Nhiều cha mẹ chia sẻ rằng khi con đang xem TV và bố mẹ yêu cầu con dừng lại để chuyển sang một hoạt động khác thì con sẽ xuất hiện các hành vi tiêu cực. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ 1 số giải pháp, chiến lược hiệu quả để giải quyết hành vi xấu của con.
Tìm ra nguyên nhân khiến con khó dừng hoạt động xem TV
Đầu tiên chúng ta không nên để hành vi xấu xảy ra rồi mới giải quyết. Mà chúng ta phải là những người cha, người mẹ có khả năng quan sát. Tức là chúng ta cần hiểu lịch trình sinh hoạt của con để kiểm soát được thời điểm chuẩn bị xảy ra hành vi xấu. Nghĩa là chúng ta phòng thì hơn chống. Vậy cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ 1 cách thức để phòng hành vi xấu của con.
Những đứa trẻ khó chuyển tiếp hoạt động từ xem TV sang hoạt động khác có thể vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đầu tiên con có thể khó khăn trong định liệu thời gian phù hợp để dừng lại.
Thứ 2 là con đang bị cuốn hút quá vào hoạt động xem TV. Bởi vì TV có rất nhiều âm thanh, hình ảnh sống động. Mà TV lại là kênh phương tiện giao tiếp đáp ứng 1 chiều, không hỏi và không yêu cầu nên đứa trẻ cảm thấy thoải mái và được giải trí.
Một lý do nữa là khi đó con thật sự lo lắng khi con phải dừng việc con thích lại để bắt đầu việc mà con không thích.
Lý do thứ 4 đó là con gặp khó khăn trong hoạt động kỹ năng sống xung quanh. Mỗi lần làm công việc gia đình, con dễ bị sai, bị mắng, bị quát. Và như vậy con sẽ cảm thấy sợ.
Thêm vào đó, có những đứa trẻ không có việc gì làm ngoài xem TV. Nên con xem nhiều thành quen, nghiện và rất khó dừng lại.
Và dù là lý do gì thì chúng ta cũng cần phải giúp con giải quyết trước khi hành vi xấu xảy ra.
Hướng dẫn cha mẹ giúp con tắt TV mà con không ăn vạ
Cấu trúc hóa các hoạt động con cần làm
Cha mẹ hãy xây dựng 1 bảng quy trình hoạt động (cấu trúc hóa các hoạt động) con sẽ làm khi con đi học về cho đến lúc con đi ngủ.
Cha mẹ cần chuẩn bị 1 bìa carton hình chữ nhật, quấn đều băng dính trắng. Sau đó, dùng các nhãn dính tròn, vuông dán lên tấm bìa đó. Chúng ta có thể chụp hình hoạt động của con hoặc lên mạng down hình các hoạt động con cần làm và in nó ra. Lưu ý chọn kích thước tùy thuộc vào khả năng quan sát của con nhưng tranh phải đảm bảo rõ nét. Các cha mẹ cũng có thể ép plastic hoặc dán băng dính trắng lên từng tấm ảnh.
Sau đó chúng ta sẽ bỏ các nhãn dính ở phía sau, cứ như vậy từng bảng 1. Tiếp theo là dán các bức tranh vào theo thứ tự hoạt động từ 1 cho đến hết. Và ô cuối cùng của tờ bìa carton sẽ là ô thưởng – hình ảnh của hoạt động con thích hoặc đồ vật con thích.
Nhưng nếu phần thưởng là xem TV thì chúng ta phải giới hạn thời lượng xem TV. Các cha mẹ có thể mua 1 chiếc đồng hồ đếm ngược hoặc đồng hồ hẹn giờ. Hết thời gian thì đồng hồ sẽ rung chuông, con sẽ biết là hết giờ rồi và phải chuyển tiếp qua 1 hoạt động khác.
Việc cấu trúc hóa hình ảnh các hoạt động con cần làm sẽ giúp con dễ dàng nhìn được và tưởng tượng được các hoạt động mà con cần phải làm trước khi con nhận được 1 phần thưởng. Điều đó giúp chúng ta phòng được các hoạt động tiêu cực của con có thể xảy ra.
Sử dụng kết hợp quy trình và bảng trước sau
Cha mẹ hãy nhớ 1 điều là khi chúng ta làm bảng quy trình, số lượng hoạt động con cần làm phải phù hợp với năng lực hiểu và năng lực thực hiện hoạt động của con. Một em bé 2 – 3 tuổi thì chúng ta chỉ sử dụng 2 – 3 tranh. Với những bạn lớn tuổi, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng chữ viết thay cho hình ảnh.
Vậy để chuyển tiếp từ tranh quy trình sang hoạt động để con cảm thấy dễ hơn thì chúng ta sẽ sử dụng bảng trước sau. Cha mẹ có thể làm bằng bìa carton hoặc trên giấy A4. Sau đó chúng ta chia khung ở giữa bằng 1 nét bút đậm. Ở khung đầu tiên chúng ta sẽ viết chữ “đầu tiên” hoặc “trước tiên”, khung thứ 2 chúng ta sẽ viết chữ “sau đó”. Và chúng ta sẽ luôn giơ lên cho em bé nhìn trước khi thực hiện 1 hoạt động.
Ví dụ em bé đi học về thường ăn 1 bữa nhẹ, sau đó con sẽ đi bộ với ông bà chẳng hạn. Chúng ta sẽ có 1 bức tranh và nói: Đầu tiên thì con sẽ ăn bữa nhẹ, sau đó thì con sẽ đi bộ cùng ông bà. Chúng ta sẽ nói cho con trước khi vào hoạt động. Sau khi con đã thực hiện xong hoạt động đầu tiên rồi thì chúng ta sẽ bóc tờ tranh đầu tiên ra và nói là con đã ăn xong rồi. Bây giờ con sẽ đi bộ với ông bà. Lưu ý là chúng ta lấy hoạt động từ quy trình dài sang bước trước sau để con dễ đón nhận, dễ nhớ và dễ thực hiện theo.
Chỉ sử dụng bảng trước sau
Nhưng có những cha mẹ chúng ta không sử dụng tranh quy trình dài mà chỉ sử dụng cấu trúc hoạt động trước sau. Thì các cha mẹ vẫn hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, hoạt động phía trước phải là hoạt động mà đứa trẻ cần làm, cần thực hiện và hoạt động phía sau phải là hoạt động mà đứa trẻ có hứng thú, phải mong muốn được làm. Bởi khi đứa trẻ nhìn hoạt động phía sau là hoạt động mình thích thì sẽ cố gắng để thực hiện hoạt động đầu tiên.
Ở đây chúng ta sẽ chia ra 2 tình huống.
Cho con làm quen với đồng hồ
Một là chúng ta sẽ phải mua đồng hồ hẹn giờ. Hết giờ thì đồng hồ tự rung chuông báo hiệu cho con đã hết giờ rồi. Và chúng ta sẽ dùng đồ hồ cho con cả khi đi bộ, cho những hoạt động khác để con quen và hiểu rằng đồng hồ rung là lúc kết thúc hoạt động.
Xếp xem TV là hoạt động cuối cùng
Một trường hợp là cha mẹ xếp hoạt động xem TV ngay sau bữa ăn nhẹ. Đây là 2 hoạt động con đều thích. Con đi học về đói, con có nhu cầu ăn uống. Sau khi ăn uống xong rồi con lại được xem TV luôn thì con đang cảm thấy hưởng thụ. Và con thấy mình không thể dừng lại được, tại sao lại phải dừng việc mình thích để làm việc mà mình không thích. Vậy thì cha mẹ hãy lưu tâm đừng để xem TV là hoạt động ở giữa để thưởng trong khi con nhiều các hoạt động khác tiếp theo.
Ví dụ trong 1 buổi chiều, 1 em bé 3 tuổi có 5 việc cần phải làm đó là ăn bữa nhẹ, chơi với ông bà, đi bộ với bố, tắm, ăn tối. Vậy thì chúng ta hãy để TV là việc thứ 6 – phần thưởng cho con vì TV sẽ là động lực để con thực hiện các việc trước. Hoặc nếu con phải làm 3 việc thì TV sẽ là việc thứ 4 – ô phần thưởng mà con cần được thưởng.
TV đã là 1 việc rất thu hút rồi mà con vừa đi học về, con được ăn nhẹ xong lại xem TV luôn thì con đang thấy mình được hưởng thụ. Chính vì vậy nếu hoạt động tiếp theo không hấp dẫn bằng việc xem TV thì con sẽ rất khó để chuyển tiếp hoạt động.
Vậy nên chúng ta hãy để TV là hoạt động cuối cùng – phần thưởng. Và cha mẹ hãy nhớ sử dụng đồng hồ để con biết điểm dừng.
Không sử dụng bảng trước sau và quy trình
Chiến lược tiếp theo không sử dụng đến bảng trước sau và quy trình.
Khi con đã xem TV, chúng ta muốn con dừng lại và thực hiện hoạt động khác thì cha mẹ hãy hoạt động xung quanh và ra chỗ con, báo trước với con rằng: “Con ơi chuẩn bị đi tắm nhá, sắp hết giờ xem TV rồi”. Nếu có thể cha mẹ nên sử dụng kết hợp đồng hồ hẹn giờ. Sau khi nhắc 1 lần, cha mẹ hãy tiếp tục làm công việc của mình ở gần đó và sau đó quay lại nhắc con lần thứ 2: “Con ơi chuẩn bị đi tắm, hết giờ xem TV rồi”.
Những buổi đầu tiên, chúng ta có thể lấy quần áo và khăn tắm cho con, thậm chí giơ trước mặt con để con chuẩn bị và quay trở vào với công việc của mình. Sau đó, lần cuối cùng chúng ta quay trở ra và nói với con: “Con ơi hết giờ xem TV rồi, mẹ đã báo trước rồi. Bây giờ chúng ta đi tắm và sau đó vào để măm măm cơm thôi”. Như vậy con sẽ dễ đón nhận hơn vì sau khi tắt TV rồi, bây giờ đi tắm và sau đó là 1 hoạt động con thích.
Lưu ý khi nói cha mẹ phải ngồi ngang tầm mắt của trẻ. Vì như vậy là chúng ta đang tôn trọng con. Chúng ta có kèm theo con vịt thả chậu nước khi tắm để kích thích con cảm thấy thích thú.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com