Nhiều phụ huynh chia sẻ con không muốn lắng nghe cha mẹ nói. Hoặc khi cha mẹ nói mà con vẫn làm việc khác khiến cho cuộc nói chuyện không chất lượng. Và cha mẹ cảm thấy khó có thể kết nối với cảm xúc của con cũng như là truyền tải thông điệp tới con. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ bí quyết lắng nghe để cha mẹ kết nối với con. 

Nguyên nhân con không lắng nghe cha mẹ nói

  1. Cha mẹ nói những điều con không muốn nghe

Lý do đầu tiên là điều chúng ta nói không phải điều con muốn nghe. Giả định chúng ta chỉ nói chuyện với con khi con có vấn đề chẳng hạn. Chúng ta bắt đầu cuộc trò chuyện 1 cách nghiêm túc, chúng ta bắt đầu phân tích, bắt đầu khuyên nhủ, bắt đầu thêm bớt, bắt đầu giải thích. Nhìn chung, tất cả những gì cha mẹ nói chuyện với con đều liên quan đến việc con đã gây ra 1 lỗi nào đó và chúng ta muốn hướng dẫn con hoặc dạy con để thay đổi. 

Tuy nhiên, nó không phải điều con muốn nghe. Có thể con muốn nghe những sự tôn trọng, sự ghi nhận, những lời yêu thương, những kế hoạch mới, cuộc sống hằng ngày, những ý tưởng hay ho chẳng hạn. Sự kết nối từ cha mẹ với con cái không có nên con sẽ từ chối. Thậm chí có những đứa trẻ đứng lên và đi ra khỏi khu vực trò chuyện với cha mẹ.

  1. Mô thức hành vi mẫu

Mọi hành vi của chúng ta trong hành trình nuôi con đều có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển nhận thức và tâm thức của con. Vì vậy nếu chúng ta muốn con biết lắng nghe thì trước hết chúng ta phải học cách lắng nghe. 

Vậy cha mẹ hãy để ý xem mô thức hành vi của chúng ta trong lúc nói chuyện với con có phải là 1 người lắng nghe tốt không. 

Và nếu như chúng ta là người chưa đủ bình tĩnh để lắng nghe những ý tưởng của con, những ước mơ của con thì đó chính là nguồn cơn của việc con không lắng nghe cha mẹ nói.

Giả dụ chúng ta bảo con đừng nói nữa, nói sau, nói ít thôi. Những câu nói đó sẽ khiến con học được cách thức là những gì không muốn nghe thì nên dừng lại và yêu cầu người kia không nói nữa. 

Giải pháp cho cha mẹ

Một trong những bí quyết quan trọng để có cuộc giao tiếp thành công đó chính là kỹ thuật lắng nghe. Mọi người thường thích nói chuyện với người biết lắng nghe. Và con chúng ta cũng vậy. 

Vậy nên cha mẹ hãy học kỹ thuật lắng nghe. Bởi nó mang lại giá trị to lớn trong việc xây dựng mối quan hệ kết nối với con cái. Đặc biệt, lắng nghe chủ động sẽ giúp chúng ta tìm ra được vấn đề của con và xây dựng được mối quan hệ an toàn, tích cực với con.

Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý rằng trước khi chúng ta lắng nghe con, có thể con sẽ có những cơn bùng nổ và cảm xúc và hành vi. Lúc đó chúng ta hãy để con được xả lũ cảm xúc. Đó là lúc chúng ta cần tôn trọng cảm xúc của con. Bởi phải có những hành động đó thì con mới có thể ổn định và bình tĩnh lại được. 

Thời điểm đó chúng ta cần nhìn con bằng một cái nhìn thấu cảm, cho con biết rằng cha mẹ đồng cảm với những cảm xúc con đang có và sẵn sàng đồng hành cùng con. Vậy trước khi chúng ta lắng nghe con thì chúng ta cần phải tôn trọng cảm xúc của con và để con được xả lũ cảm xúc. 

2 kỹ thuật lắng nghe

Lắng nghe có 2 kỹ thuật: lắng nghe thụ động và lắng nghe chủ động.

  1. Lắng nghe thụ động

Kỹ thuật đầu tiên giúp cho đối phương có cảm giác thoải mái để được nói. Đó là lúc chúng ta sử dụng tất cả sự chú tâm của mình bằng giác quan để nghe đối phương nói, để hướng về đối tác giao tiếp của chúng ta. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ cơ thể để ghi nhận rằng chúng ta đang lắng nghe nội dung của họ. 

Những điều đó sẽ giúp người nói chuyện có hứng để tiếp tục chia sẻ. Đó là kỹ thuật cần thiết cho những người muốn thu thập thông tin như phóng viên, nhà báo. 

Nhưng giao tiếp là quá trình kết nối từ 2 đối tượng trở lên. Nó đòi hỏi sự luân phiên giữa nghe và nói. Họ sử dụng cả ngôn ngữ có lời và ngôn ngữ không lời để giao tiếp và kết nối. Vậy nên chúng ta cần kỹ thuật thứ 2 – lắng nghe chủ động. 

  1. Lắng nghe chủ động

Kỹ thuật này gồm 3 bước. 

Đầu tiên chúng ta phải lắng nghe 1 cách chân thành, lắng nghe bằng toàn bộ cơ thể. Chúng ta sẽ có sự chú tâm, đồng cảm để người nói cảm nhận rằng họ đang được lắng nghe 1 cách trọn vẹn. Và họ sẽ mong muốn chia sẻ và nói tiếp. 

Bước thứ 2 là chúng ta phải nắm bắt được keyword của đoạn nói chuyện đó. Chúng ta phải phản ánh lại được hay lặp lại những yếu tố quan trọng trong nội dung của người nói bằng cách lặp lại ý, cảm xúc, hành động của họ. 

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó thì sẽ chưa đưa ra được hướng phát triển ở cuộc giao tiếp đó. Vậy nên cần có bước thứ 3 đó là chúng ta phải có sự phản hồi bằng cách đưa ra các câu hỏi để gợi mở, khơi gợi vấn đề sâu thẳm bên trong đối phương. Và tùy theo phản ứng của người đối diện với câu hỏi chúng ta đặt ra thì chúng ta cũng biết được hướng đặt câu hỏi tiếp theo cho phù hợp. 

Như vậy thì cuộc nói chuyện của chúng ta sẽ kéo dài hơn. Con sẽ cảm thấy thích cuộc nói chuyện đó bởi cha mẹ đã gợi mở, làm rõ vấn đề và con tự tìm ra được bài học và cách giải quyết của mình. 

Hy vọng qua chia sẻ của cô Huyên, cha mẹ sẽ trở thành những người cha mẹ tỉnh thức, những người bạn của con trong hành trình phát triển. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *