Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng con không chủ động học tập, không chủ động trong các hoạt động, cha mẹ nhắc thì mới làm. Và nếu tiếp tục như vậy thì khi con lớn lên tương lai của con sẽ như thế nào, làm sao để cập nhật được những kiến thức, những thông tin và tồn tại được giữa một xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt như thế này. Đó là lo lắng vô cùng chính đáng của cha mẹ. Vậy trong bài viết này, cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ cách để giúp con chủ động hơn trong học tập và các công việc. 

Cách cha mẹ giúp con chủ động trong học tập và làm việc

  1. Xác định mức độ bị động

Xác định mức độ bị động của con

Điều đầu tiên chúng ta cần làm nếu muốn 1 em bé chủ động là xác định mức độ bị động của con. Con mình đang không chủ động tất cả mọi việc hay chỉ bị động trong việc học tập hoặc trong việc làm việc nhà và những công việc mà con gặp khó khăn. Chúng ta phải bắt đầu quan sát để xác định vấn đề của con. 

Nếu trong trường hợp con chỉ đơn thuần không chủ động trong vấn đề học tập thì chúng ta sẽ xem xét kiến thức của con bị hổng ở chỗ nào. Vì khi con bị “mất gốc” thì con sẽ tìm cách né tránh hoặc trì hoãn trước những bài toán nâng cao hoặc những bài tập khó, … Vậy chúng ta cần phải hỗ trợ con về kiến thức hoặc bằng 1 cách thức nào đó để con có thể vượt qua được vấn đề thì con cũng sẽ quay trở lại hành trình học tập. 

Trường hợp nếu như con học tập bình thường và chỉ trì hoãn hoặc không chủ động trong công việc nhà thì chúng ta cũng cần xem xét, tìm hiểu xem kỹ năng nào của con đang bị thiếu, đang gặp khó khăn. Có rất nhiều trẻ khó khăn trong kỹ năng phối hợp vận động và cũng có nhiều trẻ thiếu kỹ năng làm các công việc tỉ mỉ hoặc cần sự tập trung. Vậy nên cha mẹ cần phải xem xét, tìm hiểu sự khó khăn của con ở đâu, từ đó bổ sung kỹ năng cho con, hướng dẫn, hỗ trợ con về kiến thức để con có phương pháp vượt qua những vấn đề.  

Trong trường hợp nếu như đứa trẻ đó thiếu tính chủ động do thái độ sống không tích cực thì chúng ta phải xem xét lại môi trường gia đình hoặc môi trường mà con giao tiếp với những người có tác động lớn cho cuộc đời của con. Từ cha mẹ, ông bà, anh chị, thầy cô ở giai đoạn con đang học cấp 1, cấp 2,… Và ở đó có điều gì tiêu cực khiến cho con có thái độ sống không tích cực, không hướng tới những điều tích cực trong cuộc sống. 

Sai lầm cha mẹ thường mắc phải

Một sai lầm mà cha mẹ thường mắc phải trong việc hỗ trợ con khi con không chủ động về học tập đó là chúng ta thường nói với con về những cực khổ mà chúng ta đã trải qua, nhà nghèo nên không được đi học. Vậy nên chúng ta lúc nào cũng kỳ vọng con phải học nếu không sau này sẽ không có tương lai tốt đẹp. Và mang theo kỳ vọng đó nên chúng ta làm tất cả mọi việc trong gia đình và con chỉ cần tập trung học cho giỏi. Điều đó vô tình tước đi cơ hội để con thực hiện các hoạt động sinh hoạt trong gia đình, dẫn đến việc con bị thiếu các kỹ năng sống. 

Hay khi chúng ta nói với con rằng con đi học cho mẹ, làm bài cho bố hoặc là làm bất kỳ việc gì cho bố mẹ như nấu cơm, quét nhà, … Điều đó hình thành trong tư duy của đứa trẻ là đây là mình làm cho bố mẹ mà, có phải làm cho mình đâu cần gì phải cố gắng và nỗ lực. Đứa trẻ không nhận thấy mình được lợi gì ở đây, không hiểu được giá trị của công việc mình đang làm sẽ giúp gì cho bản thân mình. Vậy nên, chỉ khi có người nhắc thì đứa trẻ mới làm và không chủ động trong các công việc đó. Con đang phụ thuộc vào gia đình, phụ thuộc vào quyền lực nuôi dưỡng nên con sẽ làm những không chủ động, cũng không hiểu được ý nghĩa của việc mình. 

  1. Xây dựng cho con một tầm nhìn về tương lai 

Trong hành trình húng ta nuôi dưỡng 1 em bé, chúng ta phải xây dựng được cho con 1 cái big dream ngay từ khi con còn nhỏ. Bởi vì khi con người ta có 1 ước mơ to lớn thì con người ta rất dễ chủ động làm những công việc để đạt được ước mơ. Nhưng nếu sống không có ước mơ thì con người ta rất dễ rơi vào trạng thái bị động, không biết làm gì cả và mất phương hướng. 

Vậy cha mẹ hãy ngẫm lại xem trong hành trình nuôi dạy con, chúng ta đã xây dựng được trong con một ước mơ, một tầm nhìn cho tương lai hay chưa. Bởi vì người nghèo nhất thế giới là người không có ước mơ. Sự không chủ động của con có thể xuất phát từ việc con không hiểu được ý nghĩa của việc con đang làm giúp gì cho tương lai của con, có giá trị gì để con đạt được ước mơ và mục tiêu của con. Đó sẽ là 1 rào cản cho việc con chủ động thực hiện 1 công việc nào đó trong cuộc sống. 

  1. Sẵn sàng đón nhận cái sai

Điều thứ 3 cô Huyên muốn chia sẻ ở đây đó là sự không chủ động của con có thể xuất phát từ việc trong hành trình sống và trải nghiệm, con đã làm và sai nhiều lần. Mỗi khi sai thì con đã bị trách phạt, bị chỉ trích và con đã phải chịu tổn thương cả về thể chất và tinh thần. Điều đó khiến con không còn tin vào bản thân mình sẽ có thể làm đúng, làm tốt và làm trọn vẹn được 1 việc gì đó. 

Hoặc là sự khắt khe của người lớn trong công việc con làm cũng có thể khiến con có cảm giác dù mình làm gì thì bố mẹ cũng không hài lòng. Chính vì vậy con sẽ đợi bố mẹ sai bảo, bố mẹ nhắc, bố mẹ chỉ dẫn thì con mới làm. Bởi vì như vậy thì chắc chắn là con sẽ làm đúng những gì mà bố mẹ muốn. Và như thế, con sẽ dần bị phụ thuộc vào cha mẹ và không chủ động trong các công việc trong cuộc sống. 

Vậy nên chúng ta cần phải rèn luyện cho con 1 tinh thần dám làm, dám thất bại và dám đón nhận cái sai 1 cách tự nhiên cũng như là chịu trách nhiệm 100% cho mọi vấn đề của mình. Chúng ta phải xây dựng cho con tư duy rằng sai là chuyện bình thường, sai vẫn yêu, sai vẫn tốt mà. Học qua sai sẽ cho chúng ta nhiều bài học hơn cả. Thành công sẽ đến sau những lần chúng ta sai và sửa sai. 

Những người học qua sai lầm sẽ có rất nhiều kiến thức, ngoài cái đúng thì họ còn học được cách sửa sai, dự trù được những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và những phương án để giải quyết vấn đề. Dạy con cách chấp nhận thất bại và bắt đầu lại từ đầu và cho con thời gian và cơ hội để con làm điều đó chính là cách mà chúng ta giúp con mình chủ động hơn trong học tập cũng như những công việc trong cuộc sống.

  1. Ghi nhận những điều con làm

Điều thứ 4 cô Huyên muốn chia sẻ ở đây đó là khi con chủ động cũng là lúc con tự tin vào năng lực của mình có thể làm được điều gì đó. Con sẽ được ghi nhận từ cha mẹ, con sẽ được khen thưởng, con cảm nhận được giá trị của mình. Con thấy con có khả năng làm được công việc đó và cha mẹ thì thường ghi những điều con làm dù đúng hay sai. Chính vì thế con mong muốn được làm, được thể hiện những điều con biết để cha mẹ đón nhận. 

Và đó là lúc kích hoạt tính chủ động trong con. Con sẽ chủ động làm bất kỳ điều gì để thể hiện cho cha mẹ thấy bản thân con có khả năng làm được và để cha mẹ ghi nhận tất cả những điều mà con làm. Ai cũng có nhu cầu được thể hiện những gì mình biết, những điều tốt đẹp của mình, được người khác hiểu và tôn trọng những giá trị của bản thân. Và con chúng ta cũng vậy. 

Vậy nên chúng ta cần phải thường xuyên quan tâm và ghi nhận tất cả những điều con làm, đồng thời tạo cơ hội để con được thể hiện năng lực của con. Ngay cả khi con không làm được thì chúng ta có thể hướng dẫn và hỗ trợ con để con thể hiện được năng lực của mình. Và nếu như con thể hiện ra những điều chưa trọn vẹn thì cha mẹ hãy độ lượng hướng dẫn và hỗ trợ con. Lúc đó, tinh thần chủ động của con sẽ cao hơn. 

Lời nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh

Là những người làm cha làm mẹ, chúng ta hãy nỗ lực tạo dựng 4 điều trên. Hy vọng những chia sẻ của cô Huyên sẽ giúp cha mẹ có thể dẫn dắt con mình trở thành 1 em bé chủ động hơn trong học tập cũng như là các công việc của gia đình. 

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy cho con 1 không gian để con có thể hoàn thành nhiệm vụ của con trong gia đình. Cho con hiểu được con là 1 thành viên trong gia đình, mọi công việc trong gia đình con đều có thể thực hiện được. Chúng ta có thể nhờ con thực hiện giúp mình, cùng mình thực hiện bằng các câu như “Mẹ rất cần con giúp”… Điều đó khiến con cảm thấy vị trí và vai trò của mình được nâng cao và mình là 1 thành viên có giá trị, có vị trí quan trọng trong gia đình. Như vậy thì con cũng sẽ có động lực để chủ động hơn trong các công việc gia đình. Và khi con làm được việc nhà cũng là lúc con rèn được các kỹ năng để phát triển hơn trong tương lai. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *