Cha mẹ nào cũng yêu thương con. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vô tình truyền vào tâm trí con những thông điệp sai làm ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý cũng như cảm xúc của con mình.
Một thực trạng đáng buồn là tỷ lệ những người gặp khó khăn trong vấn đề tâm lý ngày càng tăng. Chúng ta có rất nhiều stress, chúng ta đang sống ở 1 thế hệ công nghệ số phát triển. Ngoài áp lực trong cuộc sống, các mối quan hệ thì chúng ta còn có những áp lực từ mạng xã hội mang lại.
Nếu như chúng ta thực sự không phải những người cha mẹ minh triết thì rất có thể chúng ta sẽ tạo thêm áp lực cho con hoặc sẽ không có đủ thông thái để dẫn dắt con vượt qua những vấn đề đang tồn tại ngoài xã hội. Đó có thể là những khó khăn của con ở tuổi tuổi dậy thì, khi con có tình cảm đầu đời ở tuổi vị thành niên hay áp lực công việc ở tuổi trưởng thành.
Vậy nên cha mẹ hãy chú ý tới một số vấn đề có thể đang làm ảnh hưởng tới con của mình. Việc lắng nghe và đón nhận những điều cô Huyên sắp chia sẻ dưới đây sẽ giúp cha mẹ không mắc phải những lỗi sai vô tình làm ảnh hưởng đến con.
Thông điệp sai số 1: Con đừng khỏe
Cha mẹ luôn mong muốn con mình trở thành 1 đứa con khỏe mạnh, cao lớn. Nhưng chúng ta lại vô thức gửi cho con thông điệp là con đừng có khỏe. Tại sao lại nói như vậy?
Đó là vì chúng ta thường quan tâm tới con rất nhiều khi chúng ta ốm nhưng bình thường chúng ta lại không quan tâm con, không có nhiều thời gian dành cho con. Vì công việc bộn bề và áp lực cuộc sống, đôi khi chúng ta coi nhẹ sự chia sẻ và kết nối với con.
Chúng ta có xu hướng tập trung quan tâm con nhiều hơn khi con gặp khó khăn, con có những vấn đề tiêu cực. Như vậy, con sẽ ngầm hiểu là khi con ốm, con mệt mỏi thì con sẽ được mẹ yêu thương nhiều hơn.
Và bất cứ khi nào con cảm thấy cô đơn thì ngay lập tức cơ thể con sẽ có 1 cơ chế là để an toàn, để đáp ứng được nhu cầu của mình thì mệt mỏi, thì ốm. Điều đó dẫn đến thực trạng là nhiều đứa trẻ vừa bắt đầu phát ngôn thì bảo con chán lắm rồi, con buồn lắm, con mệt. Con nói rất nhiều những câu tiêu cực.
Vậy nên cha mẹ hãy gửi cho con thông điệp rằng mẹ rất tự hào và muốn nói chuyện với 1 cô bé khỏe mạnh như con. Hoặc thông điệp mẹ rất thích ngủ ở bên cạnh 1 người khỏe mạnh bởi vì như thế mẹ sẽ không bị nhiễm bệnh. Hãy gửi cho con thông điệp rằng con khỏe thì mẹ càng quan tâm đến con nhiều hơn.
Thông điệp sai số 2: Con không có giá trị
Điều thứ 2 là rất nhiều cha mẹ đang gửi nhầm thông điệp để con cảm nhận mình không có giá trị với cha mẹ của mình.
Có rất nhiều đứa trẻ chia sẻ rằng khi cha mẹ cãi nhau, mâu thuẫn, cha mẹ nói chuyện và con nghe được rằng không phải vì con thì họ đã bỏ nhau rồi, họ đã quá đau khổ nhưng vì con mà họ phải nhìn, phải cố gắng sống tiếp.
Chúng ta nói 1 cách rất vô thức và đó là cảm xúc của chúng ta. Nhưng nếu con nghe được con sẽ hiểu rằng đáng nhẽ mình không nên tồn tại, không nên xuất hiện. Bởi nếu con xuất hiện con sẽ làm khổ cuộc đời của mẹ, là vật cản cho cảm xúc tích cực và tương lai của cha mẹ.
Con tự trách và cảm thấy mình thật sự không có giá trị. Lúc này con không còn yêu bản thân nữa. Nên có rất nhiều trẻ cảm thấy mình là gánh nặng cho cha mẹ, con đã rạch tay, đã tìm đến những cách thức tiêu cực xâm hại chính bản thân mình, không còn yêu thương cơ thể của mình nữa.
Vậy cha mẹ hãy gửi thông điệp rằng cha mẹ biết ơn vì con đã đến đây, con làm cho cha mẹ cảm thấy yêu thương, cảm thấy đủ đầy và hạnh phúc. Con mang lại cho cha mẹ nguồn năng lượng mạnh mẽ, sự sống và cả những bài học để cha mẹ trưởng thành. Đó chính xác là những thông điệp mà chúng ta nên nói với con.
Thông điệp sai số 3: Con đừng cảm nhận
Chúng ta mong muốn con là 1 đứa trẻ linh hoạt, giác quan nhạy bén, là 1 đứa trẻ không ngoan, biết quan sát, biết bộc lộ cảm xúc và biết giao tiếp, kết nối. Nhưng chúng ta lại đang hành xử theo cách là dạy con đừng cảm nhận.
Ví dụ cha mẹ nói với con rằng con trai thì không được khóc lóc, yếu đuối, ngã thì đứng lên, sai thì làm lại.
Như vậy, con sẽ hiểu rằng nếu bây giờ mình khóc thì mình sẽ bị coi thường, mình không phải 1 người mạnh mẽ, 1 người dũng cảm. Người khác sẽ đánh giá mình là 1 đứa yếu đuối, 1 đứa kém cỏi.
Chúng ta dạy con gái phải thùy mị nết na, phải ăn thế này, ngồi thế kia, đi nhẹ nói khẽ. Tất cả những điều đó là thuần phong mỹ tục của thiếu nữ thời phong kiến. Nhưng bây giờ là thời hiện đại rồi, nam nữ bình đẳng, ai cũng có nhu cầu được thể hiện cảm xúc, được yêu thương và tôn trọng.
Vậy tại sao chúng ta lại bắt con mình phải kiềm chế lại. Vui không được vui quá mức, thoải mái không được thể hiện. Tất cả mọi cảm xúc tiêu cực phải kìm nó lại, những cảm xúc tích cực hãy buông nó 1 cách nhẹ nhàng.
Hậu quả khôn lường
Điều đó sẽ khiến con hiểu rằng nếu con nói ra sẽ bị đánh giá. Và vô thức con thấy rằng mọi người xung quanh thật nguy hiểm, ai cũng có thể phán xét được, ai cũng có thể đưa mình lên đài để xử tử mình được.
Vậy nên con tự nhủ mình không nên khóc, không nên buồn phiền. Con ép mình phải kìm nén cảm xúc của mình lại, giấu nó vào trong, nếu có nói thì chỉ nói với cha mẹ thôi. Nhưng khi nói với cha mẹ thì cha mẹ lại bảo rằng đó là tại con.
Những câu đổ lỗi vô thức đó đã khiến đứa trẻ cảm thấy việc chia sẻ với cha mẹ chỉ càng tăng thêm sự tức giận, mệt mỏi và tiêu cực. Vậy nên con bắt đầu giữ lại trong mình.
Lâu ngày, đứa trẻ bắt đầu quay trở về những vấn đề đã xảy ra trong quá khứ, con không giải quyết được, con mắc kẹt ở đó và rơi vào trạng thái trầm cảm. Khi đó con rất khó nhìn ra được những điều tích cực và tốt đẹp của xã hội để hòa nhập với bên ngoài.
Bên cạnh đó, việc né tránh không phải điều tốt bởi nó chỉ tạm thời giữ sự an toàn cho chúng ta mà thôi. Ở đó vẫn còn nguyên sự bực tức, bộn bề bên trong. Đến khi nó òa ra, tức nước vỡ bờ, chúng ta không kiểm soát được.
Có nhiều người nén quá đến mức sinh tâm bệnh rồi đến thân bệnh, có những khối u trong người. Lúc đó chúng ta mới nhận ra việc kìm nén cảm xúc là điều không tốt.
Giải pháp cho cha mẹ
Vậy nên cha mẹ đừng bắt con kìm nén. Điều quan trọng nhất khi chúng ta có cảm xúc tiêu cực là chúng ta phải đối diện, chấp nhận cảm xúc đó và tìm cách giải phóng cảm xúc bằng cách đi xuyên qua nó. Đó là cách tốt nhất để giải quyết những điều tiêu cực.
Cha mẹ cần nói với con rằng con hãy sống với chính con người của mình, sống với chính cảm xúc của mình. Con hãy đối diện với những điều tiêu cực, hãy thoải mái thể hiện ra những điều tích cực và lan tỏa nó. Đó mới là những điều chúng ta cần dạy con.
Bên cạnh đó, chúng ta hãy chú ý nguyên tắc I want – nghĩa là chúng ta muốn cái gì thì hãy thể hiện ra điều đó.
Hy vọng qua những chia sẻ của cô Huyên, các cha mẹ sẽ cho con hiểu đúng những nhu cầu, những mong muốn thực sự bên trong bản thân mình và dừng những thông điệp sai mà chúng ta đang gửi đến con.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com