Trong hành trình nuôi dạy con cái, các cha mẹ không tránh khỏi những khó khăn. Đặc biệt là khi con khóc, ăn vạ và từ chối mọi nhiệm vụ cha mẹ yêu cầu. Và cha mẹ không biết nên xử lý như nào cho đúng. Vậy thì hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ tới các cha mẹ những giải pháp để khắc phục tình trạng này.
1. Giải mã tiếng khóc
Chúng ta cần phải xem xét nhu cầu của con ở trong tiếng khóc đó là gì. Do đau ốm, đói khát, nguy hiểm hay để được đáp ứng một mong muốn nào đó. Giả dụ con đòi đồ chơi mà không lấy được đồ chơi thì con sẽ khóc.
Nếu chúng ta yêu cầu hoặc dỗ con nín thì đó là điều rất ức chế cho con trẻ. Bởi con đang rất bức xúc và cần được thể hiện ra ngoài. Có thể con sẽ nín vì được đút lót thứ gì đó nhưng vô tình, đứa trẻ sẽ hiểu rằng lần sau khi cần gì thì sẽ dùng tiếng khóc. Đó chính là vũ khí mà cha mẹ sợ nhất. Hay nếu chúng ta bơ đi luôn thì con sẽ cảm thấy bản thân mình bị bỏ rơi.
Vậy việc đầu tiên cha mẹ cần làm là im lặng và không có sự phản hồi cho tiếng khóc đó. Bởi lúc này im lặng chính là cách mà chúng ta tôn trọng cảm xúc của con, để con có cơ hội được xả lũ. Chúng ta vẫn có thể ở bên cạnh con để bảo đảm sự an toàn nhưng chúng ta im lặng. Chúng ta không dỗ, không nịnh, không đáp ứng bất kì một cái gì. Và đặc biệt là chúng ta không giải thích, không mắng, không đánh và không phạt con ở thời điểm này. Hãy cho con được thể hiện cảm xúc của con. Hãy cứ để con được khóc.
2. Tìm hiểu nguyên nhân
Sau khi con khóc xong và bình tĩnh lại rồi thì chúng ta có thể hỏi lý do tại sao con khóc hay đã có chuyện gì xảy ra làm con buồn. Và chúng ta sẵn sàng để lắng nghe. Đối với các em bé chưa có ngôn ngữ hoặc em bé rối loạn phát triển, chúng ta có thể dựa vào hành vi của em bé để đoán được lý do.
Nếu là do chúng ta sai thì chúng ta phải xin lỗi con. Việc cha mẹ chủ động, thẳng thắn xin lỗi con không chỉ giúp chữa lành mà còn dạy con trở thành một người biết chịu trách nhiệm.
3. Phân tích vấn đề
Khi chúng ta yêu cầu một nhiệm vụ và con từ chối thì chúng ta khoan hãy bắt con phải làm theo yêu cầu của chúng ta. Bởi có thể lúc này chúng ta đang xung đột nhu cầu với con. Vậy hãy tìm hiểu xem thực tế con có nhu cầu để tham gia vào hành trình cùng cha mẹ hay không. Nếu không có sự xung đột nhu cầu thì chúng ta sẽ phải phân ra hai nhóm đối tượng.
Nếu con đã biết nói thì chúng ta cần hỏi lý do tại sao con không đồng ý làm việc đó. Nếu con đang còn rất bé hoặc con bị rối loạn phát triển, chúng ta sẽ sử dụng mẫu câu “Có phải là … ?” Ví dụ chúng ta có thể hỏi: “Có phải là con muốn xem nốt cái hoạt hình này rồi con đi tắm không?”. Việc chúng ta nói từ “có phải” là chúng ta đang khơi gợi ý tưởng về một viễn cảnh sẽ xảy ra trong tương lai. Điều đó cho con cảm nhận là con đang được lắng nghe và thấu hiểu. Và việc chúng ta lắng nghe, đón nhận ý kiến của con cũng dạy cho con kỹ năng lắng nghe người khác.
4. Hiểu được cách thức tiếp nhận thông tin của con
Nếu con mình thuộc nhóm luôn đón nhận thông tin một cách có kế hoạch trước mà chúng ta lại luôn thay đổi đột xuất thì chắc chắn là việc phản hồi tiêu cực từ con sẽ có. Vậy thì trước khi chúng ta yêu cầu con, cha mẹ là cần phải có sự thông báo trước đó một cái khoảng thời gian và có kế hoạch rõ ràng. Để con có thể điều chỉnh các hoạt động của con một cách hợp lý.
Một điều nữa là khi chúng ta hướng dẫn con thì chúng ta phải hướng dẫn một cách tận tâm, tận tình. Chúng ta phải nói, làm mẫu và có thể cùng đồng hành với con. Và chúng ta cần phải tìm hiểu về năng lực tiếp nhận ngôn ngữ hiểu của con để chúng ta sử dụng ngôn từ cho phù hợp. Thì con sẽ dễ đón nhận và ít có những cái cảm xúc tiêu cực như là khóc hay phản ứng gay gắt đối với cha mẹ hơn.
5. Lắng nghe con
Bất kỳ thời điểm nào con của chúng ta bật đèn xanh hoặc phát tín hiệu rằng con muốn nói một cái gì đó thì chúng ta hãy dừng tất cả mọi việc ở thời điểm đó lại. Hãy lắng nghe con bằng 100% năng lượng của mình. Thì con sẽ cảm nhận con được lắng nghe và con cũng sẽ học được kỹ năng lắng nghe cũng như tập trung vào câu chuyện của người khác.
Và hãy dùng ngôn ngữ phù hợp để giải thích cho con. Việc đó cũng như chúng ta đang nạp vào con 1 vốn từ để con có khả năng tiếp nhận ngôn ngữ. Hoặc là con có muốn nói gì thì con sẽ sử dụng ngôn từ mà con học được để diễn đạt.
6. Tập trung vào quá trình
Khi chúng ta làm việc với con thì chúng ta hãy cố gắng tập trung vào hành trình chứ đừng quá chú tâm vào kết quả.
Giả dụ khi con mang 1 điểm A về. Người mẹ vui lắm và khen con rất tuyệt vời. Điều đó làm cho đứa con rất là vui. Nhưng người cha chỉ nói rằng: “Điều đó có nghĩa là con đã tìm được niềm vui cho môn học rồi phải không?”. Và khi đó thì đứa con mặt ngắn tũn lại. Người mẹ trách người cha khô khan.
Nhưng trên thực tế người cha đang sử dụng cách thức khen rất có nội động lực. Vì người cha đang khen vào hành trình của con chứ không tập trung vào kết quả. Nếu tập trung quá mức vào kết quả sẽ dẫn đến con hiểu là cha mẹ chỉ vui khi con có kết quả tốt. Giả như 1 ngày con có điểm B, điểm C, con dự đoán điều này sẽ làm cho cha mẹ thất vọng đến tột cùng và có thể con sẽ né tránh không chia sẻ hoặc con sẽ hủy bài thi đó luôn.
Việc người cha nói: “Con đã tìm được tình yêu, niềm vui trong môn học rồi phải không?” hay “Khi con được điểm A nghĩa là con đã biết cách tập trung cao độ vào môn học của mình” cũng là cách giúp cho con ngấm dần nguyên lý rằng tôi có kết quả tốt ngày hôm nay là do tôi đã tập trung cao độ và tôi phải có tình yêu và niềm đam mê với môn học. Và con sẽ hiểu cha mẹ vui vì con đã tìm ra được chìa khóa để giải quyết vấn đề chứ không phải con mang được một thành quả về để khoe với cha mẹ đó là một chiến tích.
Và để làm được điều đó cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com