Nhiều phụ huynh thắc mắc tại sao con lại thường thích nói chuyện và thích hát một mình. Điều đó làm cho họ rất lo lắng. Vậy nên hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ nguyên nhân của tình trạng này cũng như là những việc mà cha mẹ cần làm.
Tại sao trẻ thích nói và hát một mình ???
Nói/hát là cách để các em bé thể hiện bản thân
Ngôn ngữ của con phát triển mạnh nhất từ giai đoạn 0 đến 3 tuổi. Ngôn ngữ bắt đầu được hình thành từ khoảng 9 tháng tuổi. Đó là những âm thanh và tín hiệu để các em bé thể hiện yêu cầu giao tiếp của mình. Khi biết nói thì các em bé rất thích được thể hiện những điều mình biết ra bên ngoài. Bởi 1 trong những nhu cầu cần thiết và quan trọng đối với các em bé đó là nhu cầu được thể hiện. Bởi em bé phát hiện khi mình thể hiện 1 điều gì đó thì được người lớn khen, được mọi người xung quanh chú ý tới. Điều đó khiến em cảm thấy mình được ghi nhận, được quan tâm, em bé cảm thấy muốn làm như vậy. Và đó là nhu cầu phát triển bình thường của một em bé.
Chẳng hạn như khi em bé hát lên thì chúng ta sẽ thường khen con hát hay quá. Hoặc đôi khi chúng ta muốn kết nối với em bé, chúng ta lại yêu cầu con hát 1 bài hát nào đó. Chúng ta khen con, ở bên cạnh con, nhìn con hát 1 cách say sưa, chúng ta vỗ tay thậm chí chúng ta múa theo bài hát của con. Tất cả mọi người trong gia đình chờ em bé hát và vỗ tay hoan hô, khen ngợi. Điều đó khiến em bé cảm thấy đó là điều rất tuyệt vời và em bé muốn thể hiện bản thân mình.
Nhưng người lớn chúng ta lại đang giao tiếp 1 cách không đều. Ví dụ chúng ta rất chú tâm lúc con mới biết nói nhưng khi con biết nói rồi thì chúng ta lại quên mất việc ghi nhận những lời nói, những bài hát của con. Điều đó dẫn tới việc em bé cố gắng tìm cách để kết nối với người lớn. Tuy nhiên, cách kết nối kỹ năng của các em bé ở thời điểm đó chưa thực sự linh hoạt. Chính vì vậy các em sẽ lựa chọn cách mà lâu nay mình học được nhiều nhất và đón nhận được nhiều cảm xúc nhất từ những người xung quanh đó là nói và hát.
Chưa nhận thức được thời điểm nào là phù hợp
Có một số em bé có xu hướng hát hoặc thể hiện tài năng mỗi khi có khách đến nhà. Điều này được lý giải rằng có những cha mẹ không hiểu được con mình có sự phát triển theo chiều hướng đi lên mà dừng lại không khuyến khích tiếp để con hiểu được rằng khi lớn lên thì chúng ta sẽ có những cách thức thể hiện bản thân khác nhau, nó cần đúng nơi, đúng lúc. Như thế thì các em bé sẽ không hiểu các quy tắc trong giao tiếp cũng như kỹ năng giao tiếp của các em bị hạn chế.
Và khi chúng ta thấy các em bé làm phiền khi nhà có khách hoặc khi cha mẹ đang giải quyết 1 công việc nào đó thì có những phụ huynh rất dễ quát con. Điều đó làm thui chột đi mong muốn được kết nối của con hoặc con sẽ cảm thấy sợ rằng khi mình khởi xướng 1 cuộc giao tiếp thì mình sẽ khởi xướng sai và làm cho người đối diện có cảm xúc tiêu cực. Nó cũng làm giảm vòng kết nối của em bé và sự tự tin của em bé khi cha mẹ ứng xử không phù thực sự phù hợp và chưa hiểu được tâm lý của các con.
Không có đối tượng để kết nối
Trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, con bắt đầu nói được những từ đầu tiên, con được người lớn quan tâm và ghi nhận những phát ngôn. Và khi đó mọi người thường chăm sóc, chơi cùng con. Các giai đoạn chơi sẽ đi từ giai đoạn chơi khám phá, giai đoạn chơi chức năng của đồ vật đến giai đoạn chơi tiền giả vờ, chơi giả vờ và cuối cùng là chơi biểu tượng. Các giai đoạn chơi sẽ tăng lên theo độ tuổi và sự nhanh nhẹn thông minh của các em.
Càng lớn lên thì nhu cầu được chơi, được kết nối, giao tiếp ngày càng nhiều. Nhưng thời gian mà cha mẹ dành cho con chưa đáp ứng được nhu cầu kết nối của con. Chính vì thế, đôi khi các em đến giai đoạn chơi giả vờ hoặc có những trẻ phát triển nhanh và chơi tưởng tượng thì các em không có đối tượng để kết nối và chơi cùng. Các em phải tự mình chơi với các trò chơi có sự sắp xếp giả vờ hoặc tưởng tượng các nhân vật nào đó để chơi.
Hoặc là ở thời điểm các em muốn chơi những trò chơi mà các em thích nhưng cha mẹ lại không ở bên cạnh để chơi cùng nên các em phải nói 1 mình hoặc tự tưởng tượng ra các nhân vật chơi cùng. Và khi các em chơi, có thể các em đang bắt chước một nhân vật nhân vật nào đó mà các em cảm thấy thích. Lúc đó các em sẽ sử dụng giọng lời nói, nội dung liên quan đến nhận vật đó.
Lưu ý cho các cha mẹ
Thực tế việc tưởng tượng như thế có thể giúp phát triển khả năng tưởng tượng của các em cũng như làm phong phú vốn ngôn ngữ của các em. Điều đó rất tốt cho hành trình phát triển của các em. Tuy nhiên, nó sẽ cần phải có sự định hướng một cách đúng đắn.
Ví dụ như cần nhận thức được thời điểm có ai đó thì mình sẽ kết nối với người khác để chơi cùng, chúng ta sẽ không nói 1 mình. Bằng 1 cách thức nào đó, cha mẹ cần gửi thông điệp tới trẻ rằng việc mình nói 1 mình khiến những người xung quanh cảm nhận mình bất bình thường. Dạy cho con phải nhận thức được từ câu chuyện của người khác để ý thức được cần dừng lại khi có ai đó xuất hiện.
Nhưng đôi khi có những em bé không định hướng từ người lớn và chính bản thân các em bị chìm sâu quá vào hoạt động tưởng tượng, chưa kiểm soát được như thế nào là phù hợp với bối cảnh xung quanh thì sẽ xảy ra tình trạng là cha mẹ hoặc mọi người xung quanh thấy các em bé nói/hát 1 mình quá lâu và sẽ lo lắng.
Vậy với những em bé phát triển bình thường, việc nói/hát 1 mình và tưởng tượng ra 1 hoàn cảnh nào đó để chơi thực ra là điều tốt. Vậy cha mẹ không cần quá lo lắng nhưng chúng ta cần phải dành nhiều thời gian hơn cho con và chơi cùng con để xây dựng mô hình chơi và hướng dẫn các em phát triển theo từng giai đoạn chơi. Đó là lúc chúng ta đang nạp cho con vốn hiểu biết, tăng vốn từ và sự kết nối cũng như các kỹ năng để xử lý vấn đề xảy ra trong chơi.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com