Nhiều phụ huynh trăn trở tại sao con càng lớn lên lại càng nhút nhát. Hoặc có những em bé từ nhỏ đã nhút nhát. Cha mẹ lo lắng rằng liệu sự nhút nhát đó có ảnh hưởng đến hành trình phát triển, sự tiến bộ và thành công của con không. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ những nguyên nhân tạo nên sự nhút nhát của con. Chỉ khi hiểu con thì chúng ta mới có thể dẫn dắt con.

Nguyên nhân khiến con càng lớn càng nhút nhát

  1. Phương pháp nuôi dạy không phù hợp

Tính cách con người được quy định rất nhiều bởi yếu tố di truyền. Mỗi người khi sinh ra với ngẫu nhiên 50% gen di truyền từ cha và 50% gen di truyền từ mẹ. Kết hợp đó tạo ra tính cách của con. Bên cạnh đó là sự ảnh hưởng của môi trường bên ngoài làm thay đổi hành vi của con người. Tính cách được chia thành 3 nhóm điển hình: hướng ngoại, hướng nội, tính cảm xúc. Và ở mỗi nhóm đều có cấp độ cao thấp khác nhau.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta đang sống trong thế giới có tỉ lệ 3:1. Nghĩa là nếu như chia thế giới của chúng ta là 2 nhóm hướng ngoại và hướng nội thì cứ 3 người hướng ngoại sẽ có 1 người hướng nội. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ của người hướng ngoại nhiều hơn nên họ đang kiểm soát thế giới này nhiều hơn.

Cha mẹ nhận thấy người hướng ngoại dễ dẫn dắt người khác và thể hiện năng lực của bản thân, của 1 người lãnh đạo. Họ luôn khao khát con trở thành những người lãnh đạo nên họ luôn muốn đẩy con vào nhóm đó để kết nối. Và trong tư duy của người lớn là “Giàu vì bạn sang vì vợ” nên họ muốn con mình có nhiều bạn để giàu có hơn, tiến gần tới sự thành công hơn. 

Tuy nhiên, mỗi nhóm đều có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Các em bé hướng nội cũng có rất nhiều ưu điểm. Đó là khả năng hoạt động độc lập, nội tâm sâu sắc, sự tập trung chú ý, tư duy sâu, logic, khả năng khái quát vấn đề, nghiên cứu. Không chỉ vậy, trẻ hướng nội biết lắng nghe và khi đón nhận các thông tin thì con phân tích thông tin cẩn thận để phản hồi. Con thể hiện sự chắc chắn và biết điều trong mối quan hệ. Và những người biết lắng nghe sẽ tạo cho người khác cảm giác muốn chia sẻ và từ đó con sẽ học được rất nhiều.

Bên cạnh đó là những nhược điểm của người hướng nội như là nguồn năng lượng có hạn, họ cần có không gian riêng để lấy lại năng lượng. Họ cần nơi yên tĩnh để tập trung và học thực hiện công việc theo kinh nghiệm của mình.

Với 1 em bé nhút nhát ngay từ nhỏ thì cha mẹ cũng đừng lo lắng quá mức về sự phát triển của con. Điều đó sẽ làm cho con cảm thấy áp lực. Chúng ta sẽ chọn cho con 1 môi trường nhỏ hẹp thôi, chẳng hạn như thư viện hay 1 căn phòng hoặc 1 góc nào đó yên tĩnh. Thì khi đó con sẽ có nhiều cảm hứng, ý tưởng và tư duy của con làm việc rất tốt.

Còn nếu như chúng ta đẩy con vào nhóm phải chạy nhảy, vui chơi, thậm chí là la hét,… khiến các giác quan của con bị quá ngưỡng thì con sẽ khó tập trung và cảm xúc của con dễ chuyển sang tiêu cực. Điều đó cũng khiến con sinh ra cảm giác sợ, né tránh và nó ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin, sức mạnh bên trong con. Con sẽ bám bố mẹ, người thân và cơ hội để con quan sát thế giới xung quanh sẽ giảm dần.

Như vậy có những điều cha mẹ nghĩ rằng tốt cho con thì lại chưa hẳn là điều con có nhu cầu thật sự. Vậy nên cha mẹ cần phải hiểu được đặc điểm tính cách của con, xác định được con thuộc nhóm nào để có cách thức nuôi dạy phù hợp. 

  1. Cha mẹ dọa con

Trong hành trình phát triển, đôi khi cha mẹ sẽ sử dụng cách thức là dọa con. Điều đó vô tình hình thành nỗi sợ vô hình trong con. 

Ví dụ có những đứa trẻ sợ ma chẳng hạn. Khi con sinh ra con không biết ma là gì nhưng lớn lên con không dám đi vệ sinh một mình chỉ vì sợ ma. Trẻ sợ bóng tối, không dám ngủ 1 mình bởi vì 1 thời điểm nào đấy chúng ta đã dọa con là ở trong bóng tối có ma. Trên thực tế, chưa có 1 nghiên cứu nào được khoa học duy vật xác định là có ma, nó có thể hình hình thành và đi lại như con người, có thể sờ, chạm được. Duy tâm của con người là những thứ không hiện hữu. 

Hay như giáo viên mang lại giá trị về kiến thức, trí tuệ, bác sĩ khám chữa bệnh, công an bảo vệ xã hội an toàn bằng luật pháp. Thế nhưng chúng ta lại mang những nghề nghiệp đó ra để dọa con. Chúng ta nói với con rằng con không an thì công an bắt, không ngủ thì bác sĩ tiêm, không ngoan thì cô giáo phạt,… 

Tất cả những điều đó khiến con nhút nhát, hình thành nỗi sợ bên trong con. Con sợ đi học, sợ cô nên con không mở lòng đón nhận kiến thức. Hay khi đi khám thì con gặp bác sĩ là khóc. Hoặc con cũng sẽ không dám mơ và không muốn hướng tới những ngành nghề đó vì cha mẹ đã dọa con rồi. 

Như vậy có những đứa trẻ lúc nhỏ không sợ cái gì nhưng càng lớn lên thì con càng có nhiều nỗi sợ. Con sợ không dám thực hiện những công việc mà các bạn khác hân hoan để thực hiện hoặc tận hưởng cuộc sống. Con có những việc không bao giờ dám làm, không vượt qua được những giới hạn để có thể trở nên độc lập, tự lập và dũng cảm được. 

Và như vậy con cũng rất dễ đánh mất những cơ hội. Bởi vì cơ hội và khó khăn luôn đan xen vào nhau. Cơ hội rất ranh mãnh, nó luôn đi bằng cửa sau dưới hình thức những khó khăn, những vấn đề. Khi con có nỗi sợ thì con có rào cản, con không thể nhìn thấy, nhận ra và nắm bắt được cơ hội đó. Vậy nên cha mẹ hãy nhớ rằng chúng ta đừng nên dọa con. 

  1. Cha mẹ kiểm soát con quá mức

Một số cha mẹ kiểm soát con quá mức, họ sử dụng quyền lực để bảo vệ con. Họ cố gắng tạo ra môi trường kiểm soát những điều không tốt, những điều có thể khiến con thất bại. Tuy nhiên, điều đó vô tình giới hạn hoạt động của con và làm mất đi cơ hội học tập tự nhiên của con. Nó làm hạn chế năng lực trải nghiệm cũng như là kiến thức của con. Kinh nghiệm sống của con không nhiều thì số phận của con cũng sẽ đi theo cách thức mà cha mẹ sắp đặt mà không có tư duy sáng tạo. Và đó là 1 thiệt thòi đối với con.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta coi sai lầm của con là 1 điều gì đó rất kinh khủng và không thể đón nhận được thì con sẽ cảm thấy tổn thương. Khi con sai con sẽ có xu hướng né tránh cha mẹ. Hoặc con có thể nói dối, đổ lỗi, con bị stress, không dám về nhà. Khi con sai con sẽ sợ bị chê, bị khiển trách, con cảm thấy xấu hổ. Lâu dần, con không còn tự tin, con trở nên nhút nhát và không dám thể hiện bản thân.

Ở một góc độ khác, cha mẹ có thể thấy rằng khi chúng ta làm 1 công việc đúng thì chúng ta chỉ biết mình cái đúng thôi. Nhưng nếu chúng ta làm công việc đó sai và làm lại cho đúng thì chúng ta không chỉ biết cái đúng mà còn biết được cả những tình huống sai có thể xảy ra cũng như là cách thức để giải quyết vấn đề. Vậy nên cha mẹ đừng sợ con sai. Trong môi trường tự nhiên, hãy để con được phép sai. Vì đó chính là cơ hội để con học tập và trưởng thành. 

Và nhớ là sai là chuyện bình thường, sai vẫn yêu. Chúng ta đừng phạt con quá mức khi con sai. Như vậy thì khi con sai, con cũng sẽ rất tự nhiên để chia sẻ về những sai lầm. Khi đó con sẽ có thêm những hướng dẫn, những tư duy của những người mà con chia sẻ cùng đó. Con sẽ có những cách thức để lựa chọn làm phép thử xem cách nào dẫn đến thành công nhanh hơn. 

Hy vọng qua những chia sẻ của cô Huyên thì cha mẹ sẽ hiểu con hơn, biết quan sát, lắng nghe con hơn. Chúng ta sẽ động viên con và hướng tới những hành vi tích cực. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần bao dung với con và yêu con 1 cách vô điều kiện để đón nhận kết quả tuyệt vời. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *