Cảm xúc của con người là vô cùng quan trọng. Khi chúng ta ổn định và phát triển cảm xúc tốt nhất cũng là lúc chúng ta có những sự phát triển trong cuộc sống và trong công việc, sự nghiệp của mình. Chính vì vậy, là những người cha mẹ chúng ta cần phải luôn quan tâm tới cảm xúc của con. Vậy hôm nay, hãy cùng Cô Huyên khám phá 4 phong cách giáo dục cảm xúc mà các cha mẹ thường sử dụng khi dạy con nhé.

  1. Coi nhẹ cảm xúc 

Đó phong cách giáo dục dành cho những người làm cha mẹ khi đứng trước các vấn đề của con liên quan tới cảm xúc ví dụ như con cáu giận, con khóc, con lo lắng, … thì chúng ta có xu hướng cảm thấy rắc rối và bị làm phiền. Chính vì thế chúng ta sẽ có những đáp ứng rất qua loa như là: “Có vậy mà cũng khóc”, … Chúng ta đang cố vỗ về con bỏ qua cảm xúc hiện tại con đang có. Nhưng khi chúng ta phản hồi như vậy cũng là lúc con cảm thấy nghi ngờ cảm xúc của mình, không còn tin vào bản thân mình. Và điều đó không tốt cho hành trình phát triển của con.  

  1. Phản đối cảm xúc 

Đó là phong cách giáo dục của những người cha mẹ kiểm soát con rất nhiều. Chúng ta cảm thấy những vấn đề của con hay cảm xúc mà con thể hiện là không thể chấp nhận được, không nên xảy ra hoặc nó quá làm phiền cha mẹ. Và chúng ta sẽ phản đối là con không nên tức giận như thế, con ứng xử như vậy là không được. Chẳng hạn như: “Con im ngay, con không được khóc” hay là “Mẹ đã bảo với con rồi, con không tin mẹ, giờ con bị như vậy con phải tự chịu”. 

Tất cả những điều chúng ta nói với con như vậy chỉ để ngăn chặn cảm xúc xấu của con. Nhưng lập tức đứa trẻ sẽ cảm thấy bản thân mình không được thấu hiểu, cảm xúc của mình không được ghi nhận và đứa trẻ sẽ stress, căng thẳng hơn, bức xúc hơn. Dần dần trẻ sẽ né tránh không chia sẻ với cha mẹ nữa. Và khi con cứ dồn nén cảm xúc lại thì nó sẽ tích tụ bên trong con, đến một ngày nó sẽ bùng phát làm cho những cơn giận, sự hoảng loạn ở lần tiếp theo mạnh hơn rất nhiều so với cảm xúc lần đầu tiên. Lúc đó thì cha mẹ và ngay cả chính đứa trẻ sẽ không kiểm soát được hậu quả. 

  1. Tự do cảm xúc 

Đó là phong cách giáo dục của những người cha mẹ chúng ta tôn trọng cảm xúc của con, chúng ta cho con tự do thoải mái thể hiện cảm xúc của mình. Con muốn khóc vì con buồn thì con cứ khóc, con vui thì con cứ cười. Hoặc khi con muốn một thứ gì đó thì cha mẹ sẽ dễ dàng đáp ứng. Ví dụ như con muốn một cái điện thoại để cảm thấy vui và hạnh phúc hơn thì cha mẹ sẽ đáp ứng. Hay đôi khi đứa trẻ cảm thấy tức giận thì chúng ta có thể mua chuộc con bằng đồ vật nào đó mà con thích để cho con cảm giác thoải mái và cảm xúc tích cực. 

Những đứa trẻ này khi lớn lên thường cảm thấy được tôn trọng và con sẽ thể hiện mọi cảm xúc bên trong ra. Con sẽ là những đứa trẻ hoạt bát, vui vẻ. Tuy nhiên, do được nuôi dạy trong tự do cảm xúc nên đứa trẻ có thể vượt ngoài quy định, nhiều khi không đi theo nguyên tắc, khuôn khổ, nội quy nào. Đứa trẻ thể hiện cảm xúc thoải mái nhưng không nhận thức được điều đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến những người xung quanh. Điều này không tốt cho trẻ. Bởi vì trong tương lai chúng ta cần phải kiểm soát những mong muốn, những sở thích của bản thân, đôi khi cần đặt tính cộng đồng tập thể lên trên tính cá nhân để có thể làm việc cùng đội nhóm và kết nối với mọi người xung quanh. 

  1. Huấn luyện cảm xúc 

Đây chính là phong cách giáo dục đã được sử dụng và trị liệu cho rất nhiều trẻ em, hướng dẫn cho rất nhiều cha mẹ để hỗ trợ các con đạt được những thành tựu to lớn. Để các con có thể cân bằng cảm xúc, thấu hiểu bản thân và cân bằng hành vi ứng xử, giao tiếp với những người xung quanh. 

Với phong cách này thì cha mẹ là những người luôn lắng nghe con cái. Ngoài ra họ còn là những người có khả năng quan sát rất tinh tế, họ quan sát tất cả những biểu hiện bên ngoài của con thông qua đa giác quan để phát hiện những vấn đề của con. Sau đó họ sẽ đặt ra những câu hỏi để khởi xướng sự quan tâm của họ ví dụ như là hôm nay đã có chuyện gì khiến con không vui? Hình như đã có điều gì xảy ra khiến cho con trăn trở, suy nghĩ đúng không? Hay con đang thất vọng về điều gì đúng không? Con có thể chia sẻ cho bố mẹ được không? Họ đặt ra những câu hỏi để đứa trẻ có cơ hội được sẻ chia những câu chuyện và tâm sự của bản thân. 

Khi con chia sẻ thì họ lắng nghe một cách chủ động tức là họ đặt ra những câu hỏi gợi ý để thấu hiểu con hơn. Họ không phán xét, không dạy dỗ, không khuyên bảo, không ép đứa trẻ phải nghĩ theo cách của cha mẹ và cũng không đưa ra bắt kỳ lời bình nào ở góc độ cá nhân. Họ thường sử dụng các câu nói như là: “Ở tuổi của con mẹ cũng từng có nỗi buồn giống con” hoặc “Nếu mẹ đứng ở vị trí của con lúc đó thì chắc chắn là mẹ cũng có tâm trạng như con bây giờ”

Như vậy con sẽ cảm thấy được đồng cảm, được thấu hiểu. Và quan trọng nhất là sau đó chính phụ huynh là người giúp con bóc đi từng lớp vấn đề, họ khơi gợi và giúp con đi đúng hướng để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề và tìm ra bài học cho những lần tiếp theo. Đó chính là cách cha mẹ có thể kết nối được với con của mình. Con vừa cảm thấy cảm xúc của mình được tôn trọng vừa học được những kỹ năng cần thiết.

Vì vậy các cha mẹ hãy sử dụng phong cách giáo dục huấn luyện cảm xúc, chúng ta sẽ là người bạn của con trước khi trở thành những người cha mẹ của con. Bởi vì khi chúng ta là bạn của con thì chúng ta thì chúng ta sẽ luôn được đón nhận những câu chuyện tuyệt vời từ con, kết nối với con tốt hơn và chúng ta cũng sẽ học được các kỹ năng để chính bản thân mình trưởng thành. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *