều gì đó mà mình muốn trong cuộc sống hay mình là người biết gửi thông điệp tới những người xung quanh cũng như là kỹ năng giao tiếp của con cũng được tăng lên.  Vậy nên hãy cho con thời gian suy nghĩ phân tích để tự xác định được là con muốn gì, điều con cần là gì, con sẽ làm gì để đạt được thứ con cần đó. Chúng ta đừng trở thành những người cha mẹ đoán ý hộ con, những người cha mẹ trực thăng (helicopter mom) luôn bay trên đầu con để quan sát và con có khó khăn gì thì hỗ trợ cho nhanh.

  1. Không làm việc nhà hộ con

Chúng ta cần tạo những cuộc họp gia đình hàng tuần để phân chia công việc trong gia đình. Từ đó con sẽ biết được trách nhiệm của con trong 1 tuần là gì, trách nhiệm của cha mẹ và từng thành viên trong gia đình là gì. Và trong quá trình làm việc, chúng ta có thể trao đổi với nhau về những khó khăn để hỗ trợ con cũng như là để chúng ta được hỗ trợ khi cùng chung sống trong 1 gia đình.

Vì vậy nên việc cha mẹ làm hết công việc nhà hộ con sẽ khiến con trở nên không có trách nhiệm, đầu tiên là với bản thân, thứ 2 là với gia đình của con. Và sau này khi đi học, đi làm, con cũng sẽ trở thành 1 người không có trách nhiệm với tập thể. Nó ảnh hưởng đến thái độ sống của con cũng như là con sẽ bị thiếu các kỹ năng. Bởi vì các công việc nhà sẽ giúp con phát triển các kỹ năng vận động, quan sát, phối hợp, phân tích, kỹ năng xử lý và giải quyết vấn đề.

  1. Không trả lời hộ con

Điều này áp dụng cho những cha mẹ mà khi có người giao tiếp với con và hỏi các thông tin thì chúng ta trả lời hộ con vì sợ con sai, sợ con bị đánh giá. Hoặc là chúng ta thúc con để con trả lời. Ví dụ 1 người khách đến nhà và hỏi con bao nhiêu tuổi thì chúng ta nhắc con là bác hỏi con kìa, hoặc nếu con chưa trả lời thì chúng ta trả lời hộ con là con 8 tuổi rồi bác ạ. 

Hoặc khi bố hỏi con rằng con dùng sạc điện thoại của bố đúng không, con để ở đâu rồi và con bảo là con không biết. Lúc đó con chưa kịp nhớ thì con đã từ chối vì sợ bị đổ lỗi. Và nếu người bố nhìn thấy chắc chắn con mình đã dùng sạc điện thoại của mình thì người bố nói rằng tối hôm qua trước khi đi ngủ bố thấy con dùng. Lúc đó người mẹ sẽ bảo bố vào trong phòng kiểm tra xem. Thì đó cũng là 1 cách mà chúng ta đang trả lời hộ con. 

Như vậy con sẽ trở thành đứa trẻ không có trách nhiệm để giải quyết triệt để và tận cùng 1 vấn đề. Nó sẽ tìm cách thoái lui để không phải đối diện với vấn đề hoặc đổ lỗi cho người này, người kia để che đi những sai lầm. Vì vậy cha mẹ hãy để con được suy ngẫm, được phân tích, được chịu trách nhiệm và là người tìm cách để giải quyết vấn đề.

  1. Không áp đặt con

Cha mẹ luôn muốn tốt cho con nhưng đôi khi vì vậy mà chúng ta bắt con phải làm theo những điều chúng ta muốn. Chẳng hạn như phòng của con chúng ta cũng không hỏi con muốn sắp đặt như thế nào mà tự ý bài trí theo ý muốn của chúng ta. Điều đó khiến con cảm thấy bị áp đặt. Hoặc ngay cả việc chúng ta sợ con đi xe buýt con sẽ bỏ học, con sẽ theo bạn đi chơi, chúng ta không kiểm soát được nên chúng ta phải chở con đi học và áp đặt rằng mẹ chưa đến đón thì không được tự đi về. 

Điều đó tạo ra tâm lý bực bội và ức chế cho đứa trẻ. Đầu tiên là con cảm thấy mình mất quyền tự do, thứ 2 là con cảm thấy mình không được quyết vì mình chưa đủ trưởng thành, thứ 3 là hình thành tâm lý dựa dẫm vào cha mẹ, con sẽ không tìm được cách giải quyết. Và tất nhiên không có kỹ năng xã hội nào được xây dựng khi con không tự lập, tự quyết trong cuộc sống.  

  1. Không tự mình quyết định mọi vấn đề hộ con

Phụ huynh nào cũng luôn muốn dành mọi thứ tốt nhất cho con, vì tình thương đó mà chúng ta thường quyết định mọi thứ thay con. Chẳng hạn như bữa tiệc sinh nhật của con sẽ được decor như thế nào, tổ chức ở đâu, ăn món gì, sáng gặp ai, chiều gặp ai, tối gặp ai,… mà hoàn toàn không hỏi ý kiến của con. Hay khi đi ăn ở nhà hàng chúng ta cũng tự quyết định các món ăn và con sẽ ăn cùng bởi vì chúng ta biết rằng con thích món này món kia. Hay là chúng ta định hướng nghề nghiệp tương lai của con theo quan điểm của cha mẹ.

Và như vậy đứa con cảm thấy mình như 1 con búp bê được cha mẹ chăm sóc từ đầu đến chân, chẳng phải quyết định gì hết nên sau này con sẽ trở thành đứa trẻ dựa dẫm. Thứ 2 là con cũng cảm thấy bản thân chưa đủ trưởng thành và không được ghi nhận. Và như vậy vô tình chúng ta cũng đang lấy mất quyền tự quyết và cơ hội học hỏi các kỹ năng, tự khám phá và giải quyết vấn đề của con. 

Bên cạnh đó, khi con tự quyết thì con có thể sai ở những vấn đề mà con chưa có kiến thức. Và sai lầm đó là cơ hội để con học được một kỹ năng hoặc 1 kiến thức mới. Đó là những bài học kinh nghiệm của con. 

  1. Không đếm tiền tiết kiệm của con 

Rất nhiều cha mẹ lo lắng con không biết tiêu tiền 1 cách thông minh nên chúng ta thường kiểm đếm tiền tiết kiệm của con cũng như là kiểm soát chi tiêu của con. Điều đó thể hiện chúng ta là những người cha mẹ toàn năng, chúng ta đang bảo vệ con quá mức và sợ rằng nếu thả con ra thì con sẽ gặp sai lầm, con sẽ bị xã hội cám dỗ vào những điều tiêu cực. 

Nhưng chúng ta không biết rằng chúng ta càng lo lắng, kiểm soát thì con càng stress. Khi con lớn lên và nhu cầu trưởng thành bên trong được hình thành thì sự kiểm soát sẽ làm đứa trẻ cảm thấy bí bách trong chính ngôi nhà của mình, trong chính mối quan hệ với cha mẹ. Mặt khác, có những đứa trẻ sẽ dựa luôn vào cha mẹ và sau này nó cũng sẽ thiếu ý chí phấn đấu cho 1 cuộc sống tương lai tự lập. 

Vậy nên chúng ta không kiểm đếm tất cả mọi khoản tiền của con. Mà việc của chúng ta đó là tạo những cuộc trò chuyện về dự định sử dụng tiền của con và chúng ta để định hướng cho con kỹ năng sử dụng tiền thông minh và điều quan trọng là những đồng tiền đó phải hợp pháp. Đó là tư duy của những người cha mẹ Do Thái. 

Họ dạy con sử dụng tiền từ rất sớm và họ hoàn toàn tin tưởng khi giao tiền cho con và những đứa trẻ Do Thái có thể làm tiền tạo ra tiền từ khi rất bé. Không ai thành công mà chỉ đi trên thảm nhung và hoa hồng. Hầu hết thành công đều được trả giá bởi rất nhiều những sai lầm và bài học. Và con của chúng ta cũng không ngoại lệ. Nên để con có thể trưởng thành càng sớm thì con càng nên sai sớm để học các bài học sửa sai. 

  1. Không khoe khoang về thành tích của con 

Các bậc phụ huynh thường tự hào về thành tích của con mình nên chúng ta rất dễ khoe với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, việc này giống như 1 con dao 2 lưỡi. Nhìn ở mặt tích cực thì đó là chúng ta đang khen con trước mọi người để con có động lực và neo được cảm xúc tích cực để nỗ lực hơn. 

Mặt khác, nếu chúng ta khoe quá nhiều về thành tích của con thì con sẽ trở thành những đứa con thành tích. Con sẽ nghĩ rằng chỉ có thành tích mới mang lại niềm vui cho cha mẹ, khi có thành tích thì mới nhận được những món quà, mới có được điều con muốn. Có thành tích tốt thì con mới cảm thấy con có giá trị. Vì vậy đứa trẻ chỉ tập trung vào kết quả, trở thành những đứa trẻ hiếu thắng. 

Nếu như trên hành trình con đi trong tương lai con bị vấp ngã thì con sẽ khó để đứng lên được. Vì con không chấp nhận được 1 người với nhiều thành tích như con, là niềm tự hào của cha mẹ lại có thể thất bại như bây giờ. Con dễ rơi vào trạng thái stress nặng và có nhiều bạn đã không thể vượt qua được những cú ngã đầu đời của mình để từ một con người nhiều thành tích trở thành một con người từ chối cơ hội học tập hoặc không còn động lực để chủ động tham gia vào mọi việc. 

Và dù nhìn ở mặt nào thì chúng ta vẫn cần là những người cha mẹ tỉnh thức, thông thái để biết khen con với những công việc cụ thể, rõ ràng, phù hợp với năng lực của con, có ý nghĩa trong cuộc sống. Để con thấy rằng sự nỗ lực trong hành trình làm 1 công việc khó đã đạt được kết quả và con đang được ghi nhận. Nhưng chúng ta không nhất thiết phải khoe những điều đó lên các kênh truyền thông hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần với những người thân trong gia đình và chỉ tập trung vào kết quả. 

Vậy chúng ta vẫn cần khen con, thưởng cho con nhưng hãy khen vào hành động cụ thể, khen vào sự vượt khó, khen vào thái độ, tinh thần, động lực. Đó mới chính là cái cốt lõi để sau này con có tính chủ động, để con thấy rằng là để đạt được kết quả như con đang nhìn thấy thì cần phải có thái độ tốt, nghị lực tốt, cần có nền tảng trí tuệ và sự kiên định để vượt qua những cám dỗ. Chính vì vậy chúng ta phải là những người cha, người mẹ thông thái, tỉnh thức để biết rằng hành trình quan trọng hơn kết quả. 

  1. Không kết bạn hộ con

Khi cô Huyên làm việc với trẻ đặc biệt, mốc phát triển của các con đều thấp hơn so với trẻ bình thường. Đặc biệt là nhóm trẻ rối loạn phổ tự kỷ thì các con sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp và kết nối. Và tất cả phụ huynh đều mong muốn xây dựng 1 cộng đồng mà ở đó có những người bạn để con chơi cùng. Đó là điều cha mẹ nên làm bởi vì môi trường về bối cảnh là chất xúc tác quan trọng giúp con có động lực để tham gia vào hoạt động giao tiếp, giúp cho khiếm khuyết cốt lõi bên trong của con được cải thiện.

Thực tế, có những trẻ phát triển bình thường nhưng điều kiện hoàn cảnh sống khiến con gặp khó khăn trong giao tiếp kết nối. Ví dụ có những bạn ở phố, gia đình ít con, được nuông chiều và tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ ít có những cú vấp ngã. Khi đến lớp con cũng mang tư duy của 1 người được chiều, là người chỉ đạo, muốn gì được đó dẫn đến các bạn không đồng ý cho con tham gia cuộc chơi. Hoặc sự khó điều chỉnh về cảm xúc của con dẫn đến con luôn làm quá mọi việc, sự khó kiểm soát về hành động của con làm cho các bạn bị tổn thương cũng sẽ khiến con khó kết bạn tại nơi học tập. Và về nhà con thường than là con cô đơn, đến lớp chán lắm, chẳng có bạn nào chơi,… 

Ở đó sẽ có những người cha mẹ toàn năng, chúng ta đi tìm bạn thay con. Chúng ta sẽ đi tìm những người bạn học tốt, văn hóa gia đình tốt, con của bạn thân,… Cha mẹ sẽ tìm cho con những người bạn tương cứng về gia cảnh, địa vị xã hội, tương xứng cả về tính cách của con nữa. Vì thế con cảm thấy con không cần phải quan sát nhìn nhận mọi người xung quanh hay là việc có thêm 1 người bạn cũng chẳng cần điều chỉnh gì cả. Con cũng sẽ không biết trân quý mối quan hệ bạn bè đó. Vì thế nên con sẽ gặp khó khăn khi đi học đi làm, con sẽ gặp những người bạn với đa dạng tính cách ở xã hội ngoài kia. Và lúc đó con rất dễ rơi vào trạng thái khó có thể kết nối và làm việc đội nhóm được với mọi người. 

Nếu chúng ta không để con tự học cách điều chỉnh cảm xúc, hành vi, biết lắng nghe, biết chờ đợi, biết ứng xử, giao tiếp, biết nhún nhường, khen ngợi, động viên, hỗ trợ mọi người thì con sẽ không thể làm việc đội nhóm được. Và như vậy rất khó để người khác ghi nhận năng lực của con, để con trở thành 1 leader. Và đã không thể trở thành 1 leader thì con cũng khó trở thành 1 người làm chủ. 

Ngay cả khi có tiền để mở doanh nghiệp thì con cũng rất khó vận hành được vì yếu tố con người, yếu tố nhân sự là khó nhất trong quản lý 1 doanh nghiệp. Chuyên môn thì có rất nhiều người giỏi nhưng với con người thì đòi hỏi rất nhiều các kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, yêu thương, lòng biết ơn, tầm nhìn, giá trị sống, …

Trên đây là 8 điều chúng ta không nên làm hộ con để con giỏi giao tiếp. Hi vọng những chia sẻ của cô Huyên hôm nay sẽ giúp các cha mẹ hỗ trợ con trong hành trình phát triển để chúng ta trưởng thành hơn mỗi ngày và kết nối với con của mình tốt hơn.

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *