Nhiều phụ huynh băn khoăn với một em bé bị rối loạn phổ tự kỷ thì khi nào sẽ là thời điểm phù hợp nhất để tham gia học tập tại môi trường hòa nhập. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích để giải đáp vấn đề này.
Ý nghĩa của môi trường hòa nhập
Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của môi trường hòa nhập. Môi trường hòa nhập vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của em bé. Đó là nơi các em được học tập, vui chơi, được kết nối với bạn bè, được hoàn thiện các kỹ năng cá nhân để phát triển độc lập.
Kim tự tháp học tập
Từ 0 – 6 tuổi, để chuẩn bị bước vào môi trường tiểu học, em bé cần hoàn thiện rất nhiều yếu tố. Đó là những kỹ năng tiền đề, kỹ năng nền móng phía dưới kim tự tháp để có thể biết đọc, biết viết, hiểu và sử dụng linh hoạt ngôn ngữ. Ví dụ như em bé có thể nói lưu loát, có thể phản biện, giải thích, đặt câu hỏi, kể chuyện,…
Cảm giác
Đầu tiên các em cần hoàn thiện sự ổn định giác quan. Con người có 8 giác quan, trong đó có 5 giác quan bên ngoài bao gồm khứu giác, vị giác, thính giác, thị giác, xúc giác và 3 giác quan bên trong bao gồm giác quan tiền đình, giác quan bản thể và giác quan nội bản thể.
Khả năng chú ý và trí nhớ
Tiếp theo các em cần phải cải thiện khả năng chú ý và khả năng trí nhớ. Khả năng chú ý là lúc mà con tập trung vào 1 hoạt động, 1 sự vật hiện tượng nào đó để có thể ghi nhớ được các thông tin. Trí nhớ chia làm 2 loại chủ yếu là trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Khả năng trí nhớ ảnh hưởng rất nhiều từ cảm giác. Khi con sinh ra, những thông tin từ bên ngoài đi vào cơ thể của chúng ta và gửi thông tin đến bộ não đều thông qua các giác quan. Nếu các giác quan này bị rối loạn thì khả năng chú ý của các em cũng bị giảm xuống. Vì vậy, các em chỉ có thể chú ý và ghi nhớ khi các giác quan được ổn định.
Kỹ năng chơi
Kỹ năng thứ ba một em bé cần phải có trước khi các em bé có thể phát triển để đi hòa nhập đó là kỹ năng chơi. Các em bé sẽ học cách sử dụng đồ chơi, học cách chơi với người khác, tương tác xã hội. Các con có thể học tập qua vận động, vui chơi thay vì chỉ ngồi 1 chỗ. Và học tập thông qua vui chơi chính là cách học tập tuyệt vời nhất đối với các em. Một em bé ổn định giác quan và học tập qua vui chơi, vận động có khả năng ghi nhớ gấp 15 lần người lớn.
Do vậy, các em bé cần phải có kỹ năng chơi để qua đó các em hoàn thiện khả năng chú ý, quan sát, lắng nghe, luân phiên và bắt chước, biết cách phối hợp các hoạt động. Và tất cả kỹ năng tiền đề đều được hoàn thiện thông qua hoạt động chơi. Có thể thấy, kỹ năng chơi là kỹ năng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
Ngôn ngữ
Một kỹ năng nữa mà các em cần phải hoàn thiện để có thể đi học tiểu học đó là kỹ năng về ngôn ngữ. Có rất nhiều em bé hoạt ngôn và điều đó đã giúp các em đọc, viết dễ dàng cũng như giải thích các vấn đề rất trôi chảy. Tuy nhiên, cũng có nhiều em bé gặp khó khăn về ngôn ngữ, có thể về việc hiểu hoặc diễn đạt dẫn đến khả năng đọc viết của các em cũng không tốt. Bởi thực tế đọc và viết là kết quả của ngôn ngữ.
Khó khăn của trẻ tự kỷ ở môi trường hòa nhập
Đối với các em bé bị rối loạn phổ tự kỷ, các em có những rối loạn giác quan, điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng chú ý của các em. Chính vì vậy khả năng ghi nhớ thông tin đầu vào của các em sẽ không nhanh được bằng các em bé phát triển bình thường cùng độ tuổi. Như vậy thì sự phát triển ngôn ngữ của các em cũng không được tốt.
Hoặc là các em gặp khó khăn trong các hoạt động vui chơi ví dụ như các hoạt động phối hợp vận động, khó khăn trong việc chờ đợi đến lượt chơi luân phiên từ người này đến người khác và đặc biệt là các hoạt động chơi yêu cầu sự tưởng tượng. Điều đó dẫn đến sự kết nối của các em với người khác không được tốt, các em sẽ khó khăn trong việc chú ý lắng nghe, quan sát và cả kỹ năng bắt chước hành động, âm thanh.
Tất cả những điều đó sẽ là cản trở đối với các em chính vì sự khó khăn ở 3 tầng nền móng này. Khó khăn về ngôn ngữ – 1 phương tiện để giao tiếp dẫn đến suy giảm chức năng giao tiếp và kết nối. Phần ngôn ngữ các em hiểu không đủ so với độ tuổi thực của các em. Điều đó cũng khiến năng lực diễn đạt ngôn ngữ của các em thấp hơn so với các bạn đồng trang lứa. Giác quan không ổn định, sự chú ý và trí nhớ chưa tốt dẫn đến khả năng quan sát, chú ý, lắng nghe, bắt chước gặp khó khăn. Như vậy các em sẽ thực sự khó khăn khi bước vào môi trường hòa nhập.
Cha mẹ chỉ mong con đến môi trường hòa nhập để tốt cho sự phát triển của con. Tuy nhiên, nó sẽ là sự chưa đầy đủ và chưa trọn vẹn đối các em bé bị rối loạn phát triển. Bởi vì nếu như 1 em bé chưa đủ tất cả các kỹ năng tiền đề nhưng đã phải đi học hòa nhập thì đó sẽ thật sự là khó khăn. Các em sẽ không thể thực hiện được các nhiệm vụ và yêu cầu tại môi trường học tập.
Khi đó có thể các em sẽ lảng tránh và không muốn nghe nên các em sẽ ra chỗ khác để chơi 1 mình, để không ai gọi tên nữa. Hoặc các em có thể thực hiện nhiệm vụ sai. Và dù theo cách nào thì nó cũng đều thể hiện sự kỳ vọng của giáo viên hoặc sự kỳ vọng của chúng ta đối với con đang không đạt. Và lúc đó con sẽ đón nhận một cách vô tình những cảm xúc hoặc từ ánh mắt và lời nói khiến cho con cảm thấy càng ngày càng tự ti. Điều đó sẽ càng bó hẹp lại môi trường muốn tương tác và muốn kết nối của tất cả các em bé bị rối loạn phổ tự kỷ.
Giải pháp cho cha mẹ
Vậy nên, các cha mẹ phụ huynh có con bị rối loạn phổ tự kỷ hãy tập trung quan sát kim tự tháp học tập này để trang bị cho bé những kỹ năng cần thiết và phù hợp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần dạy cho con kỹ năng tự phục vụ cơ thể của mình.
Và các em bé cần phải học tập các cái kỹ năng chơi. Đó là khả năng quan sát, khả năng chú ý lắng nghe, khả năng chờ đợi, khả năng bắt chước, khả năng chơi luân phiên, cách sử dụng đồ chơi cũng như kết nối với người cùng chơi. Đầu tiên là đối với cha mẹ, với anh chị, với thành viên trong gia đình. Khi con thật sự sẵn sàng các kỹ năng tiền đề, hoàn thiện nền tảng gốc rễ, đó chính là thời điểm thích hợp nhất để con tham gia vào môi trường hòa nhập.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com