Câu chuyện thực tế của cậu bé lớp 8 là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta về thực trạng nghiện game ở con trẻ hiện nay. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ nguyên nhân khiến con nghiện game cũng như là đưa ra giải pháp cho các cha mẹ để khắc phục tình trạng này.
Thực trạng nghiện game ở trẻ
Câu chuyện thực tế về nghiện game
Vào một buổi sáng thứ 3, cô Huyên mở điện thoại ra check hòm thư như thường lệ. Bỗng 1 thông báo kết bạn Zalo hiện lên với tin nhắn: “Cô ơi, cô giúp con với con với. Bây giờ con chỉ muốn chết thôi”. Tin nhắn đó làm cô giật mình và cô đồng ý kết bạn. Avatar là 1 người phụ nữ, cô Huyên nghĩ rằng đó là 1 người mẹ. Nhưng sau đó, tài khoản đã gọi cho cô và âm thanh truyền đến là giọng nói của 1 cậu bé.
Cậu nói rằng con học lớp 8 và bây giờ con không muốn sống nữa. Con được giới thiệu là cô làm tâm lý, bây giờ cô giúp con với. Rồi cô Huyên hỏi câu chuyện của cậu con trai đó. Và cậu đã nói với cô rằng con bị bố mẹ đánh, con bị bố mẹ bắt ở nhà, không cho đi học nữa. Bây giờ con đang lang thang ở ngoài đường, con không biết đi về đâu.
Cô Huyên hỏi tại sao con lại lang thang ở ngoài vào thời điểm này thì bạn ấy nói rằng bố con không cho con đến lớp nữa, bố mẹ bắt con phải ở nhà nhưng bố mẹ đã rút hết mạng, nguồn máy tính, khóa luôn máy tính và cắt luôn 3G trên điện thoại của con. Con không thể làm gì được nữa nên con phải đi ra ngoài để bắt wifi. Bây giờ bố mẹ con đi làm rồi và con thật sự không muốn sống nữa cô ạ.
Ngọn nguồn của vấn đề
Cô Huyên mới hỏi là đã có chuyện gì xảy ra khiến cho bố mẹ con lại hành xử với con như vậy. Thì bạn ấy nói rằng bởi vì con chơi game, có những buổi con đã nghỉ học để chơi game. Và nhà trường gọi bố mẹ con lên để họp phụ huynh. Sau khi họp phụ huynh về thì bố đã đánh con 1 trận tơi bời và cấm con không được đi học.
Khi con ở nhà, con chẳng có việc gì làm thì con lại chơi game. Sau đó, bố mẹ con đã giật hết dây mạng, giật cả ipad, đổi sang điện thoại cục gạch. Nhưng con đã tuyệt thực, con không ăn cơm. Thì mẹ con đã cho con dùng điện thoại những mẹ con đã cắt 3G. Bố mẹ bảo con nếu như đi học mà cảm thấy không học được thì nên ở nhà cho đỡ tốn tiền.
Đến thời điểm hiện tại, con thật sự không biết con làm gì nữa cô ơi. Bố mẹ con chẳng hiểu cái gì cả, lúc nào cũng áp đặt con, lúc nào cũng bắt con phải thực hiện cái này cái kia, chỉ biết yêu cầu con phải làm theo điều bố mẹ muốn. Nhưng nếu con thực hiện yêu cầu không đúng thì bố mẹ con sẽ trách, sẽ mắng, sẽ làm những điều con thật sự không thích. Và bây giờ con chán sống rồi. Đó là 1 câu chuyện dài.
Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ về vấn đề con mê game.
4 lý do khiến con nghiện game
Chúng ta sẽ thấy rằng 1 em bé hay 1 người lớn, khi chúng ta đam mê 1 thứ gì đó là bởi vì chúng ta cảm thấy bản thân mình chưa thực sự hạnh phúc, chưa thật sự cảm thấy đủ yêu thương, chưa thật sự có 1 đam mê nào đó. Vậy nên chúng ta phải đi tìm 1 hoạt động để chúng ta đam mê.
Người lớn có thể mê nhậu, nghiện thuốc lá hoặc thậm chí là game. Trẻ em thì có thể mê game, điện thoại, TV, … Tất cả những cái nghiện đó đều là để đáp ứng nhu cầu, để cảm thấy thoải mái, để cảm thấy được yêu thương, cảm thấy thỏa mãn. Tất cả những cái nghiện đó đều xuất phát từ nhu cầu của bản thân, có thể là thiếu tình yêu thương, thiếu định hướng cuộc sống, thiếu sự sẻ chia, quan tâm và có thể thiếu cả kiến thức và trí tuệ.
Con không có mục tiêu
Nguyên nhân đầu tiên là bởi vì con thật sự đang sống 1 cuộc sống không có mơ ước, không có mục tiêu, không có dự định và kế hoạch rõ ràng cho tương lai. Người nghèo nhất thế giới không phải người vô gia cư mà là người không có ước mơ.
Con sống như 1 cây tầm gửi sống dựa trên cha mẹ. Cha mẹ yêu cầu thì con sẽ làm, cha mẹ bảo học thì con sẽ học. Nếu cha mẹ yêu cầu 1 cái gì đó quá mức thì con sẽ tìm cách nói dối hoặc lách luật, làm ngơ những điều cha mẹ nói. Con có thể tìm kiếm bộ môn mà con thích để con được là chính con.
Vậy thì khi những đứa trẻ nghiện game thì chúng ta cần phải kiểm tra xem con có mơ ước nào cho tương lai hay không. Con thật sự có tầm nhìn cho tương lai rằng bản thân sẽ làm gì, có mục tiêu cụ thể nào cho tương lai hay không. Từ mục tiêu dài hạn đến mục tiêu ngắn hạn.
Con gặp khó khăn trong học tập
Nguyên nhân thứ 2 dẫn đến việc con mê game đó là con đang gặp khó khăn trong hành trình học tập. Có rất nhiều bạn ở giai đoạn cấp 2 tự tìm đến game để chơi game. Những em bé ở giai đoạn cấp 1 mê game do thói quen được sử dụng điện thoại và chơi game nhiều, chưa đến mức độ khao khát. Bởi vì các em bé có thể chưa chủ động để lách các quy tắc hoặc các yêu cầu của cha mẹ. Nhưng đến giai đoạn cấp 2, các em bé đã hiểu được điều gì là khó khăn và điều gì cho mình cảm giác thoải mái.
Các bạn sẽ thường tìm kiếm tới môi trường cho mình cảm giác thoải mái. Chính vì vậy nên đối với những bạn học sinh cấp 2, cấp 3, các bạn mê game có thể bởi vì các bạn đang gặp khó khăn trong hành trình học tập, không theo được bạn bè trên lớp hoặc kiến thức thầy cô dạy không phải nội dung mà các bạn đam mê, thích thú. Khi khó hiểu thì dần dần các bạn sẽ cảm thấy áp lực và tìm tới nơi có cảm giác thoải mái.
Bộ não sẽ đưa ra 3 phản ứng: chiến, biến, liệt. Như vậy, quy luật phát triển vận hành của bộ não để phòng vệ cho bản thân là rời xa bộ môn học tập khó khăn và tìm đến bộ môn cho con cảm giác thoải mái là game. Và đó là sự thiếu thốn trong cách hiểu của con khi con chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt.
Cha mẹ hành xử thiếu minh triết
Nguyên nhân thứ 3 đó là cha mẹ hành xử với con 1 cách thiếu minh triết. Điều đó khiến cho con có suy nghĩ, trạng thái cảm xúc tiêu cực. Ví dụ khi con luôn được gắn mác là học dốt, là ngu, là bẩn thì nó sẽ đi trực tiếp vào cùng vô thức của con. Khi bộ não của con đón nhận những gì cha mẹ nói, cha mẹ đã khẳng định mình như vậy thì con sẽ mặc định là mình như vậy, mình không cần phải có ước mơ để trở thành 1 cái gì khác.
Ngoài ra, tính cách hướng nội hoặc hướng ngoại cộng thêm tác động từ môi trường và khả năng đón nhận thông tin, khả năng nhận thức của từng đứa trẻ dẫn đến việc cũng 1 cách thức nuôi dưỡng nhưng 1 trẻ nỗ lực vươn lên còn 1 trẻ lại càng tệ đi.
Cha mẹ là môi trường sư phạm đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con. Khi chúng ta sử dụng ngôn từ tiêu cực để quy kết, gắn mác con thì mặc nhiên con cũng sẽ có những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực. Chính vì vậy khi ở cạnh cha mẹ thì con cảm thấy áp lực, bế tắc. Và con tìm đến nơi cho con cảm giác thoải mái.
Chỉ duy nhất game con được là chính con, con được thể hiện năng lực, không ai chê con làm sai, không ai chê khi con thua cuộc. Điều đó khiến con cảm thấy thoải mái. Khi đó, nhu cầu được đáp ứng thì con sẽ tiếp tục tìm đến game để an ủi bản thân và điều đó sẽ củng cố sự mê game.
Không được ghi nhận
Nguyên nhân thứ 4 khiến 1 em bé mê game đó là trong hành trình sống, từ môi trường gia đình, nhà trường,… tất cả mọi người đều không cho em bé cảm nhận được sự ghi nhận rằng mình là 1 phần quan trọng trong gia đình này, trong trường lớp này, trong xã hội này. Vậy nên em bé tìm tới nơi mà ở đó cho em cảm giác được ghi nhận.
Các bạn học cấp 2 muốn thể hiện mình là 1 người đàn ông, mình mạnh mẽ nhưng mẹ lại nói rằng mới ti toe mấy tuổi đầu đã thể hiện này kia rồi. Khi con muốn quan tâm, chăm sóc ai đó, con muốn thể hiện mình là người lớn nhưng bị mắc kẹt bởi nhận thức và năng lực chưa đủ để hoàn thành những gì mình nghĩ nên những gì các em thể hiện ra chưa khớp, chưa thống nhất dẫn đến rất nhiều phụ huynh nói với con là thằng dở, bà dở. Con không biết đường nào mà lần.
Giai đoạn tuổi dậy thì, con sẽ có rất nhiều thay đổi, con chưa hiểu hết những lời cha mẹ nói nên con cảm thấy mình không được ghi nhận. Ví dụ có những cha mẹ thấy con đã học cấp 2 rồi mà chưa thể giúp cha mẹ nấu cơm, quét nhà, lau nhà hoặc ngay cả việc đi học thôi cũng phải nhắc nhở thì cha mẹ sẽ cảm thấy con mình vô dụng. Và lúc đó chúng ta sẽ buông những lời không hay.
Game ghi nhận nỗ lực của con
Con sẽ cảm thấy không được ghi nhận nên con tìm tới game, nơi ghi nhận tất cả thành quả, nỗ lực của con. Họ chấm điểm cho con dựa trên hành trình con chơi game. Chơi game cũng cần sử dụng trí tuệ và sự nỗ lực tập trung cao độ để có thể thắng, cần sử dụng nhiều năng lượng. Và dù con không thắng thì họ cũng ghi nhận rõ ràng con được bao nhiêu điểm, con ở vị trí nào trên bảng xếp hạng, đang ở level bao nhiêu, rank nào, và họ giữ điểm của con để ngày mai con tiếp tục chơi.
Như thế thì con cảm thấy con được sống với ý nghĩa của riêng con, vì vậy sự đam mê và ham muốn chinh phục đỉnh cao và vị trí bản thân ngày càng được thể hiện. Vậy nên có thể quên cả thời gian, quên cả ăn, quên cả ngủ để chơi game.
Giải pháp cho cha mẹ khi con nghiện game
Hiểu con
Tính cách của mỗi em bé là bẩm sinh. Chỉ số IQ sẽ chịu ảnh hưởng từ yếu tố bẩm sinh và tác động từ việc học tập và kỹ năng ta dạy con. Nếu giả định con bẩm sinh hướng nội hay hướng ngoại, tính cảm xúc cao hay thấp cộng với chỉ số IQ mà con đã thể hiện trong quá trình sinh sống mà chúng ta biết cách điều chỉnh cách kết nối, giao tiếp và tạo dựng môi trường gia đình cho con phù hợp.
Chúng ta hiểu con, tìm cách dẫn dắt con bằng cách sử dụng ngôn từ trong giao tiếp có giá trị khiến con có tính chủ động kiểm soát được cảm xúc hay có mục đích, có mơ ước trong tương lai. Con cảm nhận được giá trị cá nhân thì việc mê game không còn là thứ gây ra xung đột trong gia đình nữa.
Nếu như cha mẹ không hiểu tính cách của con, không biết con đang phải đối mặt với những khó khăn gì và không điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình và với tính khí của con và chúng ta không trở thành những người cha mẹ minh triết, sử dụng ngôn từ phù hợp thì con sẽ tìm đến nơi con được thể hiện, được ghi nhận, được tôn trọng, được là chính bản thân con, được sống đúng với con người của con.
Thay đổi cách hành xử
Chúng ta không thể thay đổi được tính cách của con, càng không thể thay đổi khả năng tiếp nhận (IQ) bẩm sinh của con. Nhưng chúng ta có thể thay đổi ngôn từ giao tiếp với con để tạo ra 1 bối cảnh, 1 môi trường cho con phát triển năng lực của con. Vậy chúng ta là những người có thể tác động đến cuộc đời con theo cách tích cực hoặc tiêu cực. Và cô Huyên tin rằng các cha mẹ sẽ tìm tới cách cực để hỗ trợ con của mình. Bởi con chính là kết quả, là thành quả trong cây đời của chúng ta.
Hi vọng những chia sẻ của cô Huyên sẽ giúp cha mẹ gỡ rối cho vấn đề con bị nghiện game.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com