Tại sao chúng ta nên ngừng thúc giục con?

Nhiều cha mẹ khi dạy con thường có tâm lý sợ con sai khi thực hiện một việc gì đó. Hoặc chúng ta lo lắng con sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ. Vậy nên chúng ta thường xuyên thúc giục con để đảm bảo con hoàn thành nhiệm vụ 1 cách đúng đắn. Nhưng có lẽ cha mẹ không biết rằng điều đó không tốt cho sự phát triển của con trong tương lai. Bởi vì trong quá trình học tập, đứa trẻ học bằng nội động lực là con nghĩ rằng mình phải học điều đó vì nó tốt cho bản thân mình tốt hơn rất nhiều so với những đứa trẻ học bằng ngoại động lực đó là học để được 1 thứ gì đó hoặc vì bố mẹ đang ở bên cạnh thúc giục, quản đốc hay bất cứ lý do gì từ bên ngoài khiến đứa trẻ phải học. 

Khoa học thành công đã ghi nhận rằng có 10% những người làm việc và học tập bằng nội động lực. Họ tạo ra rất nhiều giá trị cho bản thân, cho xã hội và cho cả vũ trụ này. Đó chính là nội lực khi đứa trẻ có mục tiêu, mơ ước và thấy được tương lai bằng tầm nhìn để chủ động thực hiện các công việc, các nhiệm vụ của mình. Và có tới 90% con người đang thực hiện mọi hoạt động cũng như học tập bằng ngoại động lực. Và 99% con người đó hiện tạo đang vật lộn với cuộc sống. Họ chưa tìm được mơ ước, mục đích, tầm nhìn và sứ mệnh của chính bản thân mình. Chính vì thế họ không chủ động được các công việc của bản thân. Và thậm chí nếu họ có động lực, mong muốn để làm thì họ cũng không có tầm nhìn để sắp xếp các công việc của mình như thế nào cho phù hợp và đạt hiệu quả công việc cao nhất.  

Vậy các cha mẹ muốn con của mình là những đứa trẻ trong nhóm 10% những người thành công của thế giới hay đứng trong 90% những người còn đang vật lộn với cuộc sống ngoài kia? Cô Huyên tin rằng tất cả các cha mẹ đều mong muốn con của chúng ta sẽ là những đứa trẻ chủ động, sáng tạo, thông minh và có giá trị. Chính vì vậy, để con có được thành công lâu dài và bền bỉ thì chúng ta cần ngừng lại hành vi thường xuyên thúc giục con. Và để hiểu rõ hơn thì cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ 3 hậu quả nguy hiểm khi chúng ta thường xuyên thúc giục con của mình. 

3 hậu quả nguy hiểm khi cha mẹ luôn thúc giục con

  1. Tạo nên sự thụ động cho con

Điều đầu tiên nếu như con của chúng ta thường xuyên được bố mẹ nhắc trong các hoạt động ăn uống, học tập, sinh hoạt,… thì có có thể trở thành một đứa trẻ thụ động. Sự thụ động ở đây đó là trẻ mất đi sự chủ động khi thực hiện các công việc và trẻ cảm thấy rằng nếu bố mẹ chưa thúc giục thì hành động chưa cần thiết phải xảy ra. Chính vì vậy trẻ sẽ luôn dựa dẫm vào cha mẹ. Và khi lớn lên, con đã quen với hành trình nuôi dạy được cha mẹ thúc giục thì con sẽ chỉ hoàn thành nhiệm vụ và công việc vào ngày sắp hết hạn hoàn thành công việc đó. 

Hậu quả của sự thụ động là con sẽ không thể trở thành những người thành công trong tương lai. Những người làm lãnh đạo họ thành công bởi vì họ là người luôn chủ động mọi nhiệm vụ và công việc. Một người lãnh đạo, một người sếp là một người dẫn đường, họ sẽ không bao giờ để ai phải thúc mình, không bao giờ để ai phải sắp xếp công việc cho họ làm mà họ luôn có sự chủ động để có thể nhìn trước được những công việc họ cần phải làm cho hành trình công việc của họ.

Bên cạnh đó, khi cha mẹ thường xuyên thúc giục con cũng thể hiện bên trong chúng ta chưa có khoảng chờ phù hợp và chúng ta cũng đang có nỗi sợ bên trong. Có thể là nỗi sợ sai hoặc nỗi sợ không thành công hoặc chúng ta sợ con sẽ không đạt được kết quả tốt như cha mẹ kỳ vọng.

  1. Trẻ sẽ mất đi tính sáng tạo

Có nhiều đứa trẻ sẽ cần nhiều thời gian hơn người lớn để suy nghĩ, sắp xếp một công việc nào đó theo trình tự logic bằng sự hiểu của trẻ. Bởi vì não bộ con người chỉ thực sự hoàn thiện ở thùy trán khi chúng ta đạt ở mức tuổi trung bình là 27 tuổi. Nhưng con của chúng ta đang trong giai đoạn não bộ chưa phát triển hoàn thiện thì con sẽ cần có khoảng thời gian để suy nghĩ, phân tích, lập luận và tự tìm ra cách giải quyết tối ưu. Như vậy, trước khi con đưa ra được quyết định cuối cùng thì sự thúc giục của cha mẹ đã làm gián đoạn quá trình tập trung suy nghĩ hay nói cách khác chúng ta đang làm cho mất dần sự sáng tạo và con sẽ phụ thuộc vào cha mẹ nhiều hơn.

Đôi khi con đang nghĩ theo cách riêng của con nhưng vì sự thúc giục liên tục của cha mẹ làm con cuống lên. Và bởi vì không còn thời gian nữa, đứa trẻ đành phải sử dụng cách mà cha mẹ đang thúc giục mình, đang hướng dẫn cho mình. Như vậy, tính sáng tạo và dám làm dám thử sai của trẻ sẽ bị giảm xuống. Điều đó không tốt cho hành trình phát triển của trẻ. Bởi nếu không táo bạo, không dám làm, dám thử sai và dám học hỏi thì trẻ rất dễ mất đi cơ hội phát triển trong tương lai. 

  1. Trẻ sẽ trở nên thiếu tự tin

Hậu quả số 3 cô Huyên muốn chia sẻ với các anh chị đó là những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong sự thúc giục của cha mẹ khi lớn lên sẽ luôn ở trong trạng thái thiếu tự tin vào năng lực của bản thân. Và điều đó khiến cho đứa trẻ không dám quyết định thực hiện và hành động ngay cũng như khiến cho đứa trẻ luôn có cảm giác sợ sai. Bởi vì trong hành trình mà con được thúc giục là lúc con nhận ra rằng nghe theo sự thúc giục của cha mẹ và thực hiện theo các công việc mà cha mẹ hướng dẫn thì con thường được ghi nhận và khen ngợi bằng kết quả. Lúc này trong tư duy đứa trẻ nghĩ rằng tạo ra kết quả tốt thì mới được ghi nhận còn hành trình nỗ lực cố gắng thì cha mẹ không để ý quá nhiều. 

Bởi vì lúc đó con hoàn toàn đang lệ thuộc vào những gì cha mẹ nhắc. Đôi khi với những đứa trẻ cần cha mẹ thúc giục nhiều là những đứa trẻ cảm thấy mình dựa dẫm vào cha mẹ thì luôn an toàn. Và nếu như không có cha mẹ để đưa ra các yêu cầu và thúc giục thì đứa trẻ nghĩ rằng chưa đủ an toàn để mình quyết định thực hiện 1 hành động nào đó. Như vậy lớn lên trong con không có sự tự tin, con sẽ sợ sai và vì vậy con sẽ mất đi các bài học tự nhiên trong cuộc sống thông qua các vấn đề xảy ra mà không như kỳ vọng và mong muốn của con. 

Lưu ý cho cha mẹ 

  1. Cho con khoảng chờ

Để tránh những hậu quả đã phân tích ở trên thì cha mẹ hãy cho con khoảng thời gian để con biết rằng con cần phải sắp xếp công việc theo 1 trình tự như thế nào cho phù hợp. Và nhớ rằng đừng cho con khoảng thời gian vô định và không có mục tiêu mà thay vào đó chúng ta hãy cho con 1 khoảng thời gian và khơi gợi cho con những ý tưởng hoặc cùng con tìm ra 1 giải pháp nào đó.

Ví dụ như thay bằng việc chúng ta thúc giục con phải đi tắm hoặc thúc giục con phải làm bài để đi ngủ đúng giờ nhưng việc hoàn thành được bài tập của con rất khó và rất lâu, chúng ta thường xuyên phải thúc giục hàng ngày thì bây giờ hãy cho con thời gian để thực hiện công việc học tập của con trong thời gian cố định. 

Ví dụ bây giờ con sẽ làm bài trong khoảng thời gian từ 30 – 40 phút. Và trong khoảng thời gian đó chúng ta cần phải hướng dẫn con sử dụng đồng hồ. Nếu trong trường hợp không hướng dẫn con dùng đồng hồ được thì chúng ta có thể sử dụng đồng hồ hẹn giờ, cho con biết thời điểm kết thúc và thời điểm bắt đầu. Như vậy con sẽ có thể định hướng được thời gian để con hoàn thành công việc. 

  1. Cho con tầm nhìn

Phần lớn những đứa trẻ chỉ đang học tập vì đó là nhiệm vụ học tập, là nhiệm vụ của 1 học sinh và đôi khi có những gia đình chúng ta sử dụng những câu từ như “làm cho mẹ”, “học cho bố”, “đi học cho bà”, “đi học cho ông”,… Tất cả những điều đó làm đứa trẻ hiểu nhầm 1 thông điệp đó là việc học không phải là việc của con mà đây là nghĩa vụ con cần phải thực hiện cho những người thân trong gia đình. Và chính điều đó cũng khiến cho đứa trẻ không có động lực để học tập và không có tầm nhìn dài hạn cho lợi ích của việc học. 

Vậy trước khi cho con có thời gian hoàn thành nhiệm vụ thì cha mẹ cần phải có 1 khoảng thời gian để làm việc với con. Chúng ta cần cho con 1 tầm nhìn, cho con biết rằng con học để làm gì, con học cho ai. Và điều gì sẽ xảy ra theo chiều tích cực và chiều tiêu cực, nếu như con học tốt và nếu như con học không tốt, nếu như con hoàn thành bài và nếu như con không hoàn thành bài. Sau đó chúng ta sẽ cùng con nhìn lại số bài tập con đang có, hỏi con xem bài tập nào là khó với con để khơi gợi và hướng dẫn trước để con làm bài. 

  1. Điều gì diễn ra tiếp theo

Một điều tiếp theo nữa để con có mục tiêu cho hành động thì chúng ta cần phải cho con nhìn được hoặc biết được tiếp theo sau khi học bài sẽ là gì để con có 1 cái đích con hướng tới. Điều đó giúp cho em bé của chúng ta hiểu được con có mục tiêu để thực hiện công việc học tập, con có khoảng thời gian cố định để hoàn thành nhiệm vụ đó và con có mục tiêu tiếp theo sau thời điểm con hoàn thành công việc rằng con sẽ làm gì cho hoạt động tiếp theo. Và hãy nhớ rằng hoạt động tiếp theo phải là hoạt động mang lại sự thích thú cho con. Có thể đó là sự giải trí, có thể đó là hoạt động khiến con thích thì con sẽ có động cơ hơn cho việc thực hiện các hoạt động ở thời điểm hiện tại. 

Tổng kết

Vậy nên cha mẹ cần phải cho con của chúng ta những khoảng chờ, cho con tầm nhìn dài hơn để con hiểu được lợi ích của công việc con đang làm và cho con biết rằng sau khi thực hiện công việc này thì sẽ có điều gì đang chờ. Bên cạnh đó, chúng ta có thể thiết lập lịch trình hoạt động theo chuỗi trong 1 ngày sẽ giúp con có mục tiêu và định hướng rõ ràng hơn cho công việc con cần phải hoàn thiện. Và cuối cùng, đừng quên ghi nhận trẻ bằng những lời khen và phần thưởng. Điều đó sẽ tiếp thêm động lực cho con. 

Và chúng ta hãy tập trung khen vào hành trình nỗ lực, thái độ và sự kiên trì của con. Nếu kết quả chưa tốt nhưng con đã nỗ lực cố gắng rồi thì điều đó cũng rất đáng khen. Hãy để con trở thành những đứa trẻ chủ động, sáng tạo và tự tin hơn để con bước vào nhóm 10% dân số thế giới là những người làm việc và học tập bằng nội lực. Đó là con đường để con chạm tới thành công.

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *