Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng con có năng lực học tập thấp, chậm tiếp thu kiến thức. Điều đó khiến cho cha mẹ, thầy cô và chính con cũng cảm thấy stress. Vậy để giải quyết được vấn đề này thì hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ về 4 nguyên nhân khiến trẻ chậm tiếp thu kiến thức. 

4 nguyên nhân khiến trẻ chậm tiếp thu kiến thức

  1. Do năng lực 

Nguyên nhân đầu tiên có thể là do năng lực của con. Con thuộc nhóm trẻ khó khăn trong tiếp nhận kiến thức. IQ là chỉ số năng lực học tập và tiếp thu thông tin. Với những trẻ được sinh ra với chỉ số IQ dưới 80 thì năng lực tiếp thu của các con thuộc nhóm tiếp thu chậm. Con có thể gặp khó khăn trong khả năng ghi nhớ thông tin, kiến thức, khó khăn trong phân tích logic, lập luận các vấn đề. Con cũng có thể bị giảm chú ý, gặp khó khăn trong việc hồi tưởng hoặc tưởng tượng các kí tự, biểu tượng. Và như vậy, con thường gặp khó khăn và có thành tích học tập kém ở môn Toán và các môn liên quan đến ngôn ngữ. 

Với những em bé này thì chúng ta phải phân nhỏ các bài tập và hỗ trợ con thật sự kiên trì, đều đặn và đủ thời gian. Cha mẹ cần phải tách những kiến thức phù hợp với năng lực của con. Chúng ta không thể bắt 1 bạn có năng lực tiếp thu chậm làm những bài toán nâng cao hay những bài văn đòi hỏi khả năng tưởng tượng cao. Vậy muốn con làm được bài khó thì chúng ta phải đi từ bài dễ và phải đồng hành 1 cách kiên trì. 

  1. Do hoàn cảnh gia đình

Nguyên nhân thứ 2 là một nguyên nhân hết sức khách quan. Đó là những đứa trẻ sinh ra trong môi trường gia đình khó khăn về kinh tế hay về các mối quan hệ của mọi người trong gia đình hay những hoàn cảnh đặc biệt khác. Vì vậy, các em không có mọi điều kiện tốt nhất cho việc đến trường. Chính vì thế, việc học tập và tiếp cận thông tin, kiến thức của các em bị bập bõm, ngắt quãng. Và nó dẫn đến thiếu hụt ngoại động lực đưa vào trong các em để các em nỗ lực đến cùng để khắc phục khó khăn. 

Đôi khi, có những khó khăn không thể khắc phục được. Điều đó dẫn đến việc là nhóm đối tượng này rất khó có thể quay trở lại trường học và học một cách thực sự đều đặn để có được kết quả tốt. Đây là nhóm khó giải quyết bởi vì nó sẽ cần có sự tham gia của xã hội, của nhà trường và rất nhiều nhà hảo tâm để có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học tập. 

  1. Do stress

Nguyên nhân thứ 3 đó là các em có thể bị stress quá nhiều. Trong cuộc sống hiện nay, mỗi người có thể mang rất nhiều vai trò. Sự phát triển nhanh chóng của xã hội khiến con bị stress bởi cả những áp lực trong cuộc sống, những kỳ vọng của cha mẹ, những vấn đề trong quan hệ giao tiếp với cha mẹ, bạn bè, thầy cô, … Ví dụ như con không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, con có lịch trình học tập rất dày chẳng hạn. Hoặc là kiến thức quá nhiều, con khó có thể điều chỉnh thời gian để ôn bài, để học thêm các kỹ năng mà cha mẹ đăng ký, … Tất cả những điều đó đều tạo ra stress cho con. 

Khi con đã stress rồi thì bộ não của con luôn trong trạng thái căng thẳng. Nó sẽ làm giảm quá trình sinh ra các hormone khiến cho con người ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu và hạnh phúc như serotonin và oxytocin, hay dopamine – hormone giảm đau tự nhiên. Lúc đó con sẽ bị giảm khả năng chú ý, khả năng ghi nhớ, năng lực phân tích tổng hợp cũng như là giảm khả năng hồi tưởng hoặc tưởng tượng. Đó là lúc khiến cho con mình lơ đãng. Con có thể khó ăn, khó ngủ hoặc ăn quá nhiều, ngủ li bì. Có những đứa trẻ sẽ rơi vào trạng thái rất khó có thể điều chỉnh và vận hành cuộc sống 1 cách tích cực được. 

Kết quả là thành tích học tập của con sẽ bị yếu, con khó có thể đạt được điểm cao trong kỳ thi. Sau đó, con có thể tiếp tục bị stress trong việc thông báo kết quả học tập với cha mẹ hoặc stress với chính bản thân mình vì áp lực đồng trang lứa. Khi stress tăng lên thì nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vận hành não bộ và cơ thể con người. Nó lại tiếp tục gây ra những khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, giảm khả năng tập trung và kéo theo hệ quả là kết quả học tập sụt giảm. Và nó lại tác động vào khiến con tăng sinh stress dẫn tới 1 vòng luẩn quẩn là con không thể tìm ra được giải pháp để học hoặc tiếp nhận thông tin hiệu quả hơn. 

Nhóm trẻ này thường bị rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc, có thể bị trầm cảm, rối loạn lo âu, chống đối xã hội,… Các con sẽ có rất nhiều biểu hiện về rối loạn tâm lý. Như vậy, cha mẹ cần phải thực sự chú ý và quan tâm cũng như là kết nối cùng con. 

  1. Do lượng kiến thức tăng lên

Nguyên nhân thứ 4 đó là lượng kiến thức ngày càng tăng. Việc học tập phân theo từng nhóm lớp: nhóm chất lượng cao, nhóm bình thường, hệ quốc tế,… Các hệ khác nhau sẽ có những phân loại về học sinh khác nhau. Khi kiến thức tăng lên, con không nắm được kiến thức mới thì con sẽ không theo kịp được các bạn ở lớp. 

Ví dụ, 1 bạn học sinh tiểu học không nắm được kiến thức toán lớp 4 thì khi lên cao hơn, con sẽ rất khó có thể học được kiến thức toán lớp 5, lớp 6, lớp 7, … Chính vì thế khi con đã bị hổng kiến thức ở dưới thì con rất khó để có thể tiếp thu được kiến thức ở các lớp trên. Vì thế nên con sẽ bị mất động lực học tập. Khi con không thể tìm được cách để giải quyết bài tập của mình thì các con sẽ cố gắng tìm các hoạt động khác để thay thế như chơi game, xem TV, đi chơi để tiêu khiển thời gian thừa và giải quyết các vấn đề về nhu cầu kết nối.

Lưu ý cho cha mẹ

Những nghiên cứu về khoa học thần kinh cho biết chỉ số IQ chỉ chiếm 5% trí tuệ. Con người có thể thành công được là nhờ tổng hòa bởi rất nhiều trí thông minh: thông minh ngôn ngữ, thông minh nội tâm, thông minh không gian, thông minh hội họa, thông minh giao tiếp, thông minh vận động, … 

Ví dụ như 1 đứa trẻ học không tốt môn Ngữ văn nhưng em ấy lại có năng lực về vận động tốt và sau này vẫn có thể trở thành 1 cầu thủ bóng đá giỏi. Vậy nên, nếu con của chúng ta chưa có khả năng tiếp thu thông tin về 1 môn nào đó hay chưa có hành tích học tập tốt thì không có nghĩa rằng con sẽ không có 1 tương lai tốt. Là những người làm cha làm mẹ, chúng ta phải nhìn được nguyên nhân con chậm tiếp thu kiến thức nó nằm trong nhóm nguyên nhân nào, từ đó tìm ra giải pháp cho vấn đề của con. 

Chúng ta sẽ giúp con học tập theo phương pháp là nhìn vào những điều tích cực của con. Cha mẹ cần tạo môi trường thuận lợi nhất để quan sát được ưu điểm của đứa trẻ cũng như là giúp con phát triển thế mạnh, từ đó xây dựng được giá trị bên trong con. Cho con nhìn được ước mơ của mình và xây dựng cho con 1 tầm nhìn lớn thì nội động lực của đứa trẻ sẽ được tăng lên. Trẻ sẽ dần chủ động học tập và có thể giải quyết được khó khăn của mình với những môn học trên lớp, tiếp thu được những thông tin 1 cách tích cực và có ứng dụng trong cuộc sống. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *