Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng con không có động cơ để học tập, con nghiện game, ham mê TV, điện thoại,… Đó là một vấn đề nan giải với các cha mẹ và là thực trạng ở nhiều gia đình Việt Nam hiện nay. Trong bài viết hôm nay, cô Huyên sẽ chia sẻ với cha mẹ giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Giải pháp khắc phục khi con mất động lực học tập
Khi con có những hành vi như vậy thì cha mẹ cần phải nghiêm túc xem xét lại rằng khi chúng ta đã thực sự làm tốt và đúng vai trò để hỗ trợ con trở thành một đứa trẻ tích cực hay chưa. Với những đứa trẻ đang bị nghiện game, ham mê điện thoại, TV và không có động lực học tập thì cha mẹ cần phải quan sát, xem xét bối cảnh sống của con để biết được chúng ta đang gặp vấn đề gì trong quá trình nuôi con, trong quá trình chúng ta vận hành, giao tiếp cùng con.
Kiến thức khó
Điều đầu tiên cô Huyên muốn chia sẻ là một em bé không có động lực học tập có thể bởi vì những kiến thức đó khó so với năng lực của các em. Như chúng ta đã biết, IQ là chỉ số biểu thị khả năng tiếp nhận thông tin cũng như là phân tích giải quyết vấn đề bằng logic. Tuy nhiên chỉ số IQ cũng chia làm các thang bậc khác nhau.
Vậy chúng ta phải xem liệu sự kỳ vọng của chúng ta là đưa con vào chương trình học đó có thực sự phù hợp với năng lực của con hay không. Đó có phải những kiến thức mà con đang cảm thấy khó hay không? Và nếu con đang gặp khó khăn mà chúng ta không giải quyết, không hỗ trợ con kịp thời thì đứa trẻ sẽ có cảm giác muốn né tránh. Ngày qua ngày như vậy, con sẽ trượt dài trong câu chuyện không làm bài tập và dẫn đến “mất gốc”. Chúng ta sẽ không thể giải quyết được các vấn đề khi chính bản thân chúng ta không hiểu ngọn ngành gốc rễ.
Không có nhiệm vụ khác
Điều số 2 đó là một em bé không có động cơ học tập và ham mê những thứ khác có thể bởi vì ngoài việc học tập, các em không còn 1 nhiệm vụ quan trọng nào khác nữa. Có những trẻ sau khi kết thúc việc học tập ở trường thì về nhà các em không phải làm gì cả. Và khi không có công việc nào để làm thì em bé sẽ tìm cách giải quyết đó là tìm 1 hoạt động để mua vui cho bản thân để được thư giãn, được thoải mái.
Vậy nên cha mẹ hãy xem con đã có những nội dung, những hoạt động thực sự cần thiết nào để học tập và làm việc hay chưa? Nếu chưa thì chúng ta cần định hướng và xây dựng cho con lịch trình phù hợp cũng như lấp thời gian trống của con bằng những hoạt động bổ ích.
Sự thiếu hụt cảm xúc
Điều số ba là về những đứa trẻ thiếu động cơ học tập và tham gia tìm hiểu đến những bộ môn tiêu cực. Bởi vì bên trong đứa trẻ có thể đã có sẵn sự trống vắng về cảm xúc, thiếu vắng sự quan tâm, sự sẻ chia. Thời gian mà cha mẹ dành cho con không đủ nhiều so với nhu cầu của đứa trẻ nên con cảm thấy trống rỗng, chẳng có việc gì để làm, không có ai để tâm sự và cũng chẳng ai hiểu được cái khó của mình. Đứa trẻ cũng cảm thấy là ở với cha mẹ thật là khó, làm gì để cha mẹ hài lòng đây? Không làm thì bị nói là lười, làm sai thì bị mắng.
Bởi vì khi con càng lớn thì kỳ vọng của cha mẹ cũng càng cao hơn. Cha mẹ kỳ vọng vào con rất nhiều khiến con không đáp ứng được, con cứ chạy theo cha mẹ mãi. Và 1 lúc nào đó, đứa trẻ cảm thấy mệt và cảm thấy mình không được ghi nhận dù đã nỗ lực cố gắng. Điều đó khiến cho đứa trẻ bị mắc kẹt và khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa dần. Đứa trẻ cảm thấy chơi vơi, trống vắng, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Và nếu như lúc đó không có TV, điện thoại, game để giải trí thì làm sao đứa trẻ có thể sinh tồn tại ngôi nhà của mình được.
Chẳng biết làm gì, làm sao để cha mẹ vừa lòng và học tập thì lại quá khó nên tốt nhất là hãy ngồi khuất tầm nhìn của cha mẹ để đơc bị cha mẹ mắng mỏ. Như vậy cũng có thể giảm bớt thời gian kết nối với cha mẹ, đỡ phải nghe những bài giảng và có thể là những lời so sánh. Điều đó lại càng làm cho con bị tổn thương. Vậy chúng ta phải quay lại để ý xem môi trường, bối cảnh con sống đã có điều gì khiến cho con mình mất động lực học tập học tập.
Không có mục tiêu
Điều thứ 4 là điều vô cùng quan trọng khiến cho con người mất động lực học tập và làm việc nói chung và khiến cho con chúng ta nói riêng bị mất động lực học tập và không có mục đích trong cuộc sống, không có định hướng. Đó chính là vì con của chúng ta không có ước mơ hay không có mục tiêu, tầm nhìn cho tương lai. Chúng ta chưa dạy con về ước mơ cuộc đời và đôi khi chính cha mẹ lại phủ nhận ước mơ của đứa trẻ đó là viển vông, vớ vẩn. Chính điều đó đã giết chết ước mơ của con bởi vì nhận định cá nhân của chúng ta khiến cho đứa trẻ cảm thấy những mơ ước của nó là không đáng tin. Vậy nên có những đứa trẻ lúc đầu tiên sinh ra nó có rất nhiều mơ ước nhưng rồi cuối cùng nó đã không dám mơ ước nữa.
Vậy nên chúng ta hãy dành thời gian chia sẻ cùng con, cho con có bối cảnh để con thực hiện thêm những định hướng những điều mà con cần phải nhìn tới, cho con có cơ hội và thời gian để tiếp cận với những ngành nghề, để con tăng thêm mơ ước, cho con bối cảnh để con thực hiện thêm những ước mơ của mình, cho con được phép sai để con được phép học và sửa sai.
Tiếp theo là hãy tìm hiểu xem con có vấn đề khó khăn gì trong học tập để chúng ta tìm hướng giải quyết cho con. Để con được học thứ con thích và và được khơi gợi hướng dẫn để hiểu hơn và điều đó. Cha mẹ cũng có thể hãy tìm 1 công việc, 1 bối cảnh nào đó đồng hành cùng con giải quyết nhiệm vụ để con cảm thấy mình có ích trong chính gia đình của mình. Đó là những điều mà chúng ta cần phải làm để trở thành những người cha mẹ thông thái, những người cha mẹ tỉnh thức.
Cuối cùng, hãy tách biệt tình yêu ra khỏi điều kiện và hãy buông xả hết những cái biết của mình để lắng nghe con nhiều hơn. Lúc đó, cha mẹ và con cái sẽ có hướng nhìn chung. Và cha mẹ cũng cần buông xả cả công sức của mình. Bởi vì chỉ có vậy thì chúng ta mới bớt những kỳ vọng và đòi hỏi ở con lại. Hãy nói những lời hay ý đẹp để gieo mầm cho những mơ ước, những mục tiêu trong khu vườn tâm trí của con. Và như vậy, con sẽ có nội động lực để biết cách tìm ra 1 điều tích cực nào đó trong cuộc sống, con vui vì những điều mình đã làm được và cảm thấy bản thân mình có giá trị hơn.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com